Thứ bảy, 27/04/2024 20:30 (GMT+7)

Nước không lối thoát bởi quá tham lam

MTĐT -  Thứ ba, 08/08/2023 11:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cuộc trao đổi với TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn chung quanh vấn đề ngập nước ở nhiều đô thị bất ngờ quay sang công tác quy hoạch cán bộ. Theo chuyên gia độc lập trong lĩnh vực quy hoạch, ẩn số không nằm ở giải pháp kỹ thuật mà là yếu tố con người.

Tình trạng ngập nước ngày càng trầm trọng ở nhiều đô thị Việt Nam diễn ra khá đồng bộ. Ngập từ đồng bằng lan ra ven biển, hải đảo, leo lên cao nguyên. Liệu có hay không nguyên nhân có tính phổ quát, thưa ông?

Nước không lối thoát bởi quá tham lam
KTS. Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: CTV

Quá trình phát triển đô thị ở nước ta chưa hài hòa. Sự tham lam khiến nhiều địa phương buông lỏng công tác quản lý đô thị. Bê tông hóa thả giàn nhưng hạ tầng đi kèm lại không tương ứng. Mưa xuống, nước không có lối thoát, chỗ chứa tạm thời cũng không, nên ngập là chuyện đương nhiên.

“Quá trình phát triển” kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, dẫn đến khó đòi hỏi trách nhiệm giải trình cụ thể?

Quan sát từ thực tiễn tôi thấy ở nước mình có xu hướng nhiệm kỳ sau xóa bỏ di sản của nhiệm kỳ trước mà nguyên nhân không xuất phát từ lợi ích công cộng. Một bản quy hoạch đã được duyệt, khoan bàn đến chất lượng nội dung, có thể dễ dàng bị thay đổi, điều chỉnh bởi một quyết định hành chính trong khi vai trò giám sát, phản biện của hội đồng nhân dân (HĐND) khá yếu. Giải pháp e rằng không đến từ địa phương.

Thực tiễn đòi hỏi cơ quan lập pháp luật hóa quy trình thay đổi quy hoạch đã được duyệt, theo hướng yêu cầu chính quyền giải trình công khai lý do, mục tiêu cũng như tác động của việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là những khu vực chỉnh trang, để cộng đồng sinh sống tại khu vực đó biểu quyết. Đâu đó chính quyền cũng có tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhưng cách làm còn chiếu lệ, có tính đối phó.

Cũng khoan bàn đến chất lượng chuyên môn của phản biện từ cơ quan dân cử. Cơ cấu lãnh đạo chính quyền kiêm nhiệm HĐND đã tiềm ẩn xung đột lợi ích?

Cấu trúc hệ thống dẫn đến rủi ro vừa đá bóng, vừa thổi còi. Kinh nghiệm quốc tế ghi nhận mô hình Hội đồng thành phố (city council), cơ quan tương đương với mô hình HĐND, độc lập với chế định thị trưởng (tương đương với chủ tịch UBND). Hội đồng thành phố có thành viên do dân bầu, nhưng đồng thời cũng có những cá nhân, thường là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó tự nộp đơn ứng tuyển vì mong muốn đóng góp cho thành phố.

Ở Mỹ, đã có những dự án lớn do kiến trúc sư nổi tiếng hàng đầu thế giới thiết kế, nhưng không được duyệt triển khai do bị Hội đồng thành phố bác. Nhìn lại nước mình, việc nâng cấp vai trò giám sát, phản biện của HĐND có lẽ phải giải quyết từ gốc, chấm dứt tình trạng lãnh đạo chính quyền đồng thời là đại diện cơ quan dân cử.

Nước không lối thoát bởi quá tham lam
Các đô thị ngày càng xuất hiện nhiều rốn nước, mỗi khi mưa to là các tuyến đường lớn ngập sâu. Ảnh: CTV

Nhìn lại quá trình phát triển khu Nam Sài Gòn thì thấy quy hoạch chiến lược (theo tầm nhìn TP.HCM tiến ra biển Đông) có vẻ như đi trước quy hoạch kỹ thuật. Điều đó cũng có nghĩa rằng bài toán phát triển kinh tế được tính toán căn cơ và trong chừng mực nào có thể góp phần quyết định đối với sự thành bại của một địa phương, một vùng đất, thậm chí một quốc gia. Yếu tố này được xem xét như thế nào khi các địa phương thực hiện quy hoạch tỉnh, theo quan sát của ông?

Tôi nghĩ không nên quá đặt nặng chất lượng đồ án quy hoạch, trong khi ít chú trọng đến kế hoạch thực hiện quy hoạch và quản lý đô thị. Khu Nam Sài Gòn là một tình huống điển hình. Cùng một đồ án thiết kế do SOM thực hiện, cùng phát triển dự án trên nền đất thấp nhưng tại sao Phú Mỹ Hưng giải quyết rất tốt mà nhiều khu vực lân cận nằm trong cùng một bản quy hoạch của SOM, nhưng bị tách ra để giao lại cho chính quyền tự phát triển, lại thường xuyên ngập sâu khi mưa lớn hoặc triều cường. Tuân thủ quy hoạch trong thời buổi tấc đất tấc vàng đòi hỏi bản lĩnh của cả nhà đầu tư lẫn nhà quản lý đô thị.

Rời vùng trũng lên cao nguyên Lâm Viên, nơi không thể “đổ thừa” ngập nước do triều cường. Chứng kiến, trải nghiệm Đà Lạt ngập nặng, có một số người thương mến đô thị này than trời rằng Đà Lạt đã “hết thuốc chữa”. Được biết ông cũng dành nhiều sự quan tâm đối với thành phố này, theo ông, có thật thế không?

Đà Lạt quá tải, nên việc đầu tiên có thể làm ngay là dừng tăng tải bằng cách chấm dứt cấp phép xây dựng mới tại khu vực nội thành, trừ trường hợp chỉnh trang cải tạo nâng cấp. Cơ sở pháp lý là phải khống chế mật độ sàn xây dựng theo quy định của luật. Vượt chỉ tiêu cho phép còn là điều kiện để chính quyền đương nhiệm đập bớt những kho bãi, công trình thuộc sở hữu công nhưng đã xuống cấp, không còn giá trị khai thác, nhằm trả lại phần nào những không gian xanh công cộng đã bị mất đi hoặc đã giao, cho thuê sau nhiều nhiệm kỳ, nhất là trong bối cảnh khu trung tâm Đà Lạt (Hòa Bình) đang “khát” trầm trọng.

Đồi Cù tiếp tục được cho tư nhân thuê, được tính vào dự án du lịch, làm rào ngăn không cho người dân vào. Quảng trường cũng bê tông hóa xong. Chút xíu không gian xanh công cộng còn lại ở Dinh Tỉnh trưởng thì người ta cũng đang nỗ lực chuyển đổi thành khách sạn tư nhân. Khu Hòa Bình ngập chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nước không lối thoát bởi quá tham lam
Hình ảnh thường thấy sau mỗi cơn mưa tại TP.HCM. Ảnh: Nhật Thịnh

Trục trặc thứ ba của Đà Lạt là nhà kính. Gọi là “nhà” nhưng công trình lại thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Dù lợp mái nilon không thấm nước nhưng nhà kính vẫn là công trình cấp 4, cần được ứng xử như công trình xây dựng, tức chủ đất phải đầu tư hệ thống thoát nước và không được phép xây dựng 100% trên đất nông nghiệp. Tôi cho rằng việc quản lý cấp phép nhà kính nên giao lại cho cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng.

Đà Lạt ví như người bị bệnh gan sau nhiều năm nghiện rượu. Muốn trị phải cữ cồn, uống thuốc. Chính quyền đương nhiệm có dám nhận lãnh trách nhiệm giải quyết vì lợi ích công cộng hay không là điều đáng quan tâm hơn hết. Giải pháp kỹ thuật luôn có, nhưng khó là ở con người.

Việc quá tải không phải câu chuyện của ngày một ngày hai. Gánh nặng tích tụ từ nhiều nhiệm kỳ trước đang dồn lên chính quyền đương nhiệm. Khi đề cập đến kỷ luật tuân thủ quy hoạch ở trên, ông có nhắc đến bản lĩnh của nhà quản lý đô thị. Thực tiễn ghi nhận nhiều trường hợp bị xử lý trách nhiệm cho thấy công tác này tiềm ẩn rủi ro đối với quá trình phát triển của đô thị, rộng hơn là quốc gia. Liệu rằng còn giải pháp hài hòa vì lợi ích công hơn là lệ thuộc hoàn toàn vào quy hoạch cán bộ?

Tôi nghĩ trung ương nên cho phép (thí điểm) cơ chế tranh cử vào các vị trí lãnh đạo UBND. Thay vì chỉ định nhân sự, nên lập danh sách tranh cử, vẫn do Mặt trận Tổ quốc đưa ra. Mỗi ứng viên sẽ trình bày chương trình hành động trong nhiệm kỳ của mình nếu đắc cử, để người dân bỏ phiếu trực tiếp, tương tự như lựa chọn đại diện trong cơ quan dân cử. Kết thúc nhiệm kỳ sẽ có tổng kết đánh giá. Làm tốt, dân bầu tiếp. Ngược lại, họ không còn cơ hội thứ hai. Có đi tranh cử ở địa phương khác, dân chưa chắc đã bầu cho họ. Theo thời gian, người giỏi ở ngoài Trung, ngoài Bắc có thể vào Nam ứng cử và ngược lại. Việc nhân dân “sát hạch” năng lực lãnh đạo của cán bộ, cũng là giúp nhà nước lựa chọn nhân tài.

Xin cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Nước không lối thoát bởi quá tham lam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người đô thị

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề