Thứ bảy, 04/05/2024 05:15 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 29/9/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 29/09/2023 17:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 29/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình trên ôtô

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc lắp camera giám sát hành trình với ô tô nói chung và xe cá nhân nói riêng sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát trật tự giao thông sẽ tạo sự minh bạch, khách quan, toàn diện. Đồng thời trong một số trường hợp, camera giám sát hành trình giúp bảo vệ quyền lợi của người điều khiển phương tiện. Do đó, toàn bộ phương tiện được gắn camera thì trật tự xã hội sẽ được giám sát một cách đầy đủ hơn.

Tuy nhiên, ông Tạo cũng lưu ý đến tính khả thi của đề xuất. Lý do thứ nhất, ảnh hưởng đến kinh tế, chủ phương tiện phải thêm chi phí khi lắp đặt thiết bị này và thứ hai liên quan đến quyền riêng tư. “Người ta sẽ thắc mắc, xe cá nhân, tài sản riêng muốn đi chơi nơi bí mật mà lại bị camera giám sát theo dõi. Đây là vấn đề mà cơ quan soạn thảo cần suy nghĩ, tính toán để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nếu có công chuyện cần sự riêng tư thì có thể sử dụng phương tiện khác”, ông Tạo bày tỏ.

tm-img-alt
Sẽ có khoảng gần 4 triệu ô tô cá nhân phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Internet

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia giao thông cho rằng, thực tế hiện nay nhiều phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe, nhằm giúp cho người điều khiển theo dõi xác định được vị trí tài sản, phương tiện của mình. Song song đó, khi xảy ra tai nạn giao thông thiết bị giám sát hành trình rất hữu ích đối với lái xe cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình thay vì đưa ra yêu cầu bắt buộc. Hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cần có thí điểm, đưa ra lộ trình phù hợp, bởi còn liên quan đến chi phí bỏ ra mua sắm thiết bị.

Thêm vào đó, ông Thanh cho rằng, theo quy định hiện hành, tất cả ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng việc quản lý các thiết bị này thời gian qua rất “chệch choạc”. Giờ chúng ta bắt buộc tất cả các xe thì dường như hơi quá sức đối với cơ quan quản lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay, việc lắp camera hành trình với ô tô cá nhân là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh ô tô mới thì có rất nhiều ô tô cũ không lắp camera hành trình. Do đó, cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể với các xe này. Đồng thời, có thể nghiên cứu theo hướng, với các ô tô mới lưu thông sau khi luật có hiệu lực thì yêu cầu phải có camera hành trình; còn các ô tô cũ có thể cho khoảng thời gian nhất định để chủ xe thực hiện.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hiện đã có nhiều chủ phương tiện lắp camera để tự bảo vệ mình trong các tình huống xảy ra sự cố trên đường, có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ, lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe. Mục đích lớn nhất khi cơ quan chức năng xây dựng dự luật này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo an toàn giao thông và làm giảm tai nạn. Đồng thời, xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, bảo vệ tính mạng con người.

Đại diện cục khẳng định cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này, mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác. Tuy nhiên, vị này nêu rõ các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo, Bộ Công an sẽ chỉnh lý và ghi nhận sự đóng góp của người dân, cơ quan chức năng để điều chỉnh hợp lý, khoa học.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Khi đó, nếu quy định trên được giữ nguyên, ô tô cá nhân cũng sẽ bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.

Sắp trình đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang gửi các bộ ngành lấy ý kiến dự thảo báo cáo Quốc hội về thực hiện chính sách và đầu tư đường sắt năm nay.

Liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho hay, theo quy hoạch, từ nay tới năm 2030, sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM; hoàn thành toàn tuyến vào năm 2050.

Về tiến độ chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ triển khai lập đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, dự kiến trong năm 2023, phấn đấu trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025.

Đây là dự án có tính chất phức tạp, quy mô rất lớn cả về vốn đầu tư, tới kỹ thuật, lần đầu triển khai tại Việt Nam, dự án có tác động sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại 4 nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển, gồm: Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức. Kinh nghiệm từ chuyến đi sẽ cập nhật, bổ sung hoàn thiện đề án báo cáo Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.

Trong các quốc gia trên, Trung Quốc có mạng đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới, Tây Ban Nha có mạng đường sắt lớn nhất châu Âu và đứng thứ 2 thế giới. Đây là 2 nước nhận chuyển giao công nghệ trong khi Nhật Bản và Đức là 2 nước làm chủ công nghệ về đường sắt tốc độ cao.

Để triển khai được dự án trên, Bộ GTVT cho rằng, cần ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao. Bổ sung cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; xây dựng cơ chế khai thác quỹ đất (nhất là tại các ga đường sắt) để huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần hoàn thiện cơ chế giao, cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Với đặc thù phát triển đường sắt đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, dài hạn, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, huy động nguồn lực của các địa phương để tham gia đầu tư dự án.

tm-img-alt
Dự kiến, trong năm nay, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền xem xét thông qua đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Ảnh đường sắt cao tốc Tây Ban Nha).

Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với 2 phương án chính được tập trung nghiên cứu.

Phương án 1: Xây dựng đường sắt Bắc - Nam với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác 320 km/h, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.

Phương án 2: Xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam mới, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.

Hà Nội: Chi hơn 800 triệu đồng lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Trung Tự

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính phường Trung Tự và vùng lân cận, quận Đống Đa, Hà Nội, được giới hạn như sau: phía Đông Bắc giáp khu dân cư hiện hữu; phía Đông Nam giáp phố Phạm Ngọc Thạch; phía Tây Bắc và Tây Nam giáp phố Đặng Văn Ngữ.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 11 ha. Ranh giới, quy mô cụ thể sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập nhiệm vụ và lập đồ án quy hoạch.

tm-img-alt
Giá trị dự toán chi phí lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Trung Tự và phụ cận tỷ lệ 1/500 là khoảng 802 triệu đồng từ ngân sách TP. Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Giá trị dự toán chi phí lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Trung Tự và phụ cận, tỷ lệ 1/500 được duyệt hơn 800 triệu đồng, gồm các khoản chi phí lập nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, thẩm định đồ án quy hoạch, quản lý nghiệp vụ, tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư, công bố quy hoạch, chi phí thực hiện công tác thầu và lập mô hình.

Dự toán này sẽ là cơ sở để đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung công việc. Giá trị dự toán được xác định chính xác khi thực hiện thanh quyết toán theo thực tế hạng mục công việc.

UBND Thành phố giao UBND quận Đống Đa lập kế hoạch chi tiết để triển khai các nội dung công việc và chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp lệ về nội dung công việc, dự toán đề xuất với thực tế triển khai thực hiện.

Thí điểm thu phí tự động tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong 6 tháng

Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng cho các cảng hàng không và một số nội dung liên quan đến mở rộng cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Đề cập đến cơ sở thực tiễn triển khai thu phí không dừng tại các cảng hàng không, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, các nhà cung cấp dịch vụ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu người dùng. 

Với nhiều kênh nạp tiền thuận tiện, đa dạng, thu phí không dừng đã quen thuộc, đến nay đã có gần 5 triệu xe dán thẻ, mở tài khoản thu phí (tài khoản giao thông), đạt trên 90% tổng số lượng phương tiện trên cả nước.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Việc mở rộng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như thu phí tại cảng hàng không, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường… là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của giao thông thông minh, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và tăng tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án.

"Hiện nay, các trạm thu phí sân bay trong cả nước, đặc biệt là ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thu phí theo hình thức thủ công, tài xế phải dừng xe trước trạm thu phí để trả tiền mặt khiến cho khu vực trạm thường xuyên bị ùn tắc, gây bức xúc cho tài xế và hành khách", Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Việc thí điểm trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội, hiệu quả dự án theo quy định tại Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Đồng thời, gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng, cũng như có cơ sở đánh giá, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

"Trên cơ sở quá trình triển khai và kết quả thí điểm thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT tổ chức đánh giá tác động và rà soát, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị phương án xử lý phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề xuất thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 19 đồng thời với quá trình triển khai thí điểm", Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá.

Quảng Trị: Xuất hiện 'hố tử thần' trên đường tỉnh 588A

Tối 28/9, ông Hồ Văn Do- Chủ tịch UBND xã Mò Ó, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho biết, người dân vừa phát hiện một "hố tử thần" trên tuyến đường tỉnh lộ 588A đoạn đi qua thôn Đồng Đờn.

tm-img-alt
"Hố tử thần" xuất hiện trên đường. Ảnh: Internet

Chính quyền địa phương đã cử lực lượng xuống kiểm tra, nắm tình hình, cắm biển rào chắn để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Qua quan sát, hố có đường kính khoảng 1m.

Ông Hồ Văn Do cho biết, vào năm 2022, cách hố nói trên khoảng 10m cũng xuất hiện một hố khác có bán kính lớn hơn. Việc liên tiếp xuất hiện các hố trên đường khiến người dân lo lắng.

Theo Chủ tịch UBND xã này, tuyến đường này được xây dựng nhiều năm trước và mới được nâng cấp, sửa chữa năm 2018.

Định hướng xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư sân bay tại năm tỉnh thành

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, kết quả làm việc với các bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không để xem xét, cho ý kiến làm cơ sở hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Trong đó, các nội dung vướng mắc cần tháo gỡ về cơ sở pháp lý khi huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác cảng hàng không đã được tổng hợp và đề xuất giải pháp chung tại Đề án làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Bộ GTVT cho biết là trong quá trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án định hướng chung, UBND các tỉnh có thể chủ động tiếp tục hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không tại địa phương trong đó tập trung nghiên cứu phương án, quy mô đầu tư theo tính chất, điều kiện phát triển và quy hoạch của từng cảng hàng không.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ/Nguồn: Internet

Đối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Chu Lai, theo Bộ GTVT, Quy hoạch các cảng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã bố trí thêm đường cất hạ cánh thứ hai bên cạnh đường cất hạ cánh hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý để bảo đảm hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bay của quân sự. Như vậy quy hoạch khu hàng không dân dụng và đường cất hạ cánh, đường lăn mới cơ bản tách biệt về đất đai và hoạt động với các công trình do Bộ Quốc phòng quản lý.

“Vì vậy các địa phương có thể tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức PPP hoặc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (Nhà khai thác cảng hàng không hiện hữu) thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối” - công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Đối với các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý, nếu cần nâng cấp, cải tạo để bảo đảm hoạt động khai thác thì ưu tiên sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp. Trường hợp nguồn vốn nhà nước không bảo đảm thì nghiên cứu, đầu tư kết hợp với khu hàng không dân dụng theo phương thức PPP, trong đó đầu tư đường cất hạ cánh, đường lăn theo loại hợp đồng BTO.

Đối với Cảng hàng không Nà Sản, Vinh, Liên Khương, Bộ GTVT đề nghị các địa phương nghiên cứu hoàn thiện Đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác toàn bộ các công trình của cảng hàng không theo phương thức PPP hoặc ACV thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối.

Bộ GTVT nhấn mạnh, hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GTVT đang tổ chức lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tổng thể và làm cơ sở nghiên cứu, thực hiện đầu tư phát triển các cảng hàng không.

“Trong thời gian tới, đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không tại địa phương cũng như hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ GTVT đề xuất.

Bất động sản TP.HCM vẫn còn khó khăn dù đã được gỡ vướng

Sáng 28/9, UBND TP.HCM đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023.

Về tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản, UBND TP.HCM cho hay thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt thúc đẩy thị trường bất động sản.

Trong đó, Chính phủ đã ban hành nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng đã giảm, việc huy động qua kênh trái phiếu đã có dấu hiệu tích cực trở lại.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM dự báo tình hình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trong giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường.

Về công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án nhà ở thương mại, từ cuối năm 2022, UBND TP.HCM đã tổng hợp, rà soát những vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, để báo cáo Tổ Công tác của Chính phủ (Tổ 1435).

Đồng thời, UBND TP.HCM đã tổ chức họp để có hướng chỉ đạo tháo gỡ ngày đối với 16/32 dự án mà Tổ 1435 chuyển đến. Với 16 dự án còn lại, UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành tiếp tục rà soát pháp lý để xem xét giải quyết cụ thể từng trường hợp.

Đối với 189 kiến nghị của 148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổng hợp, đến nay các sở, ngành đã giải quyết được 43 kiến nghị của 39 dự án.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ 71 kiến nghị của 48 dự án liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng. Với 30 kiến nghị của 30 dự án liên quan quan đến cấp giấy chứng nhận nhà đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 29/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.