Thứ bảy, 27/04/2024 19:56 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/1/2024

MTĐT -  Thứ năm, 04/01/2024 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/1/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Đề xuất mức phí đường bộ tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Theo đó, mức 25.000 đồng/vé/lượt áp dụng cho các loại xe ô tô dưới 12 chỗ; xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe vận tải khách công cộng (xe buýt).

4 nhóm phương tiện chở khách, chở hàng hóa có số chỗ ngồi, tải trọng, kích thước lớn hơn, mức giá qua trạm được áp từ 35.000-120.000 đồng/vé/lượt.

Mức giá trên được đề xuất cho 3 năm đầu sau khi dự án hoàn thành giai đoạn 1. Đây cũng là mức giá khởi điểm phù hợp với các nội dung UBND tỉnh Lào Cai và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thống nhất trong Hợp đồng dự án, cũng như trong phương án tài chính được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt.

Dự kiến mức giá sẽ điều chỉnh 3 năm một lần và tỷ lệ tăng như quy định của Hợp đồng dự án; đồng thời không vượt quá mức giá tối đa do UBND tỉnh Lào Cai ban hành.

Mức giá nói trên đã bao gồm 10% thuế VAT. Trong giai đoạn hiện nay đến hết 30/6/2024, thuế VAT được áp dụng chính sách giảm 2% theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, với mức thuế ưu đãi 8%, giá vé áp dụng cho các xe ô tô dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng còn 24.000 đồng/lượt.

tm-img-alt
Đề xuất thu phí tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa từ 25.000 -120.000 đồng. (Ảnh: Internet)

Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa vận hành chính thức từ ngày 22/9/2023. Tuyến đường này nổi tiếng với cây cầu Móng Sến, được xem là cầu cạn cao nhất Việt Nam, cắt qua khúc cua ba tầng hiểm trở trên QL 4D, góp phần giảm tải áp lực giao thông, tiết kiệm thời gian di chuyển cho các phương tiện.

Tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa được vận hành chính thức từ ngày 22/9/2023 - đúng dịp kỷ niệm 65 năm Bác Hồ lên thăm Lào Cai và 120 năm du lịch Sa Pa.

Hà Nội: Các dự án giao thông lớn dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024

Đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện đến năm 2025.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 19km, điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao với Tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín; điểm cuối tuyến tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân-cầu Giẽ ra đường gom dân sinh của nút Đại Xuyên và đoạn đấu nối vào nút giao Đại Xuyên, trong đó có 1 cầu vượt trực thông qua đường cao tốc với 3 nhánh tuyến dài khoảng 2,2km.

Dự án nhằm đầu tư xây dựng tuyến đường gom phía Đông đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối đồng bộ hệ thống đường giao thông trong khu vực với đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, phục vụ phát triển các khu, cụm và điểm công nghiệp phù hợp định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với quy hoạch chung của các huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên, đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Đồng thời, dự án góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, tạo ra tuyến đường giao thông có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh; giảm ùn tắc giao thông và tạo mỹ quan đô thị cho huyện Phú Xuyên, huyện Thường Tín.

Cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu chi gần 8.300 tỷ đồng

Cầu Thượng Cát bắc qua sông Hồng được Hà Nội xây dựng trên tuyến đường 3,5 nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh có chiều dài 820m, rộng 33m, thiết kế 8 làn xe.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2024 đến 2027.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội được giao là chủ đầu tư.

Cầu Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch GTVT Hà Nội được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2030.

UBND TP Hà Nội đánh giá đây là dự án giao thông quan trọng, đầu tư để khớp nối, thống tuyến vành đai 3,5 và nằm trong danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra QL32

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn quý I/2024 - quý IV/2027. Trong quá trình thi công bố trí 2 đội thi công: trong đó 1 đội thi công đường theo kiểu cuốn chiếu gồm 35 người; 1 đội thi công cầu 35 người.

Dự kiến trong quý I/2024 dự án sẽ sẽ phát quang và giải phóng măt bằng; quý II/2024 - quý IV/2025 dự án sẽ thi công tuyến đường nối từ QL.32 đến đê Ngọc Tảo; quý I/2026 - quý IV/2026 sẽ làm Cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc; quý I/2027 - quý III/2027 sẽ thi công Cầu Vân Phúc qua sông Hồng; quý IV/2027 sẽ nghiệm thu công trình và đi vào vận hành.

Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính là 112 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 2.507 tỷ đồng; chi phí dự phòng chiếm 449 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 376 tỷ đồng.

Việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cầu Vân Phúc là 1 trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Đường nối Mỹ Đình-Bái Đính đoạn từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn - Tam Chúc

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố để thi công khoảng 13km, trong tổng số chiều dài hơn 92km tuyến đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình).

Theo HĐND TP Hà Nội đây là dự án thuộc nhóm A, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thời gian thực hiện đến 2025.

Thành phố sẽ xây dựng 4 nút giao gồm: Nút giao với đường trục phía Nam (vị trí đầu tuyến); nút giao với quốc lộ 21B; nút giao với đường liên xã Hương Sơn; nút giao với đường Hương Sơn - Tam Chúc. Trên tuyến sẽ xây dựng cầu vượt sông Đáy và sông Châu Giang. Chủ đầu tư dự án là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố.

Phát triển đô thị Thái Bình theo hướng xanh, bền vững

Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

 Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức trở thành nhân tố nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ với phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

tm-img-alt
Đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. 

Đến năm 2050 Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng. Giá trị truyền thống và văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất tinh thần của người dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát triển hệ thống đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, hiện trạng và không gian kinh tế, xã hội của tỉnh; hệ thống đô thị trở thành động lực và hỗ trợ phát triển toàn diện công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị xanh, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại, được quản lý theo mô hình đô thị thông minh. Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo mô hình đô thị đa cực gồm đô thị trung tâm và các đô thị tiểu vùng.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 35% trở lên; hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình có 25 đô thị gồm 01 đô thị loại I; 01 đô thị loại III; 05 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V.

Phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình được định hình theo cấu trúc dựa trên bộ khung: Một trung tâm là thành phố Thái Bình; một hành lang kinh tế phía Đông (với hai trung tâm là đô thị Tiền Hải và đô thị Thái Thụy đóng vai trò đô thị đối trọng với thành phố Thái Bình) kết nối trục Đông Bắc - Tây Nam; một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận: tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam và hướng về thành phố Hà Nội và một hành lang Đông Bắc - Tây Nam kết nối từ các tỉnh phía Bắc Trung bộ về thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.

Không gian hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình tổ chức thành bốn khu vực chính:

(1) Không gian kinh tế - xã hội khu vực trung tâm (khu vực thành phố Thái Bình và phụ cận) phát triển các hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ, đầu mối trong liên kết các dịch vụ với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả nước. Bố trí các chức năng phát triển theo hướng thông minh, hiện đại, hội nhập bắt kịp xu thế phát triển mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thu hút các hoạt động kinh tế đô thị, thương mại, dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo.

(2) Không gian kinh tế - xã hội ven biển (gồm 2 huyện Tiền Hải và Thái Thuỵ) kết nối với các tỉnh ven biển Vùng đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình) phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội không gian ven biển chịu tác động lan tỏa của các hoạt động kinh tế biển Hải Phòng với các kết nối về giao thông, phát triển logistics, cảng biển, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Không gian phía Bắc khu vực ven biển ưu tiên đón đầu các hoạt động lan tỏa về phát triển công nghiệp từ Hải Phòng. Không gian trung tâm khu vực ven biển gắn kết chặt chẽ với đô thị trung tâm là thành phố Thái Bình tập trung phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ mới, tiên tiến, hiện đại, bắt kịp xu thế phát triển mới, tạo năng lực cạnh tranh cho tỉnh. Thu hút các hoạt động công nghiệp - dịch vụ hiện đại, tiên tiến gắn với hoạt động kinh tế biển như cảng biển, năng lượng tái tạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

(3) Không gian kinh tế - xã hội khu vực ngoại biên (gồm huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc huyện Đông Hưng) chịu ảnh hưởng lan tỏa từ các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp, dịch vụ từ vùng thủ đô Hà Nội; tập trung phát triển các loại hình chức năng có liên kết chặt chẽ với các địa bàn liền kề (tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam...); xây dựng chuỗi các đô thị - công nghiệp gắn các hành lang giao thông và vành đai vùng Thủ đô Hà Nội. Thu hút các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

(4) Không gian kinh tế - xã hội phía Nam (gồm phần lớn huyện Kiến Xương và phía Nam huyện Vũ Thư) tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa và tiếp nhận sự kết nối lan tỏa mở rộng không gian kinh tế về phía tỉnh Nam Định thông qua tuyến đường bộ ven biển và một số tuyến đường khác sắp được xây dựng.

Liên kết không gian hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua 03 hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông; Hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam và Hành lang kinh tế Tây Bắc gắn với đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô.

Thái Bình phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá của tỉnh như: năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Tiếp tục duy trì các ngành công nghiệp nhẹ, tạo nhiều việc làm, đảm bảo an sinh xã hội như dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp...

Tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình. Ổn định vận hành có hiệu quả 2 Nhà máy nhiệt điện hiện có, song song với việc tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế nhiên liệu than.

Nông nghiệp vẫn xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng.

Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao...

Bộ GTVT phản hồi đề xuất lập quy hoạch cho tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái

Bộ GTVT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái với chiều dài khoảng 150km được hoạch định tiến độ đầu tư sau năm 2030.

Về nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, theo Bộ GTVT năm 2023, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đang nghiên cứu xem xét cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng.

“Trong trường hợp được phía Trung Quốc chấp thuận hỗ trợ, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật phía Trung Quốc trong quá trình thực hiện”, Bộ GTVT nêu rõ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Bộ GTVT về việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái.

Tại công văn này, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Móng Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như để quản lý quỹ đất theo quy hoạch tuyến được phê duyệt.

Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt.

Tuyến thứ nhất là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài 129 km, khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.

Tuyến thứ hai là Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến là 101 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Tuyến thứ hai là Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến là 150 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại TP. Hạ Long).

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt cảng Phòng Thành đến TP. Đông Hưng sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.

“Do vậy, việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hoá và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.

Thực hiện chuyển đổi trên 73ha đất rừng để làm đường giao thông, thủy lợi

Tin trên VOV, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ngành chức năng kiểm tra, rà soát để đảm bảo thống nhất về số liệu, vị trí giữa hồ sơ và thực địa; về hiện trạng rừng và loại rừng. Cùng với đó xây dựng hồ sơ, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hồ sơ trồng rừng thay thế và tận dụng lâm sản trên diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác.

tm-img-alt
Một đoạn đất rừng được chuyển đổi để thực hiện Dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đi huyện KBang, tỉnh Gia Lai.

UBND tỉnh Kon Tum cũng lưu ý các sở, ngành chức năng chỉ tham mưu cấp thẩm quyền xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan; có phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo công khai minh bạch; việc thực hiện dự án không làm thất thoát tài sản của nhà nước, không để xảy ra khiếu kiện, ảnh hưởng đến dư luận, an ninh trật tự và đời sống của nhân dân.

Trước đó, vào tháng 11/2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký văn bản số 1073 và 1079 đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với trên 73ha đất rừng thuộc ba dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Cụ thể gần 59ha đất rừng tại huyện Kon Plông để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; trên 13ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại huyện Kon Rẫy để thực hiện Dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đi huyện KBang, tỉnh Gia Lai và gần 1ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại huyện Tu Mơ Rông để thực hiện Dự án Cụm hồ Đắk Rô Gia- Ia Tun.

Chính phủ cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Kon Tum thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng.

Bổ sung hơn 966 tỉ đồng bồi thường đất dự án sân bay Long Thành

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về việc giao kế hoạch vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; giao dự toán, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, TTXVN đưa tin.

Theo đó, Chính phủ giao bổ sung 966,749 tỉ đồng từ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho UBND tỉnh Đồng Nai. Vốn này để thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

tm-img-alt
Công trường thi công của dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Minh Hoàng

Trong quyết định này, Chính phủ cũng giao 273 tỉ đồng của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cho UBND tỉnh Ninh Thuận. Số vốn này để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng, hướng đến ổn định đời sống người dân xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Chính phủ giao 3.307 tỉ đồng dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đã đủ thủ tục đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, bổ sung hơn 1.229 tỉ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giao thông vận tải.

Ngoài ra, Chính phủ điều chỉnh giảm hơn 4.448 tỉ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Số tiền này dùng để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận và Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn.

Đồng thời, giảm hơn 33 tỉ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hòa Bình để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Quốc hội.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 4/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề