Thứ hai, 29/04/2024 16:39 (GMT+7)

Nhân rộng mô hình tách dầu mỡ từ nước thải

MTĐT -  Thứ ba, 18/12/2018 14:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhờ các biện pháp vận động, tuyên truyền, số lượng các nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm, bếp ăn của cơ quan, trường học… lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ từ nước thải đang tăng lên.

Đặc biệt, việc nhân rộng mô hình này góp phần giảm tình trạng úng ngập cục bộ trên địa bàn thành phố, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường...

Trung tuần tháng 11/2018, UBND quận Hoàng Mai đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ từ nước thải tại bếp ăn UBND quận. Ông Nguyễn Công Hiệp, Chánh Văn phòng UBND quận cho biết, quận phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (đơn vị thi công và thực hiện) triển khai tại bếp ăn UBND quận nhằm mục đích nâng cao công tác bảo vệ môi trường, qua đó đánh giá công nghệ, hiệu quả xử lý của thiết bị tách dầu mỡ để nhân rộng trên địa bàn quận.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận hiện còn nhiều nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm, bếp ăn của các cơ quan, trường học… đang xả nước thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của thành phố. Nước thải này có chứa hàm lượng dầu, mỡ cao, gây úng ngập cục bộ và ô nhiễm môi trường nước. Thời gian qua, quận phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thí điểm việc lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ từ nguồn nước thải tại nhà hàng Bảo Vân (số 658 phố Trương Định). Cơ sở này trung bình phục vụ 300 suất ăn/ngày, có lượng xả thải tương đối lớn và sau 1,5 tháng lắp đặt thiết bị, đã thu được 665kg dầu mỡ xả qua hệ thống nước thải.

Thực tế, không riêng quận Hoàng Mai mà trên địa bàn thành phố, việc ứng dụng và đưa mô hình tách dầu mỡ từ nước thải đang được tuyên truyền và nhân rộng. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng phòng Đối ngoại truyền thông Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đến nay đã có gần 30 cơ sở, nhà hàng tại 9 quận lắp đặt thiết bị này, như nhà hàng bia Hải hói (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), quán ăn Ngon (18 phố Phan Bội Châu), nhà hàng Nam Hải (424 đường Nguyễn Trãi)…

Bà Nga cho biết, dầu mỡ có đặc tính nhẹ hơn nước, không tan trong nước và độ kết dính cao nên khi xả ra ống thoát nước sẽ dính bám trên thành ống. Theo thời gian dầu mỡ sẽ tích tụ và đóng khối một phần hoặc toàn bộ đường ống gây tắc nghẽn cục bộ hệ thống ống thu gom nước thải và hệ thống thoát nước chung của thành phố. Ngoài ra, nước thải nhiễm dầu mỡ có khả năng ngấm vào đất hoặc cuốn theo nước mưa vào các tầng nước ngầm, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm.

Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng trăm cửa hàng sửa chữa, rửa ô tô, xe máy không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có nhưng không đạt yêu cầu đang xả trực tiếp ra môi trường.

Ảnh minh họa. 

Cùng với đó là ý thức của người dân về vấn đề môi trường còn chưa cao, dầu mỡ thừa từ nhà bếp hay từ hoạt động bảo dưỡng, rửa xe… xả thẳng xuống cống rãnh mà không có biện pháp phân loại, thu gom phù hợp. Để khắc phục, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với chính quyền các quận, nhằm vận động người dân có ý thức bảo vệ môi trường, không xả chất thải bừa bãi, không đổ dầu mỡ xuống cống thoát nước, có biện pháp phân loại, thu gom hợp lý.

Thực tế, việc lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ, giữ gìn môi trường sống trên địa bàn Thủ đô. Hạn chế lượng dầu, mỡ xả vào hệ thống thoát nước chung cũng là nỗ lực nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng úng ngập cục bộ, nguy cơ ô nhiễm môi trường, qua đó góp phần cải thiện chất lượng nước của các sông, hồ trên địa bàn Hà Nội.

Theo Hà Nội mới

Bạn đang đọc bài viết Nhân rộng mô hình tách dầu mỡ từ nước thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...