Thứ hai, 29/04/2024 09:12 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 1/8/2023

MTĐT -  Thứ ba, 01/08/2023 18:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/8/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 1/8/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Công khai, minh bạch các thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Tin trên KTĐT, mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND TP này để triển khai thực hiện nghị quyết, công văn của Chính phủ về việc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.

Theo đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm tiếp tục tổng hợp, báo cáo UBND TP kết quả, tình hình giải quyết các vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản theo danh sách của tổ công tác chuyển đến để chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện. Chủ động rà soát, thống kê các dự án bất động sản đang triển khai mà gặp khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn, đẩy mạnh việc rà soát, phân loại xử lý các dự án bất động sản đang có vướng mắc pháp lý, phải ngừng hoạt động, không đưa được sản phẩm ra thị trường do vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư, giảm rủi ro nợ xấu tín dụng.

Rà soát, tổng hợp các dự án nhà ở thương mại chưa bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo quy định; thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Theo dõi, giám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp, giải pháp ngăn chặn tình trạng thị trường “phát triển nóng” hoặc “đóng băng”, tình trạng tung tin đồn, thổi giá bất động sản lên cao để trục lợi, gây mất cân bằng cung - cầu.

tm-img-alt
UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án, đồng thời công khai, minh bạch các thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Đẩy mạnh công bố, công khai, minh bạch các thông tin hoạt động sàn giao dịch bất động sản; nhà ở thương mại đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và dự án được phép chuyển nhượng, đảm bảo hiệu quả, kịp thời, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu lập, trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở tăng nguồn cung cho thị trường, đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Huy động các tổ chức, chuyên gia để định giá đất đai theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm nếu để xảy chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Trường hợp có vướng mắc thì báo cáo UBND TP gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Hoàn thành đề xuất lập Ban chỉ đạo đầu tư đường sắt tốc độ cao trước 5/8/2023

Tại văn bản 5676/VPCP-CN ngày 26/7/2023, về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 5/8/2023, hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Đề án) và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia (Ban chỉ đạo) theo đúng quy định.

Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và  thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội là thành viên Ban chỉ đạo.

Thành lập Tổ tư vấn giúp việc cho Ban chỉ đạo, làm việc chuyên trách (không kiêm nhiệm), bao gồm các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết về giao thông vận tải đường sắt (kể cả chuyên gia đã nghỉ hưu).

Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ tư vấn giúp việc để có thể triển khai ngay (nghiên cứu, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước…) trong quá trình xây dựng đề án, lập dự án...

Quảng Ninh dự kiến cung cấp khoảng 7.580 căn nhà liền kề/biệt thự, chung cư trong năm 2023

Tổng kinh phí cho các dự án được dự kiến sẽ đến từ các nguồn vốn doanh nghiệp, dự kiến là 17.980 tỷ đồng, trong đó 16.247 tỷ đồng dành cho nhà ở thương mại và 1.733 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. Ngoài ra, còn có vốn từ nhân dân là 7.800 tỷ đồng và vốn ngân sách 521 tỷ đồng.

12 dự án nhà ở thương mại mới theo kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 của Quảng Ninh có tổng diện tích đất dự án khoảng 716ha.

Cụ thể: TP. Hạ Long có 2 dự án gồm: Tổ hợp căn hộ chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ tại lô đất HHO-B1.8, Đa giác 4; Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng, phường Hùng Thắng với diện tích 1,99ha; Khu đô thị và dịch vụ công cộng tại phường Hà Phong với diện tích 28,2ha.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

TP. Cẩm Phả có 3 dự án gồm: Dự án làng công nhân ngành than tại phường Mông Dương với diện tích 35ha; Khu đô thị mới, tổ hợp dịch vụ du lịch tại phường Quang Hanh với diện tích 147,81ha; Khu đô thị sinh thái kết hợp công viên chuyên đề tại phường Quang Hanh với diện tích 33,7ha.

TP. Uông Bí có 1 dự án là Mở rộng Khu dân cư đô thị Yên Thanh, tại phường Yên Thanh với diện tích 4,09ha.

Huyện Hải Hà có dự án Nhóm nhà ở (khu đô thị) Hải Tân, thị trấn Quảng Hà (thôn Nam Phú Hải cũ) với diện tích 3,45ha.

Huyện Đầm Hà có 2 dự án gồm: Khu nhà ở phía Đông Nam thị trấn Đầm Hà (LK34-LK41; BT01) với diện tích 2,32ha; Khu nhà ở phía Đông Nam thị trấn Đầm Hà (LK01-LK25; NTT01-NTT02) với diện tích 32,5ha.

Huyện Bình Liêu có nhóm nhà ở liền kề tại lô đất ký hiệu OMO7 thuộc QHCT vùng xây dựng tập trung và các khu vực phát triển phân tán, KKT cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn với diện tích 0,96ha.

Ngoài ra, còn có các dự án nhà ở thương mại khác trên địa bàn tỉnh, đủ điều kiện để tiếp tục triển khai trong năm 2023. 

Ngoài 12 dự án nhà ở thương mại mới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện 11 dự án chuyển từ năm 2021 với tổng quy mô khoảng 16.000 căn nhà, tương ứng 1.200.000m2 sàn.

Đồng thời, Quảng Ninh còn dự kiến xây dựng thêm khoảng 115.500m2 sàn nhà ở xã hội tại 3 dự án đang triển khai, và 12 dự án còn lại đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để khởi công.

Phê duyệt dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với BĐKH tại TP Vinh

Dự án nhằm tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và cải thiện cơ sở hạ tầng vệ sinh, giao thông và không gian công cộng tại TP Vinh, một trung tâm chính trị, kinh tế, và văn hóa của vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ Việt Nam.

Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 250 nghìn cư dân tại khu vực trung tâm đô thị Vinh thông qua giảm thiểu rủi ro úng ngập và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối 30.000 hộ gia đình với hệ thống cống cấp 2 và cấp 3 xây mới hoặc cải tạo. Đồng thời, giảm một nửa thời gian nữ giới phải làm việc nhà sau ngập lụt, bao gồm cả dọn dẹp nhà cửa.

tm-img-alt
Thành phố Vinh (Nghệ An) hễ cứ mưa lớn nhiều tuyến đường bị ngập nặng, các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Ảnh ITN

Dự án sẽ góp phần cải thiện khả năng thích ứng với BĐKH bằng cách giảm thiệt hại do mưa lớn và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH nhờ cải thiện điều kiện sống ở khu vực trung tâm thành phố và xây dựng làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp.

Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, dự án dành cho TP Vinh không chỉ có mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng; mà là một nỗ lực mang tính chuyển đổi để cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội của người dân TP Vinh. Dự án thể hiện cam kết của WB trong hỗ trợ Việt Nam đạt được đô thị hóa bền vững và tăng trưởng thích ứng với BĐKH.

Thiết kế dự án phản ánh các bài học kinh nghiệm về năng lực thích ứng của đô thị và quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam, đồng thời cũng dựa trên Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và phát triển cho Việt Nam của WB, thông qua hỗ trợ năng lực của thành phố trong công tác dự báo và ứng phó với ngập lụt và tham gia vào quá trình quy hoạch đô thị nhạy cảm hơn với khí hậu.

Các khoản đầu tư bao gồm: Hệ thống kiểm soát ngập lụt, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý nước thải và kết nối giao thông để thúc đẩy tăng trưởng đô thị bền vững và khả năng thích ứng với BĐKH.

TP Vinh thiếu khả năng ứng phó với các trận mưa lớn, dẫn đến tình trạng nước mưa ứ đọng ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Để cải thiện hệ thống thoát nước, một hồ điều hòa mới sẽ được xây dựng để chứa lượng nước mưa dư thừa chảy tràn trong lưu vực thoát nước rộng hơn của thành phố.

Dự án cũng sẽ hỗ trợ chuyển đổi đất trống ở hai bên bờ sông Vinh thành không gian xanh công cộng, đồng thời cải thiện thu gom và phân loại rác thải để giảm lượng rác thải nhựa bị thải ra sông.

Quảng Nam đề xuất bố trí nguồn vốn đầu tư công để mở rộng Quốc lộ 14D

Liên quan đến việc mở rộng quốc lộ 14D lên cửa khẩu Nam Giang, UBND tỉnh Quảng Nam đã xác nhận Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất 2 phương án đầu tư vào tuyến đường này.

Cụ thể, phương án 1, tuyến đường này sẽ đầu tư mở rộng toàn tuyến theo quy hoạch với tổng mức đầu tư khoảng 2.640,5 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn gồm ngân sách hỗ trợ 1.914 tỷ đồng, tương đương 72,5% tổng mức đầu tư (nếu chỉ thu phí xe thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang thì tăng lên 2.186 tỷ đồng, tương đương 82,8% tổng mức đầu tư). Phần còn lại, Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn trong khoảng 20 năm. 

tm-img-alt
Tuyến QL 14D nối lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang. (Ảnh: Internet)

Phương án 2, tuyến đường đầu tư mở rộng các đoạn hiện có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và nâng cấp một số đoạn xuống cấp, với tổng mức đầu tư khoảng 730,3 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm Ngân sách hỗ trợ 310,4 tỷ đồng, tương đương 42,5% tổng mức đầu tư. Phần còn lại, Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn với xe tải thông quan qua Cửa khẩu Nam Giang trong khoảng 20 năm. 

Qua đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các phương án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đề xuất đều vướng mắc về pháp lý, theo Điều 45 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì hình thức Hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với công trình xây dựng, kinh doanh, vận hành.

Đồng thời, Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”. 

Đối với phương án 1 nêu trên, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia tương đương 2 72,5% tổng mức đầu tư, không phù hợp với quy định tại Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư). 

Ngoài vướng mắc các quy định của pháp luật, phương án tài chính chưa đảm bảo.

Trường hợp đầu tư với phương án 2 nêu trên, tổng mức đầu tư thấp (730 tỷ đồng), công trình chỉ được cải tạo cục bộ, vốn nhà nước phải tham gia 42,5% nhưng thời gian nhà đầu tư thu phí kéo dài 20 năm, sẽ không hiệu quả. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị không thực hiện phương án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT.

Đà Nẵng được bố trí hơn 2.000 tỷ đồng để nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông

Theo thông tin từ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đà Nẵng, liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố này trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã cân đối được khoảng 2.008 tỷ đồng để Đà Nẵng hoàn thành 2 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước và khởi công mới 2 dự án.

Cụ thể, trong năm 2023 sẽ triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm là đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (thuộc cao tốc La Sơn - Túy Loan) và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B theo phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải.

Đây là 2 dự án động lực trọng điểm của Đà Nẵng sẽ khởi công trong năm 2023 và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2025.

tm-img-alt
Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng có tổng mức đầu tư hơn 788 tỷ đồng.

Dự án xây dựng cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài khoảng 11,5km với điểm đầu tuyến tại vị trí tiếp giáp nút giao thông Hòa Liên (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) và điểm cuối tại vị trí tiếp giáp nút giao thông Túy Loan (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với tổng mức đầu tư gần 2.113 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 951 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 942 tỷ đồng.

Về phân bổ nguồn vốn, năm 2022 dự kiến bố trí 4,6 tỷ đồng; năm 2023 bố trí 678 tỷ đồng; năm 2024 bố trí 906 tỷ đồng và năm 2025 bố trí hơn 565,5 tỷ đồng.

Còn dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng từ nút giao thông Túy Loan đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài khoảng 7,55km với điểm đầu tuyến tại Km24+633 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) và điểm cuối tuyến tại Km32+185 (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) có tổng mức đầu tư hơn 788 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ căn cứ trên nhu cầu đầu tư sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét khi có điều kiện về nguồn lực.

Đề nghị Công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trên QL20

Theo đó, để có cơ sở cho các đơn vị kịp thời xử lý ùn tắc giao thông, khắc phục, bảo đảm giao thông an toàn thông suốt, bảo vệ an toàn kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cũng như để Cục ĐBVN ban hành quyết định Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo Điểm a, Khoản 2, Điều 11a Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT, Cục ĐBVN đề nghị Bộ GTVT "Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai".

Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại Công điện khẩn số 24/CĐ-BGTVT ngày 30/7/2023, để bảo đảm an toàn công trình, kịp thời khắc phục sạt lở nhằm thông đường sớm nhất để phục vụ người tham gia giao thông trên QL20 (đèo Bảo Lộc), Cục ĐBVN đã có Công điện số 06/CĐ-CĐBVN ngày 30/7/2023 yêu cầu Khu QLĐB IV cử lãnh đạo Khu thường xuyên có mặt tại hiện trường để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình khắc phục thiệt hại; kiểm tra, rà soát tổng thể khu vực, kịp thời phát hiện các vị trí có nguy cơ sạt lở trên đoạn tuyến để có phương án xử lý bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ;

tm-img-alt
Hiện trường vụ sạt lở - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông từ xa, tại các đầu mối giao thông kết nối với QL20 để hướng dẫn lưu thông tránh qua khu vực đèo Bảo Lộc, các vị trí còn có nguy cơ sạt lở; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí còn có nguy cơ sạt lở, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện lưu thông trên QL20, đặc biệt khu vực đèo Bảo Lộc; huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực để tiến hành vừa thi công, vừa đảm bảo giao thông, phối hợp tìm kiếm cứu nạn kịp thời (bố trí đầy đủ lực lượng trực gác, điều tiết, phân luồng, rào chắn, cảnh báo giao thông nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và bảo đảm giao thông an toàn khi cho thông xe tại khu vực các vị trí đã bị sạt lở và các vị trí còn có nguy cơ sạt lở); yêu cầu thông xe bảo đảm an toàn trong thời gian sớm nhất (ngay sau khi hoàn thành công tác tìm kiếm cứu nạn).

Trước đó, do tình hình mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 28-30/7/2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tại khu vực Đèo Bào Lộc đoạn từ Km98-Km105 đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá, cụ thể:

Tại Km104+ 100, QL20: Vào lúc 11h40 ngày 30/7/2023 xảy ra sạt lở ta luy dương; khối lượng đất, đá sạt lở tràn xuống mặt đường khoảng 50m3; gây ùn tắc giao thông; đại diện Khu QLĐBIV, Nhà thầu quản lý, BDTX phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức điều tiết giao thông. Đến 12h00' phương tiện đã lưu thông được 1 chiều, đến 13h30' đã thông xe 02 chiều trên đoạn tuyến.

Tại Km103+100, QL20 (khu vực Trạm kiểm tra CSGT trên đèo Bảo Lộc): Vào lúc 14h30 ngày 30/7/2023 xảy ra sạt lở mái taluy dương; khối lượng đất đá sạt lở tràn ra toàn bộ mật đường rất lớn khoảng 6.000-8.000m3 (chiều dài sạt lở khoảng 50m, cao 3m). Khu QLĐBIV, Nhà thầu quản lý, BDTX tiếp tục huy động nhân lực, thiết bị khắc phục (09 máy đào, 03 máy xúc, 02 máy đào, 02 xe cẩu, 01 xe ben…) để tăng cường công tác hốt dọn đất đá. Theo báo cáo nhanh tại thời điểm sạt lở đất đá đã làm mất tích 03 cán bộ chiến sĩ CSGT và 1 người dân.

Đồng Nai dành 700ha đất kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Ngày 1/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan về triển khai kế hoạch các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.

Hiện nay, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích 52ha, quy mô hơn 8 nghìn căn hộ.

Để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô khoảng 50 nghìn căn hộ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 700ha đất trên địa bàn.

Tính đến thời điểm này, Đồng Nai đã phê duyệt 2 trong 8 hồ sơ dự án. Các dự án còn lại chưa đủ cơ sở lập hồ sơ, chưa thẩm định hoặc đã thẩm định nhưng chưa đủ cơ sở trình phê duyệt.

Từ thực tiễn triển khai kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cho rằng, hiện nay gặp nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý đất đai, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đánh giá năng lực nhà đầu tư.

tm-img-alt
Một dự án nhà ở xã hội ở Đồng Nai.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng, tỉnh phấn đấu trong năm 2023 triển khai xây dựng thêm các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để có thêm quỹ nhà cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, thực tế công tác lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án vừa qua rất chậm.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm. Trong đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định năng lực nhà đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư; Sở Xây dựng hỗ trợ các địa phương quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500.

Đối với chính quyền các huyện, thành phố cần đẩy nhanh việc lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, sau khi được duyệt sớm đấu thầu triển khai dự án.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có hơn 1 triệu công nhân lao động, trong đó khoảng 600 nghìn công nhân đang phải ở trọ không bảo đảm, do đó, nhu cầu về nhà ở của người lao động là rất lớn.

TP. HCM: Hoàn thành 200km metro vào năm 2035 cần 25 tỷ USD

Chiều 31/7, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP.HCM”.

Trước đó vào ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặt ra mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.

Theo Nghị quyết 98, TP.HCM được phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) ở các nhà ga metro, nút giao Vành đai 3. Khi triển khai mô hình này sẽ là đòn bẩy thúc đẩy việc đầu tư 200 km metro trong vòng 12 năm tới.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo “Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035”.

tm-img-alt
Tàu metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên chạy thử vào tháng 4/2023. (Ảnh: Internet)

Theo đó, trong 12 năm tới, TP.HCM phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200 km, chưa kể các tuyến sẽ được bổ sung vào Đồ án quy hoạch chung sắp tới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Thành phố trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây là cơ hội, là công cụ lớn đối với Thành phố nói chung, trong đó có lĩnh vực hạ tầng giao thông trọng yếu - Đường sắt đô thị, nhằm hiện thực hóa Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cũng xác định, công cụ này là chưa đủ. Do đó gần đây, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Ban phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Thành phố (HIDS) và Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) cùng một số sở ban ngành của TP thành lập Tổ xây dựng Đề án triển khai Kết luận 49, do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng. Đề án này sẽ được báo cáo lên Bộ Chính trị và Quốc hội, nhằm đưa ra các đề xuất để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tiến độ thi công…Đó sẽ là cơ sở cho việc hoàn thành nhanh mục tiêu của Kết luận 49 đối với đường sắt đô thị TP.HCM.

Các chuyên gia tham gia trực tiếp và trực tuyến tại tọa đàm đã trao đổi, thảo luận các đề xuất theo các lĩnh vực trọng yếu như: Quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; Nguồn lực tài chính; Thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; Tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; Mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực…

Trong đó, công tác quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị cần có khoảng 25 tỷ USD chậm nhất vào năm 2028. Cần thực hiện thu hồi đất ngay khi dự án được phê duyệt quy hoạch; xây dựng tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị phải được hoàn thành trong vòng 7-8 năm. Phương án tổ chức thi công, phương án cung cấp vật tư thiết bị hoàn toàn mới, khác biệt với cách làm tương tự như hiện nay…

Đặc biệt, các chuyên gia nhận xét, việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) là giải pháp căn cơ để tạo ra nguồn lực tài chính lớn thông qua việc khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; đồng thời chỉnh trang toàn bộ cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại.

Bình Dương dự kiến hoàn thành đường Bắc Tân Tuyên - Phú Giáo - Bàu Bàng trong năm 2023

UBND tỉnh Bình Dương vừa đi khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đây là dự án thuộc nhóm B, công trình giao thông cấp II. Dự án có tổng chiều dài 26 km (huyện Phú Giáo 18 km, huyện Bàu Bàng 8,6 km) với tổng mức đầu tư 1.646 tỷ đồng.

Tại buổi khảo sát đoạn qua huyện Phú Giáo từ ngã ba Tam Lập đến huyện Bàu Bàng có chiều dài 17 km, lãnh đạo huyện và đơn vị thi công đã báo cáo với Đoàn tiến độ thực hiện.

Theo đó, đến nay, công trình có tổng khối lượng thi công đạt khoảng 43,8%, chậm so với kế hoạch do còn nhiều khó khăn, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, hệ thống lưới điện, hệ thống cấp nước sạch và cáp viễn thông nằm trong phạm vi mặt bằng thi công chưa được di dời, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục khẩn trương, làm đến đâu dứt điểm đến đó trong thời gian sớm nhất. Các đơn vị liên quan phải khẩn trương di dời các trụ điện để sớm có mặt bằng thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đối với phần mặt bằng còn vướng do một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao, địa phương và đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nhanh chóng bàn giao mặt bằng.

Đối với đoạn tuyến qua huyện Bàu Bàng (công trình xây dựng đường Tân Long - Lai Uyên) có chiều dài trên 8,6 km được khởi công từ ngày 5/10/2022, đến nay, công trình có tổng khối lượng hoàn thành 90% (vượt so với tiến độ dự thầu giai đoạn 1).

Hiện còn vướng mắc mặt bằng khoảng 1 km gồm đất và cây tràm của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Đông Nam bộ và mặt bằng vị trí hạ lưu mương dẫn dòng cống ngang.

Lãnh đạo tỉnh cũng phải hoàn thành toàn bộ tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng có tổng chiều dài 26 km trong năm nay, không để kéo dài sang năm 2024.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 1/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.