Thứ bảy, 27/04/2024 17:58 (GMT+7)

Thúc đẩy đa dạng sinh thái đô thị dựa vào cộng đồng ở khu vực bờ vở-sông Hồng

MTĐT -  Thứ ba, 13/12/2022 07:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các không gian công cộng đa phần bị bê tông hóa với quan điểm sạch sẽ, tiện sử dụng cho các hoạt động thể thao, sự kiện… chủ yếu phục vụ người lớn và kém hòa nhập cho các nhóm yếu thế (trẻ em, người khuyết tật), hay kém bền vững về mặt môi trường...

Bối cảnh

Nhận diện các vấn đề nổi cộm trong việc xây dựng và phát triển không gian công cộng trong đô thị ở Việt Nam : 

  • Theo cách tiếp cận trước đây, các nhà hoạch định thường tiếp cận và áp dụng một cách khiên cưỡng các mô hình được du nhập từ phương Tây mà bỏ qua các vấn đề bản địa, đặc biệt là sinh cảnh, hệ sinh thái bản địa (một yếu tố giàu có bậc nhất trên thế giới)
  • Các không gian công cộng đa phần bị bê tông hóa với quan điểm sạch sẽ, tiện sử dụng cho các hoạt động thể thao, sự kiện… chủ yếu phục vụ người lớn và kém hòa nhập cho các nhóm yếu thế (trẻ em, người khuyết tật), hay kém bền vững về mặt môi trường (ít cây xanh hoặc dùng nhiều cây trang trí ngoại lai, sử dụng vật liệu thải nhiều CO2, bê tông hóa làm gia tăng ngập lụt…)  
  • Các cây xanh lựa chọn trong các không gian công cộng đơn điệu và loại cây không phù hợp (sử dụng nhiều cây xâm lấn… không hỗ trợ cho phát triển hệ sinh thái bản địa và các loài thiên địch)
  • Người dân bị tách ra khỏi môi trường sinh thái bản địa vốn có, mất dần (hoặc) không còn khái niệm về hệ sinh thái bản địa. Người dân đô thị ngày nay còn có tâm lý sợ hãi các vật liệu tự nhiên vốn rất cần thiết cho sự phát triển giác quan cũng như cân bằng tâm lý của trẻ em (cát, đất, hoa cỏ, các loại cây có quả, gỗ…)

Hành trình cùng cộng đồng thúc đẩy đa dạng sinh học trong đô thị

Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện phát triển không gian công cộng theo hướng sinh thái trên thế giới như: dự án Cải tạo không gian sinh thái trong trường tiểu học Ikiminami tại thành phố Fukuoka Nhật Bản (khởi xướng bởi Giáo sư ,Nhà sinh thái cảnh quan Ito Keitaro)(1), dự án chuyển hóa từ một nhà máy thuốc lá cũ thành Công viên rừng Benjakitti - ốc đảo xanh giữa lòng Bangkok(2), TPG tin rằng việc hợp tác đa ngành và trao quyền cho cộng đồng trong việc xây dựng, vận hành và quản lý không gian công cộng theo hướng đa dạng sinh thái là xu thế tất yếu của các đô thị bền vững. 

Từ những bài học kinh nghiệm này, đã cho thấy rằng, việc phục hồi các yếu tố sinh thái đã mất rất tốn kém và không đạt chất lượng như ban đầu đã có, từ đó đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta không duy trì, gìn giữ những thứ mà chúng ta đã có? Tại sao chúng ta không thúc đẩy xúc tiến tái sinh tự nhiên, làm giàu hệ sinh thái sẵn có (hoặc) đang bị mai một trước khi chúng biến mất?

(1) “Growing Place” in Japan—Creating Ecological Spaces at Schools that Educate and Engage Everyone

(2)https://www.thailandnow.in.th/life-society/a-breath-of-fresh-air-at-benjakitti-forest-park/

Từ sáng kiến kiến thiết các khu vườn cộng đồng …

 Các không gian vườn cộng đồng thân thiện, mang tính cộng sinh, góp phần gìn giữ nét văn hóa của người dân Việt Nam đang được Think Playgrounds và cộng đồng kiến thiết, gìn giữ giữa các khu phố đông đúc trong đô thị ở Việt Nam từ năm 2018. Bảy (07) mô hình vườn cộng đồng tại Đông Anh, Tân Mai, Ngọc Hà và bãi giữa sông Hồng ngày ngày được chăm sóc tươi tốt với hơn năm mươi (50) người (đa số là phụ nữ) tham gia vận hành và quản lý là những tín hiệu tích cực cho việc lan tỏa một mô hình không gian công cộng  theo hướng sinh thái, tái tạo, sử dụng, duy trì nhờ phần lớn nguồn lực từ cộng đồng.

tm-img-alt
Hình 1: Các khu vườn cộng đồng tại Hà Nội

…đến việc phát triển Công viên rừng bờ vở - sông Hồng với mục tiêu thử nghiệm công viên đầu tiên theo hướng đa dạng sinh thái đô thị 

Năm 2021, TPG đã cùng các đối tác là thành viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đề xuất việc cải tạo không gian tại khu vực bãi rác ở bờ vở sông Hồng thuộc phường Chương Dương để trở thành một không gian công cộng sinh thái, đa chức năng. Kết quả trong vòng 6 tháng thực hiện, dự án đã hoàn thành cải tạo các hạng mục quan trọng bao gồm: thu gom và vận chuyển đi 200 tấn rác thải, xây dựng đường kết nối trong khu dân cư, xây dựng sân chơi tái chế và đặc biệt thử nghiệm thành công mô hình Vườn rừng cộng đồng đầu tiên với diện tích gần 400m2 với hơn 100 loài thực vật. 

tm-img-alt
Hình 2: Vườn rừng cộng đồng Chương Dương 

Từ những bước đi ban đầu đó, nhóm dự án đã đề xuất tiếp tục mở rộng không gian để toàn bộ khu vực hơn 9000m2 trở thành Công viên rừng đầu tiên ở Hà Nội. Dự án lần này sẽ thúc đẩy việc phục hồi và trồng thêm hơn 100 loài cây bản địa, bổ sung các tầng tán; xen kẽ các không gian đa chức năng, phù hợp với nhiều lứa tuổi; tìm kiếm giải pháp xử lý nước thải phù hợp chi phí và quản lý rác hiệu quả.

Đây là mô hình thử nghiệm Công viên rừng đầu tiên có thể giải quyết các vấn đề về tính bền vững sinh thái và hòa nhập xã hội, gắn kết cộng đồng.  Dự án được sự ủng hộ của UBND quận Hoàn Kiếm, phòng tài nguyên môi trường, chính quyền phường Chương Dương và các đoàn thể, tổ dân cư số 5, số 6; cùng với sự tham gia của Mạng lưới Vì Một Hà Nội Đáng Sống với các tổ chức Ecue, Think playgrounds, Greenhub, Hợp tác xã Ve chai, Dấu chân xanh, Urenco, Dream & Do, Biolak  cùng chuyên gia sinh thái Nguyễn Hoàng Hào, các chuyên gia và các tổ chức hỗ trợ khác.

tm-img-alt
Hình 3: Sơ đồ bố trí không gian vui chơi TD-TT và trồng cây Công viên rừng Bờ vở - Chương Dương

Quy trình Cải tạo Công viên rừng Bờ vở sông Hồng

1. Khảo sát có sự tham gia

Nhóm dự án đã mời các chuyên gia và các tổ chức đa lĩnh vực (sinh thái, môi trường, kiến trúc, xã hội học) cùng với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư cùng nhau khảo sát, đánh giá nhu cầu và các phương án cải tạo sơ bộ. Quá trình này không chỉ diễn ra trong các cuộc họp mà còn trong nhiều các nghiên cứu, gặp gỡ riêng lẻ tại không gian và với các nhóm, các cá nhân trong cộng đồng dân cư.

2. Tham vấn các bên liên quan về thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý Công viên rừng

Dự án tổ chức các buổi hội thảo tham vấn nhiều bên  bằng các hình thức thảo luận mở và các phương pháp lấy ý kiến trực tiếp từng người đã giúp trao quyền cho mọi thành viên được chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến và góc nhìn riêng.

3. Nâng cao năng lực 

Trong suốt dự án, cộng đồng dân cư và các chuyên gia cùng chính quyền có nhiều cơ hội để nâng cao nhận thức về sinh thái, thực hành lối sống thuận tự nhiên vốn đã rất quen thuộc với truyền thống lâu đời của người Việt Nam (giảm tiêu dùng, giảm đốt rác, chôn lấp rác hữu cơ, làm compost từ chất thải hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ, học cách phân biệt và trồng lại các loài cây bản địa, bảo vệ chim di cư hoang dã…)

4. Huy động nguồn lực

Nguồn kinh phí thực hiện dự án được huy động theo hướng xã hội hóa và tận dụng tối đa nguồn lực địa phương. Chính quyền hỗ trợ giải phóng mặt bằng, các bên tham gia dự án huy động nguồn kinh phí từ các cơ quan/ tổ chức quốc tế, trong nước, trường học, cá nhân… để cùng chung tay xây dựng.

5. Xây dựng

Nhóm dự án đã xây dựng kế hoạch và đánh giá ưu tiên để đảm bảo sử dụng nguồn lực hiệu quả và lâu bền. Tính đến tháng 10 năm 2022 đã hoàn thiện các hạng mục cơ bản bao gồm giải phóng mặt bằng, làm đường dạo, đường kết nối khu dân cư, các đường ống xả. Dự kiến dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục bao gồm trồng cây, xây dựng vườn giác quan, sân đa năng, khu thiết bị thể dục và cải tạo sân chơi trong giai đoạn cuối 2022, đầu 2023…

6. Quản lý và duy trì thông qua các chương trình giáo dục trải nghiệm

Giáo dục trải nghiệm về thiên nhiên thực sự cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động của trẻ em ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhóm dự án mong muốn với lợi thế công viên nằm tại  trung tâm của thủ đô Hà Nội, nơi đây sẽ trở thành một không gian học tập trải nghiệm thu hút đông đảo người dân tham gia và truyền đi những bài học về thiên nhiên, sinh thái có giá trị đến với rất nhiều học sinh. Đồng thời, các chương trình này cũng giúp địa phương củng cố công tác quản lý và thu về các chi phí duy trì bền vững mà không ảnh hưởng đến sự tiếp cận tự do của cộng đồng vào không gian công cộng.

Kiến nghị

TPG tin rằng những nền móng đầu tiên về thử nghiệm phát triển không gian công cộng đa dạng sinh thái sẽ là những bài học quan trọng để truyền cảm hứng trong việc chuyển hóa và nâng cấp các không gian đô thị bền vững hơn với hệ động thực vật đa dạng, cải tạo mặt đất, hệ thống nước từ đó góp phần tạo ra tác động sâu rộng hơn về mặt sinh thái trong đô thị. Quan trọng hơn nữa, từ những mô hình ban đầu này, cộng đồng đã thực sự được trao quyền và nâng cao năng lực để họ có thể gắn kết chặt chẽ với nhau hơn trong quá trình cùng nhau kiến tạo không gian chung ngày càng chất lượng và bền vững hơn. 

Trong quá trình nghiên cứu và thực hành, chúng tôi nhận thấy việc phát triển các không gian công cộng theo hướng sinh thái cần đảm bảo các yếu tố quan trọng sau: 

  • Việc nâng cao nhận thức, năng lực cũng như trao quyền cho các bên liên quan là một ưu tiên hàng đầu.
  • Quá trình xây dựng không gian công cộng bền vững là một quá trình của kết nối, đối thoại, đàm phán, điều chỉnh và hàn gắn của các cộng đồng đô thị trong mối liên hệ với nhau và với môi trường xung quanh.

Think Playgrounds - Doanh nghiệp xã hội Nghĩ về Sân chơi trong phố (TPG) hợp tác cùng chuyên gia sinh thái Nguyễn Hoàng Hào – Viện Điều tra, Quy hoạch rừng

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy đa dạng sinh thái đô thị dựa vào cộng đồng ở khu vực bờ vở-sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề