Quản lý và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản ở Điện Biên
Điện Biên là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Kết quả thăm dò, cả tỉnh có khoảng 83 mỏ, điểm mỏ khoáng sản và biểu hiện khoáng sản phân bố đều ở các huyện.
Tuy nhiên, thời gian qua việc quản lý khai thác và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản của địa phương thực hiện chưa hiệu quả. Điều này không chỉ làm thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế ngân sách Nhà nước mỗi năm, mà còn kéo theo hệ lụy cho môi trường sinh thái, biến đổi địa chất, đời sống dân sinh...
Khó quản lý, bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản
Tỉnh Điện Biên hiện đã cấp phép khai thác cho 29 tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản tại 36/83 mỏ, điểm mỏ. Trong đó, 26 điểm mỏ thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tổng trữ lượng đá 41.892.699m3, cát 303.699m3; 1 mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, trữ lượng 12.785.000m3 ; 1 mỏ quặng vàng; 3 mỏ chì, kẽm trữ lượng 2.102.076 tấn và 5 mỏ than, với tổng trữ lượng 613.616 tấn. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có 2 điểm nước nóng và nước khoáng đang hoạt động khai thác, sử dụng: Pe Luông, xã Thanh Luông và U Va, xã Noong Luống (huyện Điện Biên).
Không phủ nhận những đóng góp từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, tuy nhiên việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên những năm qua bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém: nguồn tài nguyên khoáng sản cạn kiệt, người dân mất đất sản xuất, ngân sách Nhà nước thất thu, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng. Bên cạnh một số đơn vị đã thực hiện tốt việc khai thác khoáng gắn với bảo vệ môi trường thì còn nhiều doanh nghiệp chưa mấy quan tâm đến vấn đề này.
Theo đánh giá của Sở TN&MT Điện Biên thì trên địa bàn tỉnh có rất ít doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến. Hầu hết không có hệ thống thu bụi, dẫn tới hàm lượng bụi tại nơi làm việc cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Qua công tác đo, phân tích lượng bụi, độ ồn ở một số điểm mỏ cho thấy, hầu hết các mẫu thử đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Năm 2014, huyện Mường Chà để xảy ra sự việc tự ý cho một doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà máy sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò vòng tại bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn với công suất 20 triệu viên/năm, nhưng không xin ý kiến của các sở, ngành chức năng và không được UBND tỉnh Điện Biên chấp thuận đầu tư. Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn tiếp tục sản xuất.
Chưa đầy 500m, “cát tặc” thi nhau rút ruột lòng sông |
Hay đơn cử như việc để xảy ra sự cố môi trường tại điểm khai thác mỏ vàng xã Phì Nhừ (Điện Biên Đông). Công ty Moolybden mặc sức vào khai thác, cho máy móc cày xời, đảo lộn hiện trạng đất đai, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng... rồi tự ý “tháo chạy” không ai hay biết; để lại hậu quả môi trường cho huyện nghèo gánh đỡ. Hiện các cấp chính quyền huyện Điện Biên Đông đang rất loay hoay không biết giải quyết sự việc như thế nào?
Nhức nhối và gây bức xúc dư luận nhất có lẽ là vấn nạn khai thác cát trái phép trên các dòng sông, suối. Ông Cà Văn Đôi, đội 18, xã Noong Hẹt, cho biết: “Hầu hết các hộ dân trong bản tôi có đất dọc bờ sông đều đã bán đất cho các chủ khai thác cát trái phép rồi. Các chủ này mặc sức làm, miễn kiếm được lợi nhận cao là được, đất đai sụt lún, đường xá bị cày xéo nham nhở họ mặc kệ. Chẳng ai cấm được họ. Người dân thì chỉ thấy cái lợi trước mắt, sau này lấy đất đâu mà cho con cái ở và sản xuất?
Hiện cả tỉnh Điện Biên mới chỉ cấp phép cho 2 doanh nghiệp khai thác cát là Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Nam Sơn và công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc, thuộc đội 6, xã Pom Lót và đội 19, xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Tuy nhiên, trên dòng suối Nậm Sát, qua địa phận xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo thường xuyên có hàng chục máy hút cát ngang nhiên hoạt động. Mặc dù không được cấp phép khai thác, nhưng việc hút, khai thác cát tại đây lại diễn ra tự do, công khai suốt thời gian dài. Sự việc nói trên còn tiếp diễn ở nhiều huyện khác như: Mường Nhé, huyện Điện Biên, Mường Ảng. “Cát tặc” lì lợm, thách thức cả với chính quyền địa phương.
Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt phân trần: để xảy ra nạn khai thác cát trái phép, chính quyền xã không tránh khỏi trách nhiệm. Tuy nhiên, mỗi lần chúng tôi thực hiện đi kiểm tra, các cơ sở này lại dừng hoạt động chuyển sang khai thác đêm; có bắt được quả tang thì cùng lắm là thu máy móc, phạt hành chính tối đa không quá 5 triệu. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép mang lại. Chúng tôi ngăn chỗ này, chỗ khác lại mọc, khung quy định xử phạt nạn “cát tặc” e còn quá nhẹ, không đủ sức dăn đe.
Khói thải bốc ra trong quá trình luyện cốc của Công ty Việt Trung, thuộc xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) không hoàn toàn thải qua đường ống khói; người dân sống xung quanh thường xuyên kêu khó thở, phải chịu mùi hôi thối mỗi khi Công ty dập lò |
Cần giải pháp hiệu quả hơn
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Trong năm 2016, các ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã tiến hành 5 đợt kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường; qua kiểm tra phát hiện 29/51 (chiếm gần 60%) cơ sở vị phạm về: khai thác khoáng sản trái phép, chưa thông báo kế hoạch, khai thác, chưa lập bản đồ hiện trạng, chưa thống kê, kiểm kê trữ lượng hàng năm, không niêm yết công khai đánh giá tác động môi trường, không xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, chảy tràn... Thực trạng đó, Phòng đã tham mưu với Ban Giám đốc kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên thu hồi giấy phép 1 đơn vị khai thác vàng không thực hiện nghĩa vụ tài chính và khắc phục hậu quả môi trường với địa phương; xử phạt vi phạm hành chính; tham mưu với các xã đình chỉ 17 cơ sử hút cát trái phép, xử phạt hành chính 12 cơ sở với số tiền 48 triệu đồng (tăng 97% so với năm 2015).
Về phía lãnh đạo Sở TN&MT Điện Biên, ông Bùi Châu Tuấn cho rằng: Chúng tôi đã tăng cường xử lý mạnh các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, nhưng việc quản lý tại các địa bàn vùng xâu xa là còn khó khăn; trong khi vai trò của UBND cấp xã trong ngăn chặn, xử lý, tuyên truyền cho người dân hiểu thì chưa làm được nhiều nên thất thu tài nguyên khoáng sản vẫn nằm ở đó.
Ông Tuấn cho biết, thời gian tới Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nhất là các hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thông thường, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước; tham mưu để UBND tỉnh Điện Biên giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện và xã chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống con người trong tương lai.
Theo TN&MT