Thứ hai, 29/04/2024 04:06 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/1/2024

MTĐT -  Thứ năm, 18/01/2024 17:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/1/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/1/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Cục hàng không yêu cầu tăng tần suất xe công cộng phục vụ chuyến bay đêm dịp Tết

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai về việc phối hợp tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các Hãng hàng không, cảng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không rà soát lại toàn bộ quy trình, xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện tại cảng hàng không.

Đồng thời, đảm bảo sẵn sàng cho phương án khai thác, phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng đường hàng không.

Đến nay, theo số liệu báo cáo của các hãng hàng không và để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép bay cho các hãng hàng không bổ sung thêm nhiều chuyến bay đi/đến các cảng hàng không, tập trung vào các khung giờ khai thác vào ban đêm.

tm-img-alt
Tăng tần suất xe buýt, taxi, xe công nghệ phục vụ chuyến bay đêm dịp Tết nguyên đán 2024. (Ảnh: Internet)

Để đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo chất lượng dịch vụ và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, an toàn khai thác tại các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở GTVT rà soát, yêu cầu các đơn vị khai thác các tuyến xe buýt đi/đến cảng hàng không lập kế hoạch, tăng tần suất khai thác và tăng thời gian hoạt động của các chuyến xe buýt đi/đến các cảng hàng không đặc biệt là vào khung giờ ban đêm theo thời gian khai thác đêm của các cảng hàng không.

Các tỉnh thành nêu trên rà soát, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải khác trên địa bàn như taxi, xe công nghệ tăng thời gian hoạt động, tăng số lượng các phương tiện đến cảng hàng không để phục vụ khách có nhu cầu, đặc biệt là các hành khách trên các chuyến bay đêm đi/đến cảng hàng không.

Địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra, công an địa phương phối hợp với cảng vụ hàng không, cảng hàng không để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, duy trì an ninh trật tự tại cảng hàng không, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, khẩn nguy đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan đến tình trạng xe dù, tình trạng lôi kéo hành khách, ép giá khách và tăng giá vé trái quy định.

Tuyên Quang phê duyệt quy hoạch chung Đô thị mới Sơn Nam

UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 517/QĐ- UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chung Đô thị mới Sơn Nam, huyện Sơn Dương với tổng diện tích tự nhiên 2.025,6ha. Đây là đô thị loại V trực thuộc tỉnh Tuyên Quang, được xác định là đô thị công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Theo quy hoạch, quy mô dân số của đô thị Sơn Nam đến năm 2025 có dân số khu vực nghiên cứu khoảng 10.500 người, trong đó dân số khu vực trung tâm đô thị khoảng 4.000 người. Đến năm 2030, dân số khu vực khoảng 13.000 người, trong đó dân số khu vực trung tâm đô thị khoảng 5.000 người và đến năm 2040 có dân số khu vực khoảng 21.000 người, trong đó khu vực trung tâm đô thị khoảng 10.000 người.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2030 là 295,45ha, chiếm 14,59% tổng diện tích đất. Trong đó, đất dân dụng 133,64ha và đất ngoài dân dụng 161,81ha; đất khác là 1.730,15ha. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị là 504,09ha, chiếm 24,89% tổng diện tích đất và đất khác 1.521,51ha.

Các chỉ tiêu sử dụng đất dân dụng được bố trí theo quy mô đô thị loại V. Theo đó, đất đơn vị ở 45 – 55m2/người; đất công trình công cộng dịch vụ đô thị 3-5 m2/người; đất giao thông đô thị 15-20 m2/người…

Đô thị Sơn Nam được phát triển theo mô hình “Trọng tâm theo tuyến”, phát triển trên nền tảng 2 hành lang động lực và 2 trọng tâm. Hành lang động lực Đông Tây, khai thác lợi thế kết nối của các trục giao thông chính (QL2D, tuyến nối QL2D với tuyến tránh QL2C). Hành lang động lực Bắc Nam: Khai thác trục giao thông tuyến tránh QL2C và QL2C kết nối Sơn Nam với thành phố Tuyên Quang về phía Bắc và với tỉnh Vĩnh Phúc về phía Nam.

Trên cơ sở 2 hành lang, hình thành và phát triển 2 trọng tâm gồm: Trọng tâm khu đô thị hành chính, thương mại, công nghiệp, dịch vụ phức hợp - khu đô thị mới Sơn Nam. Trọng tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Theo quy hoạch, Sơn Nam thực giữ lại các khu dân cư hiện hữu, thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Đối với định hướng phân khu các khu vực phát triển được quy hoạch thành 2 phân khu chức năng với tính chất, chức năng, quy mô phát triển khác nhau, nhằm tối ưu hóa các điều kiện phát triển.

Lắp trạm cân tự động để kiểm soát xe quá tải trên cao tốc Bắc - Nam

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan đến phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Bộ này, tình trạng xe quá tải thời gian qua tuy giảm nhưng vẫn xảy ra hiện tượng người điều khiển phương tiện dùng thủ đoạn trốn tránh, đối phó tinh vi, gây hư hỏng và xuống cấp các công trình đường bộ.

Điều này gián tiếp làm gia tăng tai nạn giao thông, đặc biệt ở những tuyến đường chưa có hệ thống kiểm tra tải trọng và không có có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát.

Bên cạnh đó, nhiều công trình khi đưa vào khai thác trong một thời gian đã bị hư hỏng ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây tốn kém chi phí duy tu sửa chữa và khắc phục hậu quả.

Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất chủ trương về phương án đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống hệ thống kiểm tra tải trọng trên các tuyến cao tốc thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

"Hệ thống cân tự động sẽ giúp kiểm soát, ngăn ngừa tối đa việc xe quá tải lưu thông, bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc", Bộ GTVT đánh giá.

tm-img-alt
Bộ Giao thông Vận tải thống nhất phương án lắp trạm cân xe tự động tại các dự án đường cao tốc đang triển khai thi công để kiểm soát xe quá tải. (Ảnh: Internet)

Về mô hình, Bộ GTVT cho hay, hệ thống cân tự động có thể hoạt động ở tốc độ thấp và tốc độ cao, đạt cấp chính xác tối thiểu F10 theo quy định của pháp luật về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 và đáp ứng quy định tại quy chuẩn về trạm kiểm tra tải trọng xe.

Các phương tiện khi đi qua, hệ thống cân tự động sẽ thông báo qua màn hình điện tử nếu phát hiện xe quá tải; lái xe có trách nhiệm đưa xe ra khỏi đường cao tốc thông qua tuyến nhánh rẽ phải xuống đường gom hoặc đường nhánh được đầu tư xây dựng dành riêng cho xe quá tải bị từ chối cung cấp dịch vụ đi lại trên đường cao tốc.

Hệ thống kiểm tra tải trọng được lắp đặt tại nơi có khả năng tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có, đảm việc kiểm soát tải trọng xe được hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo đảm an toàn; thiết bị được lắp đặt hoặc bố trí tại tất cả các lối vào đường cao tốc đảm bảo kiểm soát toàn bộ các dòng xe ra vào tuyến. Số làn xe được bố trí cân kiểm tra tải trọng tùy thuộc vào lưu lượng xe vào của nhánh đó, số làn đường của nhánh.

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, bảo trì, vận hành, khai thác các hệ thống kiểm tra tải trọng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đầu tư hệ thống kiểm tra tải trọng đối với các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng bằng nguồn kinh phí bảo trì công trình.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình tổ chức đầu tư xây dựng đối với các vấn đề kỹ thuật có liên quan đảm bảo việc đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng được mục tiêu đầu tư.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) trong việc tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm về tải trọng theo quy định của pháp luật.

Đối với Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đối với nội dung bổ sung hệ thống kiểm tra tải trọng. Đồng thời, thực hiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung các hợp đồng BOT đối với các dự án PPP. Thực hiện chức năng cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư được giao quản lý.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát hạ tầng cơ sở dữ liệu đăng kiểm của phương tiện cơ giới đường bộ, tiến hành bổ sung, nâng cấp, đảm bảo việc kết nối các hệ thống kiểm tra tải trọng với cơ sở dữ liệu đăng kiểm của phương tiện đường bộ khi có yêu cầu, phục vụ việc trích xuất dữ liệu của phương tiện và xử lý theo quy định.

Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050

Theo đó, quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cùng các quy hoạch liên quan.

Đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực. Tỉnh hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông-lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.

Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 kinh tế có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Năng suất lao động tăng bình quân 6,5 - 7%/năm. Kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP.

Tỉnh phấn đấu tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP bình quân hằng năm trên 30%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm trên 12%; thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 10%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân hằng năm trên 15%; thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa.

Tỉnh thuộc nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số chuyển đổi số.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng dân số bình quân trên 1,8%/năm. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; giải quyết việc làm mới tăng thêm mỗi năm 15.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%. Tỉnh có trên 75% trường mầm non, trên 90% trường tiểu học, trên 85% trường trung học cơ sở và 60% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 60% cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Tỷ lệ 16 bác sĩ/vạn dân, 48 giường bệnh/vạn dân, 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế; duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 97%; tuổi thọ bình quân đạt trên 75 tuổi. 100% di tích đã xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; 100% di sản phi vật thể thuộc danh mục di sản phi vật thể quốc gia được bảo tồn, phát huy giá trị.

Quảng Nam phấn đấu 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% các cụm công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị được thu gom và xử lý đạt 100%, tại các điểm dân cư nông thôn đạt trên 90%; 100% chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom và xử lý; 90% chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

100% các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng, vườn quốc gia được đầu tư cho công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, phục hồi đa dạng sinh học và khai thác bền vững; 100% người dân ở vùng đệm được cải thiện sinh kế gắn với khu vực cần bảo vệ.

Tỉnh tập trung đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F; Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT. 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch; trên 60% trục đường chính trong các đô thị được đầu tư hoàn chỉnh.

Giao thông đường thủy nội địa thông suốt đúng chuẩn tắc luồng, đặc biệt là các tuyến đường thủy nội địa trên các sông Trường Giang, Cổ Cò, Thu Bồn, Vĩnh Điện; hình thành một số loại hình giao thông thông minh.

Tỉnh có hạ tầng số hiện đại và dữ liệu số đồng bộ, hoàn chỉnh, mạng 4G/5G phủ sóng 100% các địa phương, tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 100% các đường trục chính tại các phường, thị trấn được nâng cấp, mở rộng theo chuẩn đô thị tương ứng; kiên cố hoá 80% kênh mương các loại và công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn năng lượng tái tạo.

Tỉnh phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự và cơ sở vững mạnh toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận lòng dân, thế trận khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, phù hợp với sự phát triển của tình hình phòng thủ chung của đất nước.

Tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới và mốc giới quốc gia; tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Tầm nhìn đến năm 2050 Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tỉnh có cơ cấu nền kinh tế hài hòa, hợp lý với tính tự chủ và năng lực cạnh tranh cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế - xã hội hài hoà giữa các khu vực đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường tốt.

Chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân trong tỉnh ở mức cao, đời sống hạnh phúc; quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới trên đất liền, biển, đảo được giữ vững và đảm bảo trật tự an toàn xã hội…

Đắk Nông: Tổ chức lễ ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết

Tham dự buổi lễ có, ông Nguyễn Nhân Bản, Phó ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông; Trung tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông; Ông K’Thanh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND Đắk Song; cùng đại diện các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện.

tm-img-alt
Ông Nguyễn Nhân Bản, Phó ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, ông Nguyễn Nhân Bản, Phó ban An toàn giao thông tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, tháng an toàn giao thông là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Ông Nguyễn Nhân Bản cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, gắn với thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Nông, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 125 vụ tai nạn giao thông, làm chết 83 người, bị thương 67 người. So với năm 2022, số vụ tai nạn giao thông giảm 13%, số người chết giảm 15%, số người bị thương giảm 22%, ước tính thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

Để bảo bảo trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân năm 2024, Ban An toàn giao thông tỉnh đề ra các biện pháp như:

tm-img-alt

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là trong đợt cao điểm tết Nguyên đán Giáp Thìn, Lễ hội xuân năm 2024; kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Nông.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, rà soát xử lý, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn về an toàn giao thông.

Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chung tay, phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông  tết nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân năm 2024 và trong thời gian tới.

Đèo Prenn ở Đà Lạt sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán

Ngày 17/1, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã gia hạn thời gian hoàn thành dự án mở rộng, nâng cấp đèo Prenn Đà Lạt đến tháng 6/2024. Việc gia hạn dự án không ảnh hưởng đến thời gian thông xe như kế hoạch trước đây, tức trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Ông Nguyễn Thanh Chương - Trưởng Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng - cho biết việc gia hạn này chỉ để thực hiện các thủ tục quyết toán, kiểm toán công trình. Theo ông Chương, thời gian gia hạn để xử lý các phần việc liên quan đến giấy tờ, hồ sơ, thủ tục, không liên quan đến việc hoàn thiện các hạng mục công trình.

Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn Đà Lạt khởi công từ tháng 2/2023. Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư.

Đèo Prenn đã trải qua nhiều đợt nâng cấp. Tuy nhiên bề rộng mặt đường không thay đổi nhiều, chỉ rộng khoảng 7m và dài 7,4km. Việc mở rộng mặt đường gấp đôi đối với tuyến đèo rất quan trọng.

Giữa tháng 12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho thông xe 3km đầu tiên đoạn từ bến xe liên tỉnh Đà Lạt đến khu du lịch thác Datanla.

tm-img-alt
Đèo Prenn Đà Lạt vẫn thông xe trước Tết dù phải gia hạn tiến độ (Ảnh: Internet)

Cũng theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, việc ban hành văn bản gia hạn thời gian thực hiện Dự án Mở rộng, Nâng cấp Đèo Prenn - cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt - đến tháng 6/2024 chỉ để thực hiện các thủ tục thanh quyết toán, kiểm toán công trình, tức là các phần việc liên quan đến giấy tờ, hồ sơ, thủ tục. Đèo Prenn vẫn sẽ được mở cửa thông xe vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn theo đúng kế hoạch tỉnh giao.

Đây là dự án giao thông quan trọng của tỉnh Lâm Đồng, bởi trước đây, tuyến Đèo Prenn thường xuyên ùn ứ giao thông trong những dịp lễ, Tết và ngày nghỉ, đến nay đã được nâng cấp, mở rộng với quy mô bốn làn xe, nền đường rộng 15,5m, mặt đường rộng 14,5m, dọc tuyến có thiết kế một cầu cạn cải tuyến (cải tạo khúc cua gấp) tại Km224+854, bố trí bốn điểm dừng xe và hai sân vọng cảnh, qua đó kết nối với Cảng Hàng không Quốc tế Liên Khương, Cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, trở thành tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đáp ứng nhu cầu giao thông và du lịch nghỉ dưỡng của du khách từ các tỉnh, thành phía Nam lên thành phố Đà Lạt.

TP.HCM: Cháy nhà hàng ở trung tâm thành phố, cảnh sát giải cứu 23 người

Lúc 1h30 sáng ngày 18/1, một vụ cháy đã xảy ra tại một căn nhà trên đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM. Căn nhà này được thiết kế với 4 tầng nổi và sân thượng, diện tích mặt bằng 80m2, đang được sử dụng làm nhà hàng chay.

tm-img-alt

Hình ảnh tại hiện trường

Khi nhận được thông tin về vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM đã ngay lập tức triển khai nhiều xe chữa cháy và hàng chục cảnh sát đến từ nhiều đơn vị để kiểm soát tình hình. Khi cảnh sát có mặt, căn nhà đã bốc cháy mạnh, đặc biệt tại tầng 1 và lan ra các tầng trên, với chất cháy chủ yếu là bàn, ghế và đồ trang trí nội thất. Đám cháy tạo ra nhiều khói và khí độc, gây khó khăn cho công tác cứu hộ.

Căn nhà nằm trong khu dân cư, nên có nguy cơ cháy lan và khói độc xâm nhập vào các căn hộ lân cận. Cảnh sát đã sử dụng xe thang để đưa 3 người từ hai nhà kế bên xuống đất an toàn. Đồng thời, 20 người khác cũng được hướng dẫn thoát khỏi tòa nhà chung cư số 158 Trần Hưng Đạo một cách an toàn.

Theo thông tin từ cảnh sát, căn nhà đang trong quá trình sửa chữa, trang trí nội thất và hoàn thiện, nhưng không có người ở bên trong. Tuy nhiên, vụ cháy đã làm hỏng khoảng 170m2 của căn nhà, bao gồm khoảng 80m2 ở tầng 1 và một phần của tầng 2, 3, 4 và sân thượng, gây thiệt hại nặng cho nhiều tài sản.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.