Thứ bảy, 27/04/2024 21:23 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/1/2024

MTĐT -  Thứ sáu, 12/01/2024 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/1/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/1/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Bí thư Hà Nội đồng ý chuyển giao việc quản lý Hồ Tây về cho quận Tây Hồ

Ngày 11/1, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cùng với Hoàn Kiếm, Tây Hồ là một trong những trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội, mang đậm dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ cũng đã xác định rõ việc phải khơi thông nguồn lực về văn hóa, coi văn hóa là động lực phát triển mới của Thủ đô.

tm-img-alt
Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với quận Tây Hồ. (Ảnh: Internet)

Đánh giá cao quận Tây Hồ đã bước đầu khơi thông được nguồn lực này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng ghi nhận, biểu dương kết quả triển khai công tác xây dựng Đảng, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư nguồn lực cho 3 lĩnh vực trọng điểm là y tế, văn hóa và giáo dục.

Lưu ý chỉ còn 2 năm để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025; bên cạnh đó, khối lượng công việc để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sắp tới là rất lớn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng ý chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây.

Các sở, ngành cần chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý hồ Tây theo chức năng nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.

tm-img-alt
Hồ Tây mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, môi trường, du lịch (Ảnh: Internet)

Để thực hiện, đồng chí Bí thư Thành ủy giao quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án cụ thể để khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận.

Khi triển khai thực hiện, lưu ý sự chung tay, chung sức của các sở, ban, ngành thành phố trong việc hỗ trợ tích cực để cùng quận hoàn thiện và thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy những giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trong vòng 6 tháng, quận Tây Hồ cần hoàn thiện đề án, trình thành phố để xem xét, đưa vào triển khai trong thực tiễn.

Về các nhiệm vụ khác, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý quận Tây Hồ cần quan tâm triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ…; đồng thời đề nghị thành phố giao thêm nguồn lực để hỗ trợ quận triển khai các dự án trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của quận giai đoạn từ nay đến 2025-2030.

Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, quận đang xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Hồ Tây và vùng phụ cận, đồng thời nghiên cứu phương án cải thiện chất lượng môi trường nước, cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản; giám sát chặt chẽ nguồn nước thải xung quanh hồ.

Lãnh đạo quận đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường Hồ Tây, trong đó có các hạng mục như nạo vét, cải tạo môi trường; xây dựng bến thủy nội địa trên hồ theo quy hoạch; xây đài phun nước và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh.

Hoàn thành mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân trong tháng 6/2024

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 (ngày 11/1), lãnh đạo Ban Giao thông cho biết, năm 2023 được giao triển khai hơn 10 dự án điểm, trong đó có dự án đặc biệt quan trọng là Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đề cập đến tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Ban Giao thông cho biết, các dự án thành phần 1.1, 2.1 đã khởi công; hạng mục đường song hành đang được thi công, có tiến độ hoàn thành trong năm 2025. Với dự án thành phần 3 (đường cao tốc trên cao Vành đai 4) đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo trong quý I/2024.

Với các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025, có 2 dự án đang thi công (dự án nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai và dự án đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3); 3 dự án đã hoàn thành, thông xe (đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch)...

tm-img-alt
Đường Âu Cơ - Nhật Tân đang được đơn vị nhà thầu thi công đẩy tiến độ. (Ảnh: Internet)

Nói đến các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Ban Giao thông Hà Nội cho biết, sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, hiệu quả; đôn đốc triển khai các dự án nằm trong Chương trình số 03 của Thành ủy; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành chuẩn bị đầu tư để khởi công 10 dự án. 

Đáng chú ý, lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẳng định mphấn đấu hoàn thành dự án cải tạo, mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân trong tháng 6/2024.

Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình cần mở rộng đường lên 6-8 làn xe

Bộ Giao thông Vận tải vừa có phản hồi thông tin về việc mở rộng đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình từ 4 làn xe lên thành 6-8 làn xe theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải.

Theo đó, Dự án đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 20/4/2005, quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục, chiều dài 50km, tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 7/2012.

Tuyến cao tốc này sau khi đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo không gian phát triển và quỹ đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và khu vực.

Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận sau hơn 10 năm khai thác, lưu lượng giao thông đã tăng cao đặc biệt sau khi đưa vào khai thác một số đoạn tuyến trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45…) nên việc đầu tư, mở rộng đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình từ 4 làn xe lên thành 6-8 làn xe theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải là cần thiết.

tm-img-alt

Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình cần mở rộng đường lên 6-8 làn xe. (Ảnh: Internet)

Hiện nay, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý và khai thác. VEC đang nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và UBND các tỉnh Hà Nam, Nam Định trong quá trình triển khai thực hiện.

Về việc quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường cao tốc, hiện nay, do đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình mỗi chiều chỉ có 2 làn xe cơ giới, việc quy định tốc độ xe chạy của từng làn đường sẽ được xem xét thực hiện sau khi hoàn thành mở rộng tuyến đường.

Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 dài 50km, được đưa vào khai thác tháng 7/2012 với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư 8.974 tỷ đồng. Dự án kết nối với đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ tạo thành trục đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía nam.

Tuy nhiên, lưu lượng giao thông trên tuyến đến nay đã tăng cao, đặc biệt sau khi đưa vào khai thác các đoạn cao tốc nối từ Ninh Bình đến Nghệ An.

Năm 2023, lưu lượng xe qua tuyến cao tốc của VEC đạt gần 60 triệu lượt

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa thông tin về kết quả công tác khai thác, vận hành các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý năm 2023.

Theo số liệu thống kê, các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác đã phục vụ an toàn 59,7 triệu lượt phương tiện trong năm 2023, tăng 12 % so với năm 2022.

Trong đó, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 4 tuyến với 17,5% và lưu lượng xe đứng vị trí thứ 3, đạt 16 triệu lượt. Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tiếp tục có lưu lượng thông qua cao nhất là 21 triệu lượt, tuy nhiên tăng trưởng thấp nhất trong các tuyến 7,1%.

Còn lại 2 tuyến, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đứng thứ 2 về lưu lượng xe với 20,4 triệu lượt và xếp vị trí thứ 3 về mức tăng trưởng với 12 %; Đà Nẵng - Quảng Ngãi xếp thứ 2 về tăng trưởng 14,8%, nhưng lưu lượng thấp nhất, đạt 2,3 triệu lượt phương tiện.

tm-img-alt
Theo số liệu thống kê, các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác đã phục vụ an toàn 59,7 triệu lượt phương tiện trong năm 2023. (Ảnh: Internet)

Về công tác đảm bảo an toàn giao thông, năm vừa qua, các tuyến cao tốc của VEC xảy ra 441 vụ va chạm giao thông; TNGT xảy ra 48 vụ, làm 12 người chết và 88 người bị thương. Nếu so với năm ngoái, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí (giảm 16 vụ tai nạn; giảm 5 người chết và giảm 2 người bị thương), song không có thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, tình trạng ùn ứ nhẹ vẫn xảy ra trên một số tuyến cao tốc dịp Lễ, Tết xuất phát từ việc chủ phương tiện chưa nạp đủ tiền vào tài khoản thu phí ETC dù trước đó VEC đã khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay sau đó, đơn vị vận hành khai thác cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương xử lý, giải phóng hiện trường.

63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng

TTXVN đưa tin, đại diện Bộ Xây dựng cho hay năm 2023, có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Tại buổi Họp báo thường kỳ quý 4/2023, do Bộ Xây dựng tổ chức chiều nay (12/1), Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Hoàng Hải cho biết trong năm 2023, cả nước có 44 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 36.262 căn, đã hoàn thành và được cấp phép, khởi công xây dựng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngoài ra, trong năm 2023, trên địa bàn cả nước, có 27 tỉnh đã công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn lên tới 27.966 tỷ đồng.

Thông tin cụ thể, ông Hải cho biết trong số 44 dự án trên, có 28 dự án với quy mô 13.864 căn đã hoàn thành; 16 dự án đã được cấp phép, khởi công xây dựng với quy mô 22.398 căn.

Riêng trong quý 4/2023, trên địa bàn cả nước đã có 16 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 9.302 căn đã hoàn thành và cấp phép xây dựng. Trong số đó có 7 dự án với quy mô 4.019 căn đã hoàn thành; 9 dự án với quy mô 5.283 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng.

Về lũy kế thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, ông Hải cho biết qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến nay, trên cả nước đã có 495 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 402.898 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng.

Cụ thể, tính đến ngày 12/1/2024, cả nước đã hoàn thành 70 dự án với 35.566 căn; đã khởi công xây dựng 127 căn với quy mô 107.896 căn; có 298 dự án với quy mô 259.436 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới.

Cũng theo ông Hải, về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, các địa phương và các chủ đầu tư nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ này; trong đó đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng.

“Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương (thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương) được giải ngân với số vốn khoảng 179,5/1.095 tỷ đồng,” ông Hải nhấn mạnh.

2 phương án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi nội thành

UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo đề xuất phương án di dời ga đường sắt Đà Nẵng để làm việc với Bộ GTVT nhằm thống nhất phương án đầu tư phù hợp.

Trao đổi với PV chiều 12/1, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho hay, UBND TP đang giao cho sở hoàn chỉnh các phương án nhằm làm việc và thống nhất với Bộ GTVT.

tm-img-alt
Ga đường sắt Đà Nẵng hiện nằm trên địa bàn quận Thanh Khê.

Sở GTVT Đà Nẵng cũng đang phối hợp với Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi nội thành.

Theo báo cáo, tại Nghị quyết 178/2023 của Chính phủ, nội dung di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP không được đề cập cụ thể. Nghị quyết này chỉ đề cập việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM trong giai đoạn 2030 và sau 2030.

Do vậy, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm TP khả năng chỉ được Chính phủ nghiên cứu sau giai đoạn 2030, có thể sau năm 2045 khi Chính phủ đã đầu tư xong đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Trước bối cảnh đó, Đà Nẵng đề xuất hai phương án di dời ga đường sắt hiện trạng. Phương án 1 là di dời toàn bộ ga Đà Nẵng (ga hàng hóa, ga hành khách) và các công trình phụ trợ về khu vực ga Kim Liên (quận Liên Chiểu).

Giai đoạn 1 của phương án này sẽ cải tạo, nâng cấp ga Kim Liên thành ga khu đoạn (ga hỗn hợp) với quy mô đến năm 2030 đáp ứng 350.000 tấn hàng hóa/năm, 1,5 triệu khách/năm.

Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện theo đúng quy hoạch (đến năm 2050) di dời ga hành khách ra vị trí tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp ga Kim Liên thành ga hàng hóa phục vụ cho cả cảng biển Liên Chiểu.

Tại phương án 2, Đà Nẵng đề xuất di dời phần ga hàng hóa, công trình phụ trợ và các cơ quan ngành đường sắt ra ga Kim Liên. Riêng phần ga hành khách di dời ra vị trí mới thuận lợi dọc theo tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có.

Phương án này cũng có hai giai đoạn, giai đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp ga Kim Liên thành ga khu đoạn (ga hàng hóa) với quy mô tương tự phương án 1.

Dự kiến có ba khu vực có thể xem xét xây dựng ga hành khách là khu vực gần nút giao giữa đường sắt hiện trạng và đường Nguyễn Sinh Sắc, khu vực hồ Trung Nghĩa, khu vực đường vòng Thanh Khê gần hồ Bàu Trảng.

Giai đoạn 2 đến năm 2050, Đà Nẵng tiếp tục nâng cấp cải tạo ga Kim Liên tương tự phương án 1.

Đối với diện tích đất khu vực ga đường sắt Đà Nẵng hiện tại (hơn 113.000 m2), UBND TP Đà Nẵng kiến nghị quy hoạch chỉnh trang thành đầu mối giao thông kết hợp thương mại dịch vụ.

Quỹ đất dọc theo hành lang tuyến đường sắt sau khi di dời sẽ dùng để xây dựng hệ thống đường sắt nhẹ (LRT) đi chung với đường bộ trên mặt đất. Tuyến LRT này dùng để kết nối giao thông từ ga đường sắt mới về trung tâm TP, tạo thuận lợi cho khách đi tàu.

Bình Định lộ diện nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở hơn 861 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận nhà đầu tư cho Liên danh Công ty cổ phần Phú Tài và Công ty cổ phần Đầu tư An Phát Land thực hiện Dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ.

Đây là liên danh nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu.

Dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ có diện tích 12,78 ha tại khu phố Diêu Trì, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2544, ngày 12/7/2023; phê duyệt kết quả đánh giá hồ sơ đăng ký đầu tư thực hiện dự án tại Quyết định số 4672, vào ngày 18/12/2023.

Dự án có quy mô dân số dự kiến 1.684 người. Quy mô dự án gồm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở mới và cải tạo chỉnh trang một phần khu dân cư hiện trạng trên diện tích 12,78 ha.

Dự án sẽ xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nội bộ, hệ thống xử lý nước thải; xây dựng nhà ở liên kế, biệt thự, khu thương mại dịch vụ, công trình công cộng (trường học), khu tái định cư phục vụ tái định cư dự án, không xây dựng nhà ở xã hội.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 861 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án là hơn 704 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 4,5 năm kể từ ngày được chấp thuận nhà đầu tư.

TP HCM: Cấm thi công, đào đường trong dịp Tết Nguyên đán 2024

Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, kinh doanh và vui chơi, giải trí của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Sở Giao thông Vận tải cấm thi công đào đường trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ ngày 2/2 (tức ngày 23 tháng Chạp) đến hết ngày 17/2/2024 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng).

Chủ đầu tư tất cả các công trình thi công đào đường trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm đôn đốc đơn vị thi công khẩn trương dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đang thi công và trả lại nguyên trạng mặt đường kể từ ngày 28/1 (tức ngày 18 tháng Chạp) đến trước ngày 2/2 (tức ngày 23 tháng Chạp).

tm-img-alt
TP HCM cấm thi công, đào đường trong dịp Tết Nguyên đán 2024. (Ảnh: Internet)

Đối với các công trình có kế hoạch tổ chức thi công, tồn tại rào chắn trong dịp Tết Nguyên đán, các chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định về thi công công trình trên phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của UBND TPHCM.

Ngoài ra, trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở GTVT cũng sẽ không cho phép phát sinh thêm các khu vực thi công mới, đặc biệt là các khu vực "điểm nóng" giao thông như nút giao An Phú, nút Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề