Thứ bảy, 27/04/2024 15:47 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/1/2024

MTĐT -  Thứ tư, 10/01/2024 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/1/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/1/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội thành lập 26 thôn, tổ dân phố mới

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 của HĐND Thành phố khóa XVI, kỳ họp thứ 14 về việc thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, UBND TP quyết định thành lập, đặt tên 26 thôn, tổ dân phố mới thuộc 6 quận, huyện năm 2023.

Cụ thể, quận Tây Hồ, sáp nhập Tổ dân phố 8 và Tổ dân phố 9 của phường Phú Thượng để thành lập Tổ dân phố 8. Thành lập 06 Tổ dân phố mới được hình thành từ các khu vực dân cư mới tại các phường Xuân La: Tòa nhà Chung cư 6th Element – Tổ dân phố 18, Dự án Tây Hồ Residence – Tổ dân phố 19, Dự án Tân Hoàng Minh – Tổ dân phố 20; tại phường Phú Thượng: Tòa nhà chung cư Lạc Hồng Westlake – Tổ dân phố 9, Tòa nhà chung cư Sunshine – Tổ dân phố 21, Tòa nhà chung cư UDIC – Tổ dân phố 22.

tm-img-alt
Hà Nội thành lập 26 thôn, tổ dân phố mới (Ảnh:Internet)

Quận Cầu Giấy thành lập 5 tổ dân phố mới tại các khu dân cư mới thành lập: Phường Yên Hòa, Khu trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Home City (tòa nhà V1 và V4) – Tổ dân phố 30, Khu trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Home City (tòa nhà V2 và V3) – Tổ dân phố 31, Chung cư Luxury Views và Chung cư Golden Park – Tổ dân phố 40; phường Dịch Vọng, Chung cư The Park Home – Tổ dân phố 23; phường Dịch Vọng Hậu, Chung cư Sky Park Residence (tòa A và tòa B) – Tổ dân phố 20.

Quận Hoàng Mai tách Tổ dân phố 30 phường Định Công để thành lập Tổ dân phố 30 và Tổ dân phố 43.

Quận Long Biên thành lập Tổ dân phố 9 phường Phúc Đồng tại khu vực dân cư mới hình thành của Chung cư Le Grand Jardin, cụm tòa nhà: No16.1, No16.2 No16.3, No16.4, No16.5.

Quận Nam Từ Liêm là đơn vị có số tổ dân phố thành lập nhiều nhất, trong đó chia tách từ các tổ dân phố cũ do có số hộ dân quá đông để thành lập 06 tổ dân phố mới, đồng thời sáp nhập các tổ dân phố hiện hữu để thành lập 04 tổ dân phố mới. Trong đó, chia tách Tổ dân phố 15 phường Cầu Diễn để thành lập Tổ dân phố 15 và Tổ dân phố 17; chia tách Tổ dân phố 8 phường Mỹ Đình 2 để thành lập Tổ dân phố 8 và Tổ dân phố 15; chia tách Tổ dân phố 11 Khu đô thị Mỹ Đình II để thành lập Tổ dân phố 11 Khu đô thị Mỹ Đình II và Tổ dân phố 1; sáp nhập Tổ dân phố 3 và Tổ dân phố 4 phường Mỹ Đình 1 để thành lập Tổ dân phố 3; sáp nhập một phần Tổ dân phố 11 vào Tổ dân phố 12 – Khu đô thị Mỹ Đình II thuộc phường Mỹ Đình 2; sáp nhập Tổ dân phố 8 và Tổ dân phố 9 phường Cầu Diễn để thành lập Tổ dân phố 8; sáp nhập Tổ dân phố 13 và Tổ dân phố 14 phường Cầu Diễn để thành lập Tổ dân phố 14.

Huyện Chương Mỹ, sáp nhập thôn Đồi Bé và thôn Tiến Phối, xã Thanh Bình để thành lập thôn Tiến Phối.

Chủ tịch UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn UBND các xã, phường trên địa bàn phổ biến đến các thôn, tổ dân phố; cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc bầu cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố theo các quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện việc kiện toàn đồng bộ các tổ chức trong hệ thống chính trị đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố mới thành lập; hỗ trợ đối với người không tiếp tục tham gia công tác hoặc dôi dư sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố theo quy định của Thành phố; căn cứ phân cấp kinh tế - xã hội, hỗ trợ, bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn, tổ dân phố mới thành lập đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng mục đích…

Hà Nội kiến nghị dừng 6 tuyến buýt trợ giá cao

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố trung bình giai đoạn 2020-2022 cao hơn so với giai đoạn 2015-2019 là 857,43 tỷ đồng.

Năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020-2022 hơn 670 tỷ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2020-2022, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sụt giảm, một phần do chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, phần khác do một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được áp dụng theo Nghị quyết 07/2019 của HĐND thành phố.

Bên cạnh đó, do thi công một số công trình giao thông trọng điểm nên phải điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình, tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng...

Qua rà soát, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tạm thời xác định 71/132 tuyến buýt cần xem xét điều chỉnh.

Đáng chú ý, Sở đề xuất dừng 6 tuyến buýt từ ngày 1/4 tới, gồm các tuyến: 10, 14, 18, 44, 45, 145.

Với phương án dự kiến nêu trên, Sở Giao thông Vận tải tính toán sẽ giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.

Để không ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại của hành khách, từ nay đến tháng 4/2024, Sở Giao thông vận tải sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, Sở cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện trong thời hạn 1 năm đối với 9 tuyến buýt hết hạn thầu năm 2024.

Theo đó, trong quý I/2024, có 9 tuyến xe buýt Hà Nội sẽ hết hạn thầu vào ngày 31/3, gồm tuyến buýt số 05 lộ trình Khu đô thị Linh Đàm - Phú Diễn; tuyến 15 bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ; tuyến 17 Long Biên - Nội Bài; tuyến 36 Yên Phụ - Khu đô thị Linh Đàm; tuyến 39 Công viên Nghĩa Đô - Tứ Hiệp; tuyến 43 Công viên Thống Nhất - Thị trấn Đông Anh; tuyến 54 Long Biên - Bắc Ninh, tuyến 47A Đại học Kinh tế quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm); tuyến 59 Thị trấn Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sở Giao thông Vận tải đề xuất thí điểm đặt hàng sử dụng xe buýt điện sau khi 9 tuyến xe buýt trên hết hạn thầu.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải, khi chuyển sang phương tiện sử dụng điện, tại 9 tuyến xe buýt này chỉ có một tuyến hết hạn khấu hao phương tiện, 8 tuyến vẫn còn khấu hao nên sẽ phát sinh số lượng 148 phương tiện (còn khấu hao từ 2 đến 8 năm), nên cần phải xem xét để có phương án xử lý, tránh lãng phí, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bắc Giang phê duyệt quy hoạch Khu dân cư mới Cầu Yêu

Theo đó, khu vực lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ranh giới được giới hạn phía Bắc giáp Đường tỉnh 295 và khu ruộng canh tác thôn Cầu Yêu; phía Nam giáp ruộng canh tác nông nghiệp thôn Bỉ; phía Đông giáp khu dân cư hiện trạng thôn Nội; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng thôn Cầu Yêu và đất nông nghiệp.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 26,7ha, dân số dự kiến khoảng 5.000 người (quy mô dân số được tính toán, làm rõ trong đồ án quy hoạch chi tiết).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về tính chất, Khu dân cư mới Cầu Yêu là khu đô thị mới kết hợp công trình công cộng cấp đơn vị ở có kiến trúc cảnh quan đẹp, được xây dựng hiện đại và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong khu vực.

Các hạng mục cần đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải...; công trình nhà ở, vườn hoa, khu vui chơi...

Thanh Hóa gọi đầu tư 397 tỷ đồng vào Khu dân cư Hồ Thanh Niên

Dự án có sơ bộ chi phí thực hiện 378 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 19 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất khoảng 20,179ha; quy mô dân số dự kiến 1.800 người.

Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở bao gồm: 86 lô liền kề xây thô, hoàn thiện mặt trước (không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền), 243 lô đất ở còn lại (gồm 229 lô liền kề và 14 lô biệt thự) được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền. Ngoài ra, nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực dự án.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện dự kiến từ quý I/2024 đến quý I/2028. Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến ngày 15/2/2024.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện dự án.

Cụ thể, nhà đầu tư phải đáp ứng được các yêu cầu hồ sơ năng lực tài chính; nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%; kinh nghiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư liên danh bằng tổng số dự án của các thành viên liên danh đã thực hiện...

Được biết, Ngọc Lặc là huyện miền núi thấp của tỉnh Thanh Hóa. Toàn huyện có 21 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên trên 49 nghìn ha; dân số hơn 133 nghìn người, gồm 4 dân tộc là: Mường, Kinh, Dao, Thái.

Theo quy hoạch, huyện ngọc Lặc phát triển đô thị trên toàn huyện đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV trước năm 2030. Đến năm 2030, Ngọc Lặc đảm bảo tiêu chí đô thị loại IV và đến năm 2040 trở thành thị xã.

Phú Yên phê duyệt quy hoạch Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa

Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa đã được điều chỉnh về tính chất, chức năng, và cấu trúc phân khu để đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển và tận dụng hiệu quả quỹ đất trong khu vực. Điều chỉnh này được thực hiện theo hướng dẫn của UBND tỉnh Phú Yên để đảm bảo tuân thủ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040, được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg, ngày 24/10/2023.

Theo kế hoạch, Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa có diện tích 396,77 ha, nằm tại các phường Phú Đông và Phú Thạnh, TP. Tuy Hòa. Vị trí giáp biển Đông ở phía Đông, đường sắt Bắc - Nam ở phía Tây, sông Đà Rằng ở phía Bắc, và đường Ngô Gia Tự ở phía Nam.

Được xác định là trung tâm hành chính, tài chính - thương mại và dịch vụ đô thị phía Nam của TP. Tuy Hòa, Khu đô thị này sẽ phát triển trên cơ sở cải tạo và chỉnh trang các khu dân cư hiện tại, đồng thời mở rộng về phía Nam sông Đà Rằng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Quy hoạch Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa bao gồm trung tâm du lịch, trung tâm hỗn hợp, với khung phát triển đô thị kết hợp tự nhiên như sông Đà Rằng và khu vực công viên trung tâm. Tuyến đường Hùng Vương sẽ kết nối TP. Tuy Hòa với khu vực quy hoạch.

Dự kiến, dân số của khu đô thị này sẽ từ 65.000 đến 87.000 người, với đất đơn vị ở trung bình là 15-28 m2/người và đất công trình dịch vụ đô thị tối thiểu là 4 m2/người trở lên.

Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch phân khu trong thời gian 9 tháng, bắt đầu từ ngày 9/1/2023 (không tính thời gian chọn đơn vị tư vấn, lấy ý kiến, và trình phê duyệt). Dự kiến chi phí là hơn 1 tỷ đồng.

Mục tiêu của quy hoạch là mở rộng khu vực phía Nam TP. Tuy Hòa và phát triển khu đô thị mới này theo hình thức hiện đại và bền vững.

Quảng Trị: Xây dựng Nhà tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên công an tỉnh

Cụ thể, ngày 8/1, Công an tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tượng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên làm việc của cơ quan. Công trình có kiến trúc nhà sàn giống với kiểu dáng ngôi nhà của Bác từng ở tại Phủ Chủ tịch lúc sinh thời; với tổng diện tích khoảng 70m2, mái uốn cong nhẹ, được lợp ngói âm dương kiểu truyền thống. Vốn xây dựng công trình dự kiến khoảng 4 tỷ đồng, từ kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước.

tm-img-alt
Khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên Công an tỉnh Quảng Trị.

Đây sẽ là địa chỉ đỏ của lực lượng Công an Quảng Trị nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, báo công dâng Người.

Sạt lở đèo Khánh Lê gây ách tắc đường từ Nha Trang lên Đà Lạt

Trưa  10/1, tin từ Văn phòng quản lý đường bộ III.3 cho biết, khoảng 5h30' sáng cùng ngày, tại khu vực đèo Khánh Lê - Km55+600 Quốc lộ 27C (đoạn qua xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) xảy ra sạt lở, đá rơi gây tắc đường.

Cụ thể, một tảng đá cục có kích thước lớn từ taluy dương sạt lở, chiếm toàn bộ mặt đường và rãnh dọc, giao thông ách tắc hoàn toàn.

tm-img-alt
Đá rơi khiến tuyến đường bị ách tắc. (Ảnh: Internet)

Ngay sau khi nhận tin báo, đơn vị đã chỉ đạo nhà thầu bảo trì đường bộ điều máy móc, thiết bị lên hiện trường để khắc phục, giải phóng giao thông. Đến 9h sáng cùng ngày, giao thông trên đèo Khánh Lê - Quốc lộ 27C đã thông 1 làn xe.

Quốc lộ 27C dài 121 km, là tuyến huyết mạch nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh  Khánh Hòa. Trên tuyến có đèo Khánh Lê dài 33 km, địa hình hiểm trở, đường đi quanh co, thường xảy ra sạt lở vào mùa mưa. Đây cũng là tuyến đường có nhiều du khách và ô tô qua lại vì nối 2 trung tâm du lịch là  Đà Lạt và Nha Trang.

Đây không phải là lần đầu tiên đèo Khánh Lê xảy ra sạt lở. Mới đây, vào ngày 16/11, tại Km59+790 Quốc lộ 27C, đoạn qua đèo Khánh Lê, hàng nghìn m3 đất đá trên đèo đổ sập xuống, nằm tràn trên mặt đường, hai bên vách núi, nước chảy dồn dập khiến giao thông ùn tắc kéo dài khoảng 150m.

Vũng Tàu: Xử lý nghiêm các công trình xây dựng trái phép

Từ đầu năm 2023, tình trạng vi phạm liên quan đến đất đai và xây dựng tại TP Vũng Tàu đã trở nên phức tạp, khi nhiều tổ chức và cá nhân thực hiện cải tạo, sửa chữa, và xây dựng các công trình mà không có giấy phép, không tuân thủ quy định về sửa chữa hiện trạng. Một số công trình đã được đưa vào khai thác kinh doanh, đẩy nguy cơ mất an toàn sử dụng và gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

tm-img-alt

Lãnh đạo TP Vũng Tàu kiểm tra chỉ đạo xử lý xây dựng trái phép 

Vùng Bãi Dâu, trên đường Trần Phú, là một điểm nóng khi nhiều quán cà phê view biển mọc lên mà không có giấy phép xây dựng. Dù nhiều hộ dân ở khu vực này đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, nhưng do không phù hợp với quy hoạch, họ không được cấp phép xây dựng, sửa chữa.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hoạt động du lịch tại Bãi Dâu đã tăng mạnh, dẫn đến việc một số hộ kinh doanh tự ý cải tạo các công trình thành quán cà phê để phục vụ du khách. Những hành động này không chỉ vi phạm trật tự xây dựng mà còn gây lấn chiếm đất, đặt ra những vấn đề về an toàn và trật tự giao thông.

Núi Lớn cũng là điểm đen khi nhiều quán cà phê xuất hiện ngay trên đường Vi Ba, không tuân thủ quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng để kinh doanh. Một số chủ cơ sở thậm chí thuê đất nông nghiệp để mở quán cà phê, bất chấp các yêu cầu tháo dỡ từ chính quyền địa phương.

Chính quyền TP Vũng Tàu đã phải can thiệp mạnh mẽ bằng cách yêu cầu các phòng, ban và UBND các phường tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là tại các khu vực núi, ven biển và các địa bàn phức tạp. Trong thời điểm cuối năm 2023, việc kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, đất đai trở nên gấp rút hơn, với lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra hiện trường đột xuất.

Tính đến cuối năm 2023, TP Vũng Tàu đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, và 5 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, với tổng số tiền xử phạt khoảng 1,3 tỉ đồng. Vi phạm đất đai cũng được quản lý chặt chẽ, với 83 trường hợp được xử lý. Nhờ vào sự chỉ đạo và kiểm tra thường xuyên, số lượng vi phạm giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Phường 5 được đánh giá cao trong việc xử lý các công trình lấn biển, đặc biệt là việc tháo dỡ quán cà phê quy mô lớn tại địa chỉ 33-35 Trần Phú. Lãnh đạo địa phương khuyến khích người dân tự giác thực hiện việc tháo dỡ, đồng thời cưỡng chế những công trình vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, ông Nguyễn Trọng Thủy, nhấn mạnh việc liên tục kiểm tra và đôn đốc các phường xử lý vi phạm không chỉ giúp nắm bắt kịp thời tiến độ xử lý sai phạm mà còn tạo ra những chỉ đạo cụ thể tại hiện trường. Ông cũng đặc biệt lưu ý rằng đối với các quán cà phê ven biển, nếu tuân thủ quy định của nhà nước, họ sẽ được giữ lại, còn không, sẽ bị buộc phải tháo dỡ.

TP.HCM sắp chạy tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo

Theo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, việc sớm đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc TP. HCM - Côn Đảo góp phần phát triển giao thông vận tải và du lịch đường thủy giữa TP. HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

“Tuyến tàu này nằm trong quy hoạch phát triển đường thủy của TP. HCM giai đoạn 2023-2025.  Khi tuyến tàu vận hành, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, mà còn phục vụ giao thông, du lịch, gìn giữ văn hóa - lịch sử…”, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết.

Đại diện UBND huyện Cần Giờ cũng cho hay, tuyến tàu cao tốc TP. HCM - Côn Đảo được đánh giá có tiềm năng rất lớn, chạy ven biển và đi qua nhiều địa phương. Bởi vậy, đề nghị thành phố cần tính toán mở các điểm gom khách đi tuyến tàu cao tốc này, đây cũng là cơ sở để phát triển kinh tế - du lịch huyện Cần Giờ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tuyến tàu cao tốc TP. HCM - Côn Đảo dự kiến có điểm xuất bến tại khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) đến cảng Bến Đầm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tàu dự kiến chở hơn 1.000 khách/chuyến, thời gian hành trình khoảng 5 giờ với cự ly 230km.

Được biết, từ đầu năm 2022, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với UBND huyện Côn Đảo cùng các đơn vị liên quan cơ bản thống nhất cho tuyến được hoạt động ra vào cập cảng, bến phục vụ đưa rước hành khách, khách du lịch tại đầu bến trên địa bàn huyện. Đồng thời tiến hành nâng cấp, mở rộng cảng Bến Đầm và cảng tàu khách Côn Đảo.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề