Thứ sáu, 26/04/2024 15:17 (GMT+7)

Nhà ở công nhân tại các KCN của Việt Nam: Cần gắn với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp

MTĐT -  Thứ tư, 09/02/2022 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Công cuộc đổi mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, gắn liền với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã được tiến hành gần 40 năm qua, đem lại cho Việt Nam nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt.

tm-img-alt

Đặc biệt là việc đa dạng các hình thức thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, thông qua mô hình đầu tư xây dựng các KCN tập trung. Chẳng những đáp ứng nhu cầu phát triển thông qua khai thác các nguồn lực, mà còn là đồng giải pháp về tiếp thu công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, từng bước xây dựng đội ngũ công nhân có kỹ thuật và kỷ luật lao động chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư phát triển các KCN, đã nảy sinh nhiều vấn đề có liên quan đến kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội, an sinh - xã hội... Đặc biệt là lĩnh vực nhà ở cho công nhân, một nhu cầu không thể thiếu đối với người lao động, không những là một tài sản gắn với sinh kế, với an cư lạc nghiệp, với những biến đổi trong quá trình từ di cư, dịch cư đến định cư của người dân, mà còn liên quan tới những vấn đề đến phát triển đô thị, chia sẻ và gánh vác với sứ mệnh về văn hóa, công ăn việc làm, dân trí... với các khu đô thị hiện hữu, đô thị mới hình thành, các khu vực lãnh thổ có tính vùng miền.

Đây là một vấn đề lớn và phức tạp, đòi hỏi cần được phân tích, làm rõ một cách thấu đáo, nhằm tìm ra những nguyên nhân hạn chế, những bước đi mang tính quyết định bởi quy luật khách quan. Và trên hết, cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, hướng tới sự nghiệp công nghiệp và hiện đại hóa đất nước một cách vững bền.

1. KCN tập trung - một hình thức tổ chức công nghiệp theo hướng công nghiệp và hiện đại hóa ở Việt Nam

Hiện nay, hầu hết các nước đang phát triển tại châu Á và khu vực, trong đó có Việt Nam, phổ biến hình thức KCN tập trung, bởi lẽ: Các nước này đang trong giai đoạn công nghiệp hóa với chiến lược công nghiệp hướng về xuất khẩu, trên cơ sở thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các nước công nghiệp phát triển, nên đã hình thành các KCN tập trung.

Trên thực tế, các KCN tập trung đã và đang thu vốn đầu tư ở trong và ngoài nước, sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tạo thêm việc làm và nâng cao chất lượng lao động, mở rộng việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần hình thành các đô thị mới và giảm bớt chênh lệch vùng.

Trên thế giới hiện nay, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia, thế mạnh ở từng vùng miền của quốc gia đó, nhưng tựu trung lại, đang gồm có 4 hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp, gồm: Điểm công nghiệp, KCN, trung tâm công nghiệp và vùng công nghiệp với các đặc điểm chính sau đây: (Bảng 1)

Nhà ở công nhân tại các KCN của Việt Nam: Cần gắn với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp
Bảng 1: Các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp trên thế giới hiện nay. Nguồn: [1]

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, tại Việt Nam đã xuất hiện một loạt các KCN tập trung tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam có 575 KCN, 26 Khu kinh tế cửa khẩu và 18 Khu kinh tế ven biển. Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam có vị trí địa chiến lược trong phát triển bất động sản công nghiệp, nền chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, kinh tế tăng trưởng tốt cùng với việc ký kết hàng loạt FTA… là bàn đạp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến tháng 5/2021, cả nước hiện mới chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha. Trong đó, có 98 dự án đang tiếp tục triển khai, 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250 ha, đạt 41,6% chỉ tiêu. Hiện cả nước mới có 2,58 triệu m2 nhà ở, đáp ứng cho khoảng 330 nghìn người lao động, đạt tỷ lệ 13%. Có thể nói, người lao động di cư, nhập cư đã và đang góp phần không nhỏ đối với sự tăng trưởng kinh tế của các KCN, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia.

Dù vậy, nhìn nhận một cách khách quan, hiện nay cả các doanh nghiệp lẫn Nhà nước vẫn chưa có sự đầu tư đúng mức về nhà ở, các chính sách về an sinh xã hội cho lực lượng lao động di cư, nhập cư tại các KCN. Có thể thấy, phát triển nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vấn đề nhà ở cho công nhân càng trở nên bức bối hơn bao giờ hết. Rất nhiều công nhân đã phải dời bỏ KCN để trở về quê, đưa lại cho chúng ta đáng suy nghĩ về một loạt các chính sách trong phát triển các KCN, gắn với phân bố lực lượng sản xuất có tính vùng miền, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và lớn nhất là nhà ở cho công nhân, khi chưa thể giúp họ an cư lạc nghiệp trong quá trình mưu sinh tại các KCN…

2. Nhà ở cho công nhân tại các KCN ở Việt Nam là một nhu cầu tất yếu và khách quan trong quá trình công nghiệp và hiện đại hóa đất nước.

Với xuất phát điểm ban đầu bằng việc hình thành các điểm công nghiệp với hình thức là các cụm công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hoặc các KCN đơn lẻ… ở các địa phương trong cả nước. Để đáp ứng với các mô hình sản xuất theo hướng tập trung hóa và liên hiệp hóa, trên cơ sở của các chính sách thu hút đầu tư, lợi thế của các địa phương về đất đai và nguồn lực lao động… Các KCN tập trung đã ra đời và ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn công nghệ sản xuất.

Nếu như ban đầu, lực lượng lao động chủ yếu ở tại địa phương hoặc các khu vực có tính liên kết vùng, thì đến nay, lực lượng công nhân ở các KCN lớn như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Long An, Bình Dương, TP.HCM… đã tập trung hầu hết cư dân ở các vùng miền trong cả nước.

Nhà ở công nhân tại các KCN của Việt Nam: Cần gắn với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp
Nhà ở công nhân khu vực đồng bằng Bắc bộ. Nguồn: [2]

Xu thế đòi hỏi người lao động không chỉ nhàn rỗi sau sản xuất nông nghiệp, mà yêu cầu có tính kỷ luật cao, sản xuất theo dây chuyền và đòi hỏi liên tục về giờ công, ngày công… Những yêu cầu đó, đã dẫn đến hàng loạt người lao động khó trụ nổi, nhưng cũng đồng thời sàng lọc một số đông có thể đáp ứng. Và từ đây, một lực lượng lao động chính thức, xác định lấy việc lao động tại các KCN gắn chặt với cuộc đời của họ, không chỉ di cư mà họ đã có những hình thức dịch cư, tiến tới định cư tại nơi làm việc.

Rất nhiều cư dân đã bán cả đất đai, nhà cửa ở quê hương, để tìm đến hình thức sinh kế tại các KCN, đồng thời từng bước giải quyết hình thức định cư của mình ở phương trời mới.

Đặc điểm nhân khẩu học của dân cư đô thị khác biệt đáng kể so với dân cư nông thôn, như: quy mô gia đình ở thành thị nhỏ hơn, người dân đô thị kết hôn muộn hơn và có ít con hơn. Dân cư đô thị cũng có nhiều lợi thế so với dân cư nông thôn trong quá trình phát triển: điều kiện nhà ở tốt hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận với tiện nghi cuộc sống như điện lưới, nước hợp vệ sinh và điều kiện học tập cũng như được làm việc trong môi trường đòi hỏi được đào tạo chuyên môn, tay nghề bài bản hơn.

Những lợi thế này, thể hiện rõ nét tại những địa bàn có mức độ đô thị hóa cao. Điều này càng làm tăng thêm sức hấp dẫn từ các thành phố lớn và các KCN, thúc đẩy sự tăng trưởng dân số mạnh mẽ ở các khu vực này. Đã có rất nhiều tổ ấm gia đình trẻ, được xây dựng từ các công nhân ở các KCN.

Với việc đáp ứng phần lớn nhu cầu việc làm do phát triển KCN, đầu tư trực tiếp và chuyển một phần tiền thu nhập về những khu vực nghèo hơn ở Việt Nam, di cư đã tạo ra cơ hội đáng kể cho sự phát triển đồng đều hơn và rộng rãi hơn, góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền. Người di cư ra thành phố chủ yếu đến các KCN để tìm việc làm, xu hướng này bắt nguồn từ quá trình đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của các KCN, khu chế xuất…

Bên cạnh đó, Nhà nước ban hành hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô hướng vào thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các chính sách này tác động mạnh đến quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, qua đó, tạo ra nhu cầu rất lớn về lao động, tạo sức hút hấp dẫn lao động di cư tới thành phố. Không thể không nói tới, một bộ phận dân cư nông thôn di dân lên thành phố chủ yếu muốn thay đổi số phận và cuộc sống của mình, tìm đến đô thị, các KCN, nơi có cuộc sống văn minh, hiện đại hơn với cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật tốt hơn để học tập, lao động và phát triển…

Tập hợp tất cả những yếu tố chủ quan và khách quan đó, người lao động ở các vùng miền trong cả nước, tự liên hệ với thực lực và khả năng của mình và gia đình, họ đã quyết định lựa chọn các KCN là một trong những địa điểm nơi đến phù hợp nhất để sinh kế, khi họ chỉ có vốn liếng duy nhất là sức lao động, bên cạnh sự khiêm tốn và thiếu thốn đến cùng cực về trình độ học vấn lẫn điều kiện kinh tế…

Nhà ở công nhân tại các KCN của Việt Nam: Cần gắn với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp
Nhà ở công nhân khu vực miền Trung. Nguồn: [2]

Và như vậy, có thể thấy, không chỉ cần phải đáp ứng với những yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật, tổ chức kỷ luật lao động theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hóa - lực lượng lao động là công nhân tại các KCN đòi hỏi không những họ, mà cả gia đình họ phải có nơi ở để an cư lạc nghiệp, con cái phải có chỗ học hành, họ cần được ứng xử và thụ hưởng không chỉ có văn hóa vật chất, mà còn cả văn hóa tinh thần, văn hóa tổ chức xã hội thông qua các thiết chế tổ chức đoàn thể và xã hội.

Với nhà ở, sự đa dạng của công nhân về điều kiện hoàn cảnh gia đình lẫn các hình thức cư trú… sẽ có những nhu cầu khác nhau, như nhà ở tập thể, nhà ở căn hộ khép kín kiểu chung cư, nhà ở xã hội với nhiều tầng lớp cư dân khác nhau…

Đây là một thực tiễn đòi hỏi tất yếu và khách quan. Nó chỉ ra rằng, Việt Nam muốn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trên cơ sở lấy sự phát triển của các KCN tập trung làm đòn bẩy và mũi nhọn - thì vấn đề nhà ở cho công nhân tại các KCN là vấn đề cần được cả xã hội quan tâm, nếu chúng ta thực sự muốn phát triển một cách bền vững.

3. Những giải pháp chính trong quy hoạch và phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN của Việt Nam

Lịch sử phát triển hầu hết các đô thị của Việt Nam thường có nguyên nhân ra đời và phát triển từ phần “đô”, với các yêu cầu về hành chính, tập trung quyền lực của Nhà nước. Phần “thị” thường là hệ quả của phần “đô”, chủ yếu mang chức năng dịch vụ và tiếp sức cho sự hoàn chỉnh và phát triển của đô thị.

Đối chiếu một chút sang lĩnh vực công nghiệp - Trước hết, có thể thấy rõ, có công nghiệp thì chắc chắn hệ quả của nó là có sự ra đời của đô thị ở các quy mô và chức năng khác nhau. Nhưng ngược lại, có đô thị thì chưa chắc đã có công nghiệp, mà chỉ có dịch vụ đô thị. Điều đó muốn đề cập tới vấn đề thực tiễn hiện nay tại các KCN của Việt Nam, cũng như đối chiếu với hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp trên thế giới như đã trình bày ở phần 1.

Trước hết, chúng ta cần có một tổng hợp dữ liệu, số liệu tương đối đầy đủ về các KCN của Việt Nam trên các phương diện khác nhau. Đặc biệt là các số liệu về công nhân và nhân khẩu gia đình ở cùng họ tại nơi làm việc. Xác định đầy đủ các hình thức di cư, dịch cư và định cư cũng như dự báo các biến động xảy ra trong khoảng 5-10 năm tới đây. Song song với đó, xác định nhu cầu nhà ở của công nhân với các loại hình nhà ở khác nhau.

Nhà ở công nhân tại các KCN của Việt Nam: Cần gắn với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp
Nhà ở công nhân khu vực Nam bộ. Nguồn: [2]

Từ đó, xác định các hình thức đầu tư nhà ở cho công nhân tại các KCN, đi kèm với các cơ chế chính sách khác nhau như xây dựng tập trung kiểu mới, tập trung hỗ trợ tài chính hoặc đa dạng hóa theo hình thức xã hội hóa, hướng đến vai trò của tư nhân và cộng đồng xã hội.

Mỗi KCN có thể tập trung một mô hình phát triển, hoặc có thể phát triển đồng thời nhiều mô hình với mức độ ưu tiên khác nhau. Việc quy hoạch đầu tư xây dựng mới cũng như hoàn thiện các KCN hiện hữu, cần phải được cân nhắc, tính toán về quy mô, loại hình công nghệ và sản phẩm… có tính đặc thù riêng cho từng địa phương hoặc tính tổng thể ở góc độ vùng miền.

Đối với các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… nên hạn chế phát triển các ngành, nghề thu hút nhiều lao động phổ thông, ít đầu tư chất xám và giá trị gia tăng không cao. Chỉ phát triển những ngành công nghệ cao, cần nhiều chất xám để thu hút nhân lực trình độ cao với số lượng không nhiều như lao động phổ thông. Như vậy, mức độ tăng dân số cơ học sẽ vừa phải, cơ sở vật chất, xã hội của các thành phố không bị quá tải và hạn chế được nhiều vấn đề xã hội kèm theo. Cũng chính là liên quan đến quỹ đất để dành cho xây dựng nhà ở cho công nhân. Đây là một thực tế chúng ta đã thấy qua dịch bệnh Covid, không ít các KCN có thể phân tán ở các địa phương, tránh tập trung quá lớn, mất cân đối về phát triển kinh tế giữa các vùng miền…

Chúng ta đã có những mô hình đô thị vệ tinh nhằm giải quyết sự quá tải cho các trung tâm thành phố và đô thị hiện hữu ở Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM… như đô thị đại học, đô thị công nghệ cao, đô thị sinh thái… Tuy nhiên, ở Việt Nam, cùng một lúc, chúng ta vừa mở rộng thành phố trung tâm, vừa phát triển các đô thị vệ tinh, vừa liên kết vùng đô thị. Các nhiệm vụ này đặt ra cùng lúc đã trở thành gánh nặng cho việc huy động, khai thác, tập trung nguồn lực phát triển.

Do đó, cần giãn dân ra ngoại vi, tăng cường hạ tầng và giao thông công cộng, xác định rõ các nền kinh tế chủ đạo và nhường bớt các chức năng cho các thành phố lân cận. Trong đó, đặc biệt cần lưu ý đến việc hình thành và phát triển các đô thị công nghiệp, với nền tảng chủ đạo là các KCN hiện hữu và các KCN chuẩn bị đầu tư xây dựng mới. Khi đó, nhà ở cho công nhân tại các KCN đương nhiên là một thành phần của khu đô thị và chúng phải được quy hoạch xây dựng một cách hợp lý.

Mô hình và giải pháp đó đã được cụ thể hóa tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, cho phép quy hoạch và phát triển KCN - đô thị - dịch vụ, mở ra một hướng đi để giải quyết cho vấn đề thu hút lao động và giải quyết nhu cầu an sinh của người lao động tại các KCN, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở cho công nhân.

Cụ thể, trong KCN - đô thị - dịch vụ, KCN là khu chức năng chính; Khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho KCN, có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, trung tâm nghiên cứu và phát triển và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ của khu, được đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của KCN.

Quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ không vượt quá 1/3 quy mô diện tích KCN. Mô hình KCN - đô thị - dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN, tạo môi trường sống và làm việc chuyên nghiệp cho chuyên gia, người lao động.

Khác với mô hình nhà ở cho công nhân hiện nay chỉ phục vụ cho bản thân công nhân khu công nghiệp, mô hình quy hoạch đô thị công nghiệp được quy hoạch phát triển cho cộng đồng dân cư đa dạng với nhiều người, bản thân cư dân là công nhân tại chỗ chiếm đa số. Các cư dân không làm công nhân trong các khu công nghiệp vẫn tham gia cung cấp các dịch vụ, tiện ích sống trong khu đô thị.

Như vậy, việc phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ cũng đồng nghĩa với việc hình thành các đô thị công nghiệp, sẽ giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân trong các KCN. Không những vậy, sẽ giải quyết song hành về các vấn đề như: Hình thành đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong các KCN, nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn kết giữa phát triển KCN với đô thị tại các địa phương; Giải quyết vấn đề nhà ở, các thiết chế văn hóa và các tiện ích xã hội, đảm bảo cuộc sống của công nhân trong KCN, phát triển KCN theo hướng bền vững; Phát triển đô thị - dịch vụ phù hợp với phát triển công nghiệp để tạo môi trường sống lý tưởng cho các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao, là những nhân tố quan trọng cho phát triển công nghiệp ổn định và bền vững.

Ngoài ra, làm tốt công tác đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, sẽ góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều KCN, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, giảm áp lực cho các đô thị trung tâm, thành phố lớn.

Tài liệu tham khảo:

1. https://baogiadinhxahoi.com/p/a-so-sanh-su-khac-biet-veac-iem-giua- hai-hinh-thuc-khu-cong-nghiep-tap-trung-va-trung-tam-cong-nghiep-b-ke- ten-mot-so-khu-cong-nghiep-va-trung-t.p2265320.html

2. Nguyễn Tất Thắng - Chủ nhiệm đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ: “Nghiên cứu thiết kế nhà ở đô thị và nông thôn phù hợp các vùng miền toàn quốc”. Năm 2019.

3. Nguyễn Tất Thắng: “Nhà ở xã hội Việt nam - Những nghịch lý, thách thức và cơ hội”- Tạp chí Xây dựng - Bộ Xây dựng, số 05/2021

Bạn đang đọc bài viết Nhà ở công nhân tại các KCN của Việt Nam: Cần gắn với xu hướng phát triển đô thị công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới