Thứ hai, 29/04/2024 08:15 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

MTĐT -  Thứ bảy, 16/03/2024 13:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 16 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các Bộ, ngành và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

499 dự án đã hoàn thành với 411.250 căn hộ nhà ở xã hội

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại đầu cầu trụ sở Chính phủ, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia và các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.

Từ trước đến nay, Chính phủ luôn quan tâm đến việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy việc khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Nhưng bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn những hạn chế. Một số địa phương có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội, nhưng việc đầu tư xây dựng còn khiêm tốn so với mục tiêu của Đề án.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó có 72 dự án đã hoàn thành với quy mô 38.128 căn và 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.934 căn.

Về việc quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, hiện nay cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611ha để làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.252ha so với báo cáo năm 2020.

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương đã được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn hỗ trợ ban đầu đã mang lại kết quả, nhưng việc giải ngân còn chậm.

Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Hãy đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đã điểm lại một số cơ chế ưu đãi cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như: Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; Được vay vốn với lãi suất ưu đãi; Cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội…

Trong thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Bởi vậy, Thủ tướng đã đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Từ năm 2021 đến năm 2023, cả nước đã hoàn thành 499 dự án với quy mô 411.250 căn hộ nhà ở xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa? Nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể cần phải làm gì?.

Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, trách nhiệm của mình trong công việc này, phát huy đạo đức xã hội theo truyền thống văn hóa – lịch sử “chia ngọt sẻ bùi” của dân tộc ta.

Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc. Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, “trong tôi có anh, trong anh có tôi”, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động”.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý vai trò của cấp cơ sở là nơi gần dân nhất, sát dân nhất, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp làm việc có trọng tâm, trọng điểm trong phát triển nhà ở xã hội, làm việc nào thì dứt điểm việc đó.

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Chính phủ

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.