Chủ nhật, 28/04/2024 20:20 (GMT+7)

Nâng chất lượng nhân lực lĩnh vực thiết bị lạnh và điều hòa không khí

MTĐT -  Thứ bảy, 24/06/2023 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 23/6, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo kỹ thuật viên trong lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hoà không khí”.

Hội thảo có sự tham gia của khoảng 100 đại biểu, là đại diện lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội Khoa học kĩ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh, Trường Cơ khí thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, các hội/chi hội điện tử & điện lạnh của các địa phương; các giảng viên nguồn thuộc các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề điện lạnh; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị lạnh và điều hoà không khí.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II), do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện. Mục tiêu nhằm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (HCFC-22, HCFC-141b trộn sẵn trong polyol) trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, làm lạnh, sản xuất xốp và dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh, điều hòa không khí theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.

Theo số liệu từ cơ quan quản lý, lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hoà không khí hiện đang chiếm tỷ trọng tiêu thụ các chất được kiểm soát ngày càng gia tăng, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hành không tốt trong lắp đặt, vận hành, bảo trì thiết bị dẫn tới lượng rò rỉ lớn. Do vậy, hoạt động đào tạo là một trong những trọng tâm của Dự án HPMP II.

Từ năm 2018 đến nay, Ban quản lý Dự án HPMP II đã phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hoà không khí Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt-Lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) và các Hội, chi hội điện tử & điện lạnh của các địa phương tổ chức thành công 40 khoá tập huấn kỹ thuật viên đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, thông qua mạng lưới giảng viên nguồn tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề, Ban quản lý dự án đã phối hợp tổ chức 55 khóa tập huấn cho kỹ thuật viên trên phạm vi 12 tỉnh, thành phố.

Theo bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, một số kết quả chính đã vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trên phạm vi toàn quốc, dự án đã đào tạo, tập huấn gần 200 giảng viên nguồn về Nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí; 3.018 kỹ thuật viên về Các nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí.

Bên cạnh đó, dự án cũng đào tạo hơn 200 kỹ thuật viên thuộc các trạm bảo hành của Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nagakawa về Các nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí; đào tạo bổ sung 194 kỹ thuật viên của Công ty Daikin về thu hồi môi chất lạnh.

anh-4(2).jpg
Đông đảo giảng viên các viện/trường, đại diện các hội/chi hội điện tử & điện lạnh của các địa phương; đại diện doanh nghiệp tham dự hội thảo

Qua các khoá tập huấn, các kỹ thuật viên được trang bị kỹ năng cơ bản làm việc với môi chất lạnh thế hệ mới, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của kỹ thuật viên trong bảo vệ tầng ô-dôn, hạn chế phát thải các chất bị quản lý ra môi trường trong quá trình lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hoà không khí. Đặc biệt, các giảng viên đã chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm thực tế để phòng tránh một số nguy cơ mất an toàn trong lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí như nén thử kín bằng oxy, nguy cơ nổ diesel trong máy nén lạnh và dùng máy nén lạnh làm máy nén khí.

Theo TS. Tạ Quang Ngọc - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, quá trình triển khai dự án HPMP II, Khoa năng lượng Nhiệt, Trường Cơ Khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã xây dựng được chương trình tập huấn phù hợp nhất, lựa chọn và huy động các phương tiện kỹ thuật thích ứng và sẵn có để mở các lớp tập huấn ngắn ngày tại nhiều địa phương. Nhu cầu thực tiễn rất lớn, thể hiện qua sự hưởng ứng của các cơ sở bảo dưỡng, lắp đặt, sửa chữa và các học viên.

Hiệu quả từ công tác đào tạo giúp nâng cao hiệu quả làm lạnh, đồng thời, góp phần giảm phát thải các loại môi chất lạnh gây suy giảm tầng ô-dôn tại Việt Nam, đóng góp cho các cam kết quốc tế của Việt Nam trên lộ trình loại bỏ các môi chất này và phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 - TS. Tạ Quang Ngọc nhấn mạnh.

Về các quy định chính sách, theo bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn, Điều 28 Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định chủ sở hữu thiết bị có chứa chất được kiểm soát bắt buộc thu hồi các chất này từ ngày 1/1/2024. Nghị định khuyến khích tái chế, tái sử dụng sau khi thu hồi; trường hợp không tái chế, tái sử dụng được, thực hiện tiêu hủy.

Đối với kỹ thuật viên, từ ngày 1/1/2024, kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp. Nếu không có, họ phải tham gia và hoàn thành khóa đào tạo về thu gom và xử lý các chất được kiểm soát do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Hiện nay, Bộ TN&MT hiện đang lấy ý kiến các bên về Quy chuẩn kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát, dự kiến ban hành trong tháng 10/2023.

Trong giai đoạn 2024 – 2030, Cục BĐKH phối hợp Ngân hàng Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc triển khai dự kiến triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn III; Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HFC của Việt Nam giai đoạn I. Một trong những hoạt động trọng tâm là phối hợp cùng cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp; các hội/hiệp hội, viện/trường phổ biến quy định chính sách, đào tạo cán bộ kỹ thuật... trong lĩnh vực này.

z4457737213926_a75780879c6dbc665d22977ca5603159(1).jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Cục trưởng Mai Kim Liên nhận định, sự gia tăng lượng tiêu thụ nhanh chóng của các chất đặt ra rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng nghĩa vụ tuân thủ của quốc gia. Từ năm 2024 không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC so với mức trung bình 03 năm 2020, 2021 và 2022; từ năm 2025 lượng tiêu thụ các chất HCFC giảm còn một nửa so với hiện nay. Do vậy, hoạt động phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức và tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên cần được tiếp tục đẩy mạnh để hạn chế sự rò rỉ, thất thoát ra môi trường, đảm bảo sự an toàn trong quá trình sử dụng là hết sức cần thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động đào tạo thuộc Dự án HPMP II, cùng với nhu cầu đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết Nâng chất lượng nhân lực lĩnh vực thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TNMT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.