Thứ hai, 29/04/2024 18:49 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/4/2023

MTĐT -  Thứ tư, 12/04/2023 16:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/4/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 12/4/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Cục Đường bộ kiến nghị giải pháp gỡ khó thu phí ETC tại các sân bay

Theo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ, về mặt kỹ thuật, thu phí điện tử không dừng sử dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến - RFID hoàn toàn có thể áp dụng và vận hành cùng với các giải pháp thu phí mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đang triển khai.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý việc triển khai thu phí không dừng tại các sân bay đang gặp vướng mắc do quy định về tài khoản thu phí tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ GTVT về quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ và một số điều khoản tại Hợp đồng Dự án BOO.

Những chế tài nêu trên quy định: tài khoản thu phí (hay còn gọi là tài khoản giao thông) chỉ được sử dụng để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Được biết, ngoài việc cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không, các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOO đề nghị chấp thuận việc triển khai thu phí điện tử cho các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, phí ra vào cảng biển.

Việc triển khai mở rộng dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường, phí ra vào cảng hàng không, cảng biển góp phần tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí dừng đỗ xe đón trả khách, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực ra vào các sân bay, cảng biển, ... tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.

Tuy nhiên, do vướng mắc về tài khoản thu phí nêu trên, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các bên liên quan chưa thể triển khai thực hiện.

Để tháo gỡ nút thắt nói trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho các nhà cung cấp dịch vụ thu phí được phép triển khai mở rộng thêm dịch vụ theo quy định tại khoản 11 Điều 26 Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; cho phép thí điểm sử dụng tài khoản thu phí để thanh toán phí ra vào các cảng hàng không, cảng biển và các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe lòng đường.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao các cơ quan tham mưu nghiên cứu việc bổ sung, điều chỉnh (hoặc thay thế nếu cần thiết) Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 và ký kết phụ lục hợp đồng dự án để bảo đảm tính pháp lý cho việc triển khai mở rộng dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Loạt khu đô thị, chung cư vào 'tầm ngắm' thanh tra về môi trường

UBND TP Hà Nội mới đây có quyết định phê duyệt kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo kế hoạch này, sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn đối với 392 đơn vị, tổ chức.

Loạt khu đô thị, chung cư vào 'tầm ngắm' thanh tra về môi trường - Ảnh 1.
Khu đô thị Parkcity Hanoi (quận Hà Đông) của Công ty CP phát triển đô thị quốc tế Việt Nam nằm trong danh sách kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, trong đó có hàng loạt dự án khu đô thị , khu chung cư lớn. Có thể kể đến như: Khu đô thị Parkcity Hanoi và trạm xử lý nước thải Parkcity (quận Hà Đông) của Công ty CP phát triển đô thị quốc tế Việt Nam; Khu đô thị mới Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng) của Công ty TNHH Xuân Phương; Khu chức năng đô thị thành phố xanh của Công ty đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng tại phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); Dự án liền kề Hibrand Văn Phú thuộc khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) của Công ty TNHH Hibrand Việt Nam;

Chung cư The Emerald Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP Đầu tư BĐS Mỹ Đình; Dự án chung cư Tecco Garden (huyện Thanh Trì) của Tecco Group chi nhánh Hà Nội; Nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp – Thanh Trì của Công ty CP Đầu tư xây dựng cơ điện IEC; Tổ hợp khu thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ Imperial Plaza tại 360 Giải Phóng (quận Thanh Xuân) của Công ty CP Tập đoàn ĐT và TM Thăng Long; dự án Mipec Rubik 360 tại Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) của Công ty CPTM và DV Xuân Thủy;

Chung cư Ires Garden tại 30 Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP đầu tư xây dựng Nhuệ Giang; Chung cư BID Residence đường Tố Hữu (quận Hà Đông) của Công ty CP BID Group; Chung cư Seasons Avenue tại khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) của Capital Hoàng Thành; Chung cư Intracom Riverside (huyện Đông Anh) của Công ty phát triển hạ tầng và xây dựng công trình giao thông Intracom; Tổ hợp chung cư Sky Park Residence của Tổng Công ty xây dựng Thanh Hóa tại số 3 Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy);

Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại THT New City của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thuộc khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức); Dự án Mipec Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP Hóa dầu Quân đội Mipec; Dự án Roman Plaza đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP đầu tư Hải Phát; Chung cư Xuân Mai Complex tại khu đô thị mới Dương Nội của Công ty CP đầu tư và xây dựng Xuân Mai;….

Hải Dương: Thu hồi giấy phép hoạt động của 5 đơn vị vận tải

Theo đó, 5 đơn vị thuộc diện bị thu hồi giấy phép, đồng thời dừng toàn bộ hoạt động vận tải gồm: Công ty CP sản xuất và thương mại Q&T Việt Nam, Công ty TNHH MTV ô tô Hùng Anh, Công ty CP vận tải HA, Công ty CP dịch vụ thương mại vận tải Hưng Phát và Công ty TNHH vận tải Hoàng Tiến.

Các đơn vị trên có trách nhiệm nộp về Sở GTVT Hải Dương giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu xe kinh doanh vận tải của phương tiện đã được cấp; đồng thời dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về lý do thu hồi giấy phép, theo Sở GTVT Hải Dương, qua công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn, phát hiện 4 đơn vị đã dừng hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu vận tải phương tiện nên phải thu hồi giấy phép; 1 trường hợp đề nghị dừng kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Các đơn vị trên chủ yếu kinh doanh dịch vụ vận tải về hàng hóa bằng xe ô tô và thời hạn giấy phép còn khá dài. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định số 10/2020 của Chính phủ, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn một trong các trường hợp: Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;

Không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục; Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải; Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu.

Hải Phòng: Quận Lê Chân cưỡng chế công trình ‘mọc’ trái phép bãi ngoài đê tả Lạch Tray

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng, chiều ngày 10/4, UBND quận Lê Chân đã tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng vi phạm trên đất bãi bồi ven sông Lạch Tray chưa được các hộ dân tự tháo dỡ, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan quản lý chặt chẽ không để phát sinh vi phạm trong khu vực đê ven sông Lạch Tray thuộc địa bàn quản lý.

tm-img-alt
Một công trình xây dựng vi phạm trên đất bãi bồi ven sông Lạch Tray bị cưỡng chế chiều ngày 10/4/2023

Trước đó, ngày 4/4/2023, Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải bài viết “Hải Phòng: Vì sao đê tả Lạch Tray ‘kêu’ nhiều năm nhưng không được ‘cứu’?” (https://www.moitruongvadothi.vn/hai-phong-vi-sao-de-ta-lach-tray-keu-nhieu-nam-nhung-khong-duoc-cuu-a127558.html). Nội dung phản ánh, gần 10 năm nay đê tả Lạch Tray ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân liên tục ‘kêu cứu’ do phải oằn mình gánh chịu các hoạt động xây dựng trái phép, phá vỡ kết cấu đất gây ảnh hưởng đến môi trường, mất mỹ quan đô thị nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Để giải quyết thực trạng trên, suốt từ năm 2016 đến nay, nhiều Sở, ngành liên quan của TP Hải Phòng đã ra nhiều văn bản báo cáo, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo giải quyết dứt điểm sự việc.

Gần đây nhất, ngày 7/3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng ban hành Văn bản số 670/SNN-TL gửi UBND TP Hải Phòng, chính quyền quận Lê Chân khẩn trương kiểm tra có biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và quy định đối với các hoạt động vi phạm xây dựng trên bãi sông ngoài đê tả Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm.

Thái Bình mời đầu tư khu đô thị gần 8.000 tỷ đồng

Địa điểm thực hiện dự án thuộc xã Tân Bình và phường Tiền Phong, TP Thái Bình với ranh giới như sau: Phía Bắc giáp tuyến tránh S1, phía Nam giáp đất dân cư hiện có, phía Đông giáp đường Trần Quang Khải, phía Tây giáp sông Bạch và nghĩa trang phường Tiền Phong.

Dự án có diện tích 125,4 ha, quy mô dân số khoảng 11.480 người, mật độ xây dựng toàn khu là 26%. Về số lượng các loại nhà ở, đối với công trình thấp tầng có 1.543 căn, bao gồm: 245 căn biệt thự, 1.298 căn nhà ở liền kề. Ngoài ra, còn công trình chung cư nhà ở xã hội diện tích 5,1 ha, cao 5 tầng; nhà ở tại công trình hỗn hợp 21,9 ha, cao 5 tầng, trong đó, từ tầng 3-5 là căn hộ để ở. Dự kiến tổng đầu tư dự án hơn 7.960 tỷ đồng.

Đơn vị này cho biết, kể từ ngày có quyết định giao đất, doanh nghiệp sẽ có 48 tháng để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; 72 tháng xây dựng công trình nhà ở thấp tầng, nhà ở xã hội, nhà ở cao tầng và công trình thương mại dịch vụ; 72 tháng đưa công trình thương mại dịch vụ đi vào hoạt động. Thời gian kinh doanh và hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác, gắn liền với đất cho người mua được kéo dài thêm 18 tháng so tiến độ xây dựng các công trình.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Hạn cuối nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 5/5/2023.

Liên quan đến vấn đề nhà ở tại TP. Thái Bình, thời gian qua dù còn nhiều khó khăn nhưng TP. Thái Bình là một trong những địa phương rất chú trọng rà soát, xây dựng kế hoạch, và tổ chức thực hiện hiệu quả việc phát triển nhà ở. Cụ thể năm 2022 trên địa bàn, các dự án nhà ở được triển khai thực hiện với tiến độ nhanh, nhiều công trình hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng. Tổng số dự án về xây dựng nhà ở năm 2022 trên địa bàn thành phố là 12 dự án, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, xây dựng trên 3007 căn hộ, với diện tích nhà xây dựng gần 200 ngàn m2.

Tháng 3 vừa qua, tỉnh Thái Bình đã phát thông báo tìm chủ cho Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy có tổng diện tích đất theo quy hoạch là 9,4 ha, quy mô dân số khoảng 900 người với 271 căn nhà ở. Dự kiến tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng.

Trước đó, hồi đầu năm nay, tỉnh cũng đã duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư đối với khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động Khu công nghiệp Liên Hà Thái (phân khu 3), thuộc xã Thuỵ Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ. Dự án có tổng diện tích đất lập quy hoạch hơn 112 ha, tổng mức đầu tư dự án gần 2.361 tỷ đồng.

Quảng Trị: Thoả thuận chấm dứt Dự án nhà máy nhiệt điện hơn 55.000 tỷ đồng

Sáng 11/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến với Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị. Tại điểm cầu Thái Lan có Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao, Quyền Tổng Giám đốc EGATi Bundit Umpornsrisupap; các phó chủ tịch phụ trách các lĩnh vực của công ty.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị có công suất 1.200 MW được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đồng ý cho Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan đầu tư tại Văn bản số 6637/VPCP-KTN ngày 12/8/2013. Đây là một trong những dự án động lực của tỉnh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, hiện dự án chưa thể triển khai.

Phó Chủ tịch Điều hành cấp cao, Quyền Tổng Giám đốc EGATi Bundit Umpornsrisupap cho biết, tháng 10/2022 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Năng lượng Việt Nam – Thái Lan lần thứ 2 tổ chức tại Thái Lan, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng Thái Lan đã có cuộc họp song phương về tiến độ Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị do EGATi làm chủ đầu tư.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp với Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi).

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn và các cam kết đạt giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Chính phủ 2 nước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Lan đã xác nhận dừng phát triển dự án và sẽ sớm có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương Việt Nam và tỉnh Quảng Trị.

Đặt vấn đề tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị EGATi sớm thống nhất các giải pháp tháo gỡ nhằm tránh thiệt hại cho phía chủ đầu tư và địa phương. Đồng thời, sớm có biên bản xác nhận giữa 2 bên về những nội dung công việc mà Quảng Trị đã triển khai thực hiện như, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư… trước khi EGATi gửi văn bản đến Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương về việc dừng dự án. Ngoài ra, đề nghị EGATi sớm có văn bản thể hiện quan điểm chính thức về việc chấm dứt triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị.

Tiếp nhận những đề xuất của tỉnh Quảng Trị, phía EGATi đồng ý thảo luận để có hướng tháo gỡ trong thời gian tới và tích cực đốc thúc hoàn thiện các thủ tục sớm có văn bản trả lời. Việc dừng dự án là điều không mong muốn, EGATi kỳ vọng thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Quảng Trị để triển khai những dự án khác, mang hiệu quả cho cả 2 bên.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ghi nhận những trao đổi từ EGATi. Tỉnh sẽ có văn bản gửi Bộ Công thương về việc thống nhất chấm dứt triển khai dự án. Đồng thời, đề nghị EGATi sớm có văn bản chính thức phản hồi những đề xuất của tỉnh và mong muốn thời gian tới, tiếp tục nhận được sự hợp tác của công ty trong đầu tư, xây dựng các dự án về năng lượng.

Yêu cầu ngừng hoạt động tàu cao tốc ở bến Bạch Đằng

Đây là điểm các đơn vị tổ chức hoạt động vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy, từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ và đến Vũng Tàu trong thời gian qua.

tm-img-alt
Bến thủy nội địa ở cầu tàu số 2 bến Bạch Đằng ngưng hoạt động từ tháng 4-2023. Ảnh: Internet.

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP dừng hoạt động bến thủy nội địa, tại cầu tàu số 2 Công viên bến Bạch Đằng, Quận 1; Thực hiện di dời không bồi thường, thanh thải công trình liên quan hoạt động bến, tại cầu tàu số 2 khu bến Bạch Đằng; Không neo đậu các phương tiện thủy nội địa tại đây, khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Hiện công ty này đã dừng hoạt động và trả lại 6.000 vé tàu cao tốc cho hành khách.

Việc dừng hoạt động này để TP Hồ Chí Minh nghiên cứu quy hoạch không gian đô thị, kết hợp sắp xếp các bến thủy nội địa khu vực bến Bạch Đằng, từ cầu Khánh Hội đến cầu Ba Son.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 12/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...