Thứ bảy, 27/04/2024 17:52 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 15/5/2023

MTĐT -  Thứ hai, 15/05/2023 17:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 15/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch đèo Pha Đin, Thuận Châu, Sơn La

Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ và dự toán lập Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch đèo Pha Đin, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Theo quyết định, Quy mô dân số hiện trạng khu vực quy hoạch khoảng 1.600 người, đến năm 2030 khoảng 4.000 người.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc Quốc lộ 6 trên địa bàn tỉnh Sơn La, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm từng bước phát triển du lịch đèo Pha Đin trở thành khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Quy định các chỉ tiêu về sử dụng đất phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, tổ chức tốt không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với khu vực cảnh quan xung quanh. Làm cơ sở quản lý xây dựng, quản lý đất đai, lập quy hoạch chi tiết và lập các dự án đầu tư xây dựng.

Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch đèo Pha Đin được quy hoạch là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn liền với giữ gìn và bảo tồn các giá trị về văn hóa, tự nhiên; là khu văn hóa tâm linh, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tổ hợp dịch vụ thương mại, chăm sóc sức khỏe và trải nghiệm với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.

Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch đèo Pha Đin, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt theo quy định.

Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng

Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có ý tưởng theo mô hình riêng mà hiện nay chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Theo đó, Quảng Ninh sẽ không hình thành các quận, mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông...

Theo kế hoạch tỉnh Quảng Ninh có khả năng đạt được các tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đô thị nêu trên, và phấn đấu đạt được cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo tiêu chí, đồng thời phát triển đô thị đạt được các tiêu chí của đô thị loại I.

Các thành phố trong vùng nội thị này bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (Hải Hà hợp nhất với Móng Cái), được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030; với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường); tổng diện tích tự nhiên 4.025,48 km2; dân số thường trú 978.348 người, dân số đô thị đạt 848.228 người (chiếm 86,7%).

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Các đô thị khác thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các tiêu chí của đô thị loại I, tỉnh Quảng Ninh cần lưu ý đến tiêu chí mật độ dân số. Do điều kiện tự nhiên, mật độ dân số trên toàn tỉnh sẽ không đạt được tiêu chí theo yêu cầu, tuy nhiên tiêu chí về mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị là một tiêu chí quan trọng và có thể đạt được, nếu hướng đến phát triển theo hướng tập trung, không dàn trải.

Hiện, Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 3 đô thị loại 2, 2 đô thị loại 3, 2 đô thị và 1 thị trấn được công nhận đô thị loại 4 và 4 thị trấn được công nhận đô thị loại 5. Cùng với đó, Quảng Ninh còn có 2 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu. Tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt tới 67,5%.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại 1 (thành phố Hạ Long; 3 đô thị loại 2 (thành phố Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái); 3 đô thị loại 3 (thị xã Quảng Yên, Đông Triều và đô thị Vân Đồn); 2 đô thị loại 4 (thị trấn Tiên Yên, thị trấn Quảng Hà); 4 đô thị loại 5 (là các thị trấn Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà và Cô Tô), tỉ lệ đô thị hóa 70-75%.

Đến năm 2030: Tỉnh Quảng Ninh có có 12 đơn vị hành chính với 12 đô thị, trong đó có 4 đô thị loại 1 (Hạ Long, Móng Cái – Hải Hà, Uông Bí, Cẩm Phả); 3 đô thị loại 3, chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, kỹ thuật đạt đô thị loại 1 (Quảng Yên, Đông Triều, Cái Rồng); 1 đô thị loại 3 (Tiên Yên); 3 đô thị loại 4 (Đầm Hà, Bình Liêu-Hoành Mô-Đồng Văn, Cô Tô); 1 đô thị loại 5 (thị trấn Ba Chẽ), tỉ lệ đô thị hóa trên 75%.

Đề xuất nâng tốc độ tối đa trên đường cao tốc 4 làn xe lên 90km/h

Qua nghiên cứu, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải nâng tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc 4 làn xe hạn chế đã và sắp đưa vào khai thác lên 90km/h với một số loại xe, thay vì 80km/h như hiện nay.

Cụ thể: với các tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như Mai Sơn - quốc lộ 45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cục Đường cao tốc kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét nâng tốc độ tối đa lên 90 km/h đối với xe con, xe khách đến 30 chỗ (trừ xe buýt), xe tải đến 3,5 tấn. Các loại xe còn lại vẫn chạy theo tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Riêng đối với đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn do có một số đoạn cầu và đường đầu cầu không có dải phân cách giữa nên giữ nguyên tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Với các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe hạn chế như: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm…, Cục Đường cao tốc kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà đầu tư rà soát ngay phương án tổ chức giao thông để nâng tốc độ tối đa lên 90km/h đối với một số loại xe.

tm-img-alt

Đề xuất nâng tốc độ tối đa trên đường cao tốc 4 làn xe lên 90km/h (Ảnh: Internet)

Trên cơ sở đánh giá việc thực tiễn khai thác tốc độ tối đa 90km/h với một số loại xe trên cao tốc 4 làn xe hạn chế sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng tốc độ tối đa lên 90km/h đối với xe khách trên 30 chỗ; xe tải trên 3,5 tấn, xe đầu kéo…

Theo Cục Đường cao tốc, để phù hợp với nguồn vốn khi nguồn lực kinh tế còn khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với 4 làn xe (chiều rộng mỗi làn 3,5m), tốc độ thiết kế 80km/h, dải dừng xe khẩn cấp ngắt quãng (thường gọi là cao tốc 4 làn xe hạn chế).

Các đoạn tuyến cao tốc 4 làn hạn chế đã được đưa vào khai thác gần đây với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h.

Cục Đường cao tốc cho hay, có nhiều cơ sở để nâng cao tốc độ lên 90 km/h bởi theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.

Đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 548/QĐ - BGTVT phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì.

So với Quyết định số 1547/QĐ-BGTVT ngày 19/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, công trình có khá nhiều thay đổi.

Cụ thể, sau khi thực hiện điều chỉnh, Dự án có điểm đầu tại Km38+600 (nút giao Hợp Thịnh), huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; điểm cuối kết nối với đường đầu cầu Việt Trì mới (khoảng Km49+768,27), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng chiều dài tuyến đường thuộc Dự án khoảng 11,06 km.

Dự án được thiết kế theo tiểu chuẩn đường cấp III đồng bằng, quy mô 4 - 6 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, trong đó đoạn Km38+600 - Km39+600 sẽ giữ nguyên quy mô theo Quyết định số 1547; đoạn Km39+600 – Km49+768,27 sẽ đầu tư theo quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 25-26m, đoạn qua khu vực dân cư xây dựng hệ thống thoát nước dọc.

tm-img-alt

Đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (Ảnh: Internet)

Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có tổng mức đầu tư mới là 1.258,18 tỷ đồng gồm ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT là 799,74 tỷ đồng (đầu tư theo quy mô quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, mức vốn khoảng 458,44 tỷ đồng (đầu tư mở rộng theo quy hoạch của địa phương).

Các nội dung khác trong chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì sẽ giữ nguyên theo Quyết định số 1547.

Đà Nẵng bàn giao công trình thanh niên cải tạo cảnh quan sông Phú Lộc

Công trình được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 4-2023 tại phường Thanh Khê Tây và Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ nguồn nước, cải tạo và bảo vệ cảnh quan tại sông Phú Lộc.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi lễ

Thời gian qua, đoàn viên, người dân 2 địa phương đã vệ sinh, khắc họa những hình ảnh đẹp mang đặc trưng của thành phố tại bức tường dọc tuyến đường Yên Khê 1 Từ cầu Phú Lộc - Chợ hải sản - đến số 150 Yên Khê 1 với chiều dài 600m và đường Yên Khê 2 từ đường Đặng Đình Vân giao với Yên Khê 2 đến số 161 Yên Khê 2 với chiều dài 300m.

Xây dựng, sửa chữa 150 bồn hoa, lắp đặt thùng rác và bảng tuyên truyền dọc 2 bên bờ sông; ra mắt và duy trì các mô hình “Mỗi hộ dân, đơn vị một đoàn đường”, “Người dân bảo vệ nguồn nước sông Phú Lộc”. Họp bàn rút kinh nghiệm và thống nhất nội quy bảo quản công trình với các bên liên quan.

tm-img-alt
Ông Lê Công Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.Đà Nẵng phát biểu

Tại buổi Lễ, ông Lê Công Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, trong suốt quá trình thực hiện các phần việc nhằm bảo vệ nguồn nước và cải tạo cảnh quan sông Phú Lộc mặc dầu còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, tuy nhiên được sự đồng ý, hỗ trợ, định hướng của các đơn vị liên quan, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tiếp thu ý kiến, nhanh chóng triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đúng thời gian đã đề ra.

Hiện trạng môi trường sông Phú Lộc luôn là vấn đề “nóng” và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân. Đây là sự nỗ lực, cố gắng thể hiện tính tiên phong, sáng tạo, vượt mọi trở ngại để hoàn thành tốt công trình thanh niên của tuổi trẻ TP Đà Nẵng. Với những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tuổi trẻ Đà Nẵng mong muốn góp một phần sức trẻ vào việc cải tạo cảnh quan và gìn giữ vệ sinh môi trường, hy vọng công trình sau khi được hoàn thành sẽ trở thành một điểm đến thu hút người dân.

Khánh Hòa chuẩn bị cho lễ khánh thành cao tốc Nha Trang-Cam Lâm

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở GTVT làm đầu mối, phối hợp với Văn phòng Bộ GTVT, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải chuẩn bị chu đáo cho lễ khánh thành công trình đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Cam Lâm, các đơn vị có liên quan triển khai phương án bảo đảm an toàn, an ninh, phân luồng tổ chức giao thông và phòng cháy, chữa cháy khu vực tổ chức sự kiện khánh thành công trình; kịp thời tổng hợp các vấn đề có liên quan báo cáo UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

tm-img-alt

Khánh Hòa chuẩn bị cho lễ khánh thành cao tốc Nha Trang- Cam Lâm (Ảnh: Internet)

Theo kế hoạch của Bộ GTVT, lễ khánh thành công trình đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ được tổ chức vào sáng 19/5, tại Km33+800 (thuộc xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm).

Cùng thời điểm, Lễ cắt băng khánh thành dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được tổ chức tại lý trình Km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giao với QL1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đầu tiên thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 về đích. Thời gian thi công tuyến chính được rút ngắn 3 tháng so với kế hoạch yêu cầu.

Dự án có chiều dài hơn 49 km, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Nhà đầu tư là Tập đoàn Sơn Hải, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Mời gọi đầu tư vào dự án nạo vét tạo luồng tàu tại đầm Thị Nại, Quy Nhơn 64,7 tỷ đồng

Mục tiêu của dự án là khôi phục và mở rộng tuyến giao thông thủy trên đầm Thị Nại phục vụ cho tàu có chiều dài nhỏ hơn hoặc bằng 15 m (tàu khách sức chở tối đa 35 người) lưu thông trong điều kiện mực nước trong đầm ở mức trung bình thấp.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Địa điểm thực hiện là phường Thị Nại, TP. Quy Nhơn và xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký về Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định ngày 5/6/2023.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 15/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề