Thứ bảy, 27/04/2024 17:46 (GMT+7)

Nguồn lực phát triển Kinh tế - Xã hội vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang

MTĐT -  Thứ tư, 20/12/2023 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn cuả “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là tỉnh có thế mạnh ba vùng: rừng núi, trung du và đồng bằng.

Bắc Giang là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam, có vị trí thuận lợi, nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng Trung du, Miền núi phía Bắc đến vùng đồng bằng Sông Hồng, thuộc vùng thủ đô Hà Nội, nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn cuả “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là tỉnh có thế mạnh ba vùng: rừng núi, trung du và đồng bằng. Diện tích tự nhiên 3.849 km2; có 09 huyện, 01 thành phố (6 huyện miền núi, 01 huyện vùng cao Sơn Động được đầu tư theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), với 209 xã, phường, thị trấn, 2.132 thôn, bản, tổ dân phố.

tm-img-alt
Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn cuả “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I  thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; toàn tỉnh có 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có: 36 xã khu vực I, 9 xã khu vực II, 28 xã khu vực III với 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Dân số toàn tỉnh 1.803.950 người (số liệu thống kê năm 2019), với 45 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS); dân số người DTTS có 257.258 người, bằng 14,26 % dân số toàn tỉnh, trong đó có 06 DTTS có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng (gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí), Dao) chiếm 97,78%; còn lại 39 thành phần DTTS khác chiếm 2,22% dân số người DTTS. Có 04 huyện đông người DTTS, gồm: Sơn Động 43.317 người, Lục Ngạn 115.758 người; Lục Nam 35.920 người; Yên Thế 32.828 người.

Quy mô hộ gia đình, dân số các dân tộc không đều nhau có từ 3,85 đến 4,5 thành viên, tùy theo từng thành phần dân tộc thiểu số([1]) (bình quân hộ gia đình các dân tộc thiểu số là 4,02 người/hộ; bình quân toàn tỉnh 3,7 người/hộ).

Tỷ lệ tăng trưởng dân số bình quân là người dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2009-2019 là 0,4% (tăng 64.408 người, từ 192.865 người năm 2009 lên 257.273 người năm 2019), do tăng dân số tự nhiên, một số hộ cải chính thành phần dân tộc, số lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương khác đến làm việc tăng mạnh ở các khu công nghiệp.

- Địa bàn cư trú: Các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở những nơi có điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu không thuận lợi, địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt, tạo ra các vùng dân cư, cư trú phân tán, cách biệt, đi lại khó khăn, xa các trung tâm phát triển của xã, huyện. 

- Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu ở 73 xã vùng dân tộc, với 247.753 người, chiếm 96,3% tổng số người dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có một bản sắc, tập tục, sắc thái văn hóa truyền thống riêng, cư trú đan xen giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào miền núi, giữa đồng bào dân tộc Kinh với đồng bào các dân tộc thiểu số tạo thành một cộng đồng đoàn kết, thống nhất.

Về chất lượng dân số: Nhìn chung trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số không đồng đều, khả năng tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận thị trường còn hạn chế, nhất là các thôn, bản có 100% người dân tộc thiểu số.

- Chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn thấp (thể lực nhỏ bé, sức khoẻ yếu); trí lực còn hạn chế (tỷ lệ các cháu học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp cao đẳng, đại học thấp); tâm lực (có lối sống tự nhiên, chưa quen với tác phong công nghiệp, thiếu kỹ năng sống, làm việc và hội nhập).

- Tuổi thọ bình quân các dân tộc thiểu số 72,1 tuổi thấp hơn so bình quân chung cả nước (73,2 tuổi), sự chênh lệch về tuổi thọ bình quân nói lên một phần do điều kiện sống khó khăn, chế độ dinh dưỡng, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế...

- Tình trạng tảo hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn, là những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ và chất lượng dân số dân tộc thiểu số.

- Lực lượng lao động vùng dân tộc có trình độ học vấn và tay nghề thấp so với các vùng khác trong tỉnh. Tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo  thấp 15% (trong đó tỷ lệ BQ chung của tỉnh là 66%), tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số vào làm ở các công ty, doanh nghiệp còn ít (4%).

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi 13,5%;  tỷ suất tử vong trẻ em DTTS dưới 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống 13,5%0; tỷ suất tử vong trẻ em DTTS dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống 17,5%0; tỷ số tử vong mẹ người DTTS/100.000 trẻ sơ sinh sống 46%.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực để đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua triển khai thực hiện các chính sách đã có tác động mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa sâu, rộng, tạo nhiều chuyển biến tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng DTTS không ngừng được cải thiện; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 4%/năm); kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đã được nâng lên, công tác bảo tồn và giữ gìn bản sắc các văn hóa được coi trọng; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, các tổ chức cơ sở đảng, các đoàn thể nhân dân phát huy được vai trò; nhóm các chính sách tạo việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đã hỗ trợ người dân nâng cao cơ hội có việc làm, tham gia thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng đa dạng hóa sinh kế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo góp phần ổn định xã hội.

Các chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế có tác dụng rõ rệt, thành công nhất là chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, người nghèo. Tuy vậy, trình độ phát triển của đồng bào vùng DTTS chưa được thu hẹp, còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của tỉnh, cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

Về lĩnh vực kinh tế:

Cơ cấu kinh tế vùng dân tộc thiểu số chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp, song nông, lâm nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo chiếm trên 70% cơ cấu kinh tế. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế vùng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vùng dân tộc thiểu số vẫn được xác định là nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, sản xuất nông lâm nghiệp, với nhiều vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường như vải thiều, cây có múi, táo lai, na dai, hạt dẻ, dược liệu ba kích, nghệ, trồng rừng sản xuất; chăn nuôi gia súc, gia cầm…đồng thời là khu vực tập trung nhiều giá trị di sản văn hoá là điều kiện để phát triển thương mại và du lịch sinh thái.

tm-img-alt
Đặc sản mì chũ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu

Về cơ sở hạ tầng thiết yếu:

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, đến nay có 99,9% các hộ được sử dụng điện; 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm; tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa 72 %, đường trục thôn, liên thôn 49%, đường ngõ, xóm 40%;  tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương đạt 33,6%; các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được đầu tư đảm bảo tưới tiêu cho 68,2% diện tích trồng lúa nước; tỷ lệ các xã vùng dân tộc có nhà văn hoá xã đạt 69,2%, nhà văn hoá thôn bản đạt 87,7%.

Về tỷ lệ hộ nghèo, sinh kế và điều kiện sống của người dân:

- Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội vùng dân tộc luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện và đạt được những kết quả: không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,2%/năm từ 35,1% năm 2015 xuống còn 8,77% cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân trên 7%/năm (từ 51,6% năm 2015 xuống còn 13,45% năm 2020). Số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm từ 20.320 hộ năm 2015 xuống còn 5.301 hộ, chiếm 36,1 % so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã, thôn ĐBKK. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 5,27% (lệ hộ nghèo 28 xã ĐBKK là 21,9%; tỷ lệ hộ nghèo 73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 9,98%; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 11,93 % và chiếm 31% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo 28 xã đặc biệt khó khăn là 16,8%, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 6.080 người chiếm 30,7% tổng số hộ nghèo của cả tỉnh.

Về giáo dục - đào tạo

Mạng lưới cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số được quy hoạch, sắp xếp  bảo đảm hợp lý, nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, giảng dạy của thầy cô. Các xã vùng dân tộc thiểu số có đủ 3 cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học tương đối cao (Mầm non 74,4%, Tiểu học: 91%, THCS 67,7%, THPT: 64,7%). Các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số có ít nhất 3 trường THPT và 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (trong đó 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và 4 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100%), 4 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS (3/4 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 75%), đã bảo đảm cơ bản nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số.

Phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo công tác tại vùng dân tộc, 100% giáo viên ở các cấp học đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn ngày càng tăng. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2; tỷ lệ học sinh người DTTS thi đỗ vào các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp tăng 3,3% so với năm 2014. Thực hiện tốt các chính sách, đối với cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại ở xã đặc biệt khó khăn, trường dân tộc nội trú, bán trú; chế độ miễn học phí, cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn, ở, cấp gạo và các khoản chi khác cho học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

- Công tác dạy nghề và giới thiệu việc việc làm bước đầu đã đạt được kết quả, trong giai đoạn 2014 -2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 160.960 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 6.575 người (số người dân tộc thiểu số được giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động gần 1.200 người, tăng 308 người so với giai đoạn 2009-2014), tỷ lệ lao động, làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 19% so với năm 2014.

Về y tế và chăm sóc sức khỏe

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phát triển cơ sở y tế đạt được những kết quả tích cực, nhất là các trạm y tế cơ sở, bệnh viện đa khoa huyện Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn (nay là các trung tâm y tế). Mạng lưới khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng phát triển đa dạng, mở rộng và phát triển, quy mô giường bệnh/vạn dân tăng từ 22,2 giường năm 2014 lên 26,6 giường năm 2019. Công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.

Đội ngũ y sỹ, bác sỹ được tăng cường về số lượng và chất lượng, 97,7% trạm Y tế các xã vùng dân tộc, miền núi của tỉnh có bác sỹ, 100% có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh (tăng 1,2% so với năm 2014); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 17%, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%, tuổi thọ bình quân các dân tộc thiểu số 72,1 tuổi. Chất lượng khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã ngày được nâng lên, 100% người dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ xuất sinh của người dân tộc thiểu số còn khá cao 2,38 con/phụ nữ; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi còn cao, tỷ lệ người dân tộc thiểu số sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh còn thấp (trung bình 44,8%).

Về văn hóa - thông tin

Các thiết chế văn hóa được đầu tư, đến nay, trên 95% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có hệ thống đài truyền thanh; 100% số thôn, bản có hệ thống loa, hoặc các cụm loa trong xã nghe được; các thôn, bản của các xã vùng dân tộc có Internet đạt 95%; số hộ gia đình xem được truyền hình đạt 80%.

Việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với xây dựng nông thôn mới được quan tâm phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Số thôn, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số (1/3 hộ là DTTS trở lên) được công nhận làng văn hóa tăng 13,9% so với năm 2003; hộ gia đình dân tộc thiểu số được công nhận gia đình văn hóa, tăng 2,2% so với năm 2003.

Về tôn giáo, tín ngưỡng

Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo luôn được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện, đã hướng dẫn các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Nghi lễ của các tôn giáo hàng năm, các đại hội nhiệm kỳ của tổ chức tôn giáo được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, an toàn, với quy mô ngày càng lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng, như lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Noel của đạo Công giáo, nhiều cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo được các cấp chính quyền tạo điều kiện cho xây dựng, tu sửa khang trang; việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển nơi tu hành của các chức sắc được thực hiện thuận lợi và đúng quy định pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động tuân thủ pháp luật, chấp hành sự quản lý, hướng dẫn của chính quyền. Đại đa số chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với chính quyền từng bước được cải thiện, qua đó, tạo được sự hiểu biết, tôn trọng và đồng thuận trong nhiều công việc chung; tạo điều kiện cho đồng bào các tôn giáo, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

tm-img-alt
Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thuộc thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Đông

Về quốc phòng an ninh

Nhìn chung tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi cơ bản ổn định, không xảy ra mâu thuẫn, xung đột dân tộc, chưa phát hiện kẻ địch xâm nhập hoạt động vào vùng DTTS. Còn xảy ra một số vụ việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Một số tổ chức phi chính phủ (NGO) triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong vùng dân tộc, trong đó có một số tổ chức hoạt động không báo cáo, xin phép cơ quan chức năng, triển khai dự án chậm, hiệu quả thấp, tiếp xúc, làm việc ngoài nội dung, chương trình đăng ký, hoạt động ngoài địa điểm được phê duyệt. Tình hình tội phạm hình sự và các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cờ bạc có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp ở một số địa phương…

Về xây dựng hệ thống chính trị

 Tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong hệ thống chính trị là 3.965 người, chiếm 9 %; trong đó: cán bộ công chức 211 người, tỷ lệ 5,7%; cán bộ công chức cấp xã 713 người, bằng 14,35%; viên chức sự nghiệp 3.042 người, chiếm tỷ lệ 8,58%. Cán bộ lãnh đạo quản lý là người dân tộc thiểu số: cấp tỉnh 34/1154 cán bộ, bằng 2,9%; cấp huyện 79/957 cán bộ, bằng 8,3%; cán bộ chủ chốt cấp xã 151/1198 cán bộ, bằng 12,6%.  Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số của tỉnh, cơ bản đảm bảo theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Hiện nay, có 02 huyện (Sơn Động, Yên Thế) có tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số đảm bảo theo yêu cầu; 03 huyện chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu: huyện Lục Ngạn 21,92/30%, thiếu 8,08%; huyện Lục Nam 5,23/10%, thiếu 4,77%; huyện Lạng Giang 2,02/5%, thiếu 2,98%.

Về xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường sinh thái vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc có nhiều đổi mới, khang trang sạch đẹp hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng lên nhất là đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, thu nhập không ngừng được cải thiện và nâng lên góp phần vào phát triển kinh tế xã hội. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 27/73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 37%.

tm-img-alt
Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: baobacgiang.com.vn

Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, nhất là trong những năm gần đây, khi quá trình phát triển đã gây ra các vấn đề về môi trường. Thực hiện tốt các Nghị quyết, văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ môi trong đó yêu cầu tập trung giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn. Qua việc triển khai thực hiện các văn bản về công tác bảo vệ môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành và nhân dân, công tác quản lý nhà nước về môi trường được nâng lên.

Việc khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn được gắn với việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Các xã đã quy hoạch và đang đầu tư các bãi thu gom, tập kết rác thải, đầu tư các lò đốt rác để từng bước khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường.

Các chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

- Giai đoạn 2016-2020, Bắc Giang triển khai trên 63 chính sách của Trung ương và địa phương, trong đó chính sách do Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành 10 nhóm chính sách (02 chương trình mục tiêu quốc gia; theo lĩnh vực, ngành 56 chính sách; địa phương ban hành 5 chính sách) với tổng nguồn lực gần 10.000 tỷ đồng, bao phủ toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và và đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua triển khai thực hiện các chính sách đã có tác động mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa sâu, rộng, tạo nhiều chuyển biến tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; nhóm các chính sách tạo việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đã hỗ trợ người dân nâng cao cơ hội tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng đa dạng hóa sinh kế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định xã hội. Các chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế có tác dụng rõ rệt, thành công nhất là chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, người nghèo.

tm-img-alt
Ngoài những chính sách trung ương, tỉnh Bắc Giang ban hành nhiều chính sách riêng hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Giai đoạn 2021-2030, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện ban hành nhiều chủ trương chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Kết luận số 65-KL/TW; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới; chính sách bảo hiểm y tế…

Ngoài những chính sách trung ương, tỉnh Bắc Giang ban hành nhiều chính sách riêng hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng 65 công trình ngầm dân sinh, 8 công trình cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS với tổng mức vốn đầu tư 150 tỷ đồng, nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2022-2025[2]; Hỗ trợ kinh phí tổ chức nuôi dưỡng học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở và trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Bắc Giang[3], cụ thể: Hỗ trợ thêm 30% mức lương cơ sở/học sinh ở bán trú/tháng; hỗ trợ thêm 20% mức lương cơ sở/học sinh ở nội trú/tháng; Hỗ trợ học sinh, sinh viên tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng là người dân tộc thiểu số mức hỗ trợ 400.000đồng/1 học sinh, sinh viên/tháng[4].

Với những thành tựu phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số trong thời gian qua, so với khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc và so với bình quân chung cả nước đã được nâng lên đáng kể. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa: vải thiều, các loài cây có múi, táo lai, na dai, hạt dẻ, dược liệu ba kích, nghệ, trồng rừng sản xuất; chăn nuôi gia súc, gia cầm..., đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo.

Vùng dân tộc thiểu số có tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh. Có dân số đông, là thị trường rộng lớn; tỷ lệ dân số trong độ tuổi đông, lực lượng lao động dồi dào, cùng với việc quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề nên chất lượng nhân lực ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội, vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả tỉnh, cụ thể:

- Dịch vụ chậm phát triển, cơ cấu kinh tế lạc hậu và chuyển dịch chậm so với các vùng khác trong tỉnh; các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất ra chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Chưa phát triển được mô hình sản xuất quy mô lớn, năng suất, chất lượng hạn chế, sản lượng nông sản được chế biến thấp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn yếu.

- Nhu cầu về đầu tư xây dựng CSHT thiết yếu trên địa bàn vẫn còn rất lớn. Kết cấu hạ tầng nhiều nơi còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế, đời sống dân sinh, nhất là giao thông, thuỷ lợi.

- Vùng đồng bào DTTS và người dân tộc thiểu số đã và đang là “lõi nghèo của tỉnh”: Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS bằng 1∕4 so với bình quân thu nhập của tỉnh; Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và đồng bào các dân tộc thiểu số cao hơn 2,6 lần so với bình quân chung cả tỉnh; đồng bào các DTTS được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức thấp so với bình quân chung của tỉnh và cả nước.

- Một số vấn đề bức xúc trong đời sống của đồng bào DTTS như:  việc làm, đất sản xuất, nước sinh hoạt... giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn.

- Chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh,  mức độ tiếp cận các dịch vụ còn ít, cùng với quá trình phát triển kinh tế, di dịch cư, mặt trái cơ chế thị trường đã làm tăng nguy cơ mai một bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.

- Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, các dân tộc thiểu số chậm phát triển, khoảng cách giàu - nghèo, chênh lệch phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác trong tỉnh, giữa các thành phần dân tộc ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc dần mai một, trình độ dân trí không đồng đều, dễ bị các thế lực lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, kích động gây mất trật tự an ninh.

Để nâng cao nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Đề nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, chính sách đối với người dân tộc thiểu số (sửa đổi Nghị định số 05/2021/NĐ-CP của Chính phủ); tạo hành lang pháp lý để các địa phương tăng mức đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, trồng rừng gỗ lớn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phất triển du lịch....

Phát triển công nghiệp – xây dựng nhằm tạo động lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa bảo đảm sức cạnh tranh trên thị trường; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, công nghiệp tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, các nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống ở nông thôn có lợi thế, giải quyết nhiều lao động.

Khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các dân tộc để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch lịch sử - văn hóa , phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương ở vùng DTTS. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh và các dịch vụ đi kèm.

Tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã ĐBKK, các thôn, bản ĐBKK và đường giao thông kết nối với các xã trong tỉnh và xã giáp ranh ngoài tỉnh; chú trọng cứng hóa đường đến trung tâm xã và đường trục thôn, bản, công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, công trình nước sinh hoạt nông thôn.

Mở rộng quy mô các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ tại vùng dân tộc.

Đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục chuyên biệt (Trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường phổ thông dân tộc bán trú) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy chuyển biến mạnh mẽ trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo sự bình đẳng trong giáo dục (Học sinh dân tộc thiểu số và học sinh người Kinh học chung ở các trường, chỉ tạo điều kiện hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số về chính sách ăn, ở, nuôi dưỡng) góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào điểm du lịch và các bản, làng theo mô hình du lịch cộng đồng; giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS; Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS&MN.

           

[1] (1) Quy mô hộ người Nùng 4,23 người; Tày 3,85 người; Sán Dìu 3,86 người; Hoa 3,99 người; Cao Lan 3,93 người; Sán Chí 3,88 người; Dao 4,08 người; Dân tộc thiểu số khác 4,5 người.

[2] Kế hoạch Đầu tư xây dựng công trình ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 – 2024.

[3] Nghị quyết số 62/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Bắc Giang.

[4] Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Bắc Giang Quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.

Nhữ Văn Nam, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Nguồn lực phát triển Kinh tế - Xã hội vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề