Thứ bảy, 27/04/2024 20:16 (GMT+7)

Nhà máy nước 1.200 tỉ không vận hành được, đừng đổ thừa cơ chế

MTĐT -  Thứ năm, 04/05/2023 16:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhà máy nước Hòa Liên, là dự án đầu tư công của UBND TP.Đà Nẵng gần 1.200 tỉ đồng, nhưng sau hơn 1 năm hoàn thành, đến nay vẫn chưa thể vận hành, sử dụng. Lý do được đưa ra là vướng... cơ chế.

Công trình Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày đêm, khởi công cuối tháng 3.2020, tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Sau 2 năm xây dựng, toàn bộ công trình gồm hạng mục Đập dâng, Trạm bơm nước thô, Tuyến ống nước thô, Nhà máy xử lý đã hoàn thành và vận hành, chạy thử đảm bảo công suất theo đúng yêu cầu thiết kế.

Nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, Đà Nẵng vẫn loay hoay chưa vận hành được. Công trình hoàn thành thì Ban quản lý dự án hết nhiệm vụ. Trong khi đó, Công ty Cấp nước (duy nhất của thành phố) thì đã cổ phần hóa. Nhà máy nước Hòa Liên được đầu tư công, nên không thể đem công sản giao cho doanh nghiệp cổ phần.

Để "vá" lỗ hổng này, tháng 12.2022, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ban hành quyết định, bổ sung nhiệm vụ đối với Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị - trực thuộc Sở Xây dựng. Theo đó, bổ sung chức năng cấp nước sạch cho trung tâm này để đảm bảo việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.

Tuy nhiên, đơn vị này chưa hề có kinh nghiệm quản lý vận hành nhà máy nước, không có nhân lực, chưa đào tạo con người đáp ứng nhiệm vụ mới. Một dự án đầu tư công, một tài sản quá lớn của nhà nước, giao "đột ngột" cho một đơn vị chưa có nhân sự, chưa có kinh nghiệm, chưa có cả phương án để vận hành, kinh doanh... nên "đứng bánh" là đương nhiên.

Chưa kể, sau khi cổ phần hóa (2016), tất cả hệ thống phân phối, cấp nước, thu phí... ở Đà Nẵng đều là tài sản của Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco). Nếu nhà máy nước Hòa Liên đưa vào vận hành, tất nhiên là không thể xây dựng mới hệ thống cấp nước riêng. Còn nếu dùng chung, thì phải thỏa thuận được phương án mua bán, ăn chia...  Không thể dùng 1 quyết định hành chính từ UBND TP là làm được ngay.

Ngoài ra, ở thời điểm đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, TP.Đà Nẵng cũng đồng ý để Dawaco đầu tư các nhà máy cấp nước khác, dẫn đến nguy cơ thừa nước.

Cao điểm như dịp lễ 30.4, 1.5 vừa qua, Đà Nẵng chỉ sử dụng 300.000m3 nước/ngày đêm. Trong khi đó, năng lực cấp nước của Dawaco hiện nay đã 380.000m3/ngày đêm. Nay có thêm nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày đêm, nên tổng khả năng cấp nước của Đà Nẵng lên 500.000m3/ngày đêm. Trước mắt là thừa.

Việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên để đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố trong tương lai, là chủ trương đúng và kịp thời của Đà Nẵng, nhưng rõ ràng cần 1 dự báo sát thực tiễn để tham mưu, quyết định lộ trình đầu tư một nhà máy nước hợp lý hơn. Việc khai thác cũng sẽ hiệu quả, tránh lãng phí hoặc lúng túng đưa vào sử dụng như hiện nay.

Hiệu quả thực sự của một dự án đầu tư công không phải là giải ngân đúng thời hạn, không chỉ là tránh thất thoát, mà là công năng sử dụng của dự án đó phát huy đến đâu.

Cái vướng của Nhà máy nước Hòa Liên ở Đà Nẵng khi chưa thể đưa về vận hành, sử dụng sau hơn 1 năm hoàn thành, không thể cho là lỗi cơ chế, mà cần tìm ra cá nhân chịu trách nhiệm.

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy nước 1.200 tỉ không vận hành được, đừng đổ thừa cơ chế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Thanh Hải/Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề