Thứ bảy, 27/04/2024 22:42 (GMT+7)

Phát triển đô thị Khánh Hoà bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

MTĐT -  Thứ tư, 14/12/2022 12:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong những năm vừa qua, tình hình đô thị hóa của Khánh Hòa tăng khá nhanh là kết quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung và cụ thể là dưới tác động của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như các dự án phát triển đô thị.

1. Đặt vấn đề

Khánh Hòa, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về vị trí, cảnh quan, khí hậu cùng với nền tảng về lịch sử, con người hiền hòa, mến khách nên Khánh Hòa có nhiều thuận lợi để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

“Phát triển đô thị bền vững” phải lấy yếu tố con người làm trung tâm, cân bằng hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái và không gian kiến trúc, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người về mặt xã hội, kinh tế, môi trường.

2. Thực trạng phát triển đô thị Khánh Hòa

Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có chiều dài bờ biển hơn 385 km, ở vị trí trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (phần đất liền phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Tây giáp Lâm Đồng và Đắk Lắk, phía Đông là biển Đông), có diện tích tự nhiên 5.199,6 km2, dân số 1,240 triệu người với 09 đơn vị hành chính cấp huyện(bao gồm thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, 06 huyện là Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và huyện đảo Trường Sa).

tm-img-alt
Khánh Hòa có bờ biển dài 385km, với khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo thuộc huyện Trường Sa có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng. Ảnh ITN

Cùng với phần đất liền, Khánh Hòa có 03 vịnh lớn được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới (các Vịnh Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh), có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh; có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc; là cửa ngõ hướng biển, tâm điểm kết nối vùng giữa Tây Nguyên với Nam Trung bộ.

Đến nay, hệ thống đô thị toàn tỉnh được đầu tư cơ sở hạ tầng, không gian đô thị được đầu tư cơ sở hạ tầng, không gian đô thị được mở rộng từng bước đáp ứng theo quy hoạch, phù hợp với tình hình phát triển của các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 18 đô thị, gồm 01 đô thị loại I là thành phố Nha Trang, 01 đô thị loại III là thành phố Cam Ranh, 03 đô thị IV (thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) và 13 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn đạt khoảng 61%.

Trong những năm vừa qua, tình hình đô thị hóa của Khánh Hòa tăng khá nhanh là kết quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung và cụ thể là dưới tác động của các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như các dự án phát triển đô thị. Đô thị hóa đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố dân cư. Đô thị Nha Trang với nhiều công trình du lịch dịch vụ, tổ hợp khách sạn cao cấp được đầu tư đã góp phần tạo ra diện mạo mới và nâng chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, đô thị hóa tăng nhanh (nhất là đô thị Nha Trang) đã kéo theo tình trạng tăng dân số cơ học, làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây áp lực cho hệ thống hạ tầng xã hội, tình trạng ô nhiễm không khí, môi trường, ngập úng cục bộ có chiều hướng gia tăng do hoạt động đầu tư chưa có sự đồng bộ cao, đồng thời việc sử dụng tài nguyên đất chưa thực sự hiệu quả làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt người dân. Đồng thời, Khánh Hòa cũng là tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu nên cần giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

3. Giải pháp để phát triển đô thị Khánh Hòa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW (về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) xây dựng các chiến lược, quy hoạch về phát triển đô thị quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, các mục tiêu phát triển cụ thể trong lĩnh vực phát triển đô thị và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm kỳ vọng sẽ tạo ra một bước chuyển biến lớn trong lĩnh vực đô thị Việt Nam. Để triển khai thực hiện chỉ đạo nêu trên, Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 21/7/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cụ thể:

- Quy hoạch các khu đô thị ven biển trên các địa bàn có nền móng vững chắc và cao độ ổn định, thuận tiện giao thông và cung cấp nước ngọt; kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc lấn biển để phát triển đô thị. Các đô thị, khu vực lấn biển phải được nghiên cứu định hướng phát triển trong các đồ án quy hoạch chung, được cụ thể, chi tiết hóa tại các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

- Trong quy hoạch thiết kế tổng thể cần dành quỹ đất cho công viên, cây xanh để tiến tới phục vụ con người, tạo ra môi trường thân thiện với thiên nhiên và điều hòa khí hậu. Cần ngầm hóa hạ tầng như giao thông, điện nước, ga tàu… để ưu tiên diện tích cho công trình công cộng.

- Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các đô thị lớn, nhất là khu vực trung tâm. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản văn hóa, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

tm-img-alt
Với những ai 10 năm mới trở lại Khánh Hòa hẳn đều có chung sự ngạc nhiên về sự đổi thay ở vùng đất này. Ảnh ITN

- Xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng để thiết thực thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP 26 vừa qua. Xây dựng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng các giải pháp tổng thể từ quy hoạch đô thị, lựa chọn địa điểm cho đến các giải pháp công trình và phi công trình, giải quyết vấn đề ngập úng, thoát nước, sạt trượt trong đô thị và các tác động khác do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thời tiết cực đoan có thể xảy ra. Xây dựng đô thị thông minh, bao gồm quy hoạch, quản lý đô thị thông minh, tiện ích đô thị thông minh với cơ sở dữ liệu đô thị thông minh, mà quan trọng nhất là năng lực tầm nhìn và dự báo.

- Nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại tùy theo mức độ phát triển của từng đô thị. Có phương án chống lũ, lụt từ xa cho các đô thị; kết hợp quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi, thủy điện trên các lưu vực sông, trong đó khai thác và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, thủy điện đầu nguồn.

- Tăng cường các biện pháp kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị, giảm thiểu nhanh ô nhiễm bụi, tiếng ồn; xây dựng đồng bộ hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại các đô thị; chú trọng xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị.

4. Mục tiêu Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 (về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 (về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị) và Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa) đã thực sự tạo cơ sở chính trị, pháp lý và cơ hội lớn cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa, hướng đến mục tiêu năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

tm-img-alt
Theo quy hoạch, TP. Nha Trang sẽ được mở rộng về hướng tây. Ảnh ITN

Theo đó, Khánh Hòa cần tập trung xây dựng các đô thị phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 42/NQ-CP và Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 23/02/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa; mỗi địa phương thuộc tỉnh cần xác định rõ hình thái tăng trưởng dựa trên điều kiện cụ thể và các lợi thế cạnh tranh của mình, chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị; trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch

- logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Như vậy, phát triển đô thị Khánh Hòa bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là một quá trình lâu dài và đã xác định thời điểm (năm 2030), đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và năng lực kiểm soát cao; nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 21/7/2022 của Tỉnh ủy Khánh Hòa đòi hỏi sự quán triệt sâu sắc các nội dung, sớm đề xuất các chương trình, chính sách đúng đắn và kịp thời để việc xây dựng và phát triển đô thị Khánh Hòa được bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường sinh thái./.

UBND tỉnh Khánh Hòa

Bạn đang đọc bài viết Phát triển đô thị Khánh Hoà bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề