Quảng Bình: Triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng
Chiều 3/5, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng năm 2024.
Đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và các chủ rừng trên địa bàn.
Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích đất lâm nghiệp 650.534,31ha, trong đó, rừng đặc dụng 144.310,85ha, rừng phòng hộ 151.761,28ha, rừng sản xuất 318.086,18ha và diện tích ngoài ba loại rừng nói trên là 36,375,53ha.
Năm 2023, lực lượng chức năng đã chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, BVR trên địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn chú trọng phát hiện, tổ chức ngăn chặn kịp thời và phối hợp xử lý các hành vi khai thác lâm sản, bắt, bẫy động vật hoang dã, phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Theo đó, năm 2023, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã lập biên bản, xử lý 230 vụ vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, BVR, dự kiến nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng (trong đó, tiền thu phạt VPHC gần 796 triệu đồng; thu từ bán lâm sản và phương tiện tịch thu hơn 767 triệu đồng; số tiền phạt VPHC chưa thu được là gần 744 triệu đồng). Tang vật, phương tiện tịch thu, gồm: 119,656m3 gỗ các loại; 25 cá thể động vật rừng; 32,8kg sản phẩm của động vật rừng; 147kg cây, gốc Hương giáng và 23,2 ster củi; 6 xe mô tô, 34 máy cưa xăng xách tay, 1 xe bò lốp và một số tang vật, phương tiện khác...
Trong năm 2023, mặc dù lực lượng Kiểm lâm, BVR của các đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp PCCC rừng ngay từ đầu mùa khô với phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, tuy nhiên, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước), gây thiệt hại 7,53ha rừng trồng và rừng tự nhiên.
Đối với công tác quản lý động vật rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, lực lượng chức năng luôn tích cực hướng dẫn các cơ sở gây nuôi động vật rừng tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện nuôi và thực hiện các quy định trong quá trình nuôi; cấp mã số các cơ sở gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Cơ quan chức năng cũng đã tổ chức 436 cuộc kiểm tra, tiến hành tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 8.520 chim mồi giả; 17.641m2 lưới; 67.807 que nhạ; 3 lùm, lán ẩn nấp và 6 máy phát tín hiệu.
Cùng với đó, lực lượng chức năng đã thả về môi trường 127 chim mồi sống, phát hiện và xử lý 1 đối tượng có hành vi sử dụng cò giả và que nhạ để bẫy bắt chim hoang dã, di cư…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm yêu cầu: Nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp để phát triển rừng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các chủ dự án thực hiện đầy đủ, nghiêm túc thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác bảo đảm theo quy định.
Đối với công tác PCCC rừng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, nên lấy mục tiêu phòng là chính, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia PCCC; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đôn đốc UBND cấp xã, chủ rừng xác định vùng trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao; kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa; phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên hệ thống loa truyền thanh khi cấp cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V; tổ chức trực, tuần tra, canh gác; phát hiện sớm cháy rừng, huy động lực lượng kịp thời dập tắt đám cháy, không để xảy ra cháy lớn....