Thổ Nhĩ Kỳ thành lập 2 bệnh viện dã chiến hỗ trợ lũ lụt tại Libya
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca ngày 13/9 cho biết nước này sẽ điều một tàu chở thiết bị tới Libya để thành lập hai bệnh viện dã chiến với 148 nhân viên y tế, nhằm hỗ trợ quốc gia Bắc Phi này khắc phục những hậu quả thảm khốc của cơn bão Daniel.
Bộ trưởng Koca cho biết con tàu trên khởi hành từ thành phố Izmir (miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ) vào đêm 13/9. Tàu này cũng sẽ vận chuyển xe cứu thương và các phương tiện ứng phó khẩn cấp. Trước đó, trong ngày 12/9, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã điều 3 máy bay vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cùng với một đội cứu hộ và một đội nhân viên y tế gồm 11 thành viên tới Libya.
Theo Ngoại trưởng Hakan Fidan, các nhà ngoại giao của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Tripoli đã đến khu vực thảm họa để cùng các đội y tế và cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ điều phối các nỗ lực viện trợ. Tính đến sáng 13/9, đội cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã cứu được 6 người từ đống đổ nát. Ông Fidan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp thêm viện trợ nhân đạo cho Libya trong trường hợp cần thiết.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc (LHQ) cũng cho biết một nhóm điều phối và đánh giá thảm họa của LHQ gồm 12 người đã được triển khai tại Libya nhằm hỗ trợ công tác ứng phó lũ lụt tại quốc gia này.
Trong cuộc họp báo ngày 13/9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất và tình đoàn kết với những người dân ở vùng lũ tại Libya. Ông nêu rõ: “Thảm họa đau lòng này đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng và ảnh hưởng đến vô số gia đình và cộng đồng. LHQ đang huy động mọi nguồn lực cho các nỗ lực cứu trợ và chúng tôi sẽ làm việc bằng mọi cách với các đối tác, để hỗ trợ khẩn cấp cho những người đang rất cần sự trợ giúp”.
Theo một báo cáo trước đó của OCHA, việc thiếu dữ liệu chính xác và đáng tin cậy ở các khu vực bị ảnh hưởng đặt ra một thách thức đáng kể cho công tác cứu hộ; các thách thức về tiếp cận và những báo cáo không đồng nhất từ nhiều nguồn càng làm tăng thêm khó khăn trong việc điều phối và triển khai hiệu quả hỗ trợ nhân đạo.
Theo báo cáo của OCHA, khu vực bị ảnh hưởng nhất hiện là thành phố Derna, nơi có ít nhất 30.000 cá nhân đã phải di dời nơi ở. Khả năng tiếp cận vẫn là một thách thức lớn do cơ sở hạ tầng tại thành phố này bị hư hại đáng kể trong thiên tai.
Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách dân sự trong chính quyền điều hành miền Đông Libya - ông Hichem Abu Chkiouat xác nhận rằng hơn 5.300 thi thể đã được tìm thấy tại thành phố Derna, tuy nhiên số người thiệt mạng có thể sẽ còn tăng gấp đôi. Quan chức này ước tính công tác tái thiết tại Libya sau đợt thiên tai này có thể sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD.
Vĩnh Hải (T/h)