Thứ bảy, 27/04/2024 16:56 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 21/6/2023

MTĐT -  Thứ tư, 21/06/2023 17:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/6/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 21/6/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Bắc Kạn: Trung tâm đăng kiểm duy nhất hoạt động trở lại

Ngày 20/6, Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, Trung tâm đăng kiểm 9701D duy nhất ở Bắc Kạn (có địa chỉ tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn) đã chính thức hoạt động trở lại từ chiều 19/6 với 1 dây chuyền kiểm định.

Trước đó, ngày 17/6, tổ công tác của Phòng Kiểm định xe cơ giới đã có mặt tại TP Bắc Kạn để thực hiện kiểm tra, đánh giá dây chuyền kiểm định, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm định xe tại trung tâm này, đảm bảo đơn vị đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Thời gian qua, Cục Đăng kiểm VN cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ trung tâm cài đặt phần mềm phục vụ kiểm định xe. Công ty Cổ phần Đăng kiểm Bắc Kạn cũng đã khẩn trương bổ sung nhân lực, củng cố bộ máy hoạt động để đảm bảo có đăng kiểm viên bậc cao cũng như đăng kiểm viên thường vận hành dây chuyền.

tm-img-alt
Trung tâm đăng kiểm duy nhất  ở Bắc Kạn hoạt động trở lại. (Ảnh: Internet)

Đơn vị hiện có 2 đăng kiểm viên (1 đăng kiểm viên bậc cao và 1 đăng kiểm viên thường) đủ điều kiện về nhân lực để vận hành một dây chuyền kiểm định theo quy định mới tại Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP. Do chỉ có 2 đăng kiểm viên thực hiện nhiều công đoạn trong dây chuyền nên các đăng kiểm viên khá vất vả, tiến độ công việc chậm hơn so với trước đây. Thời gian tới, sau khi hoạt động ổn định, đánh giá tình hình, nếu cần thiết, đơn vị sẽ bổ sung thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ kiểm định, nâng cao năng suất.

Trong thời gian trung tâm đăng kiểm duy nhất bị đóng cửa, người dân, doanh nghiệp ở Bắc Kạn phải di chuyển về các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Thái Nguyên để kiểm định xe, gây mất thời gian và tốn kém, phát sinh chi phí.

Để đông đảo chủ xe, doanh nghiệp nắm được thông tin, sáng nay, đơn vị đã đăng tải thông báo hoạt động trở lại trên trang fanpage của công ty, dự kiến đơn vị sẽ mở cửa hoạt động phục vụ nhu cầu kiểm định xe của người dân từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần.

Hà Nội dự kiến đặt tên đường, phố theo tên đảo ở Trường Sa

Ngày 19/6, UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn, dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 12 HĐND Thành phố diễn ra đầu tháng 7/2023. Theo đó, Thành phố sẽ đặt tên 58 tuyến đường, phố mới ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín.

Thành phố dự kiến lấy tên 6 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đặt tên cho các tuyến đường ở huyện Gia Lâm.

tm-img-alt

Các đảo Song Tử Tây, An Bang, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh và Tiên Nữ dự kiến được đặt tên cho các tuyến đường thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Cụ thể: Đường An Bang (huyện Gia Lâm), dài 1.080 m, rộng 8 - 10 m (lòng đường 8 m, vỉa hè 1 - 2 m); dự kiến đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Thánh Tông tại cầu vượt đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đối diện Vinhome Ocean Park (tổ dân phố An Đào, thị trấn Trâu Quỳ) đến nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Đường Song Tử Tây (huyện Gia Lâm), dài 1.200 m, rộng 8 - 10 m (lòng đường 8 m, vỉa hè mỗi bên từ 1 - 2 m); dự kiến đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Thánh Tông tại thôn Đào Xuyên , xã Đa Tốn đến ngã ba giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B) tại cầu B1.01.

Đường Nam Yết (huyện Gia Lâm), dài 1.600 m, rộng 8 - 10 m (lòng đường 8 m, vỉa hè mỗi bên từ 1 - 2 m); dự kiến đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Thánh Tông, đối diện đường dự kiến đặt tên Song Tử Tây đến ngã ba giao cắt đường đi vào thôn Đào Xuyên và khu Vinhome Ocean Park.

Đường Sơn Ca (huyện Gia Lâm), dài 1.700 m, rộng 8 - 10 m (lòng đường 8 m, vỉa hè mỗi bên từ 1 - 2 m); dự kiến đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Thánh Tông tại cổng Vinhome Ocean Park tại tổ dân phố An Đào, thị trấn Trâu Quỳ đến ngã tư giao cắt đường đi xã Đa Tốn - Kiêu Kỵ tại Km3+982 đi Quốc lộ 5B.

Đường Phan Vinh (huyện Gia Lâm), dài 1.800 m, rộng 8 - 10 m (lòng đường 8 m, vỉa hè mỗi bên từ 1 - 2 m); dự kiến đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt lối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B) tại Km3+982, cầu B1-06 đến ngã ba giao cắt đường đê sông Bắc Hưng Hải tại ngõ 342 đường Kiêu Kỵ.

Đường Tiên Nữ (huyện Gia Lâm), dài 2.000 m, rộng 8 - 10 m (lòng đường 8 m, vỉa hè mỗi bên từ 1 - 2 m); dự kiến đặt cho đoạn từ ngã tư giao cắt đường dự kiến đặt tên Sơn Ca và đường đi xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ đến ngã tư giao cắt cạnh cầu Bắc Hưng Hải tại ngõ 342 Kiêu Kỵ.

Thành phố cũng điều chỉnh độ dài của hai tuyến đường, phố. Gồm phố Hà Kế Tấn, quận Hoàng Mai, được kéo dài 470 m, đến ngã tư giao cắt với phố Định Công tại cầu Định Công. Đường Dương Đức Hiền, huyện Gia Lâm được kéo dài 2,2 km đến ngã ba giao với đường vào Đại học Công nghệ dệt may Hà Nội (giáp xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Theo kế hoạch, dự thảo nghị quyết về đặt đổi tên đường phố được trình HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.

Xây dựng thị xã Kinh Môn đạt đô thị loại III trước năm 2025

Ngày 21/6, Thị ủy Kinh Môn tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo báo cáo Hội nghị, kết quả thực hiện một số đề án, kế hoạch đến thời điểm sơ kết còn nhiều nhóm chỉ tiêu, chỉ tiêu thành phần phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt so với mục tiêu; Đề án đô thị loại III chậm được lập; thiếu tính chủ động trong tổ chức thực hiện giữa lập chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị với điều chỉnh quy hoạch chung thị xã; tiến độ lập một số quy hoạch còn chậm, ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư, dự án tạo nguồn và làm chậm tiến độ một số công trình, dự án so kế hoạch; hoạt động sản xuất nông nghiệp tuy đã có nhiều sản phẩm thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam nhưng còn thiếu đồng bộ về vùng sản xuất, sản phẩm chưa mang tính hàng hóa và giá trị kinh tế chưa cao...

tm-img-alt
Thị xã Kinh Môn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nối liền các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. 

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV “Xây dựng thị xã Kinh Môn đạt đô thị loại III trước năm 2025 và trở thành thành phố trước năm 2030”, Đảng bộ thị xã đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Đó là, hoàn thiện và đồng bộ các quy hoạch với điều chỉnh quy hoạch chung thị xã; xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện các quy hoạch sau khi được phê duyệt; tập trung giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, tiêu chí đô thị loại III; tiếp tục chỉnh trang đô thị; lập, trình phê duyệt chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị trong năm 2023 làm căn cứ quản lý nhà nước về kiến trúc xây dựng, đô thị. Khảo sát, đánh giá nghiêm túc, khách quan sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; từng bước giải quyết những nổi cộm về môi trường khói, bụi của các nhà máy...

Kết quả, Đảng bộ thị xã đã thực hiện 3 chỉ tiêu vượt mục tiêu, 6 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất bình quân thị xã Kinh Môn giai đoạn 2021-2023 ước đạt 10,5%/năm. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,8%; công nghiệp - xây dựng 11%; dịch vụ 8,4%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với quá trình đô thị hóa. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 92,5 triệu đồng, tăng 37% so với năm 2020 (67,5 triệu đồng).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 11 danh mục công trình trọng điểm. Hiện đã có 1 công trình và 3 danh mục thành phần hoàn thành; 6 danh mục đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, 2 danh mục công trình xác định không hoàn thành nên đã chủ động đề xuất HĐND thị xã đưa ra khỏi kế hoạch; 2 danh mục công trình chưa xác định được vị trí và chuyển hình thức đầu tư.

Tại hội nghị, Đảng bộ thị xã đã thảo luận và thống nhất điều chỉnh 9 chỉ tiêu thành phần so với nghị quyết Đại hội (gồm cơ cấu lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; cơ cấu lao động ngành công nghiệp, xây dựng; cơ cấu lao động ngành dịch vụ; tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; số giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ thôn, khu dân cư văn hóa)..

TP HCM: Cấm xe đường Lê Lợi để tổ chức ngày quốc tế Yoga

Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ công tác tổ chức ngày quốc tế Yoga tại đường Lê Lợi, Sở GTVT TP.HCM cấm các loại xe lưu thông trên phần đường dành cho xe ô tô trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Pasteur) trong khoảng thời gian từ 8 giờ ngày 20/6 đến 14 giờ ngày 21/6.

Các phương tiện lưu thông trên phần đường hỗn hợp theo điều tiết của lực lượng chức năng. Sở GTVT lưu ý người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và hệ thống báo hiệu đường bộ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đối với các phương tiện giao thông của cá nhân, tổ chức trong khu vực bị ảnh hưởng có nhu cầu lưu thông trong thời gian bị cấm, đề nghị trực tiếp liên hệ Sở Ngoại vụ (số 6 đường Alexandre de Rhodes, phường Bến Nghé, quận 1; số điện thoại: 028.3822.4224) để được hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông.

Trước đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP Hà Nội tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế Yoga tại Tượng đài Cảm tử quân gần Đền Bà Kiệu, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội vào 6 giờ sáng ngày 18/6 trước thềm Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9 năm 2023. Hơn 1.000 người tập luyện, yêu mến yoga đã đến tham dự sự kiện.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2014 đã tuyên bố ngày 21/6 là Ngày Quốc tế Yoga (IDY) để thúc đẩy lối sống lành mạnh trên toàn thế giới.

Khi nào thực hiện thu phí không dừng tại cảng hàng không?

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), để triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ của hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Cụ thể, triển khai hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và số 19/2020/QĐ-TTg để định hướng, chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thời gian qua, hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc đã hoàn thành, đưa vào hoạt động đồng bộ, tạo thuận lợi trong hoạt động vận tải, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. 

Vừa qua Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) về việc triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí ra vào các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác.

Tuy nhiên theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, tài khoản giao thông chỉ được sử dụng để phục vụ việc thanh toán phí đường bộ.

Do vậy để triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ của hệ thống thu phí điện tử không dừng. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Để mở rộng dịch vụ, gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng, Bộ GTVT đã có văn bản số 4882/BGTVT-KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho phép được triển khai thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không.

Hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan để xử lý đề xuất của Bộ GTVT. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ phối hợp với ACV và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. 

Trước đó, Bộ GTVT nhận được Công văn số 2450/TTKQHGS của Tổng thư ký Quốc hội chuyển Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tới Bộ trưởng Bộ GTVT với nội dung:

Hiện nay trên toàn bộ các trạm BOT đa phần đều đã thu phí không dừng. Tuy nhiên các trạm thu phí sân bay trong cả nước, đặc biệt là ở Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn bắt buộc các tài xế dừng lại để thu phí bằng tiền mặt.

Các trạm này nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất gây ách tắc giao thông rất đáng kể. Tài xế và hành khách rất bức xúc.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 21/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề