Thứ hai, 29/04/2024 15:09 (GMT+7)

Thanh Hóa: Huyện Ngọc Lặc xây dựng công trình thủy lợi, chủ động nước tưới tiêu

Thanh Mai -  Chủ nhật, 12/02/2023 10:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các xã trên địa bàn đã đầu tư kinh phí, công lao động, vật liệu tại chỗ để làm mới, tu sửa hàng chục công trình thủy lợi; xây kiên cố hàng chục km kênh mương

Bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện Ngọc Lặc mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình thủy lợi như tu sửa, nâng cấp hồ Ngọc Mùn (xã Cao Ngọc), hồ Nam (xã Kiên Thọ), đập Bai Mốc (xã Thạch Lập), hệ thống kênh hồ Liên Thành (xã Phùng Minh), hồ Hón Sung (xã Mỹ Tân); tu sửa, nâng cấp đập Bai Tọc (thị trấn Ngọc Lặc), đập Kiên Trí (xã Kiên Thọ), đập Bai Trùng, đập Mó Mũ (xã Minh Sơn), đập Vó Khủ (xã Ngọc Trung), hồ Đồng Gia (xã Thúy Sơn),... đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các xã trên địa bàn đã đầu tư kinh phí, công lao động, vật liệu tại chỗ để làm mới, tu sửa hàng chục công trình thủy lợi; xây kiên cố hàng chục km kênh mương nội đồng, kênh chính các hồ thủy lợi...

Hàng năm, huyện, xã đã phát động toàn dân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của công trình, đắp bờ vùng, bờ thửa để giữ nước.

Ngoài ra, các xã, thôn còn phát huy nội lực thi công các công trình nhỏ như: phai, đập nhỏ tạm thời dâng nước từ dòng chảy sông, suối để tưới hỗ trợ cho gần 1.000 ha cây trồng.

tm-img-alt
Hồ Cống Khê (Ngọc Lặc) tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

Đến tháng 2/2023, huyện Ngọc Lặc có 151 công trình thủy lợi, ngoài hồ Cống Khê (thị trấn Ngọc Lặc) theo thiết kế có dung tích chứa 4 triệu 380 ngàn m3 nước, còn lại là hồ, đập vừa và nhỏ, hàng năm đảm nhận tưới cho khoảng 2.200 ha/vụ.

Trong đó, có 11 công trình do Công ty TNHH MTV Sông Chu - Chi nhánh Ngọc Lặc quản lý, khai thác, phục vụ nước tưới cho 920 ha cây trồng. Chi nhánh đã tổ chức kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm các hồ chứa và đập an toàn. 2 hồ: Bai Ao (xã Đồng Thịnh) và Bai Ngọc (xã Quang Trung) đã được sửa chữa, nâng cấp, đưa vào sử dụng. Các hư hỏng nhỏ trên kênh dẫn nước hồ Trung Tọa, kênh Nam hồ Cống Khê, đập Minh Hòa,... đã được sửa chữa kịp thời. Chi nhánh đã chủ động tích trữ đủ nước theo thiết kế trong 11 hồ, đập do đơn vị quản lý; nạo vét 6 tuyến kênh cấp I góp phần dẫn nước từ đầu mối đến mặt ruộng với khối lượng đào đắp gần 1.200m3 bùn, đất. Chi nhánh đã chủ động xây dựng và triển khai phương án chống khô hạn đến từng công trình như quản lý nguồn nước hồ, đập gắn với tưới nước tiết kiệm; điều tiết nước tưới các công trình thủy lợi phân đợt khoa học, hợp lý; các tổ thủy nông phân công cán bộ, công nhân bám địa bàn để dẫn nước, ưu tiên nước cho vùng cuối kênh, vùng cao khó tưới.

Các công trình còn lại do địa phương quản lý, hầu hết được xây dựng từ năm 1984 trở về trước, ngoài phần đầu mối được xây dựng, hệ thống kênh mương gần như chưa có; hiện nay nhiều công trình đã xuống cấp, hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp hạn chế.

Vụ đông xuân năm 2023, huyện Ngọc Lặc đã gieo cấy hơn 3.000 ha lúa. Hiện nay, lưu vực nhiều hồ chứa nước trên địa bàn không đủ nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng đảm nhận. Nhiều công trình như hồ Bai Cô (xã Thúy Sơn), hồ Ngọc Thanh, hồ cây Trôi (xã Ngọc Liên), hồ Bu Bu (xã Quang Trung)... đã hư hỏng nặng, không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất như thiết kế. Dự báo, cuối tháng 3 đầu tháng 4 tới, trời nắng nóng sẽ khiến hàng trăm ha lúa vụ đông xuân khó khăn về nước tưới, khô hạn, tập trung ở các xã như Mỹ Tân, Đồng Thịnh, Cao Ngọc...

Để phấn đấu vụ đông xuân năm 2023 năng suất lúa bình quân đạt 59,5 tạ/ha, huyện Ngọc Lặc xác định phát huy nội lực, phát động Nhân dân góp công sức thường xuyên làm thủy lợi nội đồng và mặt ruộng, khắc phục tạm thời các hệ thống công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng.

Tìm nguồn nước còn đọng lại ở hồ, ao, khe suối, chỉ đạo các xã huy động máy bơm dầu và các phương tiện trong dân bơm, tát nước vào ruộng đồng. Các xã có hồ, đập đã chủ động tu sửa, nạo vét kênh mương và xây dựng phương án chống hạn, điều tiết nước tưới hợp lý cho cây trồng sinh trưởng, phát triển; xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện... ứng phó cụ thể với các sự cố hồ, đập xảy ra.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Ngọc Lặc đã rà soát, chủ động chuyển đổi được gần 110 ha đất lúa không có nguồn nước hoặc có nguồn nước nhưng không chắc chắn sang trồng các loại cây chịu hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hạn do khô hạn.

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Huyện Ngọc Lặc xây dựng công trình thủy lợi, chủ động nước tưới tiêu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...