Thứ sáu, 03/05/2024 19:15 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2023

MTĐT -  Thứ tư, 13/09/2023 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Phát triển kiến trúc bền vững- Thích ứng với biến đổi khí hậu

Nằm trong khuôn khổ EXPO Kiến trúc 2023, do Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chiều 8/9, Hội thảo chuyên đề “Phát triển kiến trúc bền vững- Thích ứng với biến đổi khí hậu” đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế uy tín.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo.

Vai trò của kiến trúc trong phát triển bền vững

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng), TS.KTS Hồ Chí Quang nhận định: Phát triển bền vững là một yếu tố không thể thiếu trong lĩnh vực kiến trúc.

Những tác phẩm kiến trúc được xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hạ tầng, môi trường sống và công năng sử dụng, mà còn bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh.

Kiến trúc phải tạo ra những thiết kế và công trình thân thiện với môi trường, sử dụng các vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng và phát triển các khu vực xanh, để đảm bảo cuộc sống và tính bền vững của cộng đồng.

Những người sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc có trách nhiệm tìm kiếm và đề xuất những giải pháp sáng tạo, đồng thời đảm bảo rằng các quy định và tiêu chuẩn xây dựng được thực thi một cách nghiêm ngặt.

Đồng thời, việc xây dựng, phát triển, quản lý và cải thiện các thành phố, đô thị hóa thích ứng biến đổi khí hậu đã và đang là xu thế quốc tế, trở thành một mô hình phát triển bền vững, tạo mối liên hệ nội tại giữa môi trường kiến trúc và xây dựng với cơ hội tạo việc làm, cơ hội sinh kế và chất lượng cuộc sống con người.

tm-img-alt
Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc TS.KTS Hồ Chí Quang phát biểu tại hội thảo.

Đứng trước những thách thức như sự thay đổi dân số, biến đổi khí hậu và mức độ đô thị hóa chưa từng có, yêu cầu đặt ra cho kiến trúc Việt Nam là phát triển bền vững; Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới và ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TS. KTS Hồ Chí Quang nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững là xử lý một cách hiệu quả các vấn đề liên quan đến môi trường và tài nguyên. Cần tận dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, xây dựng các công trình xanh, đảm bảo quá trình xây dựng và vận hành không gây ô nhiễm môi trường, qua đó, có thể đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.

Thích ứng văn hóa kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0

Tại Hội thảo, đề cập sự thích ứng văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp với công nghệ 4.0, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng) cho rằng với sự xuất hiện của cách mạng khoa học 4.0, các kiến trúc sư sẽ có những công cụ để tạo ra tương lai.

tm-img-alt
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng) chia sẻ tại hội thảo.

Không giống như nhiều phương pháp xây dựng cũ, ngôi nhà in 3D có thể có mức độ chính xác và siêu cách nhiệt, ngay cả khi đưa chất thải vật liệu gần bằng không. Kết nối thiết kế mô phỏng sinh học và tính toán, cho phép kết nối các tiêu chuẩn hiệu suất cao và tầm nhìn thẩm mỹ độc đáo.

Các công cụ chuỗi cung ứng sáng tạo cho phép lựa chọn các vật liệu và nhà cung cấp bền vững nhất. Mọi bộ phận đều có thể được sửa chữa, thay thế và tái sử dụng hiệu quả trong tương lai.

Biết được những dự báo về khí hậu trong tương lai, các kiến trúc sư có thể lập kế hoạch cho những ngôi nhà để chống chọi với từng kịch bản khí hậu có thể xảy ra cho một vùng lãnh thổ nhất định.

Và để kết hợp văn hóa kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0, cần chú trọng thay đổi hình thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực kiến trúc thông qua các hình thức đào tạo kiến trúc sư (KTS) thực hành và KTS công nghệ với mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement – Operate, tức Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai thực hiện - Vận hành). Ở đó, các KTS tương lai sẽ được đào tạo theo hướng sáng tạo, được kết hợp các ý tưởng sáng tác lồng ghép giữa những yếu tố về văn hóa, bên cạnh sự hỗ trợ của các công nghệ số và thông minh.

Những giải pháp tạo dựng không gian công cộng

Với quan điểm về việc phát triển không gian công cộng (KGCC) cần có sự thống nhất quản lý giữa Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư, tạo ra sự đồng thuận tối ưu, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang Hà Văn Thanh Khương cho rằng cần 5 giải pháp hình thành các KGCC, cụ thể:

Thứ nhất, Nhà nước sẽ quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện KGCC. Chính quyền xác định vai trò quản lý, giám sát và hoạch định chiến lược để đưa ra các thoả thuận nhằm có lợi cho cả ngân sách thành phố, cộng đồng và khu vực tư nhân.

Thứ hai, các KGCC thuộc sở hữu tư nhân (POPS) là tài sản riêng nhưng là sản phẩm của sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân, nhà phát triển POPS không cung cấp miễn phí không gian này. POPS sẽ là một cơ chế đầy hứa hẹn để cung cấp KGCC chất lượng cao cho các thành phố trên toàn thế giới.

Thứ ba, một KGCC để quản lý tốt và khai thác sử dụng hiệu quả, đúng mục đích cần nhiều bên tham gia thực hiện, tập trung ở quản lý nhà nước, nhà đầu tư và cộng động dân cư. Các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý.

Thứ tư, cần thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn”. Khi đó, nguồn lực cho KGCC không chỉ ở nhà nước mà có thể huy động ý tưởng, tài chính, vật tư và công sức của cộng đồng cùng với trách nhiệm và sự gắn bó với không gian.

Thứ năm, muốn dự án KGCC tốt nhất thì cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau. Việc phát triển KGCC sẽ do Nhà nước quản lý, tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, cộng đồng dân cư giám sát thực hiện. Các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý.

Việc tư nhân hoá các KGCC được sự đồng thuận cao của Chính phủ, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư sẽ tạo nguồn lực cho không gian công cộng từ việc thay đổi tư duy từ “thiết kế không gian” sang “tạo dựng nơi chốn”. Cần kết hợp khéo léo và tinh tế các cách làm khác nhau để đạt được sự đồng thuận tối ưu, tạo nên các dự án KGCC tốt nhất.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế cũng đã đóng một số bài tham luận quan trọng như Ông Hwang Sung Kwan (chuyên gia Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc – LH) chia sẻ quan điểm về việc ứng dụng công nghệ kiến trúc nhằm giải thiểu sử dụng năng lượng cho nhà ở; Ông Kapil Chaudhery (đại diện công ty Spatial Dicisions - Ấn Độ) chia sẻ việc ứng dụng công nghệ số thúc đẩy hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc Quốc gia; Giáo sư Jun In Ho (Chủ tịch Hiệp hội KTS sinh thái, trường Đại học Hanyang – Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu quy hoạch tổng thể khu phức hợp cộng đồng thông minh, định hướng y tế cho người cao tuổi.

Các diễn giả khác của Việt Nam cũng chia sẻ xoay quanh một số giải pháp về phát triển công trình xanh, xanh hóa nền kinh tế, giảm thiểu năng lượng tiêu thụ, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn và các giải pháp dùng công nghệ của thời đại công nghệ số để phát triển kiến trúc bền vững…

tm-img-alt
TS.KTS Trịnh Hồng Việt (Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng) phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS.KTS Trịnh Hồng Việt (Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Những thảo luận, trao đổi tại hội thảo đã nêu lên những thách thức và cơ hội trong phát triển kiến trúc bền vững của Việt Nam. Đó chính là các giải pháp về kết nối quá khứ và hiện tại, hiện tại và hiện tại, hiện tại và tương lai để tạo ra những không gian kiến trúc bền vững…

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã cung cấp các thông tin kiến thức căn bản về kiến trúc đương đại đang hướng tới, mà Việt Nam là một thành viên trong đó. Với những mục tiêu hướng tới ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm tạo một nền kiến trúc luôn phát huy vai trò và kế thừa các giá trị của văn hóa tập quán lối sống hạnh phúc vui vẻ một cách bền vững; Bảo vệ môi trường sinh thái, tích cực tạo ra của cải vật chất bằng việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên giảm phát thải...

TS.KTS Trịnh Hồng Việt nhận định: “Với sự góp của các chuyên gia quốc tế và trong nước, Hội thảo mang lại những kết quả tích cực và tạo ra những điểm bước mới để kiến trúc Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu rõ:

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, tạo khí thế, niềm tin và sự phấn khởi trong Nhân dân.

Trong đó, đã đưa vào sử dụng 08/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822 km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; khởi công xây dựng nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đồng thời, tiếp tục nỗ lực triển khai để khởi công và hoàn thành một số dự án trong thời gian tới.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế; một số tuyến cao tốc chỉ có 02 làn xe; việc bố trí, đầu tư xây dựng các nút giao thông, nhất là chiều rộng và kết nối đường cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương để vào các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ còn chưa hợp lý; giải pháp xử lý nền đất yếu; việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng còn chưa đáp ứng tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm... Để sớm giải quyết các tồn tại này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải:

a) Về xây dựng, ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc:

- Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại các Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023, Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023, xây dựng và ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc theo thẩm quyền làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối; làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.

- Quá trình xây dựng Quy chuẩn cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học;

- Nội dung Quy chuẩn cần lưu ý quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, tốc độ thiết kế phù hợp, trạm dừng nghỉ,..vv..; nguyên tắc bố trí, tổ chức các nút giao cắt, đường gom hợp lý, khoa học, bảo đảm khai thác, vận hành đồng bộ, thuận lợi, an toàn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực;

b) Về tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu:

Khẩn trương chỉ đạo rà soát và hướng dẫn các địa phương (là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc) rà soát, tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu tại các dự án, đặc biệt là các dự án tại khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình, nhất là thời gian gia tải phải phù hợp để kiểm soát được độ lún; có giải pháp tổ chức thi công khoa học, hợp lý để vừa bảo đảm được tiến độ chung của công trình, dự án, vừa bảo đảm thời gian, yêu cầu kỹ thuật xử lý nền đất yếu, tuyệt đối không để các sơ suất về kỹ thuật, quy trình xử lý làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.

c) Về nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án hạ tầng:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển cho đắp nền các dự án hạ tầng như đường bộ cao tốc, quốc lộ hoặc có thể san nền các khu công nghiệp, khu đô thị,… để giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông, chủ động nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong thời gian tới; đồng thời, việc sử dụng cát biển phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường của việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án đường bộ cao tốc; tính toán, xác định và khoanh các vùng cát biển, hướng dẫn trình tự, thủ tục thăm dò, khai thác, đánh giá tác động môi trường để kịp thời khai thác phục vụ thi công các dự án đường cao tốc và công trình xây dựng hạ tầng khác ngay sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá.

3. Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn về đường cao tốc; nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng, hoàn thành theo đúng yêu cầu tiến độ nêu trên.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc

a) Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức rà soát việc bố trí các trạm dừng nghỉ, các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực, bảo đảm khoảng cách hợp lý, phù hợp, khai thác an toàn, hiệu quả nhằm gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường của địa phương để phát triển các không gian kinh tế mới, tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại.

b) Chỉ đạo rà soát, tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu tại các dự án theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại điểm b, khoản 1 Công điện này, tuyệt đối không để các sơ suất về kỹ thuật, quy trình xử lý làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.

5. Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, định kỳ hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện./.

Kiến nghị bổ sung thêm quỹ đất để xây nhà ở xã hội tại TP.HCM

Trong báo cáo vừa trình UBND TP.HCM về việc điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, Sở Xây dựng TP.HCM cho hay theo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030",  TP.HCM được giao đến năm 2030 phát triển 69.700 căn nhà ở xã hội.

Theo chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 -2030, đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển 93.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Sở cho biết tổng diện tích xây dựng mới tại TP.HCM chỉ đạt 15,35 triệu m2/50 triệu m2, đạt 30,7% chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2021 -2025. Trong đó, nhà ở xã hội phát triển 32.668m2 sàn, chiếm 1,31% so với chỉ tiêu đề ra (tính thời gian từ năm 2021 đến tháng 6/2023).

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng cần bổ sung nguồn cung dự án nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân. Trong đó, việc tăng nguồn cung quỹ đất được xem là yêu cầu hàng đầu để phát triển các dự án.

Sở Xây dựng đã rà soát thực tế hiện nay tại TP.HCM có các vị trí, khu đất có định hướng để đưa vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân tại kỳ điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, kiến nghị bổ sung 26 khu đất với tổng diện tích đất dự kiến 547,8 ha, để phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đưa vào kỳ điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2025.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cụ thể, khu vực nội thành hiện hữu (bao gồm quận 4, 8, Bình Thạnh, Tân Bình) với 4 khu đất có diện tích đất dự kiến tăng thêm khoảng 10,73 ha. Khu vực nội thành phát triển (bao gồm các quận 7, 12, Bình Tân) với 6 khu đất có diện tích đất dự kiến tăng thêm khoảng 14,95 ha.

Khu vực huyện ngoại thành (bao gồm các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi) với 10 khu đất có diện tích dự kiến tăng thêm khoảng 187,9 ha. Riêng, TP.Thủ Đức với 6 khu đất có diện tích đất dự kiến tăng thêm là 334,13ha.

Về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, Sở Xây dựng kiến nghị bổ sung 26 khu đất với tổng diện tích dự kiến 547 ha, trong đó có 5 khu đất do các địa phương đề xuất và 21 khu đất để thực hiện đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Trong đó, TP Thủ Đức có 6 khu đất với diện tích 334 ha.

Về nhà ở công vụ, Sở Xây dựng kiến nghị bổ sung 4 khu đất tại quận 12, quận 6, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.

Bình Định đấu giá quyền sử dụng đất dự án khu dân cư 88.000m2

Khu đất đấu giá có diện tích hơn 88.0000m2; trong đó đất ở liên kế là 271 lô, diện tích 37.965m2; đất thương mại dịch vụ 2 lô, diện tích 5.008m2; đất cây xanh 5.862m2; đất giao thông hạ tầng kỹ thuật 39.168m2.

Giá khởi điểm của khu đất hơn 243 tỷ đồng, trong đó bước giá là 12,15 tỷ đồng (khi tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá phải trả tròn bước giá) và tiền đặt cọc trước tham gia đấu giá là 48,6 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án (không bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trúng đấu giá) gần 607 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Nhà đầu tư phải chứng minh vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự án. Đồng thời, phải từng là chủ đầu tư ít nhất 1 dự án tương tự có tổng vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án bằng gần 607 tỷ đồng…

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định hiện hành để khởi công xây dựng các hạng mục của dự án. Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 2 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

Một nhà đầu tư đăng ký làm khu đô thị ở TP Long Xuyên hơn 15.000 tỷ đồng

tm-img-alt
Một góc TP Long Xuyên. Ảnh TL

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị phía Tây TP Long Xuyên.

Theo đó, Công ty CP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị phía Tây TP Long Xuyên.

Theo thông tin được công bố, Khu đô thị phía Tây TP Long Xuyên có quy mô 216,85 ha, thuộc địa bàn các phường Mỹ Thới, Mỹ Quý, hiện trạng gồm có đất giao thông, đất thủy lợi, đất nghĩa trang, nghĩa địa, đất năng lượng (trụ điện), đất trụ sở, đất ở đô thị, đất ở; đất cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất bằng trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây lâu năm khác, đất trồng lúa.

Về cơ cấu sử dụng đất, đất ở hỗn hợp mật độ cao tại dự án có diện tích 52,64 ha, mật độ xây dựng tối đa 60 - 80%, tầng cao xây dựng tối đa 5 tầng. Đất ở mật độ thấp có diện tích 17,81 ha, mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng. Nhà ở xã hội tại dự án có diện tích 17,98 ha, mật độ xây dựng tối đa 55 - 60%, tầng cao xây dựng tối đa 5 tầng.

Ngoài ra, dự án sẽ có thêm các hạng mục trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với diện tích 7,62 ha, mật độ xây dựng tối đa 40%, cao tối đa 3 - 4 tầng.

Đất Văn hóa - Thể dục - Thể thao (Sân chơi nhóm nhà ở, sân tập luyện, trung tâm văn hóa thể thao) rộng 2,15 ha, mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao xây dựng tối đa 5 tầng.

Đất sử dụng hỗn hợp không bố trí ở là 15,2 ha, mật độ xây dựng tối đa 53 - 60%, tầng cao xây dựng tối đa 8 tầng. Đất thương mại, dịch vụ (3,09 ha, 50%, tối đa 8 tầng).

Đất văn hóa - cây xanh - thể dục - thể thao (Khu liên hợp Thể dục – Thể thao, hội chợ, triển lãm...) rộng 1,83 ha, mật độ xây dựng tối đa 20%, tầng cao xây dựng tối đa 2 tầng.

Đất cây xanh rộng 27,91 ha, mật độ xây dựng tối đa 5%, tầng cao xây dựng tối đa 1 tầng. Hệ thống giao thông, bãi đậu xe rộng 62,6 ha, trong đó bãi đậu xe là 0,92 ha, đất giao thông là 45,29 ha và đất mặt nước là 16,39 ha.

Tiến độ thực hiện dự án dự kiến 120 tháng kể từ ngày lựa chọn được Nhà đầu tư. Trong đó, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 24.

Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình, hoàn thành 30% khối lượng xây lắp từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 49. Hoàn thành 60% khối lượng xây lắp từ tháng thứ 50 đến tháng thứ 74.

Xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng hoàn thiện các công trình nhà ở, hoàn thành 90% khối lượng xây lắp từ tháng thứ 75 đến tháng thứ 99. Hoàn thiện tất cả các hạng mục và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh từ tháng thứ 100 đến tháng thứ 120.

Tổng chi phí sơ bộ khoảng 12.175 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 3.076 tỷ đồng./.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.