Thứ ba, 30/04/2024 02:21 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/11/2023

MTĐT -  Thứ tư, 22/11/2023 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng quy chuẩn đường cao tốc

Theo Công văn số 9101/VPCP-CN ngày 21/11/2023 của Văn phòng Chính phủ, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến sớm ban hành quy chuẩn đường Cao tốc trong quý 1/2024 như đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xây dựng, các căn cứ xây dựng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất dự thảo khung quy chuẩn, báo cáo trước ngày 30/11/2023 về quy chuẩn đường cao tốc.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã ký công điện nêu rõ các bộ ngành địa phương đã tích cực triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước. 

Trong đó, đã đưa vào sử dụng 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội...

Tuy vậy, còn một số tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế; một số tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Việc bố trí, đầu tư xây dựng các nút giao thông, nhất là chiều rộng và kết nối đường cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương để vào các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ còn chưa hợp lý. Giải pháp xử lý nền đất yếu; việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng còn chưa đáp ứng tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm...

Để giải quyết tồn tại, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc, làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối. 

Việc xây dựng các quy chuẩn nhằm làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Việc này được yêu cầu hoàn thành trong tháng 10/2023.

Quá trình xây dựng quy chuẩn cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn đầu tư xây dựng các dự án cao tốc, bảo đảm phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.

Nội dung quy chuẩn cần lưu ý quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế, trạm dừng nghỉ. Nguyên tắc bố trí, tổ chức các nút giao khoa học, hiệu quả, chiều rộng và tốc độ thiết kế của nút giao phù hợp với tốc độ của đường cao tốc. 

Mục tiêu nhằm kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực...

Bộ GTVT yêu cầu lập dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án Thăng Long tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Thời gian thực hiện trong năm 2023 - 2024.

Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2km thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Ninh Bình và Nam Định (kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45). Cao tốc này là 1 trong 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dự án do Sở Giao thông vận tải Ninh Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 5.200 tỉ đồng, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2022 với quy mô 4 làn xe hạn chế (mỗi làn rộng 3,5m), nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 16m, chỉ bố trí các vệt dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Dự án đã giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe để phục vụ thi công trong giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh; có 3 trong 7 cầu đã đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô 6 làn xe rộng 32,75m.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, tháng 8/2023, Sở GTVT Ninh Bình đã đề xuất Bộ GTVT, UBND tỉnh Ninh Bình đầu tư mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn từ 4 làn xe hạn chế lên 6 làn xe.

Sở GTVT Ninh Bình cho rằng, sau khi đưa vào khai thác, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn với 4 làn xe hạn chế đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xảy ra tắc nghẽn vào dịp lễ, tết, mùa du lịch nên cần sớm đầu tư mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, giảm ách tắc.

Theo đề xuất của Sở này, sẽ mở rộng thêm 15,75m nền đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn để đảm bảo quy mô nền đường rộng 32,75m, mặt đường rộng 22,5m (mỗi làn xe rộng 3,75m thay vì 3,5m như hiện nay), có làn dừng xe khẩn cấp liên tục rộng 3m; mở rộng 4 cầu Cao Bồ, Cẩm, vượt quốc lộ 10, Quán Vinh từ 16m lên 32,75m đảm bảo 6 làn xe.

Tổng mức đầu tư để mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn từ 4 làn xe lên 6 làn xe hoàn chỉnh là 2.076 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này không có chi phí giải phóng mặt bằng vì dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đã giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe.

Nợ xấu bất động sản vẫn ngày càng gia tăng

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, từ đầu năm đến nay, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, lên tới trên 21%.

Thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn trước mắt, nhưng điều này không có nghĩa không có triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Gia An
Thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn trước mắt, nhưng điều này không có nghĩa không có triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng. Ảnh: Gia An

Tín dụng bất động sản tăng trong bối cảnh các chủ đầu tư đang "đói vốn" là đáng mừng. Điều này còn cho thấy, sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc gỡ khó cho thị trường bất động sản thời gian qua từng bước có hiệu quả.

Tuy nhiên, dòng tiền mới vào thị trường bất động sản gần đây tăng không có nghĩa sẽ sinh lợi ngay, nên các khoản dư nợ tín dụng cũ thanh khoản vẫn chậm.

Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 9 năm nay, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tăng trên 6,04% so với thời điểm 31/12/2022.

Đáng lưu ý, dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36%; 64% còn lại tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng.

Trong khi đó, theo số liệu cập nhật gần nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng - tăng 5% so với cùng kỳ.

Ở một diễn biến khác, theo Bộ Xây dựng, giao dịch bất động sản tiếp tục sụt giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch bất động sản giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường bất động sản để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, nếu không nợ xấu bất động sản sẽ gia tăng.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho hay, so sánh với năm 2017 là “đỉnh” của thị trường cho thấy, thị trường bất động sản TP.HCM kể từ sau năm 2017 đã liên tục bị sụt giảm nguồn cung và kể từ năm 2020 còn bị “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục cho đến nay.

Trong một văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hôm 19/11/2023, HoREA đề nghị, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng để thực hiện Luật Nhà ở dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và để thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.

Hiệp hội còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong một thời gian nhất định cho đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường, để tăng khả năng “chống chịu” cho doanh nghiệp và có thêm cơ hội tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.

Thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn trước mắt, nhưng điều này không có nghĩa không có triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, những động thái vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương trong thời gian qua chính là những chỉ dấu tốt cho sự hồi phục của thị trường bất động sản. Và mỗi khi thị trường được khơi thông trở lại, chắc chắn nợ xấu bất động sản sẽ giảm, vì khi có dòng tiền mạnh, doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại những khoản vay trước đó.

Nhiều khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội được rao bán hàng chục triệu/m2, đắt ngang ngửa chung cư

Theo chuyên gia, vị trí chính là yếu tố cốt lõi khiến nhà tập thể cũ ở nội đô dù chất lượng xuống cấp, song giá vẫn neo cao.

Nhiều khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội được rao bán hàng chục triệu/m2, đắt ngang ngửa chung cư
Một khu tập thể cũ ở Hà Nội (Ảnh: Hạ Vũ).

Tại một số quận nội thành ở Thủ đô, hiện các căn nhà thuộc các khu tập thể cũ dù chất lượng xuống cấp, diện tích chật hẹp, song giá thành vẫn đắt đỏ ngang chung cư cao cấp.

Theo khảo sát của người viết, tại quận Cầu Giấy, giá tập thể cũ hiện dao động 18 - 38 triệu đồng/m2, tập trung chủ yếu ở khu vực các phường Nghĩa Tân, Nghĩa Đô hay Mai Dịch.

Tại quận Đống Đa, giá nhà tập thể được rao bán nhiều trong khoảng 22 - 65 triệu đồng/m2. Trong đó, giá nhà tại một số nơi tập trung nhiều khu tập thể cũ như phường Trung Tự dao động 28,5 - 36,5 triệu đồng/m2; phường Kim Liên khoảng 21 - 63 triệu đồng/m2; phường Láng Hạ khoảng 23,2 - 53,3 triệu đồng/m2; phường Phương Mai khoảng 28 - 45 triệu đồng/m2.

Ở quận Hai Bà Trưng, nhà tập thể cũ có phổ giá khoảng 22 - 63 triệu đồng/m2. Trong đó, giá căn hộ tập thể ở phường Bạch Mai khoảng 27,5 - 59 triệu đồng/m2; phường Bách Khoa khoảng 25,8 - 29 triệu đồng/m2.

So với các quận trung tâm trên, quận Thanh Xuân có khá nhiều khu tập thể lâu đời, phân bố rải rác ở nhiều phường như Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung, Thượng Đình,...

Batdongsan.com.vn từng nhận định, do có lịch sử lâu đời mà hiện hạ tầng tại các địa bàn trên đã phần nào xuống cấp, đường phố chật hẹp, đông đúc. Song bù lại, người dân sinh sống ở đây được thừa hưởng đầy đủ các tiện ích như trường học, công viên, bệnh viện, chợ, quán xá…

Theo dữ liệu của đơn vị này, giá nhà tập thể cũ tại quận Thanh Xuân hiện dao động 23 - 40 triệu đồng/m2, tùy tình trạng chất lượng, vị trí và diện tích mà có sự chênh lệch. Hầu hết các căn hộ có diện tích khá nhỏ, từ 40 - 50m2 và được cơi nới lên 60 - 70m2.

Trong khi đó, theo báo cáo thị trường bất động sản quý III của Bộ Xây dựng, đối với phân khúc chung cư tại Hà Nội, căn hộ bình dân có giá 25 - 35 triệu đồng/m2, căn hộ trung cấp giá khoảng 30 - 50 triệu đồng/m2, căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu đồng/m2.

Có thể thấy, mặt bằng giá nhà tập thể cũ nội đô hiện nay không hề rẻ, một số căn nhà tập thể cũ ở các quận nội thành còn được rao bán với mức giá ngang ngửa chung cư cao cấp trên thị trường.

Nhiều khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội được rao bán hàng chục triệu/m2, đắt ngang ngửa chung cư
Một góc khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Ảnh: Di Anh).

Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, vị trí bất động sản chính là yếu tố quyết định khiến giá nhà tập thể cũ nội đô neo cao như hiện nay

“Nhà tập thể cũ nội đô thường tọa lạc ở những khu vực có vị trí tốt, rất thuận tiện cho việc sinh sống của người dân. Nhất là với những gia đình trẻ, hầu như các thành viên đều đi làm, đi học cả ngày và chỉ quay về nhà vào buổi tối để nghỉ ngơi, như vậy là đủ để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu của họ.

Điều này sẽ khác với những người làm freelancer, làm việc online,... có thời gian ở nhà gần như cả ngày. Những người này sẽ có nhu cầu sinh sống ở các tòa nhà có nhiều dịch vụ, tiện ích tốt hơn.

Do đó, vị trí bất động sản đôi khi còn quan trọng hơn rất nhiều so với những yếu tố khác. Không phải ngẫu nhiên mà kể cả những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường cũng đều quan tâm nhiều tới yếu tố vị trí”, ông Quốc Anh cho hay.

Bên cạnh yếu tố vị trí thì việc giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt cũng là một điểm cộng của loại hình nhà ở này đối với người mua.

Theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, một trong những ưu điểm lớn nhất của nhà tập thể cũ là việc người mua gần như không phải chịu các khoản phí dịch vụ, phí bảo trì như ở chung cư, từ đó giúp tiết kiệm một khoản phí sinh hoạt hàng tháng. Nếu mua được căn hộ tập thể đã qua sửa sang, người mua cũng không phải dành ra quá nhiều tiền để cải tạo hay mua sắm nội thất.

Đồng thời, nhà tập thể được Nhà nước phê duyệt và đầu tư ngân sách, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước nên trong trường hợp bị thu hồi đất thì người mua sẽ được đền bù tương xứng.

Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình nhà ở này là thường được thiết kế từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, không gian nhỏ hẹp, trần thấp, không thông thoáng. Chủ sở hữu nhà cũng có thể gặp khó khăn trong trường hợp muốn cải tạo lại ngôi nhà vì công trình xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Nếu quá tình cải tạo không tính toán kỹ lưỡng có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của cả tòa nhà.

Ngoài ra, không giống như chung cư, nhà tập thể cũ thường thiếu những tiện ích như chỗ gửi xe, không có thang máy, không có bảo vệ, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy… nên tiềm ẩn rủi ro về an toàn, an ninh.

Bắc Giang: Sắp triển khai một dự án bất động sản tại Tân Yên

Cho đến nay, doanh nghiệp này đã và đang phát triển khoảng 24 dự án với quỹ đất cả nghìn ha, chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía bắc như Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh,...

Công ty CP Tập đoàn Sơn Phúc vừa lập một báo cáo liên quan đến dự án Khu dân cư thôn Vàng tại xã Cao Xá và thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Dự án này được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 6/2021, đến tháng 10 cùng năm được duyệt chủ trương đầu tư. Tháng 4/2022, Tập đoàn Sơn Phúc được phê duyệt là chủ đầu tư.

Khu dân cư Vàng, xã Cao Xá có diện tích 14,1 ha, xung quanh tiếp giáp với đất nông nghiệp và khu dân cư hiện hữu. Phía bắc của dự án này tiếp giáp đường quy hoạch khu thể thao của huyện Tân Yên mở rộng; phía đông giáp trục ĐT.298; phía tây giáp tuyến đường phân khu theo quy hoạch.

Vị trí này cách trung tâm huyện Tân Yên khoảng 1,2 km về phía đông; phía nam giáp khu dân cư hiện hữu thị trấn Cao Thượng và xã Cao Xá; xung quanh còn có một số khu sản xuất công nghiệp tập trung.

Bắc Giang: Sắp triển khai một dự án BĐS tại Tân Yên, chủ đầu tư đang sở hữu quỹ đất cả nghìn ha ở các tỉnh phía bắc
Vị trí dự án nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án chưa giải phóng mặt bằng, chủ yếu là đất nông nghiệp giao cho các hộ dân canh tác (11,8 ha); đất kênh mương, thuỷ lợi, đất nghĩa địa và đất đường giao thông do nhà nước quản lý. Ngoài ra, còn có một phần nhỏ đất ở nông thôn hiện trạng giao cho các hộ dân sử dụng lâu dài (1.253 m2).

Khu vực dự án có tuyến giao thông đối ngoại là ĐT.298 đi qua với mặt cắt ngang rộng 6 - 8 m, theo quy hoạch sẽ được mở rộng lên thành 25 m, tốc độ thiết kế 60 - 80 km/h. Đường nội bộ khu vực có chất lượng khá tốt, rộng trung bình 5 - 7 m và kết nối với ĐT.298.

Khu vực lập quy hoạch chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, nước mưa tự thẩm thấu và thoát theo địa hình tự nhiên. Tại đây cũng chưa có hệ thống thoát nước thải, chưa có hệ thống thông tin liên lạc.

Bắc Giang: Sắp triển khai một dự án BĐS tại Tân Yên, chủ đầu tư đang sở hữu quỹ đất cả nghìn ha ở các tỉnh phía bắc
Vị trí dự án Vàng Cao Xá nhìn trên bản đồ. (Ảnh: Sơn Phúc).

Về quy mô, giai đoạn đầu tư dự án sẽ bố trí khoảng 3,9 ha đất để xây dựng các công trình liền kề, biệt thự; dành 2,1 ha xây các công trình công cộng; 2.290 m2 đất thương mại dịch vụ; 6,3 ha đất giao thông và 1,7 ha đất hạ tầng kỹ thuật. Quy mô dân số khoảng 1.300 người.

Nhìn chung, toàn dự án sẽ có tổng cộng 314 sản phẩm bất động sản, bao gồm 304 lô đất liền kề và 10 lô đất xây nhà ở biệt thự.

Theo quy hoạch được phê duyệt, các công trình nhà ở chia lô sẽ có mật độ xây dựng 100% đối với các lô có diện tích không quá 90 m2; mật độ xây dựng 80% đối với các lô 100 - 120 m2; mật độ xây dựng 78% đối với các lô 120 m2 trở lên. Chiều cao tối đa 4 tầng.

Khu biệt thự - nhà vườn sinh thái có mật độ xây dựng 62% đối với các lô có diện tích không quá 280 m2; mật độ xây dựng 54% đối với các lô có diện tích 350 m2 trở lên. Công trình nhà ở thương mại dịch vụ sẽ có mật độ xây dựng tối đa 80%, cao tối đa 5 tầng.

Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng 4 bãi đỗ xe tĩnh phục vụ cho từng cụm dân cư với diện tích khoảng 5.604 m2. Ngoài ra, xây dựng các tuyến đường cấp khu vực và nội bộ với mặt cắt ngang khoảng 20 - 34,5 m.

Về tiến độ, khu dân cư Vàng Cao Xá dự kiến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2024 - quý II/2026, từ quý IV/2026 kết thúc đầu tư xây dựng và bàn giao kỹ thuật. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là gần 189 tỷ đồng (chưa gồm tiền thuế sử dụng đất, thuê đất), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 42 tỷ đồng.

Sắp có thêm đại đô thị kết hợp sân golf rộng 536ha ở Quảng Ninh

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị trung tâm, khu đô thị dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp sân golf và khu dân cư tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên.

Khu vực lập quy hoạch là một phần diện tích của Khu C (gồm C1-2, C3-3, C3-4, C3-5, C3-6) trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Tiên Yên mở rộng; huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040. Diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 536 ha. 

Ranh giới quy hoạch được giới hạn bởi phía Đông giáp đất nuôi trồng thuỷ sản và rừng sản xuất; phía Tây giáp rừng sản xuất và đất nông nghiệp; phía Nam giáp đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; phía Bắc giáp tuyến kênh hiện trạng và Quốc lộ 18A.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Khu vực quy hoạch có tính chất là trung tâm hành chính của xã Đông Hải; là khu đô thị dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp sân golf; là khu dân cư kết hơp với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao; phát triển đô thị theo hướng xanh, giàu bản sắc, văn minh, hài hoà và bền vững, đảm bảo cân bằng sinh thái. Đồng thời là khu đô thị hiện trạng cải tạo, mở rộng kết hợp khu ở mới. Quy mô dân số dự kiến khoảng 9.850 người.

Tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 22 sân golf, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, có ba sân đã đi vào hoạt động, gồm sân golf Vĩnh Thuận (TP Móng Cái), sân golf FLC và sân golf Tuần Châu (TP Hạ Long). Hai sân đang được xây dựng và một sân đang trong thời gian lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, 16 sân trong giai đoạn mời nhà đầu tư nghiên cứu, chưa triển khai.

Đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ khởi công 5 sân golf, trong đó có sân An Biên tại xã Lê Lợi, TP Hạ Long và sân Uông Bí tại phường Phương Đông, TP Uông Bí.

Đồng Nai: Thành lập Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng sân bay Biên Hòa

Ngày 22/11, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng Cảng hàng không Biên Hòa (gọi tắt là sân bay Biên Hòa).

Theo quyết định, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện thủ tục đầu tư sân bay Biên Hòa.

Yêu cầu đặt ra là đảm bảo đầu tư có hiệu quả, đồng bộ và đúng tiến độ, bao gồm thủ tục giao đất quốc phòng; điều chỉnh cấp quy hoạch; đề xuất các phương án giao thông kết nối và các khu phụ trợ; cập nhật vào quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và các thủ tục khác để đầu tư xây dựng sân bay Biên Hòa.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai về việc đầu tư sân bay Biên Hòa; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 2 sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) được quy hoạch khai thác lưỡng dụng.

tm-img-alt
UBND tỉnh Đồng Nai vừa thành lập Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng Cảng hàng không Biên Hòa (sân bay Biên Hòa) thành sân bay lưỡng dụng. (Ảnh: Internet)

Sau khi quy hoạch trên được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều phần việc để đầu tư xây dựng sân bay Biên Hòa, làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 370, trung đoàn 935 (đóng tại sân bay Biên Hòa) để xác định ranh giới, diện tích, hiện trạng khu đất để bàn giao cho địa phương nhằm nghiên cứu nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng, kiến nghị Chính phủ chấp thuận giao cho Đồng Nai thực hiện đầu tư dự án sân bay Biên Hòa.

Trước đó, tháng 6/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, sân bay Biên Hòa và sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) được quy hoạch khai thác lưỡng dụng.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 22/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...