Thứ sáu, 26/04/2024 19:49 (GMT+7)

Những 'chiến binh' thầm lặng 'tắm gội' cho đường phố trong đại dịch

Đinh Nga -  Thứ ba, 10/08/2021 11:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hơn 1 tuần qua, TP Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp.

Với những công nhân vệ sinh môi trường, trong những ngày này, áp lực công việc là hết sức nặng nề, bởi bên cạnh việc phải nhặt rác thải làm sạch môi trường, không để phát tán dịch bệnh ra cộng đồng, họ còn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm trong thực thi nhiệm vụ.

Việc thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu cách li ở Đà Nẵng tiềm  ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho công nhân vệ sinh môi trường.

Trao đổi với Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam chiều 9/8, ông Nguyễn Phước Nhiên, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Q.Sơn Trà thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng (Cty CPMTĐTĐN) cho biết, những ngày Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, công nhân của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, Q.Sơn Trà hiện đang là điểm nóng về dịch Covid-19 của TP Đà Nẵng khi nguồn lây nhiễm ở Cảng cá Thọ Quang đang còn hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều ca lây nhiễm ra cộng đồng. Tại đây, hiện có 5/7 phường của quận bị phong tỏa với 12 điểm cách li cứng để dập dịch.

Công nhân vệ sinh môi trường Q.Sơn Trà sát khuẩn cẩn thận trong khi lấy rác thải sinh hoạt ở khu cách li cứng.

Những ngày qua, việc thu gom rác thải trên địa bàn Q.Sơn Trà rất vất vả khi xuất hiện nhiều chốt kiểm soát dịch. Các công nhân vệ sinh môi trường muốn vào khu vực cách ly làm việc, ngoài giấy đi đường có chữ ký của lãnh đạo Cty CPMTĐTĐN và Sở Tài nguyên – Môi trường còn phải có thêm giấy xác nhận của UBND Q.Sơn Trà.

Hiện tại, 141 công nhân của xí nghiệp thì chỉ hơn một nửa có giấy phép vào khu vực cách ly hoạt động. Quá trình làm việc, nhất là ở những vùng cách ly cứng, anh em công nhân được trang bị đồ bảo hộ lao động hết sức nghiêm ngặt để phòng chống nguy cơ lây nhiễm. Theo ông  Nguyễn Phước Nhiên, lo nhất là việc lấy rác sinh hoạt ở khu vực này, bởi nơi đây có nguồn rác thải lây nhiễm, nếu phân loại tại nguồn không kỹ sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho công nhân và phát tán ra cộng đồng.

Việc thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu cách li cứng ở Q.Sơn Trà được cơ giới hóa để hạn chế lây lan dịch bệnh. 

Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, Xí nghiệp Môi trường Q.Sơn Trà đã hỗ trợ thuê nhà cho công nhân đến địa bàn làm việc, tận dụng số lao động là người địa phương ở các phường để thu gom rác trong khu cách li cứng. Ngoài ra, đơn vị còn được bổ sung thêm 130 thùng rác đặt tại các khu vực phong tỏa cứng, hạn chế ra vào để người dân tự mang ra đổ, sau đó xe cơ giới đến vận chuyển đi. Trung bình mỗi ngày, công nhân thu gom được khoảng 90 tấn rác, giảm hơn một nửa so với ngày thường.

Sáng 9/8, phóng viên có mặt tại Chợ đầu mối Hòa Cường (thuộc địa bàn Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) để tìm hiểu hoạt động thu gom rác thải. Theo quan sát của phóng viên, hoạt động mua bán diễn ra khá tấp nập, bởi hàng hóa từ các tỉnh thành tập trung về đây rồi mới luân chuyển đến các chợ trên toàn địa bàn Đà Nẵng. Tại chợ này, trước đây từng ghi nhận có ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng.

Công nhân vệ sinh thu gom rác thải trong Chợ đầu mối Hòa Cường
Công nhân vệ sinh thu gom rác, làm sạch tuyến đường xung quanh Chợ đầu mối Hòa Cường.

Đến nơi làm việc của Đội Môi trường 4, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu thuộc Cty CPMTĐT Đà Nẵng từ 6 giờ 30, phóng viên ghi nhận anh em công nhân nỗ lực thu gom rác thải xả ra trong chợ. Vừa thu gom rác trong khu vực bán hàng trái cây, chị Huỳnh Thị Phương Dung (công nhân Đội môi trường 4) vừa cho biết, lượng rác trong chợ hằng ngày vẫn rất nhiều. Những ngày này, anh em công nhân tại đây trong thực thi nhiệm vụ luôn động viên nhau phải hết sức cẩn thận, bởi chợ là nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Chị Huỳnh Thị Phương Dung cùng đồng nghiệp thu gom rác tại hàng trái cây Chợ đầu mối Hòa Cường.

Anh Tống Phước Trình (Đội trưởng Đội môi trường 4) cho biết, từ khi Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách đến nay, 40 công nhân của đội gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Khó nhất là hàng quán không hoạt động, việc ăn ở của anh em công nhân, nhất là số ở Quảng Nam ra Đà Nẵng làm việc không được thuận như trước.

Để giải quyết vấn đề này, anh Trình vận động BQL Chợ đầu mối Hòa Cường ủng hộ thực phẩm, UBND P.Hòa Cường Bắc, UBND P. Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu) cùng các Mạnh thường quân hỗ trợ gạo, kinh phí để tổ chức bếp ăn tại chỗ cho công nhân. Theo đó, hằng ngày tầm 9 giờ, các công nhân Trần Thị Thanh Nga và Nguyễn Thị Hải Yến tranh thủ đi chợ, tổ chức nấu các suất ăn trưa tại nhà số 7 Đoàn Quý Phi (TP Đà Nẵng) cho công nhân và cả số anh em trực chốt kiểm soát dịch tại khu vực quanh chợ. Hiện tại, Đội anh Trình là đơn vị duy nhất tổ chức các suất ăn cho công nhân trong thời điểm khó khăn này.

Đội Môi trường 4, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu tổ chức nấu ăn trưa cho công nhân trong thời điểm giãn cách toàn thành phố.
Công nhân Đội môi trường 4 nhận các suất ăn trưa miễn phí trong thời điểm giãn cách.

Tại Đội Môi trường 2 thuộc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu, trao đổi nhanh với phóng viên, anh Trần Hữu Giác (Đội trưởng) thông tin, có 20/65 công nhân của đơn vị nghỉ việc vì đang ở Quảng Nam và vùng cách ly tại Q.Sơn Trà. Quân số thiếu, Đội phải bố trí anh em làm việc tăng ca, thêm giờ để đảm bảo việc thu gom rác thải ở địa bàn trung tâm TP Đà Nẵng.

Cũng theo anh Giác, trong đợt giãn cách này, lượng rác trong dân không nhiều nhưng bù lại, mùa rụng lá cây nên rác trên đường khá lớn. Đội đã vận động được 3 anh em công nhân ở Quảng Nam ra Đà Nẵng làm việc và bố trí ăn nghỉ tại Văn phòng của đơn vị trên đường Ngô Gia Tự (TP Đà Nẵng).

Trịnh Văn Tin (1995, trú xã Đại Tân, H.Đại Lộc, Quảng Nam) là một trong 3 công nhân ở Quảng Nam ra Đà Nẵng làm việc cho biết, bản thân anh cùng vợ là Phạm Thị Kim Chi đều là công nhân của Đội môi trường 2. Bình thường, sau 1 ngày làm việc, 2 vợ chồng chở nhau bằng xe máy từ Đà Nẵng về lại Quảng Nam. Kể từ khi Quảng Nam áp dụng biện pháp cách ly tế đối với người về từ Đà Nẵng, vợ chồng đang có con nhỏ 8 tháng tuổi nên chỉ mình Tin ra Đà Nẵng ở lại làm việc.  

Trịnh Văn Tin từ Quảng Nam ra Đà Nẵng ở lại, thu gom rác trên đường Bạch Đằng

Tin chia sẻ: “Hôm ra Đà Nẵng, em chở theo 1 bó chổi, 1 thùng mì tôm và xác định là hết dịch mới về. Được đơn vị bố trí ăn nghỉ tại văn phòng làm việc cùng 2 đồng nghiệp ở Quảng Nam và Q.Sơn Trà, tuy không được thỏa mái như ở nhà nhưng khổ nhất là hàng quán đóng cửa, việc ăn uống rất bất tiện. Áp lực công việc phải tăng ca để “gánh” phần anh em nghỉ, sợ lây nhiêm dịch bệnh, lại ăn nghỉ chưa đảm bảo nên em rất lo. Mong sao dịch sớm qua mau để cuộc sống trở lại bình thường”.

Cùng tâm trạng như Tin, chị Lê Thị Nguyệt  (1981, trú Điện Bàn, Quảng Nam) vừa quét rác trên đường Lê Lợi (TP Đà Nẵng) vừa rơm rớm nước mắt cho biết: “Bình thường thì em làm ở Đà Nẵng, khuya về lại Quảng Nam. Hôm ở Đà Nẵng về quê, em bị cách li y tế tại nhà 14 ngày. Sau đó, được đơn vị động viên và hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm thợ xây đang nghỉ việc nên em xin ra Đà Nẵng, thuê trọ để tiếp tục công việc. Hôm đi, bé út 8 tuổi ôm mẹ khóc rất nhiều. Lần này xác định sẽ xa gia đình dài ngày, nhưng vì công việc, em chấp nhận.”

Chị Lê Thị Nguyệt quét rác trên đường Lê Lợi.

Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu, Phó tổng Giám đốc Cty CPMTĐT Đà Nẵng cho biết, trong thời điểm Đà Nẵng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, hoạt động thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn. Đối với khu vực phong tỏa ở Q.Sơn Trà, công ty áp dụng biện pháp tăng cường xe nâng cơ giới để anh em công nhân hạn chế tiếp xúc.

Xe cơ giới Công ty vệ sinh môi trường lấy rác thải sinh hoạt trên tuyến Tôn Đức Thắng (Q.Liên Chiểu).
Công nhân vệ sinh Xí nghiệp môi trường Q.Cẩm Lệ quét rác trên tuyến Ông Ích Đường.
Công nhân vệ sinh Xí nghiệp môi  trường Q.Liên Chiểu thu gom rác sinh hoạt của các hộ dân trong Khu đô thị .
Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác sinh hoạt tại các Bệnh viện ở Đà Nẵng.

Cũng theo bà Hiếu, lượng rác trong thời điểm này giảm so với trước, trung bình khoảng 800 tấn mỗi ngày. Hiện nay, toàn công ty có hơn 1.000 công nhân viên lao động thì đã được thành phố trí cho 536 suất tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Công ty đã tổ chức tiêm cho số lao động trực tiếp có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Bạn đang đọc bài viết Những 'chiến binh' thầm lặng 'tắm gội' cho đường phố trong đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới