Thứ bảy, 27/04/2024 20:01 (GMT+7)

Nghiên cứu hệ sinh thái tuyến đi bộ KV 131 vòm cầu dẫn Phùng Hưng

MTĐT -  Thứ ba, 03/08/2021 12:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tình trạng chung của Hà Nội không chỉ là thiếu không gian phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng mà còn có sự đứt gãy trong sự kết nối giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nhân văn.

Những năm trở lại đây, các TP lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đều đang hướng tới phát triển các Không gian công cộng tại trung tâm TP nhằm phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch. Tại khu vực nội đô lịch sử ở Hà Nội, đã có hiện tượng xáo trộn mối quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên, giữa con người với cộng đồng xã hội. Tình trạng chung của Hà Nội không chỉ là thiếu không gian phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng mà còn có sự đứt gãy trong sự kết nối giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nhân văn. Các dự án phát triển không gian công cộng được chính quyền rất quan tâm và ưu tiên đầu tư nhưng chưa tạo điều kiện để tạo nên cơ hội kết nối giữa yếu tố Con người, thiên nhiên và kinh tế, xã hội. Các dự án phát triển thậm chí có thể phá vỡ cấu trúc của hệ sinh thái sinh học, hệ sinh thái nhân văn hiện hữu. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải kết nối các mối quan hệ cộng sinh bền vững của các hệ sinh thái và đặc biệt là hệ sinh thái nhân văn của không gian công cộng.

Mối quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên, giữa con người với cộng đồng xã hội tại khu vực nội đô lịch sử Hà Nội [nguồn Internet]

Bài viết đặt ra các mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng trường hợp cụ thể của dự án tổ chức không gian công cộng - tuyến phố đi bộ khu vực 135 vòm cầu dẫn Phùng Hưng nhằm:

Nhận dạng mối quan hệ của các yếu tố trong hệ sinh thái nhân văn trong tổ chức KGCC được thể hiện trong tổ hợp hoạt động của 135 vòm cầu.

Thiết lập sự cộng sinh bền vững các yếu tố cấu thành hệ sinh thái nhân văn trong phát triển KGCC. Cụ thể là các bộ phận chức năng dọc các vòm cầu và dọc tuyến phố đi bộ Phùng Hưng.

Xây dựng các phương pháp để cộng sinh bền vững các yếu tố của hệ sinh thái nhân văn của KGCC trong mối quan hệ cộng sinh với hệ sinh thái đô thị. Trong trường hợp này là kết nối hoạt động đi bộ khu vực 135 vòm cầu với các KGCC khác trong khu vực trung tâm TP, chính là quận Hoàn Kiếm.

1. Khái niệm và lịch sử của hệ sinh thái nhân văn

Vốn xuất phát từ nghiên cứu sinh học, hệ sinh thái nhân văn là một lĩnh vực nghiên cứu xã hội học và lịch sử trong những năm 1920 và 1930. Đây là khoa học nghiên cứu về mô hình sinh thái của con người tuân theo quy luật sinh học trong mối quan hệ tương tác với môi trường của chúng. Sinh vật, môi trường và sự tương tác được gọi là hệ sinh thái. Chúng có thể lớn hoặc nhỏ. Do đó, hệ sinh thái là một khái niệm đa nghĩa có thể được áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau (Wangatia, M. V. (2014), Naveh, Z. (1998).

Có thể coi hệ sinh thái nhân văn như một hệ thống nhất quán của các yếu tố lý sinh và xã hội có khả năng thích ứng và bền vững theo thời gian, được nhìn nhận ở nhiều tỉ lệ không gian khác nhau, và các tỉ lệ này được liên kết theo thứ bậc. Do đó, một đơn vị gia đình, cộng đồng, địa hạt, khu vực, quốc gia, thậm chí cả hành tinh, có thể được coi như một hệ sinh thái nhân văn ( Parker, J. K. and Burch, W. R. J. (1992). Nói một cách đơn giản, một hệ sinh thái nhân văn có thể được lồng ghép theo thứ bậc trong các hệ sinh thái của con người ở các quy mô khác nhau. Do đó, những thay đổi trong hệ sinh thái nhân văn có thể diễn ra ở những quy mô khác nhau, quy mô lớn và các quy mô nhỏ.

Có rất nhiều mô hình và khái niệm đơn giản nhằm thống nhất các cách tiếp cận của con người đối với hệ sinh thái. Cách tiếp cận phổ biến nhất là nhận dạng sự tồn tại của hệ sinh thái nhân văn, hệ sinh thái tự nhiên và nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa chúng (Coelho, P., Morales, E. M., & Diemer, A, 2017). Vào những năm 1950, các nhà nghiên cứu đã cố gắng liên kết các hệ thống xã hội và sinh học, trong mối quan hệ của bốn yếu tố biến đổi là: Dân số, tổ chức xã hội và công nghệ để đáp ứng với môi trường. Đến năm 1980, hệ sinh thái nhân văn đã được sử dụng như một khung lý thuyết, trong đó, các dòng chảy và chu kỳ của các nguồn tài nguyên sinh học và xã hội đã được xem xét và nghiên cứu. Các nguồn tài nguyên đó là năng lượng, vật liệu, chất dinh dưỡng, dân số, thông tin di truyền, vốn, tổ chức, tín ngưỡng, và di sản. Các cơ chế phân bổ sinh học và xã hội là sinh thái, trao đổi, thẩm quyền, truyền thống và tri thức. Chính các cơ chế này sẽ ảnh hưởng đến việc phân phối các nguồn tài nguyên quan trọng trong hệ sinh thái nhân văn (Grove, J. M., & Burch, W. R, 1997).

2. Cấu trúc của hệ sinh thái nhân văn

Nghiên cứu của Machlis và các cộng sự của mình (Machlis, G. E., Force, J. E., & Burch, W. R. Jr., 1997) đã chỉ ra rằng, mặc dù quy mô của hệ sinh thái nhân văn có thể khác nhau, nhưng vẫn có một số yếu tố tương đồng nhất định.

Đó là hệ sinh thái nhân văn bao gồm 3 tài nguyên chính là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên kinh tế xã hội và tài nguyên văn hoá.

Tài nguyên thiên nhiên bao gồm tất cả các yếu tố: Năng lượng, đất, nước, vật liệu;

Tài nguyên kinh tế xã hội: Thông tin, dân số, lao động hoặc vốn;

Tài nguyên văn hóa: Tổ chức, biểu tượng tôn vinh và tín ngưỡng.

Các tài nguyên này được vận hành bởi 3 hệ thống xã hội nhỏ của con người. Đó là thể chế, chu kỳ xã hội và trật tự xã hội. Như vậy, các nguồn lực và hệ thống xã hội được gắn kết chặt chẽ với nhau. Chỉ cần một nguồn lực hay một hệ thống thay đổi sẽ dẫn tới sự thay đổi của cả hệ sinh thái nhân văn.

2.1. Sự biến đổi cấu trúc của hệ sinh thái nhân văn

Phương án Viện UAI nghiên cứu thiết kế và cải tạo 131 Vòm cầu – Tuyến phố Phùng Hưng [nguồn UAI]

 Sự biến đổi của hệ sinh thái nhân văn phụ thuộc vào các quyết định của con người. Nó liên quan tới nguồn tài nguyên và sinh kế của cư dân.

Khu vực 131 vòm cầu nằm ở ranh giới giữa Khu phố cổ và khu phố cũ – A. Tuyến đường sắt đô thị và 131 vòm cầu, B. Khu phố cổ, C. Khu phố cũ [nguồn UAI]

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nguồn lực kinh tế xã hội thường được coi trọng hơn nguồn lực tự nhiên và văn hóa. Sự mất cân bằng của 3 yếu tố này dẫn đến sự biến đổi của hệ sinh thái nhân văn. Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội là 1 trường hợp tương tự khi các nguồn lực về thiên nhiên như hệ thống mặt nước, cây xanh đan xen trong khu phố cổ đã biến mất, các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể cũng dần mai một để nhường chỗ cho nền kinh tế thị trường.

2.2. Phục hồi Hệ sinh thái nhân văn bằng Văn hóa

Quan điểm về phục hồi sinh thái nhân văn của Allen & Naveh (1996), là cần trả lại càng nhiều càng tốt cấu trúc và chức năng sinh thái của cảnh quan mong muốn, và mục tiêu của văn hóa khôi phục cảnh quan là khôi phục lại các giá trị lịch sử và văn hóa của cảnh quan cổ và truyền thống. Điều quan trọng là phải phục hồi lại tính đa dạng sinh học, sinh thái và văn hóa, cùng với tính toàn vẹn về cấu trúc, chức năng và tính đồng nhất của cảnh quan – (Naveh 1994 a). (Ferreira, S. L(2011).

Bằng cách lồng ghép văn hóa vào chức năng phục hồi cảnh quan, chúng ta đã cộng sinh khoa học tự nhiên, nhân văn, sinh học và sinh thái-nhân văn. Cần có một cái nhìn tổng thể, đa ngành, thừa nhận các mối quan hệ liên kết với nhau ở các cấp độ, chấp nhận có thể là mối quan hệ hỗn loạn giữa các hệ thống sinh thái. Theo hướng này đã có các nhóm nghiên cứu về Sinh thái phục hồi (1998), Sinh thái kinh tế. Đây thực sự là một nỗ lực xuyên ngành để liên kết rộng rãi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đặc biệt là sinh thái và kinh tế (Costanca 1996).

Tổng hợp số liệu điều tra khảo sát về hoạt động kinh doanh tại khu vực nghiên cứu [nguồn UAI]

3. Hệ sinh thái nhân văn trong tổ chức không gian công cộng

3.1. Dưới góc độ Xã hội học

Hệ sinh thái nhân văn trong tổ chức KGCC dưới góc độ Xã hội học cần phải được nhìn nhận về vai trò dẫn dắt của con người trong ý tưởng định hình tổ chức KGCC. Dưới góc độ Xã hội học thị giác, Henri Lefebvre, David Harvey cho rằng những người có quyền chỉ huy luôn tạo ra không gian có thể tái tạo và nâng cao sức mạnh của chính họ trên nền tảng cuộc sống địa phương của những cư dân thành thị. (Ferreira, S. L (2011). Harvey (1989, 265) cho rằng, các giai cấp khác nhau đều cố gắng xây dựng ý thức về lãnh thổ và cộng đồng của họ một cách triệt để. Họ cho rằng cần có một số khuynh hướng lý tưởng – điển hình và phổ quát hóa cho tất cả mọi người nhằm xây dựng một không gian cộng đồng khá giống nhau, bất kể sự khác biệt về hoàn cảnh chính trị, kinh tế. Trong khi đó, Pierre Bourdieu (1977, 188) lại lưu ý rằng việc sản xuất biểu tượng trong không gian chủ yếu để phục vụ cho ý tưởng nhằm tái tạo trật tự và sự thống trị đã được thiết lập. Vai trò của người dẫn dắt và sự thể hiện bản thân trong quá trình sống hàng ngày đã được xác định và thể hiện rõ trong các quan điểm của họ, những người dẫn dắt ý tưởng (Krase, J, 2018).

Phương án Viện UAI nghiên cứu thiết kế và cải tạo 131 Vòm cầu – Tuyến phố Phùng Hưng [nguồn UAI]

3.2. Dưới góc độ bảo tồn hay hồi phục tài nguyên thiên nhiên.

Tích hợp quy hoạch không gian xanh vào không gian công cộng dưới dạng các công viên vườn hoa sẽ tạo một hướng đi mới trong việc cung cấp dịch vụ sinh thái trong không gian đô thị. Việc tích hợp này sẽ đóng góp tích cực cho phát triển cộng đồng (đưa không gian xanh – sinh thái vào môi trường cộng đồng). Người dân, nhờ hệ thống xanh sẽ tăng cường các hoạt động thể chất, tiến hành các hoạt động đi bộ ngay trong khu phố. Ở chiều ngược lại, người dân địa phương có thể tích cực tham gia vào quy hoạch phát triển không gian xanh, đồng thời có thể truyền tải ý thức Giáo dục bảo vệ mạng lưới không gian xanh trong hệ sinh thái (Anderies, J. M. (2014).

3.3. Dưới góc độ cộng sinh giữa truyền thống và hiện đại

Khi xây dựng một công trình mới hay tổ chức một KGCC trên nền một không gian hiện hữu, lẽ tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc hệ sinh thái. Khả năng phục hồi cấu trúc là rất khó, và tốn kém, tốn thời gian. Việc thuyết phục công dân, chính quyền, các nhà đầu tư tham gia vào để đảm bảo khả năng phục hồi 100% hệ sinh thái là rất khó (Anderies, J. M, 2014). Vấn đề phát triển du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là hai vấn đề đối ngược nhau. Tuy nhiên chúng có thể trở thành đồng minh của nhau trong cuộc chiến bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên còn lại nếu có mối quan hệ cộng sinh bền vững. Mối quan hệ cộng sinh này bao gồm các nội dung: Tăng đa dạng sinh học trong nguồn tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát lũ lụt, kiểm soát chất lượng cacbon, bảo tồn di sản văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, trước hết là bảo tồn tài nguyên đất. Từ đất sẽ tăng cường đa dạng sinh học, từ đó sức khỏe hệ sinh thái được cải thiện, và Du lịch sẽ phát triển bền vững. (Boley, B. B., Green, G. T., 2015).

4. Trường hợp nghiên cứu: Không gian công cộng khu vực 131 vòm cầu tại phố Phùng Hưng, Hà Nội

4.1. Giới thiệu

Đây là một dự án nghiên cứu tổ chức KGCC ứng dụng sự cộng sinh của các yếu tố kinh tế xã hội trong hệ sinh thái nhân văn. Khu vực nghiên cứu là tuyến đường sắt đô thị được người Pháp xây dựng vào năm 1900-1902 chạy ngang qua trung tâm TP, bên dưới là 131 vòm cầu bằng đá được bịt kín từ năm 1980. Năm 2018, TP muốn xây dựng Dự án đục thông cả 131 vòm cầu để biến nơi đây trở thành một KGCC phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch. Nhóm nghiên cứu chúng tôi thuộc Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị được TP giao nghiên cứu dự án này với mục tiêu hình thành một Trung tâm “Văn hoá – Thương mại – Dịch vụ – Du lịch”.

4.2. Đặc điểm khu vực

Khu vực này có một số đặc điểm:

Nó nằm ở vị trí giáp ranh giữa khu phố cổ với các hoạt động kinh doanh truyền thống và khu phố cũ là trung tâm hành chính, chính trị nơi có nhiều di sản kiến trúc thuộc địa.

Đường Cầu dẫn bằng đá được xem là di sản kiến trúc cần được bảo tồn. Hai đặc điểm trên được nhận định là tài nguyên văn hoá vốn có của khu vực

TP muốn đây là một KGCC đa chức năng: Văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch; đây được coi là tài nguyên về kinh tế xã hội.

Nhiệm vụ là nghiên cứu phát triển KGCC mới đồng thời bảo tồn di sản, cộng sinh các hoạt động kinh tế văn hóa xã hội trên toàn tuyến với khu phố cổ và khu phố cũ, cộng sinh các hoạt động kinh tế văn hóa xã hội của các vòm cầu khác nhau trên toàn tuyến.

4.3. Khảo sát và nghiên cứu hiện trạng

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát khu vực 131 vòm cầu và căn cứ vào sự kết nối với khu vực phố cổ đã nhận thấy có thể tạo nên một sự cộng sinh bền vững giữa tuyến 131 vòm cầu với khu phố cổ – khu phố cũ để tạo nên một hệ sinh thái nhân văn bền vững. Sự kết nối này xuất phát từ góc độ phân tích các hoạt động công cộng và các cảnh quan đã định dạng lâu đời tại hai khu vực phố này để phân chia KGCC dự kiến thành các khu vực hoạt động đặc thù khác nhau trên tuyến cầu dẫn. Qua khảo sát, nhận thấy đây là khu vực có giá trị hoạt động kinh tế, đa ngành nghề kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy nơi đây bao gồm 4 loại hình kinh doanh chính với tỷ lệ như sơ đồ sau:

Hiện nay các ngành nghề kinh doanh riêng rẽ chưa có sự liên kết với nhau. Tuy nhiên thống kê này không hoàn toàn chính xác vì trên thực tế các không gian có sự biến đổi tùy theo thời gian và mong muốn của khách hàng.

4.4. Kết quả nghiên cứu ứng dụng

Sơ đồ liên kết của 4 ngành nghề kinh doanh [nguồn UAI]

Xác định chức năng các phân đoạn dọc tuyến nhằm tăng cường khả năng cộng sinh giữa các yếu tố của 131 vòm cầu

Xuất phát từ các phân tích trên, chúng tôi đề xuất phân chia 131 vòm cầu trên tuyến cầu dẫn bằng đá ra thành 5 phân đoạn khác nhau, với 5 chức năng đảm bảo khả năng cộng sinh bền vững giữa chúng trong không gian 131 vòm cầu, trong đó:

Phân đoạn 1 dài 290 mét, từ vòm N2-N49, có chức năng Thương mại, bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đóng vai trò hỗ trợ khu phố cổ như một nơi tập trung giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm được sản xuất từ khu phố cổ. Mối quan hệ giữa chúng là sản xuất – tiêu thụ;

Phân đoạn 2 dài 180 mét, (từ vòm N51-N76), có chức năng văn hóa, đảm nhiệm chức năng trình diễn nghệ thuật công cộng. Tại đây sẽ là nơi giao lưu với các nghệ nhân và các trình diễn sân khấu nghệ thuật. Nó hỗ trợ đón tiếp các tuyến du lịch từ khu phố cũ;

Phân đoạn 3 dài 125 mét (từ vòm N78-N93), có chức năng là khu vực ẩm thực truyền thống. Đặc điểm của khu vực này là tuyến phố nhỏ nhưng lại tập trung nhiều quán ăn ngon có tiếng của khu vực. Nó là điểm dừng hợp lý cho các hoạt động ở phân khu 2, 3 và 4,5;

-Phân đoạn 4 dài 170 mét, (từ vòm N95-N121), có chức năng là khu vực Bazar Street. Đây là một khu vực cận kề chợ Đồng Xuân nên rất phù hợp với việc tổ chức một khu chợ đường phố truyền thống:

Phân đoạn 5 dài 70 mét, (từ vòm N123-N131), có chức năng cho khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới tư duy lập nghiệp, phát triển công nghệ. Đây là khu vực cuối cùng của tuyến, nơi tập trung của các doanh nhân trẻ mưu sự khởi nghiệp.

4.4.2. Tạo các hệ sinh thái và khả năng cộng sinh bền vững giữa chúng

Với việc phân ra thành 5 khu vực đặc trưng, chúng tôi đã kiến nghị 5 hệ sinh thái đơn liên kết với nhau dọc theo tuyến 131 vòm cầu, bổ sung hỗ trợ lẫn nhau, cộng sinh bền vững để trở thành một trung tâm công cộng đa chức năng.

4.4.3. Ứng dụng công nghệ số trong mối quan hệ cộng sinh giữa các khu vực.

Việc ứng dụng dụng công nghệ số sẽ làm gia tăng khả năng kết nối cộng sinh giữa các ngành nghề kinh doanh. Theo đó cả bốn ngành nghề kinh doanh kết hợp với nhau tốt hơn khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong tập hợp và truyền tải dữ liệu thông tin.

Kết luận

Trong thời đại ngày nay, việc nghiên cứu phát triển bền vững hệ sinh thái nhân văn có một ý nghĩa quan trọng bên cạnh những khái niệm về TP thông minh, kiến trúc xanh, bền vững. Đặc biệt đối với các TP có giá trị lịch sử thì hệ sinh thái nhân văn càng cần phải lưu ý bảo tồn những giá trị nhân văn mà nó đã và đang sở hữu. Trong mọi trường hợp, KGCC luôn trở thành những điểm hấp dẫn cho hỗ trợ cộng đồng và phát triển du lịch. Theo lý thuyết cộng sinh hệ sinh thái nhân văn mà nghiên cứu đã trình bày, việc tạo dựng mạng lưới phát triển KGCC trong TP cần có sự kết nối giữa các KGCC ở các vị trí khác nhau với các thể loại khác nhau theo nguyên tắc trao đổi. Cũng như trong một KGCC có nhiều bộ phận thì cần tạo dựng mối liên kết giữa các bộ phận đó một cách bền vững. Bài nghiên cứu đã tổng kết các lý thuyết về hệ sinh thái nhân văn, đã thiết lập mô hình liên lết giữa các yếu tố cấu thành hệ sinh thái ở những quy mô khác nhau, và ứng dụng cụ thể và dự án phát triển KGCC khu vực 135 vòm cầu tuyến Phùng Hưng – Long biên thuộc quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Không chỉ tuyến phố này, lý thuyết nghiên cứu có thể áp dụng cho các KGCC khác của quận Hoàn Kiếm nói riêng và các KGCC của các TP khác của Việt Nam nói chung.

GS.TS Doãn Minh Khôi – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị UAI

ThS.KTS Doãn Minh Thu, ThS.KTS Phạm Hồng Việt – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng

Tài liệu tham khảo

– Pickett, S. T., Burch, W. R., Dalton, S. E., Foresman, T. W., Grove, J. M., & Rowntree, R. (1997). A conceptual framework for the study of human ecosystems in urban areas. Urban ecosystems, 1(4), 185-199;

– Grove, J. M., & Burch, W. R. (1997). A social ecology approach and applications of urban ecosystem and landscape analyses: a case study of Baltimore, Maryland. Urban Ecosystems, 1(4), 259-275;

– Parker, J. K. and Burch, W. R. J. (1992).: Toward a social ecology for agroforestry in Asia. In Social science applications in Asian agroforestry (W. R. Burch, Jr. and J. K. Parker, eds.), (pp. 60–84). IBH Publishing Co., New Delhi, India;

– Wangatia, M. V. (2014). Solid Waste Management Practices: A Socioeconomic perspective. pg. 121;

– Naveh, Z. (1998). Ecological and Cultural Landscape Restoration and the Cultural Evolution towards a Post-Industrial Symbiosis between Human Society and Nature: Restoration Ecology 6(2), 135-143;

– Krase, J. Seeing the local in global cities. In Public Space. 1st edn. Routledge. London (2018);

– Middle, I., Dzidic, P., Buckley, A., Bennett, D., Tye, M., & Jones, R. Integrating community gardens into public parks: An innovative approach for providing ecosystem services in urban areas: Urban Forestry & Urban Greening 13(4), 638–645 (2014);

– Smith, G., Archer, R., Nandwani, D., & Li, J. Impacts of urbanization: diversity and the symbiotic relationships of rural, urban, and spaces in-between: International Journal of Sustainable Development and World Ecology 25(3), 276–289 (2017);

– Ferreira, S. L(2011). Balancing people and park: towards a symbiotic relationship between Cape Town and Table Mountain National Park. Current Issues in Tourism 14(3), 275–293 ;

– Anderies, J. M. (2014). Embedding built environments in social-ecological systems: resilience-based design principles: Building Research & Information 42(2), 130–142 ;

– Boley, B. B., Green, G. T. Ecotourism and natural resource conservation: the ‘potential’ for a sustainable symbiotic relationship: Journal of Ecotourism 15(1), 36–50 (2015).;

– Viện UAI. Dự án nghiên cứu Trung tâm Văn hóa, Thương mại dịch vụ và Du lịch tại khu vực 131 Vòm cầu tuyến cầu dẫn từ Cửa Đông tới Ga Long biên, Hà Nội (2018);

 Theo Tạp chí Kiến trúc 

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu hệ sinh thái tuyến đi bộ KV 131 vòm cầu dẫn Phùng Hưng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề