Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 19/9/2023
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.
Giá bán căn hộ sơ cấp tại TP.HCM cao gấp 4 lần so với Hà Nội
Ngày 18/9, Savills Việt Nam công bố Chỉ số giá Bất động sản (Savills Property Price Index) quý II/2023 đối với thị trường TP.HCM và Hà Nội. Theo đó, giá bán căn hộ sơ cấp tại TP.HCM cao gấp 4 lần so với Hà Nội.
Cụ thể, số liệu Savills Việt Nam công bố cho thấy, chỉ số nhà ở tại TP.HCM trong quý II/2023 ở mức 131 điểm, tăng 1 điểm theo quý và 2 điểm theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình 125 triệu đồng/m² thông thủy, tăng 5% theo quý và 40% theo năm. Savills Việt Nam cho biết, phân khúc hạng A và B có lượng hàng tồn kho lớn, đồng thời có mức giá cao, giá bán thứ cấp cũng có xu hướng tăng lên.
Ghi nhận của Savills Việt Nam, quý II/2023, tỷ lệ hấp thụ thấp nhất từ trước đến nay ở mức 5%, giảm 7 điểm % theo quý và 62 điểm % theo năm. Theo đánh giá của Savills Việt Nam, quá trình phê duyệt quy hoạch chậm và mất cân bằng cung - cầu, cùng sự phức tạp của thị trường vốn tiếp tục tác động đến chủ đầu tư dự án và người mua bất động sản.
Đối với thị trường Hà Nội, chỉ số nhà ở ổn định theo quý ở mức 130,4 điểm. Trong khi đó, giá căn hộ trung bình là 39 triệu đồng/m² thông thủy. Bên cạnh đó trong quý II, tỷ lệ hấp thụ đạt 12%, giảm 1 điểm % theo quý nhưng ổn định theo năm.
Chia sẻ về xu hướng của thị trường bất động sản, nhà ở hiện nay, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam Troy Griffiths dự báo, tình hình trầm lắng sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi lãi suất tiền gửi giảm và nguồn cung mới bổ sung vào thị trường.
Về thị trường văn phòng, số liệu công bố của Savills Việt Nam cho thấy, quý II/2023, chỉ số văn phòng tại TP.HCM ổn định theo quý và tăng 1 điểm theo năm lên 96 điểm.
Công suất thuê giảm 3 điểm % theo quý và 1 điểm % theo năm xuống còn 92%. Cụ thể, giá thuê đạt 953 nghìn đồng/m²/tháng, tăng 2% theo quý và 5% theo năm. Với thị trường Hà Nội, chỉ số giá văn phòng đạt 68,7 điểm, giảm 1,1 điểm theo quý và giảm 1,8 điểm theo năm.
Đáng chú ý, công suất thuê của thị trường chung tại Hà Nội tăng 2 điểm % so với quý đầu năm, tuy nhiên lại giảm 1 điểm % so với giai đoạn cùng kỳ xuống 91%.
Phê duyệt tuyến đường rộng 37m tại huyện Ứng Hòa
Theo chỉ giới được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, tuyến đường đi qua địa bàn các xã Trung Tú, Phương Tú, Tảo Dương Văn, Vạn Thái, Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Điểm đầu tuyến tại nút giao với quốc lộ 21B; điểm cuối tại nút giao với đường trục kinh tế phía Nam với tổng chiều khoảng 6,5km.
Hướng tuyến đường phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch chung xây dựng huyện Ứng Hòa thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 được UBND thành phố phê duyệt.
Về quy mô, cấp hạng đường: Toàn tuyến đường rộng 37m, gồm 2 làn xe chạy chính rộng 21m (6 làn xe), dải phân cách giữa rộng 3m, dải phân cách và dải an toàn giữa dải xe chạy chính và dải xe thô sơ rộng 3m, dải xe thô sơ rộng 9m và lề đường rộng 1m.
Đối với đoạn tuyến tổ chức cầu vượt với quốc lộ 21B và sông Đáy bề rộng tuyến mở rộng 42m, thành phần gồm: Cầu vượt sông Đáy rộng 25m (gồm dải phân cách giữa rộng 2m, 4 làn xe chính rộng 15m, dải phân cách làn xe chạy chính và làn thô sơ rộng 3m và 2 làn thô sơ rộng 5m) và đường dưới cầu rộng 8,5m mỗi bên (gồm làn xe hỗn hợp rộng 8m và lề đường rộng 0,5m).
Về cấp hạng, đây là đường cấp II đồng bằng. Thành phần mặt cắt ngang đường sẽ được xác định cụ thể, chính xác theo dự án đầu tư xây dựng tuyến đường được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Các nút giao giữa tuyến đường với quốc lộ 21B và đường trục kinh tế phía Nam được tổ chức giao khác mức theo định hướng Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội được duyệt.
Quý II/2024, Hà Nội xây dựng cầu Vân Phúc vượt sông Hồng
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội vừa báo cáo về Dự án Đầu tư và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ.
Theo đó, Dự án sẽ khởi động vào quý II/2024, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2027. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là Chủ đầu tư Dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng thực hiện trên địa bàn các xã: Phụng Thượng, Long Xuyên, Xuân Đình và Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội với tổng chiều dài 7,76 km. Điểm đầu tuyến nằm tại vị trí giao cắt với Quốc lộ 32, điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc.
Tổng diện tích sử dụng đất của Dự án hơn 34,9 ha. Trong đó, có 17,1 ha đã được Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường đền bù và giải phóng mặt bằng, trùng với Dự án Đường trục kinh tế xã hội Bắc - Nam.
Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Riêng phần đường nối từ Quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Cầu Vân Phúc là 1 trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 9 cầu còn lại gồm cầu: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên.
Thái Bình: Phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng và mở rộng địa giới TP Thái Bình
Theo đó, quy mô dân số của TP Thái Bình đến năm 2035 có cơ cấu khoảng 570.000 người. Bao gồm dân số hiện trạng của 19 xã, phường và 10 xã dự kiến mở rộng địa giới hành chính trong tương lai gồm các xã: Tân Phong, Trung An (huyện Vũ Thư), Đông Hưng (huyện Đông Hưng), Tây Sơn, An Bình, Quốc Tuấn, Bình Nguyên, Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang (huyện Kiến Xương).
Hướng phát triển đô thị theo mô hình 2 hạt nhân phát triển hai bên sông Trà Lý, bảo đảm đa cực, đa chức năng. Đất đô thị hiện hữu phía Nam sông Trà Lý và đất phát triển đô thị tại phía Bắc sông Trà Lý kết hợp với các tuyến giao thông vành đai, các trục giao thông (các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ và một số tuyến trục chính đô thị mới). Kết nối hai cực phát triển để mở rộng không gian và phát triển đô thị theo định hướng lấy sông Trà Lý làm trục cảnh quan của trung tâm thành phố.
Thành phố hình thành 12 phân khu chức năng. Bao gồm: Phân khu đô thị Trung tâm hiện hữu là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại dịch vụ,... Phân khu trung tâm đô thị mới, trọng điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật, khu vui chơi, công viên sinh thái. Phân khu trung tâm y tế tập trung phát triển khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố. Phân khu phát triển phía Tây là khu vực phát triển các khu ở mới gắn với các khu thương mại dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực,...
Đặc biệt, tập trung phát triển phân khu đô thị ven sông Trà Lý có kết cấu hiện đại khu nhà ở, thương mại dịch vụ, kết nối hài hòa với các trục cảnh quan, không gian đô thị mở ven sông Trà Lý, tạo nên diện mạo của trung tâm thành phố hiện đại, văn minh.
Thời gian gần đây, TP Thái Bình đã khởi động triển khai một loạt giải pháp tích cực như: Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch chi tiết các phân khu mở rộng không gian đô thị khu vực song Trà Lý; tiến hành cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang một loạt tuyến đường, hệ thống thắp sáng và cấp thải nước các tuyến lộ chính, làm đổi thay diện mạo của thành phố, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân...
Chi 30 tỷ nạo vét luồng đường thủy Cửa Đại - Cù Lao Chàm
Cụ thể, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, đáp ứng nhu cầu vận tải tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, Bộ GTVT đã bố trí kế hoạch và kinh phí nạo vét đảm bảo chuẩn tắc luồng trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm.
Năm 2017 nạo vét khu vực Km1+375 - Km1+790 và Km2+575 - Km4+200, kinh phí nạo vét 12,8 tỷ đồng. Năm 2021 nạo vét khu vực Km2+00 - Km4+00 với tổng kinh phí 21,99 tỷ đồng.
Ngoài ra Bộ GTVT đã có Quyết định số 1776/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2022 phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa quốc gia.
Trong đó đã bố trí kế hoạch nạo vét đảm bảo giao thông tại khu vực Cửa Đại với kinh phí dự kiến khoảng 30 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2023 - 2024.
Báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện công trình đã hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và đang triển khai các trình tự thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo tiến độ và chất lượng của công trình, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp, tạo điều kiện trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường, vị trí đổ chất nạo vét, kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Lập danh sách 54 dự án chậm tiến độ cần phải xử lý
Ngày 18/9, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp để thống nhất qui trình xử lí các dự án chậm triển khai trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 54 dự án chậm triển khai. Trong đó, có 8 dự án thuộc Ban quản lý các Khu công nghiệp; 14 dự án thuộc Sở Xây dựng; 22 dự án thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên trong quá trình rà soát xử lí những dự án này còn vướng mắc về thẩm quyền giải quyết như trong và ngoài khu công nghiệp; đã giao đất và chưa giao đất...
Vì vậy, các Sở đã trình UBND tỉnh xem xét thống nhất phương án, quy trình xử lí các dự án chậm triển khai trên theo nhóm chuyên ngành thuộc quản lí.
Cụ thể như, đối với các dự án chậm triển khai trong Khu công nghiệp, Ban quản lý các Khu công nghiệp là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi, xử lí việc chậm triển khai các dự án hạ tầng khu công nghiệp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lí.
Các dự án ngoài khu công nghiệp; nếu đã được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận dụng đất mà không thực hiện thủ tục đầu tư thì Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lí dự án theo quy định pháp luật đất đai. Nếu có thực hiện thủ tục đầu tư thì Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm rà soát, theo dõi, tham mưu UBND tỉnh xử lí việc chậm triển khai dự án; đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư nắm bắt.
Đối với các lĩnh vực khác, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch kiểm tra xác định dự án không thực hiện đúng tiến độ; tổ chức lấy ý kiến các ngành và phương án xử lí.
Các dự án đã chấm dứt hoạt động dự án, chấm dứt văn bản chủ trương thì các Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương phối hợp rà soát, xử lí các thủ tục có liên quan báo cáo UBND tỉnh xử lí.
Còn các dự án mà UBND tỉnh có văn bản ủng hộ về chủ trương thực hiện dự án đầu tư hoặc văn bản thỏa thuận địa điểm dự án, chưa lập thủ tục đất đai, không thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, UBND các địa phương có trách nhiệm rà soát, kịp thời đề xuất phương án xử lí…
Tính từ thời điểm lập phương án xử lý dự án năm 2014 đến nay, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã chấm dứt hoạt động 200 dự án, bao gồm 64 dự án trong khu công nghiệp, 63 dự án nhà ở, khu đô thị và 73 dự án khác ngoài khu công nghiệp.
Tỉnh này cũng chấm dứt hiệu lực pháp lý 70 văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư do các nhà đầu tư không thực hiện các thủ tục theo quy định; giãn tiến độ cho 104 dự án để nhà đầu tư triển khai và đưa dự án vào hoạt động.
Đẩy nhanh tiến độ khởi công cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Theo Bộ GTVT, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) có tổng chiều dài khoảng 220km.
Trong đó hiện nay đoạn Dầu Giây - Liên Khương đang nghiên cứu dài khoảng 201 km (bao gồm các đoạn Dầu Giây - Tân Phú dài 60 km, Tân Phú - Bảo Lộc dài 67 km, Bảo Lộc - Liên Khương dài 74 km); quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP, giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư 02 Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP.
Đến nay, 2 dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú và đoạn Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại các Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 và số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022, đoạn Bảo Lộc - Liên Khương đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 09/12/2022.
Hiện nay, Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định để sớm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ yêu cầu theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
TP.HCM dự kiến thu phí sử dụng lòng đường, hè phố từ đầu năm 2024
Chiều 19/9, tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM khóa X đã biểu quyết thống nhất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Theo đó, có 3 trường hợp được phép sử dụng tạm thời lòng đường và phải đóng phí gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động này; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Ngoài ra, 5 trường hợp được phép sử dụng tạm thời hè phố và phải đóng phí gồm: điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe; tổ chức hoạt động văn hóa và điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng, tùy vào từng khu vực và vị trí các tuyến đường.
Cụ thể, TPHCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Trong đó, khu vực 1 (gồm địa bàn quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) có mức thu phí cao nhất; trong khi khu vực 5 là huyện Cần Giờ có mức thu thấp nhất.
Về cách tính thời gian thuê, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì tính 1 tháng.
Thời gian bắt đầu thu phí dự kiến áp dụng là từ 0 giờ ngày 1/1/2024. Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí là Sở GTVT TP và UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Theo tính toán của Sở GTVT TPHCM, dự kiến số tiền phí thu được từ hoạt động này là hơn 1.500 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ không triển khai thu phí đồng loạt trên tất cả các tuyến đường, mà sẽ thực hiện ở các tuyến đường đủ điều kiện theo danh mục được ban hành.
T.Anh