Thứ hai, 06/05/2024 06:04 (GMT+7)

Tắm hồ, hai học sinh bị đuối nước tại Hiệp Hòa, Bắc Giang

Minh Phan -  Thứ tư, 19/10/2022 10:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 18/10, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm ở hồ thuộc thôn Cấm, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), không may hai cháu bị đuối nước thương tâm.

Bắc Giang, phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Bắc Giang, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm thi thể hai học sinh bị đuối nước.

Khoảng 16 giờ 30 phút, thi thể của hai cháu là Vũ Tuấn K , sinh năm 2011 ở thôn Vân An và Tạ Văn N, sinh năm 2011 ở thôn Tứ, cùng xã Lương Phong được cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ,Công an tỉnh Bắc Giang tìm thấy.

Việc đau lòng xảy ra vào lúc 14 giờ, người dân trên địa bàn thấy một nhóm học sinh gồm 7 cháu, trong đó có K và N đi tắm ở hồ. 3 cháu trong nhóm chới với, người dân gần đó đã cứu được một cháu, K và N không may bị đuối nước.

Theo lãnh đạo địa phương, các cháu đều là học sinh của một trường THCS trên địa bàn. Chiều 18-10, các cháu được nghỉ học. Hồ thôn Cấm có địa thế lòng chảo, nơi sâu nhất khoảng 4 mét; diện tích khoảng 5 nghìn m2.

Bắc Giang, phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Bắc Giang, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Hồ thôn Cấm, xã Lương Phong - nơi xảy ra vụ việc thương tâm.

Khi nhận được tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã cử 16 cán bộ, chiến sĩ cùng 1 xe cứu nạn, 1 xe cứu thương triển khai lực lượng tìm kiếm hai cháu bé. Do hồ không có nước chảy, vị trí hai cháu bị đuối nước đã xác định nên công tác tìm kiếm diễn ra nhanh chóng.

Hiện thi thể hai cháu đã được cơ quan chức năng bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng.

tm-img-alt
Phụ huynh nên đưa trẻ tham gia các khóa học bơi lội để tự rèn luyện mình

Tình trạng trẻ em đuối nước thương tâm xảy ra trên khắp cả nước ta, để lại nỗi day dứt trong lòng người ở lại. Những vụ đuối nước nguyên do chủ yếu là trời nắng nóng, trẻ em thường vui chơi, tìm nơi bơi lội dẫn đến gặp nạn.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Điều này đặt ra câu hỏi cần làm gì và làm thế nào để phòng chống đuối nước?

Chia sẻ về vấn đề chống đuối nước cho trẻ và kỹ năng cứu người gặp đuối nước với PV Môi trường và Đô thị, một giáo viên thể dục cho biết, mọi người nên trang bị cho mình vốn kiến thức nhất định về phòng chống đuối nước.

Đối với trẻ em, phụ huynh nên đưa con em mình đến các cơ sở, trường dạy bơi tại địa phương, giúp các em sẽ có kĩ năng bơi lội nhất định, các em có thể tự cứu mình trong các trường hợp không may. Nên sớm đưa trẻ đi học bơi khi các em đạt độ tuổi từ 3 – 6 tuổi, đây là độ tuổi dễ làm quen với bơi lội nhất. Còn đối với trẻ vị thành niên, thanh niên và người lớn, mọi người nên dành thời gian học thêm khóa bơi lội, đầu tiên là đảm bảo sự an toàn của bản thân khi đi du lịch đến các bãi biển, sông suối vào mùa hè, ngoài ra còn có thể rèn luyện được sức khỏe.

Đối với trường hợp nghi ngờ hoặc chứng kiến có người gặp đuối nước, chúng ta phải hô to lên để tìm kiếm sự giúp đỡ, đồng thời quăng những vật có thể nổi trên nước ở khu vực xung quanh xuống để người gặp nạn có thể bám vào. Và quan trọng, cần luôn để mắt đến người đang gặp nạn để xác định vị trí, khi có người có khả năng giúp đỡ đến sẽ nhanh chóng cứu được người gặp nạn hơn, đồng thời biết được độ siết dòng nước chảy để có phương án hỗ trợ.

Cũng theo giáo viên thể dục, khi người đứng trên bờ nóng lòng muốn nhảy xuống cứu người, cần biết được rằng mình có biết bơi hay không, có đủ khỏe để có thể kéo được người đang gặp nạn vào bờ. Chứ lúc hoảng hốt mà nhắm mắt nhảy xuống sẽ rất dễ bị kéo theo vào dòng nước xoáy và người gặp nạn cũng trong trạng thái hoảng loạn sẽ kéo mình theo, dẫn đến gặp nạn chung, nguy cơ tử vong của cả hai cao hơn và gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.

Về kỹ năng cứu đuối, đặc biệt là sơ cấp cứu nạn nhân. Theo giáo viên thể dục, khoảng thời gian “vàng” để cứu sống nạn nhân đuối nước chỉ khoảng 1-5 phút sau khi kéo được nạn nhân lên bờ. Lúc này, cần cho nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí và giữ ấm cơ thể, đồng thời kiểm tra nạn nhân có còn thở hay không bằng cách kiểm tra mũi hoặc quan sát lồng ngực. Nếu nạn nhân ngưng thở thì cần tiến hành hô hấp nhân tạo, và sau khi hô hấp nhân tạo mà mạch vẫn ngừng đập thì cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Và sau khi nạn nhân đã tỉnh lại, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối bai bên vai, nới rộng quần áo tránh khó thở và liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Tăng cường phòng, chống đuối nước trong toàn xã hội

Trước tình trạng nhiều đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em vẫn còn thường xuyên xảy ra và ở mức cao ở một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 398/CĐ-TTg ngày 2/5/2022 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước bảo đảm an toàn cho bản thân; Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước và hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và các điều kiện cần thiết liên quan và việc hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi, các dịch vụ liên quan cho học sinh, trẻ em.

Bạn đang đọc bài viết Tắm hồ, hai học sinh bị đuối nước tại Hiệp Hòa, Bắc Giang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới