Thứ hai, 29/04/2024 12:40 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/8/2023

MTĐT -  Thứ năm, 10/08/2023 21:03 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 10/8/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao...

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trong đó, "chung tay, chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững" tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ.

tm-img-alt
Nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản từng bước được tháo gỡ, tình hình thị trường bất động sản có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu. Trong đó, cần nghiên cứu thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản, đất đai để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính, công khai, minh bạch, lành mạnh hóa thị trường.

Các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch ngành, vùng, tỉnh, phân khu chậm nhất trong năm 2023.

Để tăng tổng cung và tổng cầu, Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hơn nữa; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, ở trung tâm, thuận lợi về giao thông, dịch vụ thương mại, văn hóa du lịch cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị…

Thủ tướng yêu cầu việc cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý chú trọng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, thực chất, hiệu quả, không hình thức, không ồn ào, nói đi đôi với làm.

Các Bộ, ngành, địa phương cần động viên, khuyến khích, đề cao trách nhiệm và hình thành cơ sở, hành lang pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm thực hiện công việc, vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung, vì sự phát triển.

Tạm dừng hoạt động nhà máy tuyển đồng Tả Phời

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ra văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin tạm thời dừng hoạt động nhà máy tuyển đồng trên địa bàn xã Tả Phời, thành phố Lào Cai để tập trung khắc phục sự cố.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu doanh nghiệp Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời - Vinacomin tạm thời dừng hoạt động nhà máy tuyển đồng để khắc phục sự cố, huy động trang thiết bị, nhân lực tổ chức nạo vét thu hồi toàn bộ bùn thải tại các khu vực lắng đọng ngoài môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục chỉ đạo xác định chính xác khối lượng bùn, nước thải bị thất thoát ra môi trường; lấy mẫu mở rộng để đánh giá mức độ ô nhiễm, từ đó đưa ra phân tích, thông báo cho địa phương để có giải pháp sử dụng các nguồn nước.

UBND tỉnh Lào Cai khuyến cáo người dân xã Tả Phời và các vùng lân cận tạm thời không sử dụng nước trực tiếp để phục vụ tưới tiêu, thủy lợi và các mục đích khác; không tiếp xúc trực tiếp với các nguồn nước thải và chất thải từ nhà máy sau sự cố.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị các ngành liên quan vào cuộc xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố và trách nhiệm của Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin, từ đó đề xuất phương hướng xử lý.

Ngoài việc dọn dẹp vệ sinh, khắc phục cơ sở hạ tầng, chăm lo nơi ở tạm cho các hộ bị ảnh hưởng, phía doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền cũng đang tổ chức rà soát, thống kê thiệt hại để có phương án bồi thường cho người dân.

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, sáng 8/8, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lượng nước lớn tràn về đã làm vỡ hệ thống cống thoát tràn hồ chứa thải của Công ty đồng Tả Phời (xã Tả Phời, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) gây ngập lụt diện rộng.

Sáng 9/8, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai thăm hỏi và động viên người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại.

tm-img-alt

Chiều ngày 9/8, ngay sau khi nước rút tại thôn Phời 3, xã Tả Phời, Công an TP Lào Cai đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên trực tiếp xuống địa bàn hỗ trợ người dân khắc phục sự cố.

Theo cổng thông tin tỉnh Lào Cai, tính đến 15h ngày 10/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã thực hiện lấy 17 mẫu (gồm 14 mẫu nước, 03 mẫu bùn) để tiến hành phân tích, xác định khối lượng bùn, nước tràn ra môi trường. Dự kiến đến hết ngày 10/8/2023 sẽ kết thúc công tác đo ngoại nghiệp, làm cơ sở thực hiện tính toán đo nội nghiệp.

Công ty Cổ phần đồng Tả Phời phối hợp với UBND xã Tả Phời, các lực lượng hỗ trợ thực hiện:

- Kiểm đếm xong tài sản của 24 nhà (Tổng cộng có 46 hộ sống trong 24 ngôi nhà);

- Di chuyển tài sản Nhân dân về nơi ở tạm;

- Dọn bùn tràn vào nhà các hộ dân: hoàn thành 12/24 nhà;

- Xúc dọn bùn chuyển lên hồ thải quặng đuôi: 217 m3lũy kế đạt 810 m3;

- Vận chuyển đá xử lý bịt vị trí vỡ cống thoát nước D2000: 1.090m3 lũy kế đạt 9.620m3.

Cũng trong ngày, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm y tế thành phố Lào Cai triển khai các biện pháp đản đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường sau sự cố vỡ cống thoát nước mặt tại hồ thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển đồng Tả Phời, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai.

Hơn 500 nhân viên y tế ở TP.HCM nghỉ việc trong 8 tháng

Thông tin trên được ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM chia sẻ trong họp báo định kỳ chiều 10/8.

Theo ông Nam, sau thời gian chống dịch Covid-19 căng thẳng, các cơ sở y tế công lập đối mặt với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc. Năm 2022, tại TP.HCM, 1.523 nhân viên y tế công lập đã nghỉ việc, tăng 177% so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Thống kê trong 8 tháng qua, TP.HCM ghi nhận có 547 viên chức ngành y tế nghỉ việc. Trong số này, có 202 bác sĩ, 239 điều dưỡng, ngoài ra còn có hộ sinh, điều dưỡng, kỹ thuật y. Mặc dù vậy, tính đến hiện tại, TP.HCM có gần 43.500 nhân viên làm việc tại các đơn vị y tế công lập, tăng hơn 2.000 người so với cuối năm 2022.

tm-img-alt
Áp lực công việc khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ bệnh viện công lập. Ảnh: Duy Anh.

Theo ông Nam, lý do khiến nhân viên y tế công lập nghỉ việc bao gồm: áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch Covid-19, đơn vị công tác xa nhà, tập trung thời gian học sau đại học, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác.

TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp cùng những chính sách cải thiện thu nhập của Chính phủ đối với công chức, viên chức như tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm ở mức 1,8 lần tiền lương từ đầu năm; tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7, góp phần giảm tỷ lệ nghỉ việc.

Các chính sách củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế cũng được xây dựng và triển khai, tăng cường cho các trạm y tế 1.093 người.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức trao đổi trực tuyến với từng nhóm nhân viên nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ các khó khăn, xây dựng môi trường làm việc tốt hơn. Nhân viên cũng được tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực ở trong nước và ngoài nước.

Cảnh báo sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kon Tum

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đường Hồ chí Minh đoạn qua xã Đăk Kroong (Đăk Glei, Kon Tum) bất ngờ xuất hiện điểm sạt lở lớn sau những đợt mưa kéo dài vừa qua.

Tại đây, một đoạn lớn ốp taluy bị sạt trượt với chiều dài hàng chục mét, làm các khối bê tông biến dạng...

Ông A Thông - Phó chủ tịch UBND xã Đăk Kroong (Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, thời gian gần đây mưa lớn xảy ra sạt lở không chỉ dọc sông Pô Cô mà tại đường Hồ Chí Minh ở mức đáng báo động. Người dân rất lo lắng trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng này.

Theo ông Thông, UBND xã đã lên các phương án sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố sạt lở trên địa bàn xã.

tm-img-alt
Sạt lở đường Hồ Chí Minh đe dọa hư hỏng công trình giao thông và gây nguy cơ mất ATGT. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên

Anh Trần Văn Hải (37 tuổi, trú tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, tài xế xe khách tuyến Gia Lai - Hà Tĩnh) cho biết: "Ngày 18/7 vừa qua, tôi điều khiển chiếc xe khách giường nằm đi từ Gia Lai về Quảng Bình, đến vị trí sạt lở trên vào khoảng 20h. Thời điểm này mưa rất lớn, nước từ phía trên chảy ào ào xuống cuốn rất nhiều đất đá", anh Hải nói và cho biết thêm rất nguy hiểm nếu đi qua đoạn đường có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là vị trí dốc quanh co. Anh Hải cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm khắc phục đảm bảo ATGT cho người dân đi lại an toàn.

Chiều 10/8, ông Trần Thái Hòa, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ III.4 (Khu Quản lý đường bộ III) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Ban ATGT tỉnh Kon Tum kiểm tra điểm nguy cơ sạt lở rất lớn tại đường Hồ Chí Minh qua huyện Đăk Glei.

Ông Hòa cho biết, qua kiểm tra hiện trường và công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tỉnh Kon Tum đã phát hiện tình trạng hư hỏng tường chắn taluy dương tại Km1448+715, đoạn qua xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) có nguy cơ gây mất an toàn công trình và ATGT rất cao.

Theo đó, đoạn tường chắn taluy dương từ Km1448+715 đến Km1448+733 (trái tuyến) bị xô lệch 2 vị trí ngả ra đường khoảng từ 20 cm và 40 cm so với vị trí ban đầu. Trên đỉnh tường chắn là mái taluy cao với khối lượng đất rất lớn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.

Có mặt tại hiện trường, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum (đơn vị được giao quản lý, sửa chữa, bảo trì đường Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2003 đường Hồ Chí Minh được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vị trí taluy dương từ Km1448+715 đến Km1448+733 có độ cao hàng trăm mét so với mặt đường với khối lượng đất đá là rất lớn.

Trước đây, mái ốp taluy dương được thi công giật cấp để đảm bảo an toàn chống sụt trượt. Tuy nhiên, qua 20 năm đưa vào sử dụng vị trí trên đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mưa lớn gây sạt lở phía ngọn taluy dương sau đó dồn xuống phía chân mái ốp đã khiến hệ thống an toàn này hư hỏng nghiêm trọng hơn.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 10/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.