Thứ hai, 29/04/2024 07:50 (GMT+7)

Quảng Ngãi: Hoang tàn sau bão (Bài 2)

Minh Trí -  Thứ sáu, 30/10/2020 09:38 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau bão số 9, hàng trăm ha rau quả và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị hư hại, hệ thống điện, nước tê liệt… Có lẽ phải nhiều ngày nữa, người dân Quảng Ngãi mới có thể quay trở lại nhịp sống bình thường.

Theo Ban PCTT& TKCN tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối giờ chiều nay (29/10), tỉnh Quảng Ngãi có 13 người bị thương, gần 85.500 nhà dân bị tốc mái, ngã sập và nhiều công trình trường học, trụ sở cơ quan bị hư hại, 477 ha rừng bị thiệt hại, 6.000 cây xanh đô thị bị ngã đổ, 48 lồng bè cá nuôi tại Lý Sơn bị chết…

Cây ngã sau bão số 9 ở đường Nguyễn Thụy, TP.Quảng Ngãi

Sau bão số 9, hạ tầng giao thông, nước, điện chiếu sáng, viễn thông, trường học, nhà dân trên địa bàn Quảng Ngãi tiêu điều. Cây xanh ngã la liệt, nhiều nơi đến chiều 29/10 mới chỉ lưu thông tạm thời. Một số khu vực trũng thấp ở các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa Dũng (Tp. Quảng Ngãi), Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành), xã Phổ Văn (thị xã Đức Phổ)… vẫn còn bị cô lập do lũ chưa rút.

Lực lượng cảnh sát cơ động tỉnh thu dọn cây đổ ngay trong đêm để thông đường

Bão tan, nhiều con đường ngập ngụa cây ngã, khắp nơi giăng đầy pano, bảng hiệu méo mó, xộc xệch. Nhiều người dân vẫn còn bàng hoàng trước sức tàn phá của siêu bão số 9. Chị Hoàng Thị Như Phương (xã Tịnh Khê, Tp Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Cả đời rồi, giờ mới thấy cơn bão lớn như thế. May mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và chính quyền địa phương đã kiên quyết di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn ngay trong đêm…”.

Người dân phường Trần Phú, Tp. Quảng Ngãi dọn cây đổ sau bão

Cũng không ít người ngơ ngác sau khi đi tránh, trú bão trở về, vì chẳng còn nhận ra nhà mình và khu xóm mình ở. “Mái nhà thủng lỗ chỗ, phần hiên trước nhà gió thổi bay đi đâu mất. Có gia đình nhà bị sập không còn nơi trú ngụ, phải qua nhà bà con tạm trú vài ngày. Có người vội vàng đi mua tôn, mua ngói lợp lại nhà nhưng cũng rất khó khăn” - ông Nguyễn Tuấn Bình (phường Quảng Phú, Tp. Quảng Ngãi) rầu rĩ.

Theo ghi nhận của PV, đến 21 giờ tối (29/10), hàng chục ngàn hộ dân ở Tp. Quảng Ngãi và các huyện vẫn đang sống trong bóng tối, dưới những mái nhà không còn lành lặn. Đường phố Quảng Ngãi vắng lặng và nhiều tuyến nội thị vẫn chưa lưu thông. Nhiều gia đình phải mua nước bình, nước đóng chai để dùng cho sinh hoạt, ăn uống.

Người dân xã Phổ Văn, thị xã Đức Phổ chạy lũ sau bão số 9

Tối đến, dưới ánh sáng le lói của ngọn đèn dầu và nến - thứ ánh sáng rất lâu rồi người dân thành thị mới sử dụng đến, bữa cơm muộn nấu vội bởi bếp ga, bếp củi được dọn ra. “Đói và mệt, phải ăn để còn có sức mà sửa nhà, dọn cây đổ ngã trong vườn. Giờ nhà cửa đổ nát cả, cây cối thì chỏng chơ ngoài vườn” - ông Nguyễn Phước (phường Trần Phú, Tp. Quảng Ngãi) nói.

Nhà dân bị sập ở phường Lê Hồng Phong, Tp.Quảng Ngãi

Ngoài việc không có điện, hệ thống viễn thông ở Quảng Ngãi cũng gặp sự cố khiến việc liên lạc gặp khó khăn. “Điện thoại hết pin, mà còn pin gọi cho người thân hỏi thăm tình hình cũng không được. Phần do sóng chập chờn, phần do chỗ đó điện thoại chắc cũng hết pin, không có điện để sạc”, chị Trần Thị Lan (xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành) chia sẻ.

Tp.Quảng Ngãi tắc đường sau bão số 9

Theo các ngành chức năng, đến 30/10, một số khu vực trung tâm TP, huyện, thị xã ở Quảng Ngãi sẽ có điện. Đối với các vùng ven, vùng sâu, vùng xa thì phải khoảng 5 ngày tới. Hiện tại, ngành điện đã huy động toàn bộ nhân lực, đồng thời tiếp nhận thêm sự hỗ trợ của 5 tỉnh khác để tập trung khôi phục lưới điện.

Trụ điện ở Tp.Quảng Ngãi bị đổ ngã

Được biết, hiện tại, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão, giúp người dân có thể sớm ổn định cuộc sống.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ngãi: Hoang tàn sau bão (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.