Mỹ: Chính quyền New York chấp thuận kế hoạch thu phí tắc đường ô tô
New York đã được chính quyền liên bang chấp thuận cho triển khai kế hoạch thu phí cầu đường giảm tắc nghẽn đối với những xe ô tô đi vào khu trung tâm Manhattan
Thành phố New York muốn giảm lượng khí thải, giải quyết tắc nghẽn và tăng cường đầu tư cho phương tiện công cộng bằng cách thu phí xe vào khu vực trung tâm. Đây là bước khởi đầu cho những thành phố không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới tìm giải pháp giảm ùn tắc, ô nhiễm không khí.
Tình trạng tắc đường nghiêm trọng
Mỗi ngày có 700.000 ô tô, taxi và xe tải đổ về Hạ Manhattan, một trong những khu vực nhộn nhịp nhất thế giới với một số tình trạng tắc nghẽn tồi tệ nhất ở Mỹ.
Xe ô tô di chuyển với tốc độ trung bình chỉ 11,5 km/giờ trong vùng tắc nghẽn và đang có xu hướng giảm. Tốc độ xe buýt công cộng cũng đã giảm 28% kể từ năm 2010.
Người dân New York trung bình mất 117 giờ mỗi năm khi tham gia giao thông, khiến họ mất gần 2.000 USD năng suất và các chi phí khác, theo một ước tính.
Sự tắc nghẽn cũng đi kèm với các chi phí vật chất và xã hội: nhiều tai nạn, khí thải carbon và ô nhiễm xảy ra khi ô tô xả khí thải, bấm còi lấn chiếm không gian dành cho người đi bộ và ăn uống ngoài trời.
Giải pháp hữu hiệu
Phí cầu đường chính thức được gọi là Chương trình Thu phí khu trung tâm thương mại - nhưng nó thường được gọi là "phí tắc nghẽn" hay “định giá tắc nghẽn”. Mức tính phí phương tiện từ 9 - 23 USD trong giờ cao điểm và nó sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2024.
Chương trình đã đưa Thành phố New York vào danh sách những thành phố đầu tiên trên thế giới bao gồm London (Anh), Singapore và Stockholm (Thuỵ Điển) triển khai các chương trình thu phí tương tự cho các khu trung tâm đông đúc.
Việc thu phí được thiết kế để giảm số lượng phương tiện đi vào khu vực tắc nghẽn ít nhất 10% mỗi ngày và giảm 5% số dặm ô tô di chuyển trong khu vực.
Theo một trong số các đề xuất thu phí đang được cân nhắc, các tài xế có thể bị tính phí tới 23 USD/ngày khi đi vào Manhattan bằng Đường 60 phía Nam. Số tiền phí được Cơ quan Giao thông Vận tải Đô thị (MTA) quyết định.
Người phát ngôn của Thống đốc New York Kathy Hochul cho biết kế hoạch thu phí tắc nghẽn đã vượt qua rào cản liên bang cuối cùng sau khi được Cơ quan Quản lý Đường cao tốc Liên bang (FHWA) phê duyệt.
MTA cho biết thêm mức phí có thể có hiệu lực trong vòng 10 tháng sau khi được phê duyệt. Khoảng thời gian chờ đợi sẽ được dành cho công tác thiết kế và triển khai hệ thống.
Các khoản phí cầu đường mới dự kiến thu được thêm 1 tỷ USD hàng năm. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho khoản vay để nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và đường sắt đi lại trong tương lai do MTA vận hành, nhằm hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng 100 năm tuổi của thành phố.
Ngoài ra, MTA cam kết 10 triệu đô la để lắp đặt các thiết bị lọc không khí ở các trường học gần đường cao tốc, 20 triệu đô la cho chương trình chống lại bệnh hen suyễn và các khoản đầu tư khác để cải thiện chất lượng không khí và môi trường ở những khu vực có nhiều phương tiện giao thông hơn.
Trước đó, vào năm 2019, cơ quan lập pháp tiểu bang đã phê duyệt một kế hoạch về thu phí tắc nghẽn vào năm 2019, nhưng đại dịch COVID-19 kết hợp với việc thiếu hướng dẫn từ các cơ quan quản lý liên bang đã khiến dự án bị đình trệ.
Kế hoạch đã bị các quan chức ở bang New Jersey lân cận phản đối gay gắt do đây là bang mà nhiều người thường xuyên đến Manhattan bằng ô tô. Các tài xế taxi và dịch vụ xe hơi cũng phản đối, cho rằng quy định mới sẽ khiến chi phí cầu đường tăng đến mức không thể chấp nhận được. MTA đã đưara một số đề xuất “xoa dịu” dư luận, bao gồm giới hạn phí cầu đường đối với taxi và các phương tiện cho thuê khác.
Với mức phí mà người lái xe phải trả lên tới 23 USD/ngày, số lượng ô tô tham gia giao thông tại quận Manhattan dự kiến giảm 15-20%. Nếu chính sách được ban hành, thành phố New York - nơi có giao thông tắc nghẽn nhất ở Mỹ - sẽ trở thành thành phố lớn đầu tiên của Mỹ áp dụng trả phí đi lại kiểu này đối với xe ô tô.
Cải thiện giao thông công cộng cũng là chìa khóa để phục hồi kinh tế sau đại dịch của New York. Nếu việc di chuyển đến nơi làm việc quá khó khăn, mọi người sẽ ít có khả năng đến văn phòng và mua sắm tại các cửa hàng xung quanh nơi làm việc của họ.
Những người ủng hộ thu phí tắc nghẽn hy vọng chương trình sẽ tạo ra nhiều không gian hơn cho các tiện ích như vỉa hè rộng hơn, làn đường dành cho xe đạp, quảng trường, ghế dài, cây xanh và phòng tắm công cộng.
Trong khi không có thành phố nào khác của Mỹ thực hiện phí tắc nghẽn, thì Stockholm, London và Singapore đã áp dụng nó trong nhiều năm. Những thành phố nói trên đã báo cáo những lợi ích về việc sử dụng phí tắc nghẽn như giảm ô nhiễm carbon dioxide, tốc độ lưu thông xe cộ trung bình cao hơn và giảm tắc nghẽn.
Vào năm 2023, chỉ một năm sau khi London bổ sung phí này, tắc nghẽn giao thông đã giảm 30% và tốc độ trung bình tăng theo tỷ lệ tương tự. Ở Stockholm, một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ em bị hen suyễn cấp tính đến gặp bác sĩ đã giảm khoảng 50% so với tỷ lệ trước khi chương trình được triển khai vào năm 2007.
Nếu thành công, chương trình thu phí vào khu vực trung tâm New York có thể là một mô hình cho các thành phố khác của Mỹ, những thành phố đang cố gắng phục hồi sau đại dịch và đối mặt với những thách thức tương tự về biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng công cộng cũ kỹ. Phí thu vào khu vực trung tâm New York dự kiến sẽ tạo ra 1 tỷ đô la cho giao thông công cộng hằng năm, số tiền rất cần thiết cho các tuyến tàu điện ngầm, xe buýt và đường sắt đi lại của thành phố.