Thứ hai, 29/04/2024 16:29 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/9/2023

MTĐT -  Thứ bảy, 09/09/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 9/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Gần 200 lô đất ven Hà Nội sắp được đưa ra đấu giá

Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 58 thửa đất là tài sản của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vào sáng 15/9.

Theo đó, các thửa đất đấu giá thuộc địa bàn thôn Hiền Giáo, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức. Diện tích các lô đất từ 100 – 139,3 m2. Giá khởi điểm từ 5 – 5,5 triệu đồng/m2, tương đương 500 triệu đến hơn 696 triệu đồng/thửa. Người tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền khoảng 20% giá khởi điểm từng thửa từ ngày 12/9 đến 17 giờ ngày 13/9.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Cuộc đấu giá 58 thửa đất sẽ diễn ra tại hội trường UBND xã An Tiến. 

Tại huyện Sóc Sơn, chiều 16/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cũng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 28 thửa đất tại thôn Tân Thái, xã Hiền Ninh. Đây là các thửa đất ở, có thời gian sử dụng ổn định, lâu dài. Diện tích các thửa đất từ 95 – 194,4m2. Giá khởi điểm từ 7,4 triệu đồng đến 13,4 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá được tổ chức tại hội trường UBND huyện Sóc Sơn. 

Tại huyện Đông Anh, sáng 16/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt phối hợp cùng Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 11 thửa đất là tài sản của UBND huyện Đông Anh. 11 thửa đất đấu giá tại khu đất thôn Đông, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh. Diện tích các thửa đất từ hơn 75m2 đến trên 144m2. Giá khởi điểm từ 43 – 50 triệu đồng/m2. Buổi đấu giá sẽ diễn ra tại hội trường Trung tâm Chính trị huyện Đông Anh. 

Tương tự, ở huyện Phúc Thọ, sáng 18/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt cũng sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 20 thửa đất là tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ. Trong đó, 15 thửa đất thuộc TT2 và TT3 tại khu Đồng Cầu Lọc, xã Ngọc Tảo và 5 thửa đất khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Diện tích các thửa đất từ hơn 128m2 đến 306,5m2. Giá khởi điểm từ 17 – 22,3 triệu đồng/m2, tương đương từ hơn 2,3 tỷ đồng đến gần 5,8 tỷ đồng/thửa.

Cuộc đấu giá diễn ra tại hội trường tầng 3, tòa nhà Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể huyện Phúc Thọ hoặc hội trường Trung tâm Văn hóa – thông tin và thể thao huyện Phúc Thọ.

Tất cả 117 lô đất trên đều có hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá theo từng thửa đất, phương thức trả giá lên.

Dự báo đà phục hồi của thị trường bất động sản nghiêng về nửa cuối năm 2024

Trong báo cáo cập nhật mới đây, nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect đánh giá, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản (BĐS) đã qua, tuy nhiên những thách thức vẫn còn đó và thị trường kỳ vọng ấm dần lên vào nửa cuối 2024.

Dự báo đà phục hồi của thị trường bất động sản nghiêng về nửa cuối năm 2024
(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Đơn cử như rủi ro thanh khoản của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao, mặc dù có dấu hiệu tích cực từ các doanh nghiệp BĐS trong việc chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu doanh nghiệp. Qua đó giúp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu dù, áp lực vẫn ở mức cao, đặc biệt với các doanh nghiệp BĐS đang gặp khó khăn về dòng tiền.

"Ước tính rủi ro thanh khoản trong nửa cuối năm 2023 vẫn ở mức cao với lượng lớn trái phiếu đáo hạn của các nhà phát triển BĐS, cụ thể khoảng 65.906 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ) và 124.200 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ) trong năm 2024", nhóm phân tích cho hay.

Dự báo đà phục hồi của thị trường bất động sản nghiêng về nửa cuối năm 2024

VNDirect cho rằng lãi suất giảm sẽ giúp thị trường dần “rã đông”. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã tiếp tục giảm 20 điểm cơ bản trong tháng 7/2023, dao động trong khoảng 6 - 7%/năm, có thể giảm áp lực lãi vay đối với các khoản vay theo lãi suất thả nổi đối với các doanh nghiệp phát triển BĐS.

Mặc dù vậy, lãi suất cho vay trung bình thực tế đối với lĩnh vực BĐS vẫn ở mức cao 13 - 14%. Thị trường BĐS sẽ dần ấm trở lại khi lãi suất vay mua nhà giảm về mức 10 - 11%.

Nhóm phân tích cũng đánh giá, các doanh nghiệp BĐS hiện tại có sức khỏe tài chính tốt hơn giai đoạn 2011 - 2013 với tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn, hệ số thanh toán nhanh lành mạnh hơn và khả năng thanh toán lãi vay tốt hơn. Tuy nhiên, hệ số thanh toán hiện hành đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2013, điều này cho thấy khả năng xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán vẫn cao như năm 2011. Tín hiệu tích cực là các hệ số về khả năng thanh khoản đã được cải thiện nhẹ trong quý II/2023.

"Chính phủ đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều chính sách tác động đến kênh dẫn vốn, pháp lý dự án và cung cầu để hỗ trợ thị trường, tuy nhiên những nỗ lực cần quyết liệt và đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ thị trường hồi phục một cách tốt nhất nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở gắn liền với nhu cầu thực của người mua nhà", VNDirect nhận định.

Dự báo đà phục hồi của thị trường bất động sản nghiêng về nửa cuối năm 2024
(Nguồn: Batdongsan.com.vn, VPBankS Research).

Đánh giá triển vọng thị trường BĐS trong thời gian tới, các chuyên gia của Chứng khoán VPBankS (VPBankS Research) cho rằng, thời gian qua, áp lực thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã dịu bớt khi các doanh nghiệp gia hạn nợ trái phiếu theo Nghị định 08 và tinh thần Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Tuy nhiên rủi ro thanh khoản vẫn ở mức cao với lượng lớn trái phiếu đáo hạn từ các công ty bất động sản, khoảng 65.906 tỷ đồng trong hai quý đầu năm và 124.200 tỷ đồng trong năm 2024. Trong 18 tháng tới, áp lực trả nợ vẫn rất lớn, đặc biệt trong quý III/2023 với 32.655 tỷ đồng và quý III/2024 với 34.632 tỷ đồng.

Ngoài ra, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần trong 3 tháng nhưng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản vẫn còn cao, ở mức 13 - 14%/năm. Do đó, chuyên gia của VPBanks cho rằng. thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể dần tăng băng khi lãi suất cho vay thế chấp giảm dần về mức 10 - 11%.

Bộ GTVT không đồng ý đề xuất của Hà Nội về trông giữ xe ở gầm cầu

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, căn cứ quy định pháp luật về giao thông đường bộ, bãi đỗ xe thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, không thuộc công trình đường bộ.

Ngoài ra, bãi đỗ xe không thuộc danh mục công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Do vậy, về nguyên tắc không được tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ bãi đỗ, dừng xe trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GTVT nhận thấy nhu cầu sử dụng gầm cầu cạn để tận dụng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng là rất lớn. Theo Bộ GTVT, bởi quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế, kết hợp với khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt khu vực đô thị nêu trên.

tm-img-alt
Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: VOV) .

Nhận thấy điều này, quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đường bộ, ban soạn thảo đã cập nhật, đưa nội dung cho phép quản lý, sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông vào Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông không được chấp nhận đưa vào Dự thảo Luật Đường bộ.

Hiện Chính phủ đã giao các tỉnh bố trí các bãi đỗ xe trong nội đô và các quận. Hà Nội cũng phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2025 ưu tiên đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở 122 vị trí với quy mô diện tích khoảng 168ha; giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở 115 vị trí với quy mô diện tích khoảng 58ha. Bộ GTVT đề nghị Hà Nội sớm triển khai xây dựng.

Trong thời gian đang thực hiện đầu tư, UBND Hà Nội cần chỉ đạo Sở GTVT và các quận có điểm trông giữ xe hiện hữu thực hiện kiểm tra, rà soát và xử lý những vấn đề vướng mắc về phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân.

Trước đó, đầu tháng 5/2023, TP Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất việc tiếp tục tạm thời tổ chức trông giữ xe tại các điểm dưới khu vực gầm cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu gửi xe của người dân.

Quảng Ninh dự kiến thành lập thành phố Vân Đồn

Phạm vi lập Đề án đề nghị bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới diện tích huyện Vân Đồn, diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 2.171,33km2; với 12 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn Cái Rồng và 11 xã (Đông Xá, Hạ Long, Đoàn Kết, Quan Lạn, Minh Châu, Đài Xuyên, Bình Dân, Vạn Yên, Bản Sen, Thắng Lợi và Ngọc Vừng). Dân số toàn huyện là 49.046 người.

Khu vực nội thị dự kiến (đã được công nhận đô thị loại IV theo Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 21/8/2015 của Bộ Xây dựng) gồm Thị trấn Cái Rồng và các xã Đông Xá, Hạ Long với diện tích 51,33km2; dân số thường trú 32.278 người.

Khu vực ngoại thị gồm 9 xã (Đoàn Kết, Quan Lạn, Minh Châu, Đài Xuyên, Vạn Yên, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi và Bình Dân) với diện tích 532,6km2; dân số thường trú 16.768 người.

Như vậy, với việc Vân Đồn lên thành phố, Quảng Ninh sẽ tiếp tục là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước. Hiện Quảng Ninh đang có 4 thành phố là: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có 2 thị xã là Quảng Yên và Đông Triều. Theo quy hoạch, số lượng thành phố tại Quảng Ninh sẽ còn tăng lên nữa.

tm-img-alt
UBND huyện Vân Đồn vừa phê duyệt Đề án công nhận khu vực dự kiến thành lập thành phố Vân Đồn đạt tiêu chí đô thị loại III. Ảnh: Internet.

Cụ thể, ngày 11/02/ 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/QĐ- TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quy hoạch này, thì đến 2025, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 07 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.

Đồng thời, mở rộng không gian phát triển đô thị của thành phố Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối phát triển đô thị theo mô hình đa cực, mở rộng đô thị lên phía Bắc. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I.

Xây dựng thành phố Móng Cái và thị trấn Quảng Hà gắn với xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái và Khu công nghiệp dịch vụ - cảng biển Hải Hà có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Xây dựng, phát triển đô thị, kinh tế thương mại biên giới tại các khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Xây dựng và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển.

Quảng Ninh cũng định hướng phát triển mạnh mẽ hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang…) và nội vùng, trong đó có giao thông kết nối các đảo từ Đầm Hà - Cái Chiên - Vĩnh Thực; các đảo của huyện Vân Đồn...

Phối hợp tốt, tháo gỡ khó khăn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tin trên Báo Hà Tĩnh, sáng 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác đi kiểm tra tiến độ và xử lý các vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành, đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công và các địa phương: huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc đi cùng đoàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác đã kiểm tra mỏ đất san lấp Đất Đỏ 2 ở xã Kỳ Trung, công tác GPMB của huyện Kỳ Anh; mỏ đất san lấp Đồng Chiêng ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên), vướng mắc về GPMB tại xã Cẩm Quan, di dời hạ tầng điện nhà máy điện mặt trời ở huyện Cẩm Xuyên; vướng mắc về di dời trại chăn nuôi lợn ở xã Việt Tiến và công tác GPMB một số mỏ đất san lấp tại huyện Thạch Hà; tiến độ xây dựng khu tái định cư và vướng mắc GPMB tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc.

tm-img-alt
Thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện Thạch Hà.

Tại cuộc kiểm tra, đại diện Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) – chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và lãnh đạo các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc đã báo cáo với đoàn công tác về tiến độ GPMB dự án, nguồn VLXD và những vướng mắc liên quan.

Ban QLDA Thăng Long đánh giá cao sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương ở Hà Tĩnh trong thực hiện công tác GPMB khi đã bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ cao, đảm bảo cho nhà thầu triển khai thi công.

Tuy vậy, hiện vẫn còn một số vướng mắc chưa được xử lý, cần phải giải quyết sớm để đáp ứng mục tiêu rút ngắn tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công.

Về nguồn VLXD thi công, UBND tỉnh đã chấp thuận bản xác nhận 11/11 mỏ theo đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng. Các nhà thầu đã và đang triển khai các bước để khai thác nhưng hiện vẫn khó khăn, trong đó có việc chưa thể thống nhất giá đền bù với một số hộ dân.

Khu tái định cư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu còn ngổn ngang

Ngày 9/9, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành); dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 và việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện sở ngành địa phương.

Đoàn đã thị sát đại công trường xây dựng sân bay Long Thành; khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn; vị trí triển khai cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; vị trí triển khai đường T1; khu tái định cư Long Đức (tái định cư cho người nhường đất xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).

Tại sân bay Long Thành, báo cáo trước đoàn công tác, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết hiện nay, đường găng của toàn dự án là nhà ga và đường băng - sân đỗ đã khởi động từ đầu tháng 9. Toàn bộ mặt bằng triển khai dự án cũng đã được địa phương bàn giao từ 25-8 vừa qua.

Tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, đoàn thăm vị trí xây dựng trường cấp một, cấp 2 và chợ. Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị các đơn vị thi công tăng tốc đẩy nhanh tiến độ xây trường để các cháu học sinh sớm có trường mới khang trang.

"Trường phải xây nhanh để học sinh đi học, chợ phải tăng tốc hoàn thành để bà con mua sắm dễ dàng hơn", ông Thanh nhấn mạnh.

Còn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khi đoàn đến, có một số máy móc đang thi công trên công trường. Các đại biểu đề nghị đơn vị chức năng tăng tốc giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án.

tm-img-alt
Đoàn công tác thị sát sân bay Long Thành

Riêng khi thị sát ở khu tái định cư Long Đức, phục vụ cho cư dân nhường đất xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, ông Vũ Hồng Thanh nói rằng việc tái định cư là thực tế nên phải hoàn thành trước để bà con có nơi ở khi bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy khu tái định cư còn nhiều ngổn ngang ở tất cả các hạng mục, ông Thanh đề nghị địa phương nên xin cơ chế tăng nhân lực để phục vụ hỗ trợ các dự án lớn nhằm tăng tiến độ dự án.

Về vấn đề này, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết địa phương có chính sách tạm cư cho người dân có đất bị thu hồi để phục vụ các dự án. Nếu chưa có đất tái định cư, địa phương sẽ hỗ trợ người dân tạm cư trong 5 tháng, trong đó mỗi tháng tiền thuê nhà/hộ là 3 triệu đồng. Qua 5 tháng, vẫn chưa có tái định cư sẽ tiếp tục gia hạn tạm cư. Nhiều dự án Đồng Nai xuất phát hơi chậm nhưng giai đoạn tăng tốc và về đích lại nhanh.

Về nhân lực, ông Đức cho biết, thời gian qua, Đồng Nai huy động cán bộ sở ngành và các địa phương không có dự án đi biệt phái hỗ trợ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TPHCM.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng thành lập riêng một Ban bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ cho các dự án.

Nâng cấp 2 bến đỗ máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất

Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất Đặng Ngọc Cương vừa phê duyệt 2 dự án cải tạo bến đỗ máy bay, sửa chữa nâng cấp các bến đỗ hiện hữu có tổng giá trị dự toán hơn 182 tỷ đồng nhằm tăng cường an toàn bay. Dự án này phân loại là công trình giao thông cấp đặc biệt.

Dự án "Cải tạo bến đỗ số 15, bến đỗ số 14, bến đỗ số 13" sẽ thay thế kết cấu bê tông xi măng hư hỏng bằng kết cấu bê tông xi măng lưới thép, có tổng diện tích khoảng 18.382m2. Đơn vị thi công phải hoàn trả và cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống băng cáp, đèn lề và sơn kẻ tín hiệu khu vực cải tạo sửa chữa. Dự án này được chia nhỏ thành 12 gói thầu với giá trị dự toán 77 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngoài 3 bến đỗ trên, Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng đã phê duyệt dự án "Cải tạo bến đỗ số 11; phần còn lại của bến đỗ số 10 và phần còn lại của bến đỗ số 9" với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng. Tại dự án này, khoảng 25.000m2 kết cấu bê tông xi măng cũ sẽ được thay thế bằng kết cấu bê tông xi măng lưới thép.

Quá trình sửa chữa cải tạo và nâng cấp 6 bến đỗ nói trên sẽ diễn ra từ quý III/2023 đến hết năm 2024. Cả hai dự án triển khai nhằm đảm bảo tiếp nhận an toàn các loại máy bay đang hoạt động trên sân đỗ hiện tại và tương lai, tăng cường sức chịu tải của mặt đường, đồng bộ với kết cấu các khu vực sân đỗ vừa xây dựng, đảm bảo khai thác an toàn ổn định và lâu dài.

Trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị thi công phải đào phá kết cấu hiện hữu để bóc lớp bê tông cũ và đưa chất thải rắn đi xử lý. 

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 9/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...