Thứ sáu, 03/05/2024 05:51 (GMT+7)

Phân loại rác 'nửa mùa'

MTĐT -  Thứ năm, 10/02/2022 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

'Tôi tự hỏi việc phân loại rác sinh hoạt của mình có nghĩa lý gì khi công nhân thu gom vẫn đổ lẫn lộn lên xe đem đi chôn chung'.

Phân loại rác từ lâu đã được coi là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng trong công tác quản lý chất thải, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải. Tuy nhiên, ở nước ta, câu chuyện phân loại rác từ nguồn lại nảy sinh nhiều bất cập do thiếu sự đồng bộ trong công tác thu gom.

Độc giả Annie bày tỏ nỗi băn khoăn trước thực trạng này: "Tôi sống ở thành phố, tất nhiên không có chỗ để tự chôn lấp rác hữu cơ, nên tôi chỉ có thói quen phân loại rác sinh hoạt từ đầu. Thế nhưng, đến khi công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom, tôi thấy họ để lẫn lộn các túi rác vô cơ và hữu cơ vào một xe, và có lẽ tất cả chúng sẽ được đem đi chôn lấp ở cùng một nơi. Vậy nên, tôi tự hỏi không biết việc phân loại rác của mình có phải là vô nghĩa không?

Cùng chung trăn trở về hoạt động thu gom rác thải trong nước, bạn đọcNgan Buicho rằng: "Tôi ở nội thành TP HCM, cũng không thấy rằng việc phân loại rác có gì phức tạp. Tuy nhiên, tôi không làm điều đó, đơn giản vì không thấy có xe thu gom riêng. Công nhân vệ sinh hầu như chỉ dùng một loại xe duy nhất để đi thu gom. Dù tôi có phân loại riêng từng loại rác thì họ cũng tống tất cả lên một xe và đưa về bãi chôn lấp. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có một quy định cụ thể: ngày nào thu rác hữu cơ, ngày nào thu rác vô cơ, ngày nào thu rác tái chế... Nếu đơn vị thu gom riêng được từng loại rác như vậy, không đúng chủng loại thì không nhận rác, thì người dân chắc chắn sẽ làm được".

Bàn về câu chuyện phân loại rác, độc giả Tuan lấy dẫn chứng từ các nước phát triển trên thế giới: "Tôi từng tiếp xúc với việc phân loại rác cực kỳ ngặt nghèo từ những năm 2000. Trước đây, người ta phân ra năm loại rác theo chuẩn quốc tế, giờ thì gần 10 loại. Nhưng nếu không có ý thức từ người dân, kết hợp với khâu vận chuyển rác đến nơi xử lý thì còn lâu chúng ta mới làm được. Ví dụ, nếu thức ăn hữu cơ (food waste) mà cho vào túi bóng (plastic bag) trước khi thu gom lên xe rác thì làm sao gọi là phân loại rác? Chưa kể rất nhiều loại vô cơ khác nhau nữa: giấy, rác, giẻ lau thường, giẻ lau có hóa chất, có dầu... Rồi còn cách xử lý từng loại đó cũng khác nhau: có loại đốt có loại đốt nhiệt độ cao sẽ tạo ra khí độc...

Đây là chuẩn quốc tế từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Tôi đi khắp nơi, thấy rằng chỉ những nước tiên tiến mới có thể áp dụng tốt được những biện pháp phân loại và xử lý rác như vậy. Còn chúng ta đến nay vẫn theo kiểu thực hiện nửa mùa, mang tiếng phân loại rồi cuối cùng cũng ra bãi rác, đem chôn hết".

Đồng quan điểm, bạn đọc Loan bổ sung: "Những ai nói tự xử lý rác thải gia đình tốt thì đa phần đều không tiếp cận được dịch vụ xử lý rác thải đúng chuẩn và chuyên nghiệp. Những nước phát triển có hệ thống thu gom gác, xử lý rác và tái chế rác thải rất chuyên nghiệp. Nhờ đó, người dân chỉ cần tuân thủ quy định phân loại là được. Trong khi đó, ở ta, nhiều người cứ nghĩ chôn rác hay đốt rác là xong".

Bạn đang đọc bài viết Phân loại rác 'nửa mùa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.