Thứ sáu, 26/04/2024 14:15 (GMT+7)

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh

MTĐT -  Thứ ba, 09/11/2021 19:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 6-1-2021, thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”.

tm-img-alt
Hà Nội tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn, thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư. Ảnh minh họa

Lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố thời gian qua là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân... 

Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về phát triển nhanh và bền vững.

Kết quả cho thấy, Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đứng thứ hai toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% tống sản phẩm nội địa (GDP), 18,5% tổng thu ngân sách, 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước...

Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, với phương châm “sức khỏe” của doanh nghiệp là “sức khỏe” của nền kinh tế; chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất. Xác định ngoại lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng, nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, tính tự chủ của nền kinh tế thành phố Hà Nội cam kết thấu đáo ngay tại hội nghị những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp...

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, 9 tháng năm 2021, thành phố vẫn duy trì tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1,28%; hỗ trợ 1,82 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng... Trong 10 tháng năm 2021, có 19.848 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 275.152 tỷ đồng. Thu ngân sách 10 tháng đạt 215 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao và 85,7% dự toán của thành phố, tăng 7,6% so với cùng kỳ...

Ngày 1-11, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu qủa dịch Covid-19 năm 2022 và 2023. Kế trọng thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp...

Hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ Chu Đức Lượng, hiện có 10 bộ luật để các cơ quan, trung ương, bộ, ngành, thành phố Hà Nội áp dụng đến cấp địa phương. Vì vậy, nhiều dự án của doanh nghiệp gặp vướng mắc, xung đột về mặt pháp lý, cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô tháo gỡ những khó khăn này nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup Phạm Văn Khương nêu kiến nghị về thủ tục hành chính, các văn bản trả lời liên thông của trong thời gian ngắn nhất, có thể đạt được trong 5-7 ngày, bởi thời gian kéo dài dẫn tới nhiều hệ lụy khó khăn cho doanh nghiệp...

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thực hiện song song việc rà soát, sửa đổi các luật về đầu tư, kinh doanh...

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế rất trọng tâm, chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố.

Tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, cùng với những đề xuất, kiến nghị đã được giải đáp, hướng dẫn tại hội nghị, đồng chí Chu Ngọc Anh giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”...; tập trung triển khai thực hiện tốt các quy định, chính sách của Chính phủ về ; phòng chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân...    

“Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, kiên trì, quyết liệt để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 để doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh hiện đại”.

Đồng hành và chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy cho biết, chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.

Cụ thể, thành phố thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho trên 38.000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế, với tổng sô tiền đã thực hiện là 22.600 tỷ đồng. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế, chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành thành phố “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xây dựng thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, giữ vững danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

Để thực hiện mục tiêu đó, Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội…

Ngân hàng gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong những tháng qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế. Song, theo báo cáo mới nhất, nhiều ngân hàng vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu  các tồ chức tín dụng nêu cao trách nhiệm với xã hội, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Triển khai thêm dịch vụ để tăng lợi nhuận

Theo lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dù điều kiện không thực sự thuận lợi, hoạt động kinh doanh của BIDV vẫn duy trì ổn định, quy mô tăng trưởng khá so với đầu năm, chất lượng tín dụng được kiểm soát trong giới hạn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này 9 tháng năm 2021 đạt 10.733 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 83% kế hoạch năm. Tổng tài sản hợp nhất của BIDV hiện đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,2% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tăng trưởng, tập trung dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, cho vay khách hàng đạt trên 1,328 triệu tỷ đồng, tăng 9,4%, tốc độ tăng trưởng đương cùng kỳ các năm từ 2019 trở về trước và tích cực hơn cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,39%, giảm 0,15% so với đầu năm. Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục tối đa hóa nguồn thu theo hướng gia tăng những nguồn thu ngoài lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, kiểm soát chi phí...

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải (MSB) có tổng thu nhập hợp nhất đạt hơn 7.669 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 4.523 tỷ đồng, tăng hơn 37%. Thu từ hoạt động dịch vụ gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020, đạt 2.448 tỷ đồng nhờ tăng trưởng từ hoạt động bán bảo hiểm (bancas). Tổng tài sản hợp nhất của MSB đạt hơn 195.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm 2021. Nợ xấu chỉ ở mức 1,31%.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng từ đầu năm 2021 đến nay đạt hơn 10.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Việc cơ cấu các khoản vay nhằm hỗ trợ khách hàng đã tác động tạm thời đến kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý III-2021 nhưng phần lớn khách hàng có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Điều này tác động khả quan tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý IV-2021.

Còn với Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK), lợi nhuận trước thuế cũng đạt 1.556 tỷ đồng, hoàn thành 78,9% kế hoạch năm. Tổng Giám đốc ABBANK Lê Hải thông tin, kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hơn nhiều so với điều kiện bình thường khi phải cân đối giữa hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng. Do vậy, ngân hàng đã điều chỉnh chính sách ngắn hạn hợp lý nhất.

Sẽ tiếp tục nỗ lực giảm chi phí

Lý giải kết quả khả quan trên của ngành Ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trước khi dịch bệnh xẩy ra, chất lượng nợ của hệ thống ngân hàng liên tục được cải thiện. Đồng thời, nhờ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khoản nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ và ngân hàng chưa phải trích lập dự phòng toàn bộ. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số bắt đầu cho thu “quả ngọt’’. Ở một số đơn vị khoản thu từ dịch vụ lên tới 40% lợi nhuận. Chưa kể, ngân hàng giảm chi phí vốn đầu vào (tăng tiền gửi không kỳ hạn) nhờ xu hướng thanh toán không tiền mặt tăng cao trong đại dịch.

Dự báo về quí IV-2021, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, dòng tiền sẽ luân chuyển nhịp nhàng hơn. Nhu cầu vốn tăng trở lại cũng đòi hỏi các ngân hàng cần đánh giá hiệu quả phương án kinh doanh để cấp vốn kịp thời cho doanh nghiệp, bắt kịp cơ hội cho phục hồi sản xuất.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là dù các ngân hàng thương mại cũng kinh doanh như một doanh nghiệp nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực.

“Để có điều kiện giảm sâu hơn lãi suất cho doanh nghiệp, các ngân hàng phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, để có sự hỗ trợ thực chất”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Nhờ các giải pháp đồng bộ, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng các ngân hàng vẫn tăng trưởng khá, thậm chí còn khả quan hơn cùng kỳ năm 2020. Từ kết quả đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn.

Triển khai nhiều cách làm hay

Vì nhân dân phục vụ

Hơn 1 năm qua, bộ phận “một cửa” của UBND quận Hà Đông đã thay thế việc lấy phiếu xếp hàng theo công nghệ cũ bằng hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Điểm khác biệt của hệ thống này là công dân không cần chạm vào hệ thống để lấy số thứ tự mà chỉ cần đứng trước máy là sẽ được tự động nhận diện khuôn mặt, lưu trữ toàn bộ thông tin khuôn mặt và dữ liệu liên quan. Các thông tin được kêt nối với hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị để cán bộ, công chức nắm được lượng khách, thời gian chờ, thời gian giao dịch, đặc biệt là bảo đảm được thứ tự ưu tiên giao dịch của khách hàng tại các quầy có cùng nghiệp vụ, tiết kiệm thời gian cho công dân và cán bộ.

Anh Trịnh Văn Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) đã trải nghiệm tiện ích nhận dạng khuôn mặt tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hà Đông chia sẻ: “Tôi thấy ứng dụng này rất hiện đại, văn minh, thể hiện rõ sự đầu tư về thiết bị công nghệ hướng đến phục vụ người dân của đơn vị”.

Cũng với tinh thần phục vụ, UBND xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) đã triển khai mô hình “3 tại nhà” đối với thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội. Theo đó, cán bộ xã đến tận nhà thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trả kết quả để người dân không phải tự đi làm thủ tục.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lãng Nguyễn Thị Hải Yến, đối tượng bảo trợ xã hội đa phần là những công dân có hoàn cảnh khó khăn (người khuyêt tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ mồ côi...) nên việc đi lại để làm hồ sơ hưởng chế độ hằng tháng rất khó khăn. Hơn nữa, nhiều người cũng không biết hết quyền lợi của mình trong việc được hưởng các chính sách để đi làm các thủ tục hành chính nên việc áp dụng mô hình này rất thiết thực, hữu ích đối với người dân. Tính từ năm 2020 đến nay, cán bộ, công chức UBND xã Quang Lãng đã thực hiện vài trăm lượt đến nhà dân chi trả trợ cấp, hướng dẫn làm thủ tục hành chính...

Ông Nguyễn Văn Khỏe (thôn Mai Xá, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên), có vợ và con khuyết tật, được cán bộ xã đến nhà hướng dẫn làm các thủ tục hành chính để nhận các chế độ hỗ trợ cho biết, gia đình rất cảm động trước sự chu đáo, quan tâm của chính quyền.

Cùng với các điển hình trên, thành phố Hà Nội còn có nhiều mô hình hướng đến người dân được các đơn vị duy trì, triển khai như: Xã Minh Cường (huyện Thường Tín), phường Việt Hưng (quận Long Biên), phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)... tổ chức lễ trao giấy khai sinh, giấy kết hôn cho công dân. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh thực hiện đăng ký khai sinh lại lưu động cho công dân cao tuổi, già yếu, những người không tự đi lại được.

Khuyến khích nhân rộng các mô hình hay

Theo Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Hà Đông Mai Thị Kim Hồng, sau thời gian thử nghiệm, hệ thống ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt tại bộ phận “một cửa” đã được nghiệm thu và đánh giá hiệu quả loạt động tốt, ổn định, giảm thiểu việc lấy số ảo, lấy hộ số; cán bộ quản lý được danh sách công dân thực hiện giao dịch. Do đó, Văn phòng HDND-UBND quận đề xuất UBND quận Hà Đông cho phép triển khai ứng dụng đồng bộ tại bộ phận “một cửa” của 17 phường thuộc quận.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên cho biết, việc đến tận nhà giúp người dân làm thủ tực hành chính sẽ vất vả hơn cho công chức. Tuy nhiên, với tinh thần phục vụ và đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, một số xã trên địa bàn huyện vẫn duy trì triển khai. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng trong đánh giá chất lưọng cán bộ, công chức cũng như công tác cải cách hành chính của đơn vị. “Để phát huy hiệu quả các cách làm hay, huyện tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính qua ứng dụng Zalo “một cửa”. Cùng với đó, huyện thường xuyên thông tin, tuyên truyền về những sáng kiến, giải pháp, đột phá trong cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động”, bà Lại Đỗ Quyên thông tin.

Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho biết: “Qua nắm bắt thông tin và kiểm tra công vụ, chúng tôi ghi nhận nhiều đơn vị đã chủ động triển khai, áp dụng các giải pháp mới nhằm phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Điều này cũng rất phù hợp khi Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 1980/SNV-CCHC ngày 12-7-2021 về việc đăng ký sáng kiến, giải pháp, ý tưởng mới trong công tác cải cách hành chính năm 2021. Các mô hình, giải pháp sẽ được xem xét, đánh giá mức độ hiệu quả để nhân rộng nếu cần thiết”.

Theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2021, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu mức độ hài lòng của ngưòi dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính của thành phố đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn, trước hạn... Tin tưởng rằng, những cách làm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ góp phần để Hà Nội đạt được các mục tiêu đề ra.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội

Tài liệu tham khảo:
    1. Kiểm tra, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển “Hội nghị tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp”. 
    2. Đinh Tuấn Dũng Bí thư thành uỷ Hà Nội “Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh” HNM 7/11/2021.
    3. Phạm Ngô“Những đề xuất kiến nghị, từ thực tiễn của doanh nghiệp”.
    4. Hà Phong TTXVN“Tiếp tuch phát huy tinh thần đoàn kết trong thực hiện, mục tiêu kép”.
    5. Hà Linh“Ngân hàng gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội ”.

Bạn đang đọc bài viết Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.