Thứ bảy, 27/04/2024 13:50 (GMT+7)

Thiên tai và phát triển đô thị

MTĐT -  Thứ tư, 14/12/2022 17:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các mô hình đô thị hóa và phát triển không gian hiện nay trên thực tế lại được xác định là những yếu tố chính gia tăng mức độ phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương của con người, các hoạt động dân sinh, kinh tế và tài sản của họ trước các cú sốc khí hậu.

LỜI MỞ ĐẦU

Thiệt hại do thiên tai đang gia tăng, và bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy biến đổi khí hậu đang làm gia tăng xác suất xảy ra các đợt thiên tai khốc liệt hơn. Về mặt chính trị, biến đổi khí hậu luôn được viện dẫn như một lực lượng ngoại sinh được cho là có thể gây ra những thảm họa ngoài tầm ảnh hưởng của các nhà quy hoạch và chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, các mô hình đô thị hóa và phát triển không gian hiện nay trên thực tế lại được xác định là những yếu tố chính gia tăng mức độ phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương của con người, các hoạt động dân sinh, kinh tế và tài sản của họ trước các cú sốc khí hậu.

Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy từ năm 1985 đến năm 2015, các khu đô thị trên khắp thế giới đã tăng lên hơn 85%. Trong cùng thời kỳ, các khu đô thị đó lại chịu mức độ nguy hiểm do lũ lụt gia tăng lên đến 122%. Thay vì thích ứng trước các cú sốc hiểm họa khí hậu, nhiều đô thị trên thế giới lại đang tiếp tục gia tăng mức độ phơi nhiễm và tính dễ bị tổn thương của họ(1).

Kể từ khi bắt tay vào cải cách kinh tế toàn diện (Đổi Mới) hơn 30 năm trước, Việt Nam đã trở thành một trong những câu chuyện phát triển thành công lớn trên thế giới. Nền kinh tế quốc gia đã duy trì được tăng trưởng nhanh, ổn định và rộng khắp, cải thiện phúc lợi ấn tượng cho đại đa số người dân. Thành công này của Việt Nam có đóng góp không nhỏ của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị tăng từ dưới 20% năm 1986 lên trên 36% hiện nay.(2)

Tuy nhiên, trong những năm gần đây hầu hết các đô thị của Việt Nam, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn, bất kể ở vùng núi, vùng đồng bằng hay ven biển đều đối mặt với ngập lụt cùng với các vấn đề khác như tắc đường, nước thải, rác thải và ô nhiễm môi trường nước và không khí…

Với các đô thị có tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa cao hiện đang phải đối mặt với các rủi ro do lũ lụt/ngập lụt cao hơn so với các khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp. Khoảng 27% khu vực có mức tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa thấp ước tính sẽ chịu ảnh hưởng của lũ với chu kỳ xuất hiện 100 năm, so với khoảng 50% của khu vực có mức tăng trưởng cao.(3)

Đô thị hóa sẽ tiếp tục là một đặc điểm quan trọng trong phát triển của Việt Nam, nhưng tại ngã rẽ quan trọng này, các nhà hoạch định và thực thi chính sách cần phải làm gì để đô thị hóa có thể hỗ trợ lộ trình phát triển kinh tế xã hội, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực để đảm bảo hiệu quả và bền vững hơn?

Để trả lời được câu hỏi này, các nhà hoạch định và thực hiện chính sách cần hiểu rõ hơn quỹ đạo đô thị hóa và không gian hiện tại của quốc gia, đồng thời nắm bắt được các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa trước những sự kiện thiên nhiên. Để từ đó có cách tiếp cân và hành động toàn diện mang tính phối hợp tốt hơn nhằm thực hiện lộ trình tốt hơn cho tương lai.

ĐÔ THỊ VIỆT NAM VÀ SỰ PHÁT TRIỂN (4)

Việt Nam đang bước lên nấc thang thịnh vượng quốc tế trong khi gần như xóa bỏ được tình trạng nghèo đói cùng cực và tránh được tình trạng bất bình đẳng phổ biến về không gian giữa các vùng của quốc gia. GDP thực theo đầu người đã tăng hơn 4,5 lần kể từ năm 1990, trong khi tỷ lệ dân số có tình trạng nghèo cùng cực đã giảm từ xấp xỉ 53% năm 1992 xuống chỉ còn 2% năm 2016.

Cho tới gần đây, một phần của thành công này là nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, khi tỷ lệ dân số Việt Nam sống ở các thị trấn và thành phố tăng từ mức dưới 20% năm 1986 lên trên 36% hiện nay. Nhờ tập trung dân số, kỹ năng và hoạt động kinh tế ở khu vực thành thị, đô thị hóa đã giúp thúc đẩy sự thịnh vượng thông qua thị trường lao động đông đúc hơn, lan tỏa ý tưởng giữa doanh nghiệp và người dân, và tạo ra mạng lưới các nhà cung cấp trong nước.

tm-img-alt
Hình 1. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực

Sau khi bắt đầu công cuộc Đổi Mới vào năm 1986, tốc độ đô thị hóa dân cư của Việt Nam đã tăng mạnh (hình 1). Mặc dù từ năm 1980 đến 1986, tốc độ tăng tỷ lệ dân số Việt Nam sống ở khu vực thành thị là 0,3%/năm, tốc độ tăng này đã lên mức 0,9%/năm trong giai đoạn 1986-1990 trước khi đạt đỉnh 2,2%/năm từ 2000 đến 2010.

Mặc dù tăng tốc như vậy, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cho tới gần đây vẫn thấp hơn các nước đang phát triển ở khu vực còn lại của Đông Á và Thái Bình Dương (EAP). Ngay cả khi đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vẫn thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với phần còn lại của khu vực.

Nền tảng của tốc độ đô thị hóa đặc biệt của Việt Nam là sự xuất hiện của cơ cấu đô thị hóa và công nghiệp hóa theo hai cấp khá đặc thù. Cấp độ 1 bao gồm hai động lực kinh tế kép là Hà Nội và TP HCM và các vùng kinh tế tương ứng, vùng Đồng bằng sông Hồng bao quanh Hà Nội và vùng kinh tế Đông Nam bộ lấy TP HCM làm trung tâm. Năm 2014, hai vùng này có tổng số 35,2 triệu người sinh sống, tương đương 38,9% dân số Việt Nam, và cùng nhau chiếm ưu thế vượt trội trong bức tranh kinh tế Việt Nam.

Hai vùng này chiếm trên 70% việc làm phi nông nghiệp quốc gia và gần 75% nguồn thu của các doanh nghiệp phi nông nghiệp trong nước năm 2016. Ngược lại, các vùng cấp độ 2 của Việt Nam có mật độ dân số đô thị và việc làm phi nông nghiệp tương đối thấp.

Mặc dù vậy, những vùng này, với tài nguyên và tiềm lực kinh tế chênh lệch nhau vẫn có tới trên 55 triệu dân. Những vùng này có bức tranh định cư đô thị không đồng nhất, bao gồm từ những thành phố tương đối lớn, hay đô thị cấp hai, như Đà Nẵng và Cần Thơ, cho đến những thành phố trực thuộc tỉnh, và các thị trấn và thị tứ nằm rải rác.

tm-img-alt
Hình 2. Tổng diện tích đất đô thị Việt Nam tăng trưởng mạnh từ 2010

Các khu vực “đô thị” của Việt Nam đã mở rộng nhiều hơn bốn lần trong bảy năm từ 2010 đến 2017 so với mức mở rộng trong 14 năm trước, từ 1996-2010 (hình 2).

Mặc dù Việt Nam đã có được một số thành quả trong chuyển đổi cấu trúc, nhưng chưa gặt hái được đầy đủ lợi ích của đô thị hóa và mật độ gắn với đô thị hóa. Việc đó đòi hỏi phải quản lý hiệu quả tình trạng phi kinh tế do tích tụ, đồng thời các tác động tiêu cực (như ùn tắc, ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống, ngập lụt…) phát sinh từ áp lực dân số đô thị đối với hạ tầng, dịch vụ cơ bản, đất đai, nhà ở và môi trường. Điều đó sẽ giúp cho đô thị phát triển an toàn hơn do số lương lượng tội phạm ít hơn, mật độ xanh cao hơn, quãng đường phương tiện lưu thông ngắn hơn và giảm sử dụng năng lượng.

tm-img-alt
Hình 3. Ưu thế tích tụ của cấp độ 1 đã giảm trong giai đoạn 2011-2016

Có thể thấy bằng chứng về ảnh hưởng ngày càng tăng của các tác động tiêu cực, chẳng hạn như ở Hà Nội. Số lượng xe hơi đăng ký tại Hà Nội tăng thêm 179% và số lượng xe máy tăng thêm 85% từ năm 2006 đến 2011. Mặc dù quãng đường phương tiện lưu thông không tăng với cùng tỷ lệ, thực trạng đầu tư không đủ cho hệ thống đường bộ và phương tiện giao thông công cộng thay thế, cũng như yếu kém trong quản lý thực hiện qui hoạch phát triển đô thị và giao thông, đã góp phần làm gia tăng tắc nghẽn giao thông.

Có thể thấy thêm rằng 80% nước thải của Hà Nội bị xả trực tiếp ra sông do thiếu kết nối với hệ thống thoát nước và thu gom nước thải và không đủ năng lực xử lý nước thải. Do đó, khoảng một nửa dân số thành phố sống trong các khu vực được phân loại là “ô nhiễm nặng”.

Trong khi đó, chỉ một phần tư diện tích Hà Nội có hệ thống thoát nước hoạt động đầy đủ, và do hình thái mưa của thành phố và thiếu hạ tầng xanh, đã góp phần gây ngập lụt thường xuyên.

Về chất lượng không khí, mặc dù chưa tới mức độ của một số thành phố châu Á khác, các thành phố Việt Nam phải chịu đựng không khí kém chất lượng, thể hiện ở mức bụi siêu mịn – đặc biệt là PM 2.5 –vượt tiêu chuẩn an toàn về không khí của Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2013, tổng chi phí phúc lợi liên quan đến ô nhiễm ước lên tới 5,2% GDP quốc gia.

Do việc quản lý phi kinh tế do tích tụ và giảm thiểu các tác động tiêu cực kém hiệu quả ở các đô thị của Việt Nam, năng suất lao động của vùng cấp độ 1, bao gồm Hà Nội và TP HCM, cao hơn các vùng cấp độ 2 khoảng 20% vào năm 2011, nhưng sau đó đã giảm đáng kể, và mức chênh chỉ còn dưới 14% vào năm 2016 (hình 3).

Mặc dù xét về tỷ lệ thì mức chênh này vẫn thể hiện lợi thế khá lớn, nhưng nếu tốc độ sụt giảm lợi ích thu được từ mật độ vẫn tiếp tục duy trì như vậy, ưu thế tích tụ của cấp độ 1 sẽ giảm xuống dưới 5% vào năm 2030.

THIÊN TAI VÀ TÁC ĐỘNG (5)

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các tỉnh và thành phố của Việt Nam đang đứng trước các rủi ro lớn. Bão, nước dâng do bão, lũ sông, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn là các loại hình thiên tai đã quá quen thuộc với người dân.

Bất chấp các rủi ro do thiên tai, khu vực ven biển vẫn đang trên đà phát triển, cung cấp sinh kế cho dân số khu vực đô thị và nông thôn ngày càng tăng. Các ngành kinh tế đang trên đà tăng trưởng bao gồm nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, nuôi trồng thủy sản,du lịch, sản xuất, dịch vụ, thương mại hàng hải quốc tế. Khu vực ven biển là động lực chính cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên tốc độ đô thị hóa mạnh, tăng trưởng kinh tế nhanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc rủi ro thiên tai sẽ gia tăng trong tương lai.

Thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam là rất lớn. Ước tính thiệt hại tài sản là khoảng 2,7 tỷ đô la hàng năm. Tuy nhiên, tổn thất tài sản không phải là toàn bộ bức tranh. Khi tài sản bị hư hại, người dân mất đi nguồn thu nhập và ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Những tác động trên đặc biệt nghiêm trọng đối với các hộ gia đìnhcó thu nhập thấp, những người sống ở khu vực rủi ro cao, trong những căn nhà không kiên cố, và không tiếp cận được những hỗ trợ để phục hồi sau thiên tai. Mô hình toán được xây dựng trong “Báo cáo không thể phá vỡ” của Ngân hàng Thế giới có tính đến các yếu tố trên để tính toán khả năng phục hồi kinh tế xã hội và ước tính thiệt hại thực tế hàng năm của Việt Nam vào khoảng 11 tỷ đô la.

tm-img-alt
Hình 4. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa diễn ra không cân đối ở các khu vực có rủi ro cao.

Với khoảng 28% trên tổng số đường bờ biển dài hơn 3.000km là khu đô thi và dân cư tập trung, ước tính có khoảng 11,8 triệu người dân khu vực ven biển và 4,9 triệu người khu vực đồng bằng ven sông đang gặp rủi ro cao do lũ lớn và hơn 35% khu dân cư đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.

Rủi ro do lũ đối với các khu vực phát triển hơn sẽ cao gấp đôi so với các khu vực phát triển kém hơn (hình 4). Các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long cótiêu chuẩn bảo vệ trước lũ cao, nhưng đối với các tỉnh ven biển thì không, đa số người dân ở đây phải chịu tác động của lũ.

Mỗi năm, ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và công nghiệp sẽ bị thiệt hại khoảng 852 triệu đô la Mỹ (tương đương 0,5% GDP cả nước) và 316.000 lao động bị mất việc do ảnh hưởng của lũ sông và lũ ven biển. Các dịch vụ công thiết yếu cũng đang đứng trước rủi ro cao, như 26% các bệnh viện công và trung tâm y tế, 11% các trường học phải đối mặt với rủi ro ngập lụt từ biển, làm gián đoạn khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu trong giai đoạn người dân đang cần nhất.

Ngoài các dịch vụ công thiết yếu trên, hàng năm bão lũ gây ngập lụt và thiệt hại khoảng 144 triệu đô la Mỹ đến cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và 330 triệu đô la Mỹ đối với cơ sởhạ tầng năng lượng. Cơ sở hạ tầng thiếu kiên cố và khả năng chống chịu yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và gây thiệt hại khoảng 280 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Ngoài ra Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm gia tăng các rủi ro do thiên tai như: Lũ, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn vốn đã phổ biến ở Việt Nam. Với kịch bản biến đổi khí hậu cao, mực nước biển dự kiến sẽ tăng 30cm vào năm 2050 và 70cm vào năm 2100. Mức độ rủi ro do lũ của khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng lên 7%, ảnh hưởng đến thêm 4,5 triệu người ở khu vực ven biển.

Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra cho con người, đô thị và các ngành kinh tế, hạ tầng cơ sở và dịnh vụ thiết yêu được tóm tắt tại hình 5. Một vài thông tin phân tích chi tiết hơn về ước tính sự tác động và thiệt hại của thiên tai cho con người và một số hoạt động kinh tế liên quan đến phát triển đô thị được tóm tắt dưới đây:

tm-img-alt
Hình 5. Tóm tắt rủi ro thiên tai cho các ngành kinh tế và dịch vụ

Đối với đô thị:Tăng trưởng kinh tế và phát triển các đô thị mới diễn ra nhanh ở các khu vực có rủi ro cao trước lũ

tm-img-alt
Hình 6. Việt Nam đứng cao trên thế giới về phát triển các khu định cư mới tại những vùng có rủi ro cao trên thế giới (số liệu 1985 – 2015)

Việt Nam là 1 trong 3 nước có sự phát triển, mở rộng định cư mới trên các vùng đất có rủi ro thiên tai cao trên thế giới (hình 6) (6). Do các vị trí an toàn và có khả năng tạo ra thu nhập cao đều đã được sử dụng, các dự án phát triển mới buộc phải sử dụng đất ở dưới mức tối ưu. Xu hướng này có nghĩa là người dân phải chuyển đến các khu vực mà trước đây họ tránh không ở, do khoảng cách xa so với trung tâm hay do đây là khu vực rủi ro trước thiên tai. Do đó, nếu các nhà máy hay khu dân cư hiện tại đang chịu rủi ro trước thiên tai thì ở các khu vực mới, mức rủi ro còn cao hơn.

tm-img-alt
Hình 7. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa tập trung ở các khu vực có rủi ro cao trước thiên tai

Tình hình trên có thể thấy ở Đà Nẵng, nơi các dự án nhà ở mới đang mọc lên như nấm ở các khu vực đất trũng hoặc trước kia là nơi thoát lũ. Người dân ở các khu định cư mới thường phải đối mặt với các nguy hiểm mới, và thường là lao động mới chuyển đến gần đây từ các huyện sâu trong đất liền. Năng lực thoát nước của thành phố giảm dẫn đến nước lũ phải chảy qua các nơi khác và dẫn đến ngập lụt cục bộ.(7) Tổn thất tài sản ước tính do thiên tai gây ra tại Đà Nẵng là khoảng 43,2 triệu đô la một năm.(8)

Thách thức trên không chỉ cho riêng Đà Nẵng mà có thể thấy ở hầu khắp các khu vực khác ven biển. Các khu vực với tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa cao đang phải đối mặt với các rủi ro do lũ nhiều hơn so với các khu vực có tốc độtăng trưởng thấp (Hình 7). Ước tính khoảng 27% khu vực có mức tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa thấp ước tính sẽ chịu ảnh hưởng của lũ với chu kỳ xuất hiện 100 năm, so với khoảng 50% của khu vực có mức tăng trưởng cao.

Đối với công nghiệp: Hoạt động công nghiệp đang gia tăng nguy cơ thiên tai ở khu vực ven biển

Công nghiệp là một phần ngày càng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2016, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 1/3 GDP (Tổng cục Thống kê 2018). Trong cùng năm đó, 325 khu công nghiệp, địa điểm của nhiều công ty công nghiệp đã tiếp nhận lũy kế tới 110 tỷ đô la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra 100 tỷ đô la Mỹ doanh thu xuất khẩu và 2,9 triệu việc làm (Ban thư ký ASEAN và Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển 2017). Nếu tăng trưởng gần đây tiếp tục duy trì, ngành sẽ đóng góp 40% GDP vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp của Chính phủ.

tm-img-alt
Hình 8: Các khu công nghiệp ở sông Hồng và sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt ven biển

Trước tác động của thiên tai, ước tính thiệt hại trung bình hàng năm đối với tài sản công nghiệp lên tới khoảng 264 triệu đô la Mỹ. Với tài sản công nghiệp chiếm 18% tổn thất tài sản trực tiếp quốc gia nhưng chỉ chiếm 12% tổngtài sản, ngành này dường như bị ảnh hưởng một cách không cân xứng. Tổn thất ở khu vực duyên hải miền trung và ở hai khu vực đô thị chính đặc biệt đáng kể, như trong hình 8. (9)

Đối với du lịch: Du lịch rất quan trọng đối với nền kinh tế ven biển Việt Nam, nhưng phải chịu tác động của thiên tai

Từ năm 2007 đến 2017, lượng khách quốc tế du lịch đến Việt Nam tăng gấp ba vào khoảng 12,9 triệu và khách nội địa tăng gấp bốn lần lên 73,2 triệu.6 Trong năm 2017, du lịch đã đóng góp 10,3 tỷ đô la Mỹ (9,4%) vào GDP quốc gia và tạo công ăn việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động (Hiệp hội Du lịch và Lữ hành thế giới 2018). Các khách sạn và nhà hàng sử dụng nhiều lao động nông thôn và có trình độ thấp, việc phát triển ngành du lịch mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân có thun hập thấp (Norman 2014).

tm-img-alt
Hình 9. Tác động của lũ sông và lũ biển đến ngành du lịch

Khoảng 3% GDP quốc gia (5 tỷ đô la Mỹ) và 753.000 công nhân làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch được ước tính sẽ bị ảnh hưởng bởi 1 trận lũ lụt với chu kỳ xuất hiện 100 năm. Lũ lụt ven biển có cùng cường độ sẽ có sức ảnh hưởng bằng một nửa tới kinh tế (2,7 tỷ đô la Mỹ, 1,6% GDP quốc gia và 409.000 công nhân).

Điều này chủ yếu là do phần lớn các khu nghỉ dưỡng và khách sạn nằm ở khu vực dễ bị tổn thương từ bão lũ (60 % tất cả các khách sạnnằm giữa tỉnh Nghệ An và Ninh Thuận) (Hình 9).

Ngoài ra sạt lở bờ sông và bờ biển cũng đang ảnh hưởng đến khoảng 22% đóng góp của du lịch trên GDP, tương đương khoảng 3,6 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Mức độ sạt lở hiện tại ảnh hưởng đến 23% lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch, hoặc tổng cộng 556.000 việc làm. 46% khách sạn ở các tỉnh ven biển nằm trong phạm vi 5km tính từ đường bờ biển.

Bên cạnh các mối đe dọa đối với các cơ sở lưu trú, thiên tai còn gây ra hậu quả nghiêm trọng trên toàn ngành, làm giảm lượng khách du lịch, dẫn đến giảm doanh thu trên số phòng cũng như các mặt hàng bán lẻ liên quan đến du lịch dù rất khó để định lượng mức độ thiệt hại kinh tế của các tác động này, nhưng có thể nói GDP ngành du lịch và việc làm bị đe dọa trước các tác động tiêu cực của lũ lụt.

CÁC HÀNH ĐỘNG CẦN THIẾT

Một mặt, trong ba thập kỷ kể từ khi Đổi Mới, chính sách về không gian của Việt Nam đã có thành công đáng kể, tạo ra tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và ổn định, cải thiện công bằng về không gian và gần như xóa bỏ được nghèo đói cùng cực, đồng thời hạn chế sự xuất hiện của khu ổ chuột tại các trung tâm đô thị lớn.(10). Mặt khác, tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học đi cùng với việc di cư từ các khu vực nông thôn ra thành thị, dẫn đến các khu dân cư và khu công nghiệp mới mọc lên, mở rộng các thành phố, thị trấn và các khu định cư - thường là ở những khu vực có nguy cơ rủi ro cao.(11)

Dù đã đạt được các bước đáng kể, các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị. Hai phần ba hệ thống phòng chống lũ ở Việt Nam, trải dài trên 2.659 km, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn theo qui định.

Ở nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao, hệ thống đê vẫn còn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn đề ra. Các biện pháp dựa vào tự nhiên không được đánh giá cao trong việc tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị, cũng đangchịu áp lực ngày càng tăng do phát triển và khai thác quá mức.

Việt Nam cần phải hành động ngay để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong tương lai trước các rủi ro thiên tai. Cần có kế hoạch hành động phù hợp để cân bằng giữa rủi ro và cơ hội phát triển. Với đà tăng trưởng hiện nay, ở khu vực có rủi ro cao, thiệt hại do thiên tai vẫn tăng, trừ khi các hoạt động phát triển phải có khả năng chống chịu và lồng ghép các rủi ro. Nếu chậm triển khai các hoạt động thêm 10 năm thì nền kinh tế khả năng sẽ phải chịu thiệt hại thêm 4,3 tỷ đô la Mỹ do thiên tai.(12)

Trong điều kiện các hiểm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, các nỗ lực giảm nhẹ rủi ro lũ lụt hiệu quả phải dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về các yếu tố góp phần khác nhau vào rủi ro lũ lụt. Chúng có thể bao gồm gia tăng các mối nguy (ví dụ do biến đổi khí hậu), gia tăng mức độ phơi nhiễm với các mối nguy (do mở rộng các khu định cư có nguy cơ) và gia tăng khả năng bị tổn thương do các cú sốc (ví dụ, do các tiêu chuẩn xây dựng hoặc hệ thống bảo trợ xã hội không đầy đủ).

Những phát hiện trên có ý nghĩa cụ thể đối với các nhà quy hoạch đô thị và các nhà hoạch định chính sách. Ở những khu vực đã có mức độ ngập lụt cao, việc đầu tư cho công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai là rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại; ví dụ, thông qua hệ thống cảnh báo sớm, quy trình sơ tán, bảo hiểm, bảo trợ xã hội và trang bị thêm cơ sở hạ tầng.

Ở những khu vực, nơi mức độ ngập lụt vẫn còn thấp nhưng đang gia tăng nhanh chóng, việc điều chỉnh lại các kế hoạch sử dụng đất và đô thị hóa sẽ là điều cần thiết, cùng với việc rà soát và cải cách các quy hoạch xây dựng và quy hoạch cơ sở hạ tầng được thông báo về rủi ro. Mặc dù khan hiếm đất đai và hạn chế về địa lý có thể dẫn đến việc không thể tránh khỏi việc định cư trong các vùng lũ lụt, nhưng điều này đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận các hệ thống phòng chống lũ lụt và các biện pháp ứng phó với thiên tai để có thể phát triển kinh tế xã hội một cách linh hoạt.(13)

Có 6 lĩnh vực, chính phủ Việt Nam có thể xem xét để nâng cao năng lực quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng của các đô thị (hình 10):

tm-img-alt
Hình 10. Các giải pháp khuyến nghị

1. Thiết lập và tăng cường hệ thống quản lý và sử dụng dữ liệu và công cụ ra quyết định tích hợp. Hiện nay các thông tin về thiên tai, kinh tế và xã hội được quản lý rời rạc và không thống nhất. Các thông tin lại có độ chính xác thấp và không đồng đều ở các ban ngành và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra thông tin lại không được chia sẻ một cách có hệ thống và kịp thời phục vụ công tác qui hoạch, xây dựng chính sách và quyết định đầu tư.

Do vậy công tác đánh giá rủi ro hiện nay chỉ mang tính cục bộ, phục vụ một vài dự án liên quan đến quản lý thiên tai và không được cập nhật thường xuyên. Để quản lý rủi ro hiệu quả, các nhà hoạch định chính sách cần có thông tin cập nhật. Hạn chế thông tin có thể làm gia tăng rủi ro vượt mức, trong khi thị trường đất đai kém hiệu quả lại có thể cho phép khu đất an toàn hơn không phát triển, trong khi các khu vực rủi ro lại được phát triển.

Việc thiết lập hệ thống thông tin quản lý rủi ro thiên tai tích hợp chi tiết, có hệ thốngở cấp Trung ương và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định dựa trên phân tích tích hợp trong việc lập và thực hiện quy hoạch phát triển độ thị, cũng như quyết định đầu tư các cơ sở hạ tầng đô thị. Việc phân tích rủi ro thiên tại phải được thực hiện và cập nhật thường xuyên nhằm cung cấp kịp thời các thông tin rủi ro cho các nhà hoạch định và triển khai thực hiện chính sách.

2. Cải thiện quy hoạch và quy định sử dụng đất với phương pháp tiếp cận “Water Sensitive”. Mức độ rủi ro trong phát triển đô thị phụ thuộc vào địa lý, xu hướng kinh tế xã hội và các yếu tố thể chế và quản lý, chẳng hạn như các hạn chế về quy hoạch.

Mở rộng đô thị mật độ thấp và công nghiệp hóa nông thôn đang chiếm chỗ của các khu vực tự nhiên và đất nông nghiệp, gây sức ép đối với hệ sinh thái và khiến nhiều người dân và tài sản phải chịu rủi ro thiên tai. Tình trạng này đặt ra thách thức đáng kể đối với tiến trình đô thị hóa thích ứng trong tương lai của Việt Nam.

Do vậy, việc phân tích và tích hợp các rủi ro thiên tai tiềm tàng và các tác động cần phải được thực hiện đầy đủ trong tất các các bước lập hay điều chỉnh qui hoạch và sử dụng đất đai, cũng như thực hiện và ra quyết định đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng hay các dự án phát triển. Việc phân tích rủi ro cần được thực hiện một cách tổng thể và chiến lược theo lưu vực sông.

3. Tăng khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng. Các tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn an toàn của các công trình cơ sở hạ tầng đang phải cập nhật thường xuyên để đáp ứng với nhu cầu tăng nhanh về phát triển cơ sơ hạ tầng. Tuy nhiên lại không được xây dựng và áp dụng một cách thống nhất và có hệ thống ở các ngành xây dựng cở sở hạ tầng khác nhau.

Tương tự, quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng không tính đến các mức độ chống chịu, ví dụ, bằng việc xác định các tuyến đường liên kết huyết mạch sẽ tăng cường khả năng chống chịu và năng lực hoạt đọng trên toàn hệ thống. Các dự án phát triển tư nhân không đánh giá rủi ro và tác động thiên tai và môi trường, khiến các khu dân cư mọc lên ở các khu vực dễ xảy ra thiên tai, làm tăng mức độ rủi ro trước thiên tai.

Để hướng các dự án phát triển mới vào các khu vực an toàn thì kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng phải phù hợp với quy hoạch không gian tổng thể có lồng ghép các nội dung rủi ro thiên tai. Đồng thời các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường năng lực của các công trình thiết yếu bằng việc tích hợp các thông tin rủi ro vào quy trình lập kế hoạch, thiết kế và duy tu bảo dưỡng của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục để có phương án ứng phó kịp thời, tiếp tục hoạt động và góp phần phục hồi nhanh khi thiên tai làm gián đoạn cơ sở hạ tầng.

4. Áp dụng tối đa các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Ở Việt Nam, hệ sinh thái giữ vai trò quan trọng nhưng thường không được đánh giá cao trong việc tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với thiên tai. Từ các vùng đất ngập nước, ao hồ tự nhiên ven sông đến các cồn cát, rừng ngập mặn và rạn san hô đều mang đến sự đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái quan trọng, giảm tác động của lũ, lụt, bão bằng cách tăng khả năng chứa và chậm lũ hay hấp thụ năng lượng sóng và ổn định trầm tích để giúp giảm thiểu tình trạng sạt lở.

Nhưng một loạt các yếu tố như : Quản lý không bền vững, đô thị hóa, phát triển ở các cùng thấp và ven biển và du lịch, thâm canh sử dụng đất, mởrộng nông nghiệp, khai thác quá mức, ô nhiễm nước và bồi lắng đã làm suy thoái hệ sinh thái.Từ đó làm giảm năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai của cộng đồng.

Ngoài ra các hệ sinh thái tự nhiên thường đem lại hiệu quả cao trong việc tăng cường môi trường sống, bảo vệ sinh kế ven sông, biển. Nhờ vậy, rủi ro lũ lụt có thể được giảm nhẹ, đồng thời loại bỏ hoặc giảm nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng nhân tạo tốn kém, chẳng hạn như hệ thống đê, kè hay hệ thống tiêu thoát nước đô thị.

Nếu quản lý bền vững, chúng có thể đem lại giá trị kinh tế hữu hình, hỗ trợ du lịch và tăng giá trị đất đai. Tiếp đó, cần tăng cường chính sách, quy định và khung pháp lý để quản lý các hệ sinh thái tự nhiên ven sông, biển và trong các đô thị, kèm theo các hướng dẫn kỹ thuật và các quy hoạch phân vùng xác định các khu vực có các yêu cầu bảo vệ và sử dụng khác nhau. Các biện pháp bảo tồn, phục hồi và quản lý phải phù hợp với nhu cầu và năng lực thực thi của địa phương.

5. Tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai. Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vẫn còn nhiều mặt đáng cải thiện, đặc biệt công tác cảnh báo dự báo khi mà các thông tin phải có giá trị hành động thực tiễn cho các đối tượng người dùng khác nhau.

Cần thiết phải nâng cao chất lượng và độ chính xác của dự báo và cảnh báo ngập lụt. Đặc biệt, công tác dự báo cho các khu đô thị và dân cư cần chi tiết đến từng phường, xã với phương pháp “dự báo dựa vào rủi ro (risk-based forecast)”.

6. Cải thiện phân bổ ngân sách và lập kế hoạch tài chính cho phát triển và phòng chống thiên tai. Hệ thống hệ thống và quy định về tài khóa hiện tại của Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc “bình đẳng và cân đối giữa các vùng”, phân phối lại đáng kể nguồn thu của các tỉnh thành thuộc cấp độ 1 của quốc gia cho các tỉnh thuộc các vùng cấp độ 2 kém phát triển hơn.

Mặc dù việc phân bổ lại này đã góp phần đạt được tình trạng bất bình đẳng không gian tương đối thấp giữa các vùng của Việt Nam, nhưng cũng lấy đi nguồn lực cần thiết của các khu vực có tăng trưởng dân số nhanh chóng để có thể đáp ứng các yêu cầu hạ tầng và dịch vụ cơ bản, vì thế làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của tắc nghẽn và làm suy yếu tính kinh tế nhờ tích tụ.

Tốc độ tăng dân số của một vùng ở Việt Nam có quan hệ nghịch với mức tăng nguồn lực trung bình mà vùng đó nhận được qua phân bổ ngân sách. Do vậy nguồn ngân sách đâu tư và dự phòng cho công tác phòng chống thiên tai thường không đáp ứng được nhu cầu và hiệu quả chưa cao.

Chi tiêu của Chính phủ được lên kế hoạch từ 3 - 5 năm trước và thường không linh hoạt, vì vậy, có thể mất vài năm để Chính phủ phân bổ ngân sách cho tái thiết sau thiên tai. Việt Nam cần hoàn thiện công thức phân bổ ngân sách để đáp ứng nhu cầu lớn hơn ở các trung tâm dân cư và các hoạt động kinh tế lớn và khuyến khích cho hoạt động hiệu quả. Ngoài ra Việt Nam cũng cần tích hợp quy trình lập ngân sách với lập kế hoạch đầu tư để tối đa hóa nguồn thu và tăng cương hiệu quả của đầu tư vốn.

Nhằm đảm bảo huy động nguồn lực sau thiên tai nhanh chóng và hiệu quả, một chiến lược tổng thể bao gồm nhiều lớp về tài chính rủi ro thiên tai là cần thiết. Cần xây dựng một cơ chế rút gọn nhằm huy động và giải ngân các nguồn tài chính sẵn có đảm bảo sự kịp thời và hiệu quả cho công tác xây dựng lại và tái thiết khẩn cấp sau thiên tai.

Dự trữ nhiều năm, tín dụng dự phòng, bảo hiểm trong nước và trái phiếu thiên tai đều là những công cụ tài chính đã chứng minh được hiệu quả. Cần tăng cường phối hợp thể chế giữa các chương trình bảo trợ xã hội, bảo hiểm thiên tai và các cơ chế ứng phó thiên tai tổng hợp.

Khuyến nghị qui hoạch phát triển thích ứng cho tiểu lưu vực sông Trường Giang (bao gồm thành phố Tam Kỳ) của tỉnh Quảng Nam (14)

Giới thiệu ngắn

tm-img-alt
Hình 1. Thành phố Tam Kỳ 2002 (trái) và 2021

Quảng Nam chịu thiệt hại năng nề do thiên tai gây ra hàng năm, do có vị trí sát biển, lại ở khu vực hạ lưu của hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Trong những năm gần đây đã có nhiều trận bão lũ lớn được ghi nhận như các năm 1999, 2009, 2013, 2016, 2020 và 2021.

Quảng Nam là tỉnh có thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra lớn nhất trong các tỉnh duyên hải ven biển miền Trung. Mặt khác, tỉnh Quảng Nam hiện đang trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm và du lịch biển của Việt Nam, như khu kinh tế mở Chu Lai, khu du lịch thành phố Hội An và các khu vực phát triển du lịch sông nước ven biển. Định hướng phát triển của tỉnh Quảng Nam trong những năm tới vẫn tiếp tục tập trung vào ba lĩnh vực chính: Công nghiệp, du lịch và dịch vụ và thương mại.

tm-img-alt
Hình 2. Bản đồ đường thủy sông Trường Giang

Sông Trường Giang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam trong tương lai. Sông Trường Giang có chiều dài khoảng 70 km và là sông chạy ngang, song song với bờ biển Quảng Nam, nối hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ở phía bắc với hạ lưu hệ thống sông Tam Kỳ - An Tân ở phía nam.

Ở khu vực giữa sông là huyện Thăng Bình và thành phốTam Kỳ. Do vậy sông Trường Giang không có thượng lưu, chẳng có hạ lưu nên cũng không có hữu và tả ngạn.Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh QuảngNam, sông Trường Giang sẽ trở thành trung tâm phát triển du lịch và dịch vụ, phòng chống ngập lụt cho thànhphố Tam Kỳ và khu vực lân cận, đồng thời là tuyến giaothông thủy huyết mạch nối với Hội An và Đà Nẵng (qua sông Cổ Cò).

Tỉnh Quảng Nam hiện đang tiến hành các bước chuẩn bị để xây dựng một qui hoạch phát triển không gian tích hợp cho khu vực tiểu lưu vực sông Trường Giang và Tam Kỳ. Sự phát triển của nền kinh tế là mục tiêu hàng đầu trong lưu vực sông Trường Giang với quy hoạch các khu công nghiệp, thương mại, đô thị và hạ tầng giao thông mới.

Du lịch được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng lớn do vị trí của nó gần điểm nóng du lịch Hội An, những bãi biển hấp dẫn và khung cảnh nông thôn tự nhiên của nó. Tuy nhiên, con sông hiệnnay đã bị con người xâm phạm quá mức do các hoạt động kinh tế, như nuôi trồng thủy sản làm hẹp lòng sông và ô nhiễm môi trường nước.

Thêm nữa khu vực này, bao gồm cả thành phố Tam Kỳ, cũng thường xuyên phải đối mặt với các thiên tai như lũ sông và nước dâng do bão và dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, các định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Trường Giang và Tam Kỳ đòi hỏi phải tập trung cân bằng và tổng hợp về kinh tế, sinh thái và văn hóa xã hội của khu vực.

Lưu vực sông Trường Giang và Tam Kỳ có thể được chia thành ba vùng có những đặc điểm khác nhau.

• Khu vực phía bắc phần lớn là nông thôn. Khu vực này có một sự phát triển du lịch mới nổi chủ yếu tập trung dọc theo bờ biển. Hội An và Đà Nẵng nằm gần đó, và khu vực này cung cấp cửa ngõ từ các thành phố này về phía các khu đô thị và khu công nghiệp ở Tam Kỳ và Chu Lai.

• Tỉnh lỵ Tam Kỳ nằm ở khu vực trung tâm. Khu vực này dự kiến sẽ chứng kiến sự phát triển đô thị và phát triển thương mại đáng kể trong tương lai gần. Khu vực này cũng có những vùng nông nghiệp rộng lớn, được tưới từ hồ chứa Phú Ninh và thiên nhiên ở đồng bằng ngập lũ của sông Tam Kỳ. Cácvùng đất ngập nước xung quanh thành phố đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý lũ lụt trong khu vực đô thị thấp.

• Khu vực phía Nam đang tập trung phát triển công nghiệp và thương mại. Chu Lai là một khu kinhtế mở, và là một cảng biển nước sâu quan trọng của tỉnh Quảng Nam. Việc mở rộng hơn nữa các khu công nghiệp và thương mại được quy hoạch trên đất mới cải tạo và các khu khác.

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững cho từngkhu vực nêu trên. Các nguyên tắc quản lý tổng hợp lưu vực sông và các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể được áp dụng để hỗ trợ và củng cố tham vọng phát triển trong từng khu vực.

Các giải pháp phát triển dựa vào các điều kiện tự nhiên nhằm phát huy và tối đa hóa hiệu quả của các điều kiện tự nhiên thuận lợi của từng khu vực, đồng thời giảm thiểu các tác hại cũng như tác động tiêu cực vào sự phát triển hài hòa vàbền vững trong tiểu lưu vực sông Trường Giang – Tam Kỳ.

3 nguyên tắc

tm-img-alt
Hình 3. Tổng quan về các công cụ có thể áp dụng tích hợp cho qui hoạch phát triển sông Trường Giang

• Nguyên tắc 1 - Dòng sông trù phú về kinh tế: Chiến lược kinh tế định vị dòng sông về mặt điều hướng kinh tế, trong đó sông là cầu nối theo chiều dọc giữa cụm kinh tế với cơ sở hạ tầng bến cảngở Chu Lai ở phía nam và cửa sông Hội An ở phía bắc, và qua sông Cổ Cò về phía cảng biển Đà Nẵng.

Từ vị trí của chúng, cả hai cụm đều là trung tâm kinh tế chính ở cả hai đầu sông. Hội An tạothành một cửa ngõ kinh tế - du lịch, nơi du lịch sông nước có thể phát triển hơn nữa về phía nam trên sông Trường Giang. Một mạng lưới các cầu tàu cho du lịch sông có thể được phát triển, theo đó có thể ghé thăm nhiều điểm tham quan hiện có và mới dọc theo sông.

tm-img-alt
Hình 4: Hướng phát triển kinh tế và các khu vực tiềm năng để định hướng phát triển kinh tế dọc sông Trường Giang
tm-img-alt
Hình 5: Hình ảnh minh họa về việc áp dụng hướng phát triển kinh tế trong tương lai

• Nguyên tắc 2 - Dòng sông trù phú về sinh thái: Chiến lược sinh thái tiếp cận dòng sông từ lý thuyết bước đệm sinh thái. Dòng sông là một phần của mạng lưới xanh lớn hơn và bản thân dòng sông cũng hoạt động như một hệ thống các bậc thềm và hành lang.

Suối, hồ và các khu vực đất ngập nước tiếp giáp là các cụm sinh thái trong khi các nhánh sông và bờ xanh của sông Trường Giang và Tam Kỳ được tăng cường làm hành lang sinh thái. Điều này dẫn đến một mạng lưới các công viên đất ngập nước, khu vực kiểm soát lũ lụt và bờ sông thân thiện với thiên nhiên được củng cố.

Nếu có thể, các làng địa phương sẽ tập trung vào việc xử lý nước thải bền vững để nâng cao chất lượng môi trường và tính bền vững của hệ sinh thái. Sông Trường Giang và Tam Kỳ cung cấp các giải pháp dựa trên thiên nhiên tích hợp theo cách này để phát triển bền vững trong tương lai với các phẩm chất sinh thái dọc theo toàn bộ chiều dài của dòng sông. Các giải pháp dựa trên thiên nhiên cũng cung cấp cơ hội để dự đoán hiệu quả các mối nguy hiểm tự nhiên và gia tăng ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

tm-img-alt
Hình 6: Hướng phát triển sinh thái và các khu vực tiềm năng để định hướng phát triển sinh thái dọc sông Trường Giang
tm-img-alt
Hình 7: Hình ảnh minh họa về việc áp dụng hướng phát triển sinh thái trong tương lai

• Nguyên tắc 3 - Dòng sông trù phú về văn hóa xã hội: Chiến lược văn hóa xã hội tiếp cận dòng sông từ các cộng đồng hiện có và các phát triển theo quy hoạch. Bằng cách này, dòng sông đóng vai trò là xương sống cho các chức năng xã hội và chức năng cộng đồng.

Điều này dẫn đến việc bảo vệ và kết hợp nuôi trồng thủy sản địa phương tốt hơn, cơ sở hạ tầng nước tốt hơn làm nơi gặp gỡ các làng địa phương và phát triển các công viên sông địa phương với giá trị gia tăng cho những phát triển hiện có và mới. Bằng cách này, sông Trường Giang tăng cường các hoạt động văn hóa xã hội đã được lồng ghép cẩn thận dọc theo dòng sông trong các cụm văn hóa xã hội được thiết kế chiến lược.

tm-img-alt
Hình 8: Hướng phát triển văn hóa xã hội và các khu vực tiềm năng để định hướng phát triển văn hóa xã hội dọc sông Trường Giang
tm-img-alt
Hình 9: Hình ảnh minh họa về việc áp dụng hướng phát triển văn hóa xã hội trong tương lai

Ý tưởng cho 3 vùng

Vùng phía bắc sông Trường Giang: Công viên đất ngập nước tự nhiên kết hợp quản lý tổng hợp rủi ro lũ lụt.

Trong khi so sánh quy hoạch tổng thể cho sông Trường Giang với bản đồ mô phỏng nguy cơ lũ lụt, một sốvùng phát triển dường như được phân bổ ở các khu vực dễ bị lũ lụt. Hai ý tưởng được xây dựng: một nếu quy hoạch tổng thể được tuân thủ. Hai nếu xem xét lại quy hoạch tổng thể và phát triển khu vực theo điều kiện tự nhiên - trong khi vẫn ghi nhớ các mục tiêu cung cấp các khu vực cho mục đích dân cư, giải trí và dulịch.

Ý tưởng 1: Sống với nước và tự nhiên

tm-img-alt
Hình 10: Sống với nước và tự nhiên

Chống ngập cho khu vực phát triển - Ước tính được thực hiện để chống ngập các khu vực phát triển mới trong quy hoạch tổng thể hiện có với một hệ thống phòng chống ngập, bao gồm một con đê sông, một hệ thống thoát nước, các khu vực trữ nước và hệ thống trạm bơm.

Để trạm bơm hoạt động hiệu quả dưới tải không đổi, khu vực đê bao nên phân bổ không gian để trữ nước. Nhiều không gian hơn để trữ nước cũng sẽ làm giảm công suất bơm cần thiết. Các chủ đầu tư của các khu đất trong đê được khuyến nghị xem xét cẩn thận cao độ san lấp, vùng trữ nước và trạm bơm và vốn đầu tư cần thiết.

Cơ hội phát triển ở vùng ngập lũ - Quy hoạch tổng thể hiện có phân bổ không gian cho nông nghiệp (nuôi trồng thủy sản) ở vùng ngập lụt (trước đê). Do cây cầu bắc qua sông Trường Giang ở vị trí này tạo một cơ hội tuyệt vời để cung cấp thêm các tiện ích cho các khu dân cư được quy hoạch cũng như các khu du lịch. Việc xây dựng lại dòng sông với các con đê mới mang đến những cơ hội mới cho sự phát triển hiện có và theo quy hoạch.

Ở bờ trái, một nơi neo đậu được tạo ra gần ngôi làng hiện có, cũng có chức năng như một nơi gặp gỡ và điểm tham quan cho cộng đồng địa phương. Ở bờ phải, một điểm dừng thuyền cho du lịch sông đã được kết hợp gần công viên đất ngập nước mới, hấp dẫn tại cây cầu.

Các vùng bên ngoài đê mang đến cơ hội cho nông nghiệp bền vững và nuôi trồng thủy sản bền vững. Các chức năng khác nhau trên bờ được kết nối bởi một mạng lưới hấp dẫn các con đường công viên dẫn từ những nơi neo đậu dọc theo bờ sông thân thiện với thiên nhiên đến công viên đất ngập nước mới.

Công viên đất ngập nước là điểm thu hút chính trong khu vực và kết hợp phát triển thiên nhiên với các chức năng công viên như sân chơi trẻ em. Công viên làm tăng thêm giá trị cho các cộng đồng hiện có và cũng cho sự phát triển dân cư theo quy hoạch ở phía bắc của công viên.

Ý tưởng 2: Quy hoạch theo độ cao và bảo vệ tài sản hiện có

tm-img-alt
Hình 11: Quy hoạch theo độ cao và bảo vệ tài sản hiện có

Ý tưởng đầu tiên cho thấy rằng việc sử dụng các khu vực dễ bị lũ lụt trong thung lũng có thể đi kèm với chi phí đầu tư cần thiết đáng kể để chống ngập một số khu vực nhất định.

Trong ý tưởng thứ hai này, quy hoạch tổng thể ban đầu được xem xét hủy bỏ để tìm kiếm một giải pháp thay thế. Ý tưởng này không có nghĩa là định hướng thực hiện tương lai, mà là một nguồn cảm hứng để xem xét điều chỉnh quy hoạch tổng thể hiện có của tỉnh Quảng Nam.

Ý tưởng này được xây dựng xung quanh độ cao hiện có, và các công trình thiết yếu và phát triển đô thị được đặt bên ngoài vùng lũ với tần suất 100 năm. Thiết lập như vậy cho phép tăng cường thoát nước của các khu vực cao hơn vào vùng ngập lũ, trong khi bên trong vùng ngập lũ đề xuất một vùng đất ngập nước nằm ở vị trí thấp và cho phép bị ngập một phần khi thủy triều cao. Vào mùa mưa và trong các trận lũ lụt, công viên thủy triều có thể bị ngập.

Vào mùa khô, công viên có thể được sử dụng làm không gian mở cho người dân và khách du lịch. Trong ý tưởng thứ hai, các vùng đất nông nghiệp ở vùng ngập lũ ở bờ trái và bờ phải được hình thành như một công viên cảnh quan kết hợp nông nghiệp bền vững với trải nghiệm cảnh quan, du lịchsông nước và du lịch ẩm thực.

Để làm cho cảnh quan thung lũng hấp dẫn hơn, phục hồi cảnh quan được sử dụng trong đó các hàng cây trước đây được sắp xếp lại để tạo thành các không gian cảnh quan. Các vùng đất nông nghiệp trong các không gian cảnh quan là hình mẫu về nông nghiệp sinh thái, bền vững và một trung tâm đào tạo mới gần làng hiện có cung cấp đào tạo cho nông dân trong khu vực về kỹ thuật canh tác bền vững và tạo sản phẩm tốt hơn.

Nuôi trồng thủy sản trong khu vực cũng được thực hiện bền vững, kết hợp hoạt động này với phát triển thiên nhiên cũng để có được một sản phẩm tốt hơn. Tại đây, một trung tâm thông tin du lịch ẩm thực được tích hợp ở bờ trái và kết hợp với một khu vực trình diễn nuôi trồng thủy sản bền vững. Điều này hấp dẫn đối với du lịch đường sông và du lịch ẩm thực.

Các chức năng khác nhau trong công viên cảnh quan được kết nối bởi một mạng lưới đường dẫn công viên hấp dẫn, không ngập nước dẫn từ các vùng nông nghiệp đến công viên đất ngập nước mới. Công viên đất ngập nước là điểm thu hút chính trong khu vực và kết hợp phát triển thiên nhiên với các chức năng công viên như sân chơi trẻ em. Công viên làm tăng thêm giá trị cho các cộng đồng hiện có và tạo thành một điểm thu hút chính cho du lịch đường sông.

Vùng giữa - Phát triển đô thị an toàn trước lũ lụt.

Một loạt các giải pháp công trình và phi công trình có thể được xem xét áp dụng để giảm thiểu các thiệt hại do lũ lụt gây ra với khu vực đô thị như thành phố Tam Kỳ.

Kênh thoát lũ từ hồ Sông Đầm đến sông Trường Giang, và từ sông Trường Giang ra biển

- Bằng cách đưa vào các kênh thoát lũ này, hồ Sông Đầm có thể cung cấp thêm dung tích trữ tạm thời cho lượng mưa chảy tràn, và thứ hai là tạo ra một kênh thoát lũ để nước lũ thoát ra biển nhanh hơn. Kênh thoát lũ thứ nhất được coi là giải pháp tức thời để giảm áp lực ngập lụt cho thành phố, được coi là biện pháp ngắn hạn. Kênh thoát lũ thứ hai đóng vai trò xả nước lũ bổ sung ở Trường Giang trực tiếp ra biển, nơi ít cấp thiết hơn (đây là giải pháp lâu dài).

Tối ưu hóa hoạt động của hồ chứa - Về cơ bản, một sơ đồ hồ chứa tối ưu hóa có thể được thực hiện trực tiếp, phân loại biện pháp này như một giải pháp ngắn hạn. Giải pháp mềm như vậy thường tiết kiệm chi phí; tuy nhiên, các quy định vận hành đập hiện hành sẽ phải được điều chỉnh và có thể cần thời gian cho các thủ tục (quy định) của chính phủ.

Việc giảm dòng chảy có thể trực tiếp giảm lũ lụt cho các vùng hạ du, trong đó có thành phố Tam Kỳ. Lưu lượng dòng chảy ra có thể được giảm tối đa bằng cách bắt đầu xả lũ sớm hơn, cho phép lưu lượng dòng chảy ra trung bình thấp hơn. Điều này đòi hỏi một dự báo đầy đủ về lượng mưa, dòng chảy và lượng nước sử dụng dự kiến.

Một hệ thống dự báo sẽ báo hiệu cho người vận hành tiến hành xả một phần dung tích hồ chứa và cùng với đó, tăng dung tích chứa lũ của hồ. Hệ thống như vậy sẽ phải tính đến cả nhu cầu sản xuất thủy điện (và các dòng chảy vào của đập) cũng như tối ưu hóa dòng chảy để giảm lũ lụt ở hạ lưu.

Hồ điều hòa tạo môi trường đất ngập nước sinh động Sông Đầm và kênh thoát lũ (biện pháp ngắn hạn) - Biện pháp công trình thứ nhất hình thành một kênh thoát lũ từ sông Bàn Thạch, qua hồ Sông Đầm, đến sông Trường Giang. Định tuyến dòng nước lũ về hồ Sông Đầm và xây dựng đập điều tiết mực nước và xả lũ vào kênh thoát lũ, cho phép hồ cung cấp dung tích trữ lũ cho hệ thống.

Điều này cũng dẫn đến mực nước trong hồ được điều tiết hơn, chênh lệch giữa mùa khô (mực nước thấp) và mùa mưa (mực nước cao). Hồ là một vùng nước có thể có tốc độ cải thiện tốc độ tự làm sạch nước, dẫn đến chất lượng nước tăng lên. Hiện tại, hồ có một số chức năng như nuôi trồng thủy sản (trang trại nuôi tôm cá) và giải trí.

Nằm gần các khu đô thị (đã được quy hoạch), hồ đóng một vai trò quan trọng đối với sức sống của khu vực. Công viên có thể được tạo cảnh quan như một vùng đất ngập nước, được sử dụng không chỉ như một khu giải trí cho người dân Tam Kỳ, mà còn để tham quan du lịch, với các lối đi bộ trên cao, đường đi dạo và các tháp ngắm cảnh. Khuvực này cũng có thể trở thành một môi trường du lịch sinh thái.

Thoát nước ra biển (Giải pháp dài hạn) có thể được xem xét:

Kênh thoát lũ thứ hai giải phóng áp lực lên sông Trường Giang, và cho phép nước lũ chảy trực tiếp ra biển. Kênh có thể được thiết kế là một kết nối mở giữa sông Trường Giang và biển, có thể có tác động tích cực đến lưu thông nước và chất lượng nước trên sông.

Về cơ bản, kết nối này sẽ được rút ngắn khoảng 20 km. Kết nối mở này sẽ dẫn đến những thay đổi trong cách thủy triều lan truyền qua sông, mức độ xâm nhập mặn và có thể thay đổi hoạt động hình thái tổng thể của dòng sông. Về an toàn lũ lụt, trái ngược với việc xả lũ, lưu vực sông Trường Giang có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự gia tăng bão và nước biển dâng. Những vấn đề này sẽ được cân nhắc và giải quyết cẩn thận theo tính toán khả thi.

tm-img-alt
Hình 12: Các giải pháp phòng chống ngập lụt cho TP Tam Kỳ có thể xem xét

Các kênh thoát lũ (từ hồ Sông Đầm đến sông Trường Giang và từ sông Trường Giang ra biển) có thể được thiết kế thân thiện với môi trường, như có thể bổ sung các kè, thảm thực vật phong phú hoặc sử dụng bê tông sinh thái. Các kè hoặc bãi triều có thể được bổ sung bằng cách tạo ra sự thích nghi nhỏ về kết cấu, hình thức và vật liệu của các cấu trúc cứng.

Điều này có thể tạo ra môi trường sống và hỗ trợ đa dạng sinh học. Ngay cả với không gian hạn chế, các kè này có thể là nơi cư ngụ lý tưởng cho tảo, cỏ biển và các sinh vật khác bám vào và phát triển. Hay các loại cá, cua và tôm có thể sống dưới đây như một khu vực có mái che.Các bãi triều có thể được xây dựng ở chân các con đê sông hoặc đê biển.

Thay vì sử dụng bê tông mịn, đá dăm thô ráp hơn có thể cải thiện sự gắn bó của các loài này. Giải pháp này đã được sử dụng phổ biến ở nhiềunước như Hà Lan và Singapore. Nếu các bãi triều được thêm vào các kênh thoát lũ, thật thú vị khi có thủy triều trong các kênh thoát lũ, lượng oxy trong nước sẽ được nâng cao.

Các kênh thoát lũ cũng có thể được bao phủ bởi thảm thực vật chẳng hạn như cỏ. Cỏ có thể che phủ độ dốc của các kênh thoát lũ và trên các đường này, các cây khác có thể phát triển. Đối với giải pháp này, biên độ triều lớn trong các kênh thoát lũ là ít cần thiết.

Vùng phía nam - Đảm bảo nguồn nước và phát triển công nghiệp xanh ở Chu Lai 

tm-img-alt
Hình 13: Tầm nhìn xanh cho Vịnh

Chu Lai là khu vực phát triển công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Nam và một số khu phát triển được quy hoạch ở vùng cửa sông, dẫn đến không gian tự nhiên cho hệ động thực vật bị giảm sút.

Ở châu Âu, đối với những phát triển quy mô lớn như được lên kế hoạch ở đây, thiên nhiên cần được quan tâm bù đắp Mục tiêu của khu vực thí điểm này là để tích hợp các khu vực tự nhiên vào các quy hoạch phát triển. Do các khu dân cư, công nghiệp và hậu cần (cảng) được quy hoạch cạnh nhau, các khu vực tự nhiên có thể hoạt động như vùng đệm và cung cấp không gian cho các hoạt động giải trí.

Một số chức năng được quy hoạch trong Khu kinh tế Chu Lai, dẫn đến việc không gian cho thiên nhiên bị hạn chế. Trước khi bắt đầu phát triển vào đầu những năm 90, Chu Lai là một cửa biển tự nhiên.

Để tích hợp sự phát triển hiện có và quy hoạch với các đặc điểm tự nhiên của cửa sông, các khu vực trên toàn vịnh được kết nối với nhau bởi “bậc thềm xanh”. Các bậc thềm này phù hợp với quy hoạch tổng thể hiện có, được đặt dọc theo bờ nước và trên các khu vực công nghiệp và các khu đô thị.

Các chức năng chính của bậc thềm này là duy trì hệ động thực vật trong vịnh và tăng sức sống của khu vực dành cho lao động và dân cư. Với nhà ga du lịch đã được dự kiến sẵn, các khu vực xanh có thể thu hút du khách đến tham quan và dành thời gian ở vịnh.

Tầm nhìn xanh cho khu kinh tế sẽ góp phần tăng cường phủ xanh cho các khu đất và các hoạt động tách biệt, cũng như thu hút các nhà đầu tư có thiện chí. Mục tiêu chung của khu vực kinh tế bao gồm: cân bằng giữa sinh thái và kinh tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp với các vấn đề khác như an toàn nguồn nước, thích ứng với khí hậu, phát triển kinh tế khu vực và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Điều này có nghĩa là bất kỳ ô nhiễm nào ở khu vực đều sẽ được xử lý, hạn chế đến mức tối thiểu các tác động đối với môi trường xung quanh. Các bậc thềm xanh có thể hỗ trợ thực hiện mục tiêu này.

Tầm nhìn xanh mang đến một cấu trúc xanh quy mô vịnh liền kề với không gian dành cho thiên nhiên sông nước và các hoạt động sinh hoạt tại công viên. Ngoài các không gian cây xanh và sinh thái tiếp nối liên tục, mạng lưới đường mòn trong công viên cũng tạo không gian kết nối đi bộ nhẹ nhàng, giải trí dọc theo bờ sông.

Cấu trúc công viên ven sông này tạo điều kiện cho phía Tây Bắc sở hữu một không gian xanh, cảnh quan kết hợp với sự phát triển kinh tế và mang lại cho phía Đông Nam, Nam và Đông Nam giá trị gia tăng cho sự phát triển đô thị mới.

Các lối đi trong công viên kết nối trong cấu trúc xanh các khu vực chỗ ngồi rải rác, các địa điểm gặp gỡ và sân chơi dọc các không gian mặt nước. Tất cả các chức năng văn hóa xã hội này được kết hợp một cách cẩn thận vào cấu trúc sinh thái chủ đạo.

Tất cả đã cùng nhau tạo thành một vịnh xanhliền kề, mang lại nhiều giá trị hơn việc chỉ là một vùng đệm và xây dựng một công viên mới cho thành phố. Việc sở hữu vùng đệm không gian xanh tại các khu vực ven biển khác nhau giúp khu vực thích ứng với thực trạng mực nước biển dâng trong tương lai.

Do vịnh Chu Lai tương đối kín gió nên không cần trực tiếp bảo vệ vùng nội địa trước sóng. Tuy nhiên, cần phải bảo vệ chống lại mực nước dâng cao do thủy triều, nước dâng và mực nước biển dâng dự kiến. Các diện tích xanh ven biển có thể cho phép thực hiện các biện pháp yêu cầu thêm không gian trong tương lai để bảo vệ chống lại sự gia tăng nước dâng và mực nước biển dâng.

Nguyễn Huy Dũng
Chuyên gia cao cấp về quản lý rủi ro thiên tai, Ngân hàng Thế giới

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1, Jun Rentschler, Paolo Avner, Mattia Marconcini, Rui Su, Emanuele Strano, Louise Bernard, Capucine Riom, Stephane Hallegatte: Rapid Urban Growth in Flood Zones - Global Evidence since 1985 (the WorldBank, 2022) (https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/37348)

2, Zhiyu “Jerry” Chen, Cuong Duc Dang, Mark Roberts, Mansha Chen, Songsu Choi, Lawrence Tang, SangHyun Cheon, Phan Cong Duc, Fanny Quertamp: Main report – Vietnam’s Urbanization at a Crossroads: Embanking on an Eficient, Inclusive, and Resilient Pathway (the World Bank, 2020).(https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/34761)

3, Dzung Huy Nguyen, Jun Rentschler, Mathijs van Ledden, Sophie de Vries Robbé, Johannes Braese, Beatriz Pozueta Mayo: Resilient Shores - Vietnam’s Coastal Development Between Opportunity and Disaster Risk (the World Bank, 2020). (https://openknowledge.worldbank.org/ handle/10986/34639)

4, Zhiyu “Jerry” Chen, Cuong Duc Dang, Mark Roberts, Mansha Chen, Songsu Choi, Lawrence Tang, SangHyun Cheon, Phan Cong Duc, Fanny Quertamp: Main report – Vietnam’s Urbanization at a Crossroads: Embanking on an Eficient, Inclusive, and Resilient Pathway (the World Bank, 2020).(https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/34761)

5, Dzung Huy Nguyen, Jun Rentschler, Mathijs van Ledden, Sophie de Vries Robbé, Johannes Braese, Beatriz Pozueta Mayo: Resilient Shores - Vietnam’s Coastal Development Between Opportunity and Disaster Risk (the World Bank, 2020). (https://openknowledge.worldbank.org/ handle/10986/34639)

6, Jun Rentschler, Paolo Avner, Mattia Marconcini, Rui Su, Emanuele Strano, Louise Bernard, Capucine Riom, Stephane Hallegatte: Rapid Urban Growth in Flood Zones - Global Evidence since 1985 (the WorldBank, 2022) (https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/37348)

7, City Resilience Program (CRP), the Global Facility for Disaster Reduction and Recovery (GFDRR), the World Bank (https://www.gfdrr.org/en/crp)

8, Disaster Risk Financing and Insurance (DRFI) Program, the World Bank (https://www. worldbank.org/en/programs/disaster-risk-financing-and-insurance-program)

9, Disaster Risk Financing and Insurance (DRFI) Program, the World Bank (https://www. worldbank.org/en/programs/disaster-risk-financing-and-insurance-program)

10, Zhiyu “Jerry” Chen, Cuong Duc Dang, Mark Roberts, Mansha Chen, Songsu Choi, Lawrence Tang, SangHyun Cheon, Phan Cong Duc, Fanny Quertamp: Main report – Vietnam’s Urbanization at a Crossroads: Embanking on an Eficient, Inclusive, and Resilient Pathway (the World Bank, 2020).(https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/34761)

11, Jun Rentschler, Paolo Avner, Mattia Marconcini, Rui Su, Emanuele Strano, Louise Bernard, Capucine Riom, Stephane Hallegatte: Rapid Urban Growth in Flood Zones - Global Evidence since 1985 (the WorldBank, 2022) (https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/37348)

12, Dzung Huy Nguyen, Jun Rentschler, Mathijs van Ledden, Sophie de Vries Robbé, Johannes Braese, Beatriz Pozueta Mayo: Resilient Shores - Vietnam’s Coastal Development Between Opportunity and Disaster Risk (the World Bank, 2020). (https://openknowledge.worldbank.org/ handle/10986/34639)

13, Jun Rentschler, Paolo Avner, Mattia Marconcini, Rui Su, Emanuele Strano, Louise Bernard, Capucine Riom, Stephane Hallegatte: Rapid Urban Growth in Flood Zones - Global Evidence since 1985 (the WorldBank, 2022) (https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/37348)

14, Báo cáo “Tư vấn chiến lược về quản lý tổng hợp tiểu lưu vực sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam”(được tài trợ bởi Netherlands Enterprise Agency (RVO) và thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới và công tytư vấn Royal Haskoning DHV, 2021)

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai và phát triển đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề