Thứ tư, 01/05/2024 22:25 (GMT+7)

Phát triển khu công nghiệp sinh thái cần thiết nhưng còn nhiều thách thức

Duy Anh -  Thứ sáu, 15/03/2024 10:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các khu công nghiệp bền vững phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam. Khu công nghiệp sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư về cả mặt tài chính lẫn phát triển bền vững. Tuy nhiên, thực tế triển khai KCN sinh thái đang gặp nhiều vướng mắc.

Phù hợp với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường

Khái niệm khu công nghiệp (KCN) bền vững và KCN sinh thái đã và đang thu hút được sự chú ý tại Việt Nam, phù hợp với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã cam kết hướng tới khi tham gia Liên minh về Khí hậu và không khí sạch (CACC) của UNEP năm 2017. Thực tế một số sáng kiến đã được thực hiện nhằm thiết lập và thúc đẩy hoạt động bền vững trong các KCN, cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đầu tư vào các cơ sở này.

Khu công nghiệp sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư
Các KCN bền vững trong tương lai ở Việt Nam có thể bao gồm cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: Pexels

Các KCN bền vững/KCN sinh thái được thiết kế để giảm thiểu tác động đến môi trường, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và triển khai các thông lệ bền vững tại những doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi KCN. Những KCN này chú trọng việc tích hợp các cân nhắc về môi trường, xã hội và kinh tế vào cách thiết kế, vận hành và quản lý.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, TS. Scott McDonald cho biết, có nhiều ví dụ từ khắp nơi trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi và làm theo, chẳng hạn như KCN sinh thái Kalundborg ở Đan Mạch. Là một cộng đồng nhỏ ven biển, thành phố Kalundborg tiết kiệm được 24 triệu EUR hàng năm nhờ KCN sinh thái này. Nhưng khoản tiết kiệm không chỉ dừng lại ở phương diện tài chính – quy trình hoạt động của KCN này còn giúp giảm tiêu thụ 635.000 tấn CO2, 3,6 triệu m3 nước, 100 GWh năng lượng và 87.000 tấn vật liệu rắn.

Ngoài các khía cạnh môi trường rõ rệt, các KCN bền vững/KCN sinh thái có thể đặt mục tiêu đóng góp cho sự phát triển xã hội bằng cách cung cấp cơ hội việc làm, tăng cường đào tạo kỹ năng và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người lao động tại KCN.

Theo vị chuyên gia này, các KCN bền vững/KCN sinh thái trong tương lai ở Việt Nam có thể bao gồm cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, hệ thống quản lý nước hiệu quả, cơ sở tái chế chất thải và không gian xanh để giảm tác động đến môi trường.

Các KCN này cũng nên chú trọng vào hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách thúc đẩy phương pháp sản xuất sạch hơn, giảm tiêu thụ năng lượng và qua đó giảm lượng khí thải carbon, tối ưu hóa việc sử dụng nước, giảm thiểu phát sinh chất thải thông qua các nguyên tắc tái chế và kinh tế tuần hoàn.

Một đặc điểm quan trọng khác là việc sở hữu các chứng nhận xanh, chẳng hạn như LEED (Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) hoặc EDGE (Thiết kế xuất sắc để đạt hiệu quả cao hơn), do Viện Chứng nhận công trình xanh (GBCI) cấp, nhằm thể hiện việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và thông lệ bền vững.

Nhiều lợi ích cả mặt tài chính lẫn phát triển bền vững

Phân tích về lợi ích với nhà đầu tư, TS. Scott McDonald cho rằng, đầu tư vào KCN bền vững/KCN sinh thái tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư về cả mặt tài chính lẫn phát triển bền vững.

Khu công nghiệp sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư
Nhà đầu tư vào các KCN bèn vững có thể hưởng lợi từ nhiều ưu đãi, lợi ích về thuế và hỗ trợ của chính phủ. Ảnh minh họa

Cụ thể, trên phương diện tài chính, nhà đầu tư vào các KCN này có thể hưởng lợi từ nhiều ưu đãi, lợi ích về thuế và hỗ trợ của chính phủ, bao gồm giảm giá thuê đất, miễn thuế, cho vay ưu đãi và các khoản trợ cấp nhằm hỗ trợ công nghệ thân thiện với môi trường. Các nhà đầu tư cũng có thể tiếp cận các lựa chọn tài chính xanh và quỹ đầu tư bền vững, nhờ đó mà tạo được thêm nhiều cơ hội tăng trưởng.

Bên cạnh đó, các KCN sinh thái bền vững đặt ưu tiên cao vào hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chất thải. Điều này có thể giúp đảm bảo tiết kiệm chi phí lâu dài đáng kể như trong ví dụ về KCN Kalundborg ở trên.

Ngoài ra, việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế sẽ nâng cao danh tiếng toàn cầu của nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào các thị trường có quy định nghiêm ngặt về môi trường. Việc hướng tới các thông lệ thân thiện với môi trường không chỉ phản ánh cam kết của nhà đầu tư về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tính bền vững mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu của họ, qua đó họ có thể mở rộng phạm vi thị trường và tăng doanh số.

Đồng thời, sự tham gia vào KCN bền vững/KCN sinh thái sẽ đẩy mạnh gắn kết với cộng đồng và các bên liên quan, tạo ra năng lượng cộng hưởng và khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức.

Theo TS. Scott McDonald, Chính phủ Việt Nam đã và đang hỗ trợ phát triển công nghiệp bền vững bằng cách ban hành các nghị định, chính sách, nhưng những ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư vẫn cần được định hình rõ ràng hơn để khuyến khích các ngành công nghiệp và doanh nghiệp trong các KCN áp dụng các thông lệ bền vững và vận hành trong khuôn khổ thân thiện với môi trường.

Ông cho rằng, chắc chắn có thách thức khi triển khai các thông lệ bền vững trong các ngành công nghiệp, chẳng hạn như làm thế nào để cân bằng tăng trưởng kinh tế với tính bền vững của môi trường, hay vượt qua các rào cản đầu tư ban đầu. Những khó khăn này không dễ khắc phục, nhưng với nỗ lực của Chính phủ trong việc dẫn dắt sáng kiến này, hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có thêm nhiều KCN bền vững/KCN sinh thái hình thành trong những tháng năm tới.

“Đầu tư vào phát triển các KCN bền vững không chỉ là đầu tư cho tương lai, đó là đầu tư cho hạnh phúc chung của cộng đồng, cho môi trường và cho ngày mai của tất cả chúng ta” - TS. Scott McDonald nhấn mạnh.

Mục tiêu đầy thách thức

Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ KH&ĐT đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái…

Trao đổi với PLVN, Luật sư Bùi Văn Thành cho rằng đây là mục tiêu rất thách thức bởi đến nay nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể.

Đơn cử như, theo quy định của Luật BVMT, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì DN mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN. “Vậy khi DN vào KCN sinh thái, theo NĐ 35, DN phải tham gia vào hoạt động sản xuất “sạch hơn”. Vậy “sạch hơn” là gì, phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?…” - Luật sư Thành nêu ví dụ.

NĐ 35 cũng đề cập đến việc tương tác giữa các DN trong KCN sinh thái để làm sao sử dụng hiệu quả nguyên liệu, phế liệu, phế thải và xử lý chất thải. Nhưng chưa có chế định nào để DN nghiên cứu và vận dụng.

Hay như quy định xây dựng KCN phải có trong quy hoạch. Nhưng trong Luật Quy hoạch, phần về quy hoạch vùng, điểm tên rất nhiều, từ hệ thống đô thị, nông thôn; KKT; KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao (KCNC); khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao và cả bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… nhưng lại không đề cập đến KCN sinh thái, không quy định về KCNC.

“Như vậy, khi DN xin chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập KCNC, KCN sinh thái thì sao? Có phải sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng đã được phê duyệt không?”- Luật sư Thành nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh, mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước.

“Cho đến nay, thể chế, chính sách về KCN hiện chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng chưa thực sự đầy đủ. Cần sớm có hướng dẫn thực hiện NĐ 35 một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Các quy định pháp luật liên quan cũng phải thay đổi để cập nhật thêm các ưu đãi cho từng loại hình KCN chuyên sâu, như các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan…” - Luật sư Thành nói.

Ngoài ra, câu chuyện vốn cho xây dựng cũng như chuyển đổi sang KCN sinh thái cũng là vấn đề đáng chú ý khi chi phí triển khai các mô hình sinh thái rất tốn kém. Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) - TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Viện nghiên cứu đầu tư quốc tế, Chủ tịch lâm thời VIPFA khẳng định, xu thế hiện nay là KCN sinh thái và KCN tuần hoàn. “VIPFA sẽ kết nối DN với các quỹ đầu tư, tìm các nhà đầu tư tiềm năng để phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng KCN đang thiếu vốn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho KCN sinh thái” - TS Thắng quả quyết.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển khu công nghiệp sinh thái cần thiết nhưng còn nhiều thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới