Thứ ba, 07/05/2024 17:16 (GMT+7)

Nỗi buồn doanh nghiệp bia rượu

MTĐT -  Thứ bảy, 12/02/2022 23:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các doanh nghiệp ngành bia rượu đã trải qua một năm lao đao khi bị kẹp giữa hai gọng kìm sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100.

Sau 2 năm chính thức áp dụng Nghị định 100, theo phân tích của SSI Research, người tiêu dùng đã có xu hướng điều chỉnh thói quen uống rượu bia của mình, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Người dân đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (taxi, dịch vụ gọi xe) sau khi sử dụng rượu, bia vì sự an toàn của chính họ.

Hồ sơ doanh nghiệp - Nỗi buồn doanh nghiệp bia rượu
Nghị định 100 gây sức ép đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bia rượu.

Bên cạnh đó, để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành bia đã đưa ra những giải pháp, chiến dịch riêng để vượt khó: Phát triển các kênh thương mại điện tử; cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm; ra mắt thị trường sản phẩm mới...

Sau khi dần thích ứng với sức ép đến từ Nghị định 100, các doanh nghiệp ngành bia lại nhận "cú đấm" liên tiếp khi làn sóng dịch Covid-19 lần 3, lần 4 bùng phát và các quy định giãn cách xã hội diễn ra trên nhiều tỉnh thành và kéo dài trong nhiều tháng đã giáng "đòn chí tử" vào thị trường bia rượu, nước giải khát Việt Nam.

Sản lượng sản xuất ngành bia, theo số liệu của Cục Công nghiệp năm 2021 đạt khoảng 4.050 triệu lít, giảm 7,7% so với năm 2020. Trong bối cảnh Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, các hãng bia, rượu, nước giải khát nước ngoài có cơ hội gia nhập vào thị trường Việt Nam tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên các doanh nghiệp trong ngành

Nhìn thẳng vào thực tế, rất nhiều doanh nghiệp ngành bia rượu đã công bố Báo cáo tài chính đi xuống đáng kể. Điển hình phải kể đến CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã chứng khoán: HNR) đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ ròng quý thứ 15 liên tiếp.

Doanh nghiệp Vodka Hà Nội này đã say lỗ kéo dài tới 6 năm liên tiếp. Tính đến cuối năm 2021, lỗ lũy kế của Halico lên tới 468 tỷ, cao gấp rưỡi so với vốn điều lệ hiện là 200 tỷ đồng.

Mặc dù không lỗ nặng như Halico, cả hai "ông lớn" ngành bia Sabeco (MCK: SAB) và Habeco (MCK: BHN) đều ghi nhận sự lao dốc vì đại dịch.

Trong năm 2021, Sabeco đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn rót tiền rất mạnh tay cho hoạt động bán hàng. Dù bình quân mỗi ngày Sabeco phải bỏ ra tới 6 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo nhưng luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của Sabeco vẫn giảm 6% xuống còn 26.374 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.929 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Habeco cũng không khá khẩm hơn là mấy khi luỹ kế năm 2021 thu về 6.963 tỷ đồng tiền doanh thu thuần, giảm 7% và lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 337 tỷ đồng. Nợ phải trả của Habeco tính đến cuối năm 2021 tăng tới 530 tỷ đồng lên mức 1.890 tỷ đồng, vỗn chủ sở hữu của doanh nghiệp bia ghi nhận giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 3.888 tỷ đồng.

Trong năm, doanh nghiệp ghi dấu ấn khi đưa ra thị trường sản phẩm Bia hơi Hà Nội 500ml và Bia hơi Hà Nội 1L, đã tạo ra “làn sóng mới” trong việc thưởng thức bia truyền thống và cứu vớt một phần cho lợi nhuận đang tụt dốc của mình.

Đồng cảnh ngộ, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Kim Bài (MCK: BHK) đã công bố báo cáo tài chính năm 2021 với doanh thu giảm tới 88% xuống vỏn vẹn còn gần 688 triệu đồng, doanh thu thuần cũng ghi nhận giảm 27,5% so với năm trước xuống còn 100 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt đông kinh doanh của BHK ghi nhận âm hơn 514 tỷ đồng, nhờ có khoản thu nhập khác tăng lên 1,3 tỷ đồng đã cứu lỗ cho doanh nghiệp bia này.

Tương tự như các doanh nghiệp trong ngành, Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (MCK: HAD) mới đây cũng công bố doanh thu thuần luỹ kế năm 2021 xuống còn 127 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 62% xuống còn 3,1 tỷ đồng. Lợi nhuận “bốc hơi” hơn 5 tỷ đồng đến từ việc doanh thu lao dốc 16,4% do tác động của dịch Covid-19 tại Hải Dương và một số địa phương khác phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo Chỉ thị 15, 16, 19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu thụ, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung (MCK: SMB) cũng không tránh khỏi tình cảnh lao đao khi ghi nhận sản lượng tiêu thụ bia giảm 15 triệu lít trong quý III, may mắn là doanh nghiệp đã kịp tăng tốc trong quý IV khi việc giãn cách xã hội tại TP.HCM và các tỉnh miền TRung được nới lỏng để ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.191 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là gần 159 tỷ đồng, gần như đi ngang với cùng kỳ năm trước.

Một số hãng bia rượu ngoại cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Ví dụ như gã khổng lồ trong ngành sản xuất bia tới từ Hà Lan – Heineken đã báo cáo doanh số bán bia giảm sâu hơn ước tính. Một trong những lý do chính dẫn đến việc này được phía doanh nghiệp cho rằng tới từ những quy định hạn chế do đại dịch COVID-19 gây ra tại Việt Nam, một trong ba thị trường hàng đầu của hãng bia khổng lồ này.

Theo công bố, doanh số bán bia của nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới trong quý III giảm hơn 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh số bán bia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 37,4% do các quy định hạn chế của lệnh giãn cách xã hội sau khi xuất hiện làn sóng bùng dịch Covid-19 quay trở lại.

Theo Nghị định 100, người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở thì bị phạt từ 06 – 08 triệu đồng; Vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt từ 16 – 18 triệu đồng.

Đặc biệt, quy định mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng đối với người lái xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở. Đồng thời, ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định còn có quy định trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt từ 06 – 08 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng; còn người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), xe thô sơ bị phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

Nghị định 100 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Bạn đang đọc bài viết Nỗi buồn doanh nghiệp bia rượu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người Đưa Tin

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Khai mạc Phiên chợ thực phẩm an toàn năm 2024
Phiên chợ được diễn ra tại tại Sân vận động thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân thu hút 30 gian hàng bày bán lương thực, thực phẩm, nông sản... của các doanh nghiệp, HTX cung ứng thực phẩm an toàn, đơn vị sản xuất các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Vì sao Công ty TNHH Cây xanh Công Minh trúng nhiều gói thầu?
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa yêu cầu nhiều tỉnh, thành trên cả nước rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị… từ năm 2019-2023, liên quan đến Công ty TNHH Cây xanh Công Minh.

Tin mới