Thứ hai, 29/04/2024 13:17 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 20/6/2023

MTĐT -  Thứ ba, 20/06/2023 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/6/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 20/6/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội: Lên kế hoạch cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão năm 2023

Theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong mùa mưa bão năm 2023, Hà Nội dự kiến chịu ảnh hưởng của 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trong những tháng chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh rất dễ xảy ra. Điều này làm gia tăng nguy cơ gãy đổ cây xanh, nhất là tại các tuyến phố nội đô.

Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến cây xanh, đặc biệt trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, chặt hạ các cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên địa bàn TP. Trong đó, ưu tiên cắt tỉa các loại cây như xà cừ, muồng, phượng… cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành vươn, đặc biệt là cành khô, sâu mục… để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.

Trước thời điểm mùa mưa bão năm 2023 đến gần, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành, UBND các quận kiểm tra, khảo sát cây sâu mục nguy hiểm, cây chết khô. Lập kế hoạch cắt sửa, chặt hạ khoảng 1.500 cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên các tuyến phố nội đô.

Hà Nội: Lên kế hoạch cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão năm 2023
Công ty lập kế hoạch cắt sửa, chặt hạ khoảng 1.500 cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên các tuyến phố nội đô. (Ảnh: Itn)

Ngoài ra, Công ty tiếp tục phối hợp với Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng, Trung tâm phát triển quỹ đất, Phòng Quản lý đô thị, UBND phường thuộc UBND các quận kiểm tra, khảo sát cây sâu mục nguy hiểm, cây chết khô, bố trí thực hiện xong trước mùa mưa bão và giải tỏa cây đổ, cành gãy (nếu có).

Công ty đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực thực hiện cắt sửa cây xanh. Dự kiến năm 2023, sẽ hoàn thành việc cắt sửa khoảng gần 80.000 cây xanh để bảo đảm tiêu chí phòng, chống thiên tai.

Thành lập các tổ cơ động nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ khắc phục sự cố gãy đổ cây xanh khi mưa bão xảy ra. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Sở Xây dựng, các phòng ban thuộc UBND các quận để tổ chức lực lượng xử lý cây xanh gãy đổ kịp thời và hiệu quả nhất.

Quốc hội duyệt chi 1.930 tỷ đồng xây đường nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 20/6, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, với 471/472 phiếu tán thành.

Tuyến đường dài khoảng 56,9 km với quy mô 2 làn xe, tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, cho phép các phương tiện di chuyển với vận tốc 60 km/giờ. Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc tốc độ thiết kế là 40 km/giờ. Tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m).

Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 1.930 tỉ đồng, theo hình thức đầu tư công. Trong đó, Chính phủ cam kết đầu tư 1 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 theo mục tiêu dự án có tính chất liên kết vùng. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 930 tỉ đồng.

Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 128,96 ha. Ngoài ra, Quốc hội cũng đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng cho 75,58 ha đất rừng và rừng. Trong đó, chuyển đổi khoảng 20,07 ha đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn; đất rừng, rừng đặc dụng khoảng 32,88 ha và đất rừng, rừng sản xuất khoảng 15,63 ha.

Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2023 và hoàn thành vào năm 2027. Dự án giao thông nối Quốc lộ 27C và tỉnh lộ 656 sau khi hoàn thiện sẽ kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Từ đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Đồng thời, tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, hình thành mạng lưới giao thông phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.

Cùng với đó, Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù, giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư dự án, trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách.

Triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 truyền tải điện cho miền Bắc

Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung có cuộc họp khẩn triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa nhằm cung cấp kịp thời lượng điện năng cho miền Bắc giai đoạn 2025-2030.

Theo chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các dự án đường dây 500 kV chuyển điện từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc, cung cấp kịp thời lượng điện năng cho miền Bắc giai đoạn 2025-2030, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đã họp triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa; lên phương án truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện và năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung bộ vào hệ thống điện quốc gia.

tm-img-alt
Sẽ triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 để kịp thời chuyển điện năng từ miền Nam và miền Trung cho miền Bắc.

Đây là dự án cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu, bảo đảm tiêu chí N-1 (tiêu chí phục vụ quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống điện đảm bảo khi có sự cố); đặc biệt là bảo đảm truyền tải điện cho miền Bắc luôn trong tình trạng thiếu điện trong những năm tới.

Dự án được triển khai giúp nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc – Trung, kết hợp với các cung đoạn đường dây 500 kV Vũng Áng – Quảng Trạch – Dốc Sỏi – Pleiku 2 và đường dây 500 kV Thanh Hóa – Nam Định 1 – Phố Nối để khép kín tuyến đường dây 500 kV mạch 3, góp phần tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện.

Dự án có quy mô 2 mạch, dài khoảng 316,7 km, là công trình nhóm A, cấp đặc biệt đi qua 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, địa điểm xây dựng có địa hình phức tạp và chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết bất lợi. Thời gian thực hiện dự án khoảng 50 tháng kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa xét đến rủi ro trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phấn đấu phê duyệt đầu tư đường sắt cao tốc TP. HCM - Cần Thơ trước năm 2025

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời ý kiến đề nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ liên quan đến việc sớm đầu tư thực hiện tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và tuyến tránh TP Long Xuyên qua địa bàn quận Thốt Nốt.

Theo đó, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đề nghị sớm đầu tư thực hiện tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ để giúp Nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và doanh nghiệp nói riêng tháo gỡ khó khăn trong việc kết nối, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và cung ứng hàng hóa ra thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT bố trí nguồn vốn để sớm triển khai thực hiện tuyến Quốc lộ 91 tránh TP Long Xuyên qua địa bàn quận Thốt Nốt với chiều dài khoảng 5,3km, để giảm ùn tắc, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về đề nghị sớm đầu tư thực hiện tuyến đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh đến TP. Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch, tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174 km đi qua 6 tỉnh/thành phố, đường đôi, khổ 1.435mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.

Với vai trò quan trọng của tuyến đường trong việc kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ; đồng thời, thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung phối hợp với các địa phương triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương trong nhiệm kỳ này, làm cơ sở triển khai thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Chính phủ duyệt dự án cấp điện cho huyện Côn Đảo gần 5.000 tỷ đồng

Mục tiêu dự án cấp điện là đầu tư xây dựng dự án bảo đảm cung cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo Côn Đảo, nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển của huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Dự án này sẽ sử dụng vốn đầu tư công nhóm A, công trình năng lượng cấp II. Cụ thể, xây dựng mới đường dây 110 kV, 1 mạch, từ ngăn xuất tuyến 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng đến trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Mở rộng 1 ngăn lộ đường dây 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng. Xây dựng mới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo bằng công nghệ GIS, quy mô 2x63 MVA.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Vốn đầu tư của dự án khoảng 4.950 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 2.526 tỷ đồng và vốn tự có của EVN khoảng 2.424 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án không dưới 20 năm.

Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, địa bàn huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng biển nội thủy giữa thị xã Vĩnh Châu và huyện Côn Đảo. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 - 2026. Hình thức đầu tư dự án là đầu tư công.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 20/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...