Thứ năm, 02/05/2024 04:11 (GMT+7)

Sơn Động (Bắc Giang): Quản lý chặt hoạt động chế biến gỗ

MTĐT -  Thứ sáu, 06/05/2022 15:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với gần 67 nghìn ha rừng, trong đó gần 50% là rừng trồng, trung bình mỗi năm diện tích rừng trồng khai thác toàn huyện Sơn Động đạt từ 4-4,5 nghìn ha, sản lượng khai thác ước trên 500 nghìn m3 gỗ.

Toàn huyện Sơn Động hiện có 133 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, trong đó có 25 doanh nghiệp (DN), 7 hợp tác xã, còn lại là các cơ sở tư nhân. Theo đánh giá, tình trạng phát triển “nóng” cơ sở chế biến lâm sản đang gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Tình trạng phát triển “nóng” cơ sở chế biến lâm sản còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ảnh minh họa

Từ đầu năm đến nay, tổ công tác UBND huyện kiểm tra 59 cơ sở thì phát hiện 42 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 173,3 triệu đồng. Điển hình là cơ sở chế biến gỗ do bà Lê Thị Yến ở thôn Phú Hưng (xã Vĩnh An) làm chủ chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, cơ sở bóc gỗ, băm phế phẩm sau chế biến gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Năng, thôn Linh Phú (xã Tuấn Đạo) ngoài chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường thì khu vực lưu trữ vỏ gỗ, đầu mẩu gỗ... không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và chưa lập báo cáo quản lý chất thải rắn thông thường.

Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt, cùng ở thôn Linh Phú cũng vừa bị Chủ tịch UBND huyện quyết định phạt 15 triệu đồng do không có báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp. Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Tuấn Đạo, hai năm gần đây, trên địa bàn xã có thêm 3 cơ sở chế biến gỗ, nâng tổng số cơ sở chế biến gỗ toàn xã lên 12.

UBND xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở chủ cơ sở chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, hoàn thiện các thủ tục, điều kiện còn thiếu song vi phạm vẫn xảy ra. UBND xã nhận thiếu sót này và tới đây sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định.

Còn lý giải nguyên nhân hầu hết cơ sở chế biến gỗ vi phạm quy định về môi trường, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho rằng, khi cấp phép, chủ cơ sở cam kết bảo đảm song khi thực hiện lại vi phạm về khói bụi, tiếng ồn. Từ thực tế này, đơn vị tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời siết chặt việc cấp phép trong thời gian tới.

Tình trạng phát triển “nóng” cơ sở chế biến lâm sản còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thực tế đã có một số vụ cháy xảy ra tại cơ sở chế biến gỗ. Tối 12/3/2021, tại xưởng chế biến viên nén của Công ty TNHH chế biến lâm sản 1945 ở thôn Gốc Gạo (xã Cẩm Đàn) xảy ra cháy. Dù không gây thiệt hại về người, máy móc song vụ cháy gây thiệt hại về tài sản khoảng 900 triệu đồng.

Với gần 67 nghìn ha rừng, trong đó gần 50% là rừng trồng, trung bình mỗi năm diện tích rừng trồng khai thác toàn huyện Sơn Động đạt từ 4-4,5 nghìn ha, sản lượng khai thác ước trên 500 nghìn m3 gỗ. Khai thác lợi thế này, những năm qua, nhiều cơ sở chế biến hình thành, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và giúp người trồng rừng vơi nỗi lo đầu ra cho sản phẩm.

Xác định chế biến là giải pháp chính góp phần nâng giá trị trồng rừng, đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cháy nổ tại các cơ sở chế biến gỗ, huyện Sơn Động đã có chủ trương khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến.

Thực hiện chủ trương trên, UBND huyện tập trung mở rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn và nâng chu kỳ khai thác; mời gọi DN điều tra, khảo sát các cơ sở chế biến gỗ cũng như thực trạng rừng sản xuất, chu kỳ khai thác để xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, từ đó thu hút DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến công nghệ hiện đại, công suất lớn.

Một số địa phương trong huyện đã có kế hoạch làm mới, nâng cấp hạ tầng giao thông; quy hoạch vùng chế biến tập trung. Trong đó, UBND xã Vĩnh An đã lập quy hoạch xây dựng vùng phát triển công nghiệp chế biến gỗ quy mô 20 ha tại khu vực giáp ranh giữa thôn Hiệp Reo và Phú Hưng.

Để thu hút các DN, cơ sở chế biến vào khu vực sản xuất tập trung, xã có kế hoạch làm mới tuyến đường từ thôn Phú Hưng đi tổ dân phố Lừa (thị trấn An Châu). Thị trấn Tây Yên Tử cũng đang xây dựng phương án bố trí quỹ đất để thu hút DN chế biến sâu vào địa bàn.

Đối với những địa phương chưa có quy hoạch vùng chế biến tập trung, UBND huyện yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, kiên quyết không cho các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động; gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để vi phạm kéo dài, không xử lý triệt để.

Đại diện UBND huyện Sơn Động cho biết: “Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, tổ công tác của huyện sẽ kiểm tra toàn bộ cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở vi phạm phải dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục. Về lâu dài, huyện sẽ ban hành cơ chế nhằm thu hút, mời gọi DN chế biến sâu vào đầu tư để tăng sức cạnh tranh, nâng giá trị kinh tế rừng trồng”.

Minh Phan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sơn Động (Bắc Giang): Quản lý chặt hoạt động chế biến gỗ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới