Thứ sáu, 26/04/2024 10:13 (GMT+7)

Phong cách người Hà Nội

TS.LS Đồng Xuân Thụ -  Thứ hai, 21/11/2022 12:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phong cách người Hà Nội ai cũng có thể trả lời bằng việc dẫn ra hai câu thơ: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài//Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Bây giờ, hỏi phong cách người Hà Nội là thế nào, quả là không dễ trả lời. Phong cách người Nam Bộ là chất “công tử Bạc Liêu”, nghĩa là đủng đỉnh, có phần lãng tử, bởi thổ nhưỡng, khí hậu ở đó nhìn chung ôn hòa hơn đất Bắc, phù sa sông Cửu Long bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ khiến chỉ cần cắm cây lúa xuống là tốt bời bời, rồi trổ bông, làm một vụ đủ ăn cả năm. 

Vậy nên người Nam Bộ an nhàn, thảnh thơi, dễ có điều kiện chơi, thoải mái chứ không lam lũ, vất vả như người nông dân xứ Bắc. 

Còn phong cách người miền Trung lại là tần tảo, tằn tiện, chắt bóp, chịu khó, giàu ý chí. Cũng bởi miền đất này cằn khô ,“chó ăn đá, gà ăn sỏi” nên đã tôi rèn cho họ nghị lực, sự chịu đựng kham khổ để nuôi chí lớn. 

Người xứ Kinh Bắc lại giàu chất trữ tình, rộng lòng mến khách như truyền thống ngàn đời của các liền anh, liền chị quan họ vậy...v.v.v...

Còn phong cách người Hà Nội ? Ai cũng có thể trả lời bằng việc dẫn ra hai câu thơ:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Nghĩa là nói đến người thủ đô, người ta nghĩ ngay đến vẻ thanh lịch. Vâng! Đúng như thế, và phải như thế. Cái từ thanh lịch này hà tất phải giải nghĩa dài dòng. Đó là sự thanh nhã, lịch thiệp trong phong cách con người qua mọi ứng xử hàng ngày với cộng đồng. Nó bao gồm nói năng và hành vi.

Về nói năng, người Hà Nội luôn dịu nhẹ, phát âm đủ nghe, nhất là ở chỗ có nhiều người, vì cần giữ gìn sự yên tĩnh, không ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Đó là giọng nói. Còn về lời nói, người thủ đô luôn lựa chọn ngôn từ tao nhã, không nói tục, chửi thề, không giành cho nhau những từ khiếm nhã, thiếu tôn trọng người khác.

Người ta dễ dàng nhận ra người Hà Nội ở mọi miền đất nước, không chỉ ở việc phát âm tiếng phổ thông chuẩn mà còn ở phong cách sinh hoat. Người Hà Nội gốc ăn mặc trang nhã mà giản dị, nền nã chứ không cầu kì, diêm dúa.

Sự điềm đạm, ôn hòa là nét đặc trưng dễ nhận thấy ở người Hà Nội gốc. Tôn trọng người khác, tự trọng bản thân khiến mọi mối quan hệ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu.

Người Hà Nội truyền thống không dễ bực mình, xử sự thô bạo với cộng đồng. Dẫu là người có học, xuất thân nhà danh giá, quyền quý hay tầng lớp bình dân, ít chữ, cũng đều giữ được sự thanh tao.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Đó là truyền thống hàng bao đời của người Hà Nội. Vậy nên mới có 2 câu ca dao dân gian được lưu truyền như đã nhắc đến. Song, đáng tiếc, theo biến thiên của lịch sử, với sự mở mang, giao lưu của Hà Nội với các vùng, miền trên thế giới, nhất là từ khi nước ta thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với nước ngoài thì bên cạnh nhiều thành tựu rất đáng kể về kinh tế, đã có ít nhiều những ảnh hưởng dở, khiến thuần phong mỹ tục của ta có phần xuống cấp.

Hà Nội là trung tâm  kinh tế, văn hóa của cả nước đã bộc lộ khá rõ điều này. Sự du nhập những sản phẩm văn hóa hạ cấp từ nước ngoài, sự có mặt của nhiều tầng lớp người ở các địa phương khác tại thủ đô đã khiến những nét đặc trưng của Hà Nội như đã nói có phần bị phai nhạt, thậm chí là xuống cấp. Không phải là không có lý do khi nhiều người nhận định: Phong cách Hà Nội dễ tìm thấy ở các bậc cao niên, còn lớp tuổi trẻ hậu sinh không rõ.

Sự pha tạp về phong cách ở họ đã làm lu mờ chất Hà Nội văn vật ngàn năm. Vậy nên phục hồi, bảo tồn, phát huy phong cách Hà Nội là một việc làm không thể không được đặc biệt quan tâm, tôn trọng.

Hiện nay, cần mạnh dạn và thẳng thắn để nói với nhau: Cái chất thanh lịch Tràng An ấy đã mất đi nhiều lắm. Những người có phong cách nhẹ nhàng, ý nhị, tinh tế, tao nhã ở Hà Nội từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ, hành vi ngày càng có khuynh hướng ít dần để nhường chỗ cho sự xô bồ, bỗ bã, tùy tiện, thô thiển.

Rất lạ là nghe người Hà Nội hôm nay phát âm, người ta thấy cứ như ở vùng nào. Hiện tượng nói ngọng (lẫn lộn giữa n và l) này càng xuất hiện nhiều, đến nỗi có lần, một vị thứ trưởng Bộ nọ trả lời phỏng vấn trên ti-vi cũng nói ngọng.

Nhưng đó dẫu sao cũng là cố tật, không liên quan đến phẩm chất đạo đức. Đáng nói hơn là ngôn ngữ người Hà Nội hôm nay. Người ta quên bẵng trong ngôn ngữ Việt Nam có những từ thật đẹp: Xin lỗi, cảm ơn, thưa, ạ... để thay vào đó những từ khiếm nhã mà không thể dẫn ra đây.

Lời ăn, tiếng nói thì thô thiển, dung tục, khiếm nhã, còn cử chỉ hành vi thì rất ít sự điềm đạm, đàng hoàng, mà nhiều hơn là sự lỗ mãng, “dùi đục chấm mắm cáy”.

Vẫn biết thủ đô là nơi bất cứ ai cũng có thể đến cư trú, làm ăn, sinh sống nên đương nhiên là không thể chỉ có người Hà Nội gốc, nên sự pha tạp ngữ âm của ngôn từ hàng ngày là điều dễ hiểu.

Nhưng đã đặt chân đến thủ đô, sinh sống ở đây, xin hãy ý thức mình đang là người Hà Nội. Vậy nên từ lời ăn tiếng nói đên hành vi cần tương xứng vơi truyền thống ngàn năm mà hai câu thơ trên đã nói đầy đủ.

Tôi cũng có quan điễm: Người Hà Nội hôm nay không chỉ là những người có gốc gác hàng bao đời ở xứ ngàn năm văn hiến mà bao gồm cả những người ở mọi miền đất nước đến ngụ cư.

Tuy nhiên, xin hãy nhanh chóng hòa nhập với người Hà Nội gốc để tạo nên một thủ đô văn hóa, thanh lịch như vốn dĩ đã từng có tự bao đời./.

Bạn đang đọc bài viết Phong cách người Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
Bài thơ: Hẹn tương phùng
Ta hẹn người kiếp sau mình gặp lại///Ngay từ thời hai đứa còn ngây thơ///Khi chúng mình chưa vướng sợi duyên tơ///Dành cho nhau trọn mối tình mơ mộng

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.