Thứ hai, 29/04/2024 22:19 (GMT+7)

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’

MTĐT -  Thứ bảy, 25/02/2023 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đã có nhiều câu chuyện kể về Trần Nam Long, về một cậu bé bằng món quà hội họa đã vượt qua nghịch cảnh số phận, như một tấm gương khích lệ đầy cảm hứng không chỉ dành cho những bạn nhỏ mắc bệnh tự kỷ, mà còn cả với các bậc làm cha mẹ.

Đã có nhiều câu chuyện kể về Trần Nam Long, về một cậu bé bằng món quà hội họa đã vượt qua nghịch cảnh số phận, như một tấm gương khích lệ đầy cảm hứng không chỉ dành cho những bạn nhỏ mắc bệnh tự kỷ, mà còn cả với các bậc làm cha mẹ.

Rồi cũng đã có rất nhiều tranh vẽ về đề tài phố phường Hà Nội. Nhưng xem tranh của Long, vốn vẫn lắng đọng đôi chút ngây vụng và thuần nhiên, không khỏi khiến người viết suy tư, như thể em đã mở ra cho tôi cánh cửa, để đến với “thành phố của Long,” và đánh thức cái gọi là “tự nhiên của đô thị” dường như đã bị bỏ quên.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Trần Nam Long ký họa Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tự nhiên của đô thị

Tôi vẫn nhớ vào cuối những năm thập niên 1990 – đầu 2000, khi gia đình mới chuyển về một khu vực mà nay là trung tâm hành chính của quận Đống Đa. Sẽ khó thể hình dung, tại địa điểm của một công trình bề thế uy quyền ở hiện tại, hơn hai chục năm trước là một cảnh quan tự nhiên đối nghịch: một bãi cỏ dại rậm rạp, bao quanh là kênh mương, rộng phải cỡ một sân vận động (và sau này nó được xây thành sân vận động thật!).

Nơi tôi ở nguyên là một ao đầm được san lấp, thời điểm đó lau sậy còn mọc um tùm, xen kẽ là những vườn chuối. Tôi nhớ hay được theo các anh đi câu cá, rồi khi thì lại cùng các chị đi bắt châu chấu, chuồn chuồn, hái hoa dại. Thế nên không phải cứ trẻ con đô thị là không có tự nhiên.

Ngày đó, phố ngõ chưa đông đúc xe cộ, internet cũng chưa phổ biến. Đôi khi trưa hè tĩnh mịch bị cắt ngang bởi tiếng bước chân rào rào của trẻ con chạy đuổi nhau nô đùa. Trẻ con muốn chơi? Chỉ có những trò chơi dân gian thô sơ như đuổi bắt, trốn tìm, ô ăn quan… Chơi với ai? Chỉ có chơi với nhau.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’

Góc nhớ - Acrylic - 65x 88 cm - 2021.

Những đứa trẻ sàn sàn tuổi gần nhà nhau sớm hình thành nên một nhóm chơi đồng trang lứa, đôi khi còn bất kể tuổi tác. Và để tổ chức một buổi chơi là phải trực tiếp sang nhà nhau rủ, thậm chí là phải lén lút, chứ không phải là chỉ cần nhắn vài cái tin như bây giờ. Nhà nào trang bị được một chiếc máy tính đã là xa xỉ, chứ chưa nói là lắp mạng dial-up 56Kbps “tít tít tè tè.”

Ấy vậy mà chúng đã trở thành câu chuyện ký ức xa xôi. Chúng ta đang được chứng kiến quá trình thay hình đổi dạng chóng mặt của Hà Nội, bởi cả sách lược quy hoạch lẫn tốc độ đô thị hóa nhanh. Những không gian xanh, cảnh quan sinh thái tự nhiên của thành phố bị thu hẹp, nhường diện tích cho các quần thể kiến trúc dân dụng san sát, chen chúc, hỗn độn tựa mê cung.

Triển lãm cá nhân của Trần Nam Long mang tên Phố xưa hè cũ sẽ diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, bắt đầu từ 17 giờ ngày 2.3.2023 và trưng bày cho đến hết ngày 6.3.2023.

Những “mê cung bê tông” này còn chưa hẳn là đô thị đúng nghĩa, mới chỉ là các điểm dân cư, nơi người ta tìm cách tối đa hóa diện tích sinh hoạt. Hiển nhiên, diện mạo chúng nhếch nhác, mất mỹ quan – khu tập thể với những chuồng cọp, lồng chim vươn ra nhất có thể, nhà ống lô xô không đồng nhất, tòa cao ốc xây bừa bãi tạo nên nhiều “con đường đau khổ”…

Tự nhiên của đô thị dường như đã bị thủ tiêu. Nhưng đó không phải là hệ lụy duy nhất của đô thị hóa. Không phải ngẫu nhiên mà những chiến lược và hướng dẫn quy hoạch đô thị tiên tiến trên thế giới ngày nay đều nhằm nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một “đô thị sinh thái nhân văn.”

Bởi bên cạnh sinh thái tự nhiên, giữa con người và môi trường tự nhiên, còn có sinh thái nhân văn, giữa con người và môi trường xã hội, và sinh thái tinh thần của mỗi cá nhân. Sau sinh thái tự nhiên, thì đến lượt sinh thái nhân văn lẫn sinh thái của tinh thần đã bị xâm lấn từ lúc nào.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Phố Hàng Rươi - Acrylic - 80 x 80 cm - 2021.

Theo số liệu thống kê trên thế giới do Trung tâm Thiết kế Đô thị và Sức khỏe Tâm thần (UD/MH) cung cấp, tỷ lệ mắc hầu hết các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thành phố cao hơn so với các vùng nông thôn: nguy cơ trầm cảm cao hơn gần 40%, lo âu cao hơn 20% và tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt, ngoài ra người dân thành phố cũng cô đơn, cô lập và căng thẳng hơn.

Một báo cáo của UNICEF năm 2021 chỉ ra 13% trẻ em từ 10 đến 19 tuổi trên khắp thế giới được chẩn đoán mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần. Còn ở Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng đã nhận diện được xu hướng liên tục tăng của trẻ tự kỷ, đặc biệt phân bố tập trung vào khu vực đô thị.

Thân xác con người hiện đại bị nhốt vào những chiếc hộp bê tông. Còn tinh thần và sự tập trung thì bị nhốt vào những chiếc hộp điện tử. Trẻ con nay không còn chỗ để chơi. Chúng bị tước đi sự tiếp xúc với tự nhiên và tương tác xã hội. Ngay cả trong chính gia đình, chúng còn mất đi sự kết nối giao tiếp với cha mẹ.

Người bạn duy nhất của trẻ con nay là những thiết bị điện tử kết nối internet như tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng,… với những nội dung đa dạng sặc sỡ màu sắc, được “đóng gói” và bày biện sẵn. Món ăn nhanh tinh thần này góp phần không nhỏ vào việc triệt tiêu đi óc sáng tạo và tưởng tượng trong mỗi đứa trẻ. Tự nhiên của đô thị đã bị thay thế bởi thế giới ảo với những hệ quả khôn lường.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Ký ức mùa đông - Sơn dầu - 65 x 88 cm - 2022.
Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Lặng - Sơn dầu - 60 x 60 cm - 2022.

“Thành phố của Long” và sự trở về tự nhiên

Trần Nam Long là một trong số những cậu bé có số phận không may mắn giữa chốn thành thị. So với những bạn bè đồng trang lứa khác cùng ở thành phố, trở nghịch của Long còn lớn và ngặt nghèo hơn nhiều, bởi vốn dĩ ngoài sự mất kết nối với tự nhiên và xã hội, thế giới của em là một thế giới vô thanh.

“Nam Long không phải là giai phố Hà thành, nhưng Hà Nội đã nuôi em lớn lên. Em yêu Phố xưa, đã yêu biết bao nhiêu những hàng cây, góc phố, những ban công hoa nắng, những mảng tường rêu phong, nhưng khu tập thể cờ đỏ chen với lá xanh trong những chuồng cọp phấp phới quần đùi áo may ô. Em yêu phố em với bao góc quen. Em cất riêng một Hà Nội nhỏ bé vào lòng. Hà Nội ngày một đông đúc, đồ sộ, tấp nập, tân kỳ, nhưng Hà Nội của em nho nhỏ quen quen, vừa đủ để ta quanh quẩn cả đời lam lũ, bịn rịn và nhớ nhung khi xa.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Long vĩnh viễn đánh mất thính lực sau một trận ốm khi mới một tuổi. Chỉ đôi năm sau, em được chẩn đoán bị tự kỷ thể tăng động ở mức nặng. Em còn bị dị tật ở chân và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Ở độ tuổi đúng ra phải học lớp 12 (Long sinh năm 2005), thì hiện em vẫn đang theo học lớp 9.

Nỗ lực và hy sinh của mẹ, với sự tận tâm giúp đỡ của thầy cô dạy vẽ, những “quý nhân phù trợ,” đã giúp Long được chắp cánh, hay đúng hơn, tìm thấy cứu cánh của đời mình ở hội họa. Hội họa là chiếc chìa khóa đã mở cho Long cánh cửa đến với thế giới bên ngoài, đến với một tự nhiên của đô thị đong đầy ký ức, rồi đến lượt em đem hội họa của mình mở cánh cửa để người xem trở về với tự nhiên này.

Phép màu luôn xảy đến với nghệ thuật, nơi sự khiếm khuyết vẫn có thể trở thành bổ khuyết. Beethoven sau khi bị điếc soạn nhạc còn năng sản hơn, John Milton chấp bút thiên sử thi Thiên đường đã mất khi đã mù lòa hoàn toàn. Người ta cho rằng hội chứng Asperger là chứng tự kỷ của thiên tài.

Khiếm thính đã tước đi từ Long khả năng nghe và nói, nhưng bù lại, em có thể lắng nghe bằng mắt và nói ra bằng tranh. Long đi lại khó khăn, nhưng mẹ đã trở thành đôi chân để em có thể bước ra ngoài. Có thể căn bệnh tự kỷ khiến em khó thể tập trung trong những thao tác đời sống đơn giản hàng ngày, nhưng em lại có sự tập trung khác thường khi vẽ.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Họa sĩ trẻ Trần Nam Long.

Long có niềm ham thích và nhãn quan đặc biệt đối với ngoại cảnh. Phong cảnh luôn là chủ đề lôi cuốn bất tận đối với các họa sĩ, điển hình như những danh họa trường phái Ấn tượng thế kỷ XIX, bởi yêu sự sắp đặt và chơi đùa của ánh sáng, đã rời khỏi xưởng vẽ để tìm về tự nhiên, đem lại thứ hội họa plein air (ngoài trời) trác tuyệt.

Hội họa phong cảnh là thứ thôi thúc Long dũng cảm bước ra ngoài vùng an toàn của mình, để tương tác với tự nhiên, đời sống lẫn xã hội xung quanh, và trưởng thành hơn. Quả nhiên, Long chọn cảnh quan tự nhiên gần gũi nhất để vẽ, đó là phố Hà Nội. Không nhiều đô thị chứa đựng hàm lượng giá trị văn hóa – lịch sử giàu có, một chất liệu nên thơ bất tận cho thi ca, hội họa và âm nhạc như Hà Nội.

Phố Hà Nội của Long, hay đúng hơn, thành phố của Long, qua thế giới quan hồn nhiên của em hiện ra trong trẻo, yên tĩnh, nhưng không thiếu đi nét lãng đãng, thanh nhã cố hữu. Tông vàng chủ đạo trong tranh phố của Long, gợi cho tôi đến một thứ hoài niệm cá nhân, của ký ức và trải nghiệm riêng tư, là khi con người luôn hằng nhớ về ấu thời hồn nhiên vô ưu, nơi mọi thứ đều giản đơn và hạnh phúc hơn.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Phố Nguyễn Biểu - Acrylic - 80 x 60 cm - 2020
Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Phố Phan Huy Chú 2 - Sơn dầu - 100 x 100 cm - 2022.

Trước sự nghiệt ngã và lạnh lùng của trưởng thành, cái ta cảm thấy đánh mất nhiều nhất là tuổi thơ, sự vô tư, và trí tưởng tượng sạch sẽ. Trang giấy trắng theo thời gian úa vàng, những thước phim cũ ngả sang màu sepia, những thời đại huy hoàng xa xưa trong lịch sử người ta thường gọi là thời kỳ hoàng kim/vàng son (golden age).

Những ngôi nhà cổ trên phố Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo, Đặng Tất,… hay khu tập thể D14 Phương Mai, tập thể A12 Tôn Thất Tùng, như những không gian ký ức Hà Nội được Long khắc họa và bảo lưu một cách cẩn thận nơi thời gian ngừng lại. Tuy cơ bản là một người tự học vẽ, nhưng tranh của Long, dù là ký họa hay tác phẩm sơn dầu hoàn chỉnh, có độ chi tiết kỳ lạ và bố cục, tỷ lệ chuẩn xác về kiến trúc.

Nếu để ý kỹ, có những cái “vụng” của người không trải qua đào tạo trường quy bài bản, song, đấy là sự non vụng làm nổi bật cái nhìn trong sáng vốn là giá trị thực sự trong các tác phẩm của em. Tôi nghĩ, tranh Hà Nội của Long được đón nhận và yêu mến bởi tính cộng cảm (sentimental) và hoài niệm (nostalgic) phổ quát. Ngắm nhìn chúng, mỗi chúng ta sẽ tự liên hệ tới từng câu chuyện, từng trải nghiệm, từng kỷ niệm của riêng ta với Hà Nội.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’

Ký họa biệt thự phố Trần Hưng Đạo.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’

Ký họa Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’

Ký họa cầu Long Biên.

Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’
Ký họa tập thể số 6 Lê Thánh Tông.

Thành phố của Long, không phải là một đô thị đậm đặc chúng ta đang phải đối mặt mỗi ngày, không khói bụi ô nhiễm, không đông đúc chen chúc, không huyên náo xô bồ. Trong không gian vô nhiễm, thanh tĩnh, an nhiên, “ngôn vô ngôn” (nói cái không lời) đó, ta chợt tạm quên đi những mệt mỏi căng thẳng của xã hội kim thời gấp gáp, để trở về với tự nhiên chân phương và được chữa lành thương tổn tinh thần.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

Bạn đang đọc bài viết Nhịp sống đô thị qua ‘Thành phố của Long’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người đô thị

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...