Thứ hai, 29/04/2024 08:15 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/9/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 29/09/2023 17:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Biển Đông có thể đón bão trong tuần tới

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong hai ngày 30/9-1/10, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ngoài khơi của Philippines có thể mạnh lên thành bão.

Dự báo, khoảng ngày 4-6/10, bão có khả năng đi vào khu vực Bắc Biển Đông với xác suất 60-70%. Cơ quan khí tượng Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ áp thấp nhiệt đới này.

Trước đó, ngày 24/9 trên khu vực giữa Biển Đông hình thành một vùng áp thấp, vùng áp thấp sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, gây ra một đợt mưa lớn diện rộng khắp cả nước những ngày qua, trong đó mưa lớn nhất ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và miền Bắc.

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, khu vực Bắc Trung Bộ có lượng mưa phổ biến từ 300-400mm, tập trung trong ngày 26-27/9.

Một số trạm ở Bắc Trung Bộ có mưa lớn hơn như Thanh Thuỷ (Nghệ An) 505mm, Hạnh Lâm (Nghệ An) 493mm, Đồn Biên phòng 571 (Hà Tĩnh) 580mm, Hố Hô (Hà Tĩnh) 553mm, Dân Hoá (Quảng Bình) 581mm, Tuyên Hoá (Quảng Bình) 459mm.

Khu vực Bắc Bộ từ tối 26 đến tối 28/9 có mưa phổ biến từ 150-250mm, tập trung trong ngày 28/9.

Một số trạm ở miền Bắc mưa lớn hơn như Tà Si Láng (Yên Bái) 332mm, Độc Lập (Hòa Bình) 287mm, Ba Hàng Đồi (Hòa Bình) 284mm, Hương Sơn (Hà Nội) 354mm, Chợ Cháy (Hà Nội) 320mm, Hoà Mạc (Hà Nam) 273mm, Thái Ninh (Thái Bình) 271mm, Nam Định (Nam Định) 274mm, Lương Mông (Quảng Ninh) 276mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-4 cơn bão/ATNĐ, trong đó khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Trên đất liền, dự báo trong chiều tối và đêm 29/9, miền Bắc có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Đêm 29/9 và ngày 30/9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm. Thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa lớn kèm dông lốc, sét gây nhiều thiệt hại tại Bắc bộ, Trung bộ

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 26 – 28/9 đã làm 1 người chết (Hòa Bình); 3 người mất tích (Sơn La); 1 người bị thương (Yên Bái).

Về nhà ở, 24 nhà bị ngập (Hoà Bình); 60 nhà bị cô lập (Hoà Bình); 2 nhà bị sập (Quảng Ninh); 78 nhà bị hư hỏng do sạt lở (Lào Cai 19, Sơn La 6, Yên Bái 1, Hoà Bình 49, Phú Thọ 3).

Về nông nghiệp, 21.995 ha lúa bị ngập, hư hại (Lào Cai 47ha, Hoà Bình 1.652ha, Quảng Ninh 5ha, Hà Nam 5.848ha, Nam Định 10.177ha, Thái Bình 4.266ha); 5.537 ha hoa màu bị ngập, hư hại (Lào Cai 100ha, Hà Nội 334ha, Bắc Giang 10ha, Phú Thọ 108ha, Hà Nam 1.376ha, Thái Bình 3.610ha).

Về chăn nuôi, 197 con gia súc, gia cầm bị chết (Hoà Bình). Về thuỷ sản, 56 ha ao hồ bị ngập, hư hại (Hoà Bình 16ha, Hà Nội 40ha).

Về giao thông, 65 vị trí giao thông (Lào Cai 58, Yên Bái 02, Hoà Bình 03, Bắc Giang 01, Phú Thọ 01) bị sạt lở với khối lượng 17.027 m3.

Bên cạnh đó, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra từ ngày 24-28/9 đã làm 3 người chết (Quảng Trị 1; Thanh Hoá 2 người); 1 người mất tích (Thanh Hoá); 8 người bị thương (Thừa Thiên Huế).

Về nhà ở, 145/1.860 nhà còn bị ngập (Nghệ An); 927 nhà tại Nghệ An và 3 bản tại Quảng Bình bị cô lập; 9 nhà bị sập (Nghệ An); 422 nhà bị hư hỏng (Thanh Hoá 59, Nghệ An 185, Quảng Trị 88, Thừa Thiên Huế 84).

Về nông nghiệp, 2.945 ha lúa bị ngập, hư hại (Thanh Hoá 1.078ha, Nghệ An 1.867ha); 5.757ha hoa màu bị ngập, hư hại (Thanh Hoá 2.417ha, Nghệ An 3.340ha) và 2.519 ha cây trồng khác bị hư hại (Nghệ An).

Về chăn nuôi, 4.017 con gia súc, gia cầm bị chết (Nghệ An). Về thuỷ sản, 1.065 ha ao hồ bị ngập (Nghệ An).

Về giao thông, 78 vị trí giao thông (Nghệ An 76, Hà Tĩnh 02) bị sạt lở với khối lượng 8.088 m3, tổng chiều dài 10.835m; 6 cầu giao thông hư hỏng (Nghệ An 3, Hà Tĩnh 3); 7 cống hư hỏng (Nghệ An).

Về tàu thuyền, 1 tàu cá bị chìm khi đang neo đậu trên sông Gianh (Quảng Bình).

Ngoài ra, 69 cột điện bị gãy đổ (Nghệ An 67, Thừa Thiên Huế 2); 1 nhà văn hoá, 3 nhà kho bị hư hỏng (Quảng Trị); sập đổ 2.469m hàng rào (Thanh Hoá 230m, Nghệ An 2.179m, Hà Tĩnh 60m); 460m ống nước sinh hoạt bị hư hỏng (Nghệ An); 2 nhà hàng nổi bị chìm, trôi (Quảng Bình).

Trước tình hình thiên tai vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhất là tại các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hoá, Nghệ An để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Đặc biệt, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ, sớm ổn định đời sống người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công./.

Phù Yên (Sơn La): Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo đó, UBND huyện yêu cầu các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân; tuyên truyền thực hiện công tác thu gom, vận chuyển CTRSH theo cơ chế xã hội hóa; hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý, đảm bảo đúng quy định.

py-1.jpg
Phù Yên triển khai các giải pháp tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐCP ngày 07/7/2022 của Chính phủ, nhất là với các hành vi vứt, thải, bỏ CTRSH không đúng nơi quy định…

Khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất thải rắn, theo hướng giao Phòng TN&MT làm đầu mối tham mưu giúp UBND cấp huyện về chất thải rắn; đồng thời thống nhất đầu mối với cơ quan Trung ương và cấp tỉnh, tạo thuận lợi trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở TN&MT; hoàn thành trước ngày 30/10/2023.

Giao Phòng TN&MT tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đôn đốc, tham mưu thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ đã được giao về quản lý CTRSH.

Phòng Kinh tế hạ tầng lựa chọn, tổ chức triển khai mô hình xử lý CTRSH phù hợp, hiệu quả, nhân rộng các mô hình với khu dân cư không tập trung, vùng sâu, vùng xa. Rà soát, bổ sung các điểm tập kết CTRSH phù hợp với quy hoạch, đảm bảo tính khả thi. Chủ trì, phối hợp với đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH để xác định vị trí, thời gian tập kết, thời gian hoạt động và quy mô tiếp nhận CTRSH tại điểm tập kết phù hợp.

Công ty CP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Sơn La – Chi nhánh Phù Yên thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường đối với bãi chôn lấp chất thải trên địa bàn theo đúng nội dung, yêu cầu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định về quản lý CTRSH.

UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTRSH trên dịa bàn phụ trách.

Thanh Hóa: 2 người mất tích, nhiều điểm sạt lỡ do mưa lớn kéo dài

Chiều ngày 28/9, theo thông tin từ UBND huyện Như Xuân cho biết: vào chiều 26/7, nhóm người trên cùng nhau vào khu vực khe Hận nằm trong Vườn quốc gia Bến En để đánh cá. Đến 2h sáng ngày 27/9, trên đường trở về anh Trường bơi qua suối thì bị nước cuốn trôi mất tích, 5 người còn lại do nước suối dâng cao, chảy xiết nên bị mắc kẹt lại trong rừng.. chiều 27/9, nhóm 5 người dân gồm Lê Phú Trình, Hà Văn Luyến, Lương Văn Đại, Lương Văn Tuấn và Hà Văn Duy đều trú xã Bình Lương, huyện Như Xuân bị mắc kẹt trong rừng đã tự kết bè vượt nước lũ trở về nhà an toàn.

tm-img-alt

Các cơ quan chức năng huyện Quan Sơn và gia đình đang tích cực tìm kiếm bà Lò Thị Thắng (SN 1978), trú bản Lầu, xã Sơn Hà bị nước lũ cuốn trôi khi băng qua suối Chăng về nhà.

Hiện nay lực lượng chức năng huyện Như Xuân cùng người dân vẫn đang tích cực tìm kiếm anh Cao Ngọc Trường mất tích khi bơi qua dòng suối.

Cùng ngày, UBND huyện Quan Sơn cho biết: khoảng 13h chiều ngày 27/9 thời điểm trên, ông Lộc Văn Vương (SN 1979) và vợ là Lò Thị Thắng (SN 1978), trú bản Lầu, xã Sơn Hà trên đường đi làm ruộng về đã dùng cây luồng làm phao để bơi qua suối Chăng về nhà. Trong quá trình qua suối, nước lũ dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi cả hai vợ chồng đi khoảng 40m. Do vướng vào đá, cả hai người bị văng khỏi cây luồng. Ông Vương bơi được vào bờ, còn người vợ bị nước lũ cuốn trôi, mất tích.

Hiện gia đình ông Vương và chính quyền địa phương đang tổ chức tìm kiếm người mất tích, đến sáng nay vẫn chưa thấy.

Báo cáo nhanh về công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tính đến thời điểm 17 giờ ngày 27/9 cụ thể: Do ảnh hưởng của rìa phía bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với Áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 25/9 đến chiều ngày 27/9/2023 (tính đến 13h00 ngày 27/9/2023) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến đo được từ 150-200mm; một số nơi đo được lượng mưa lớn nhất như: Trạm KT Như Xuân (huyện Như Thanh) 281,6 mm; Trạm KT Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) 276,3 mm; Trạm KT Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn) 247 mm; Trạm TV Lèn (huyện Hà Trung) và Trạm KT Yên Định (huyện Yên Định) 239 mm.

tm-img-alt

Một số điểm sạt lỡ trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong đó mực nước sông Yên tại Trạm TV Chuối (huyện Nông Cống) đã đạt mức BĐ1 (+2.00) m vào khoảng 11h00 ngày 27/9/2023; Tính đến 13h00 ngày 27/9/2023, mực nước các sông khác như: sông Cầu Chày (tại Trạm TV Xuân Vinh) đạt (+7.49) m, dưới BĐ1 0,51m; sông Chu (tại TV Bái Thượng) đạt (+14.58) m, dưới BĐ1 0,42 m và đang có xu hướng tiếp tục lên.

Tính đến 7h00 ngày 27/9/2023, Có 249/609 hồ chứa đầy nước (do Công ty KTCTTL quản lý có 53/84 hồ chứa đầy nước, do các huyện quản lý có 196/525 hồ chứa đầy nước); còn lại 360/609 hồ chứa thấp hơn mực nước dâng bình thường. Số hồ chưa đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới là 28 hồ (16 hồ đang thi công; 12 hồ chưa thi công nhưng có mực nước dưới mực nước chết.

tm-img-alt

Các cơ quan chức năng huyện Như Xuân đang tích cực tìm kiếm anh Cao Ngọc Trường xã Bình Lương mất tích khi bơi qua dòng suối.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đơn vị liên quan; tính đến 17h00 ngày 27/9/2023, mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, giao thông và gây ra một số thiệt hại như sau: Sạt taluy dương tại 03 vị trí với khối lượng khoảng 950m3 trên các tuyến QL.15C (01 vị trí), QL.217 (02 vị trí); Xói lở lề đường tại 05 vị trí trên tuyến QL.217B với chiều dài khoảng 40m3; Sa bồi mặt đường đường tại 08 vị trí trên tuyến QL.217B với khối lượng khoảng 70m3; Sạt lở đầu cống tại Km46+380, QL.217B với khối lượng khoảng 10m3; Sạt taluy dương tại 12 vị trí (tuyến ĐT.506 có 02 vị trí,  ĐT.520D có 02 vị trí; ĐT.523E có 01 vị trí; ĐT.520D có 02 vị trí; ĐT.514 có 06 vị trí; ĐT.505B có 02 vị trí) với khối lượng khoảng 650m3, giao thông đi lại bình thường; Xói lở mặt đường tại 02 vị trí trên tuyến ĐT.520B, với chiều dài khoảng 100m, giao thông đi lại bình thường; Sa bồi mặt đường tại 50 vị trí (trên tuyến ĐT.506 có 02 vị trí; ĐT.523B có 03 vị trí; ĐT.516 có 08 vị trí; ĐT.523C có 10 vị trí; ĐT.522 có 13 vị trí; ĐT.516B có 09 vị trí), với khối lượng khoảng 320m3, giao thông đi lại bình thường; Xói lở lề đường tại 21 vị trí (trên tuyến ĐT.523B có 01 vị trí; ĐT.516 có 03 vị trí; ĐT.523C có 02 vị trí; ĐT.522 có 04 vị trí; ĐT.516B có 03 vị trí) với khối lượng khoảng 150m3, giao thông đi lại bình thường.

Diện tích lúa và cây trồng bị ảnh hưởng: Tính đến 17h00 ngày 27/9/2023, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng, các khu vực ngập lụt đang được tiêu úng qua các Trạm bơm, các cống tiêu tự chảy; cụ thể: Tổng diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891,6 ha; trong đó: huyện Thạch Thành 97,5 ha; huyện Vĩnh Lộc 1,5 ha; huyện Ngọc Lặc 25,4 ha; huyện Như Thanh 2,15 ha; huyện Cẩm Thuỷ 19,4 ha; huyện Hà Trung 650 ha; huyện Như Xuân 55 ha; huyện Thường Xuân 40,65 ha; Tổng diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520,69 ha;  trong đó: huyện Hoằng Hoá 65 ha; huyện Vĩnh Lộc 152,94 ha; huyện Ngọc Lặc 36,3 ha; huyện Như Thanh 45,5 ha; huyện Nông Cống 61 ha; huyện Cẩm Thuỷ 132 ha; huyện Thường Xuân 27,95 ha.

Về nhà ở: 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất (huyện Thường Xuân); Diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản bị ngập: 17,08 ha; Sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn (đê cấp IV) với chiều dài 10m; Tường rào bị đổ sập: 230m (huyện Như Thanh).

Để chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ và các hình thái thiên tai khác do mưa lớn gây ra, tỉnh Thanh Hoá đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai ứng phó, cụ thể như sau: UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Công văn số 14417/UBND-NN ngày 27/9/2023 về việc triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS đã ban hành 03 Công điện phát lệnh Báo động lũ trên các tuyến sông, cụ thể: Công điện số 05 hồi 6h00 ngày 27/9/2023 phát lệnh BĐ1 trên sông Yên; Công điện số 06 hồi 14h30 ngày 27/9/2023 phát lệnh BĐ1 trên sông Cầu Chày; Công điện số 07 hồi 14h30 ngày 27/9/2023 phát lệnh BĐ2 trên sông Yên; Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS đã ban hành 03 Công văn chỉ đạo ứng phó với thiên tai, cụ thể: số 90/PCTT,TKCN&PTDS ngày 26/9/2023 về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; số 91/PCTT,TKCN&PTDS ngày 27/9/2023 về việc vận hành chống lũ cho hạ du sông Chu; số 92/PCTT,TKCN&PTDS ngày 27/9/2023 về việc sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn.

Sáng ngày 27/9/2023, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá đã thành lập 03 Đoàn công tác do các đồng chí Lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng với Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với thiên tai tại các địa phương, cụ thể: Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra, chỉ đạo ứng phó thiên tai tại huyện Nông Cống, Như Thanh; Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh kiểm tra, chỉ đạo ứng phó thiên tai tại các huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc; Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh  kiểm tra, chỉ đạo ứng phó thiên tai tại các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hoá.

19 hồ chứa mất an toàn, cảnh báo nguy cơ vỡ đập ở Đắk Nông

Theo Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 43 hồ chứa lớn, 212 hồ chứa vừa và nhỏ, tổng dung tích khoảng 172 triệu m3.

Qua kiểm tra, rà soát, cơ quan chức năng ghi nhận hiện có 6 hồ chứa lớn, 13 hồ chứa vừa và nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn. Các hồ chứa này đang trong tình trạng bị thấm qua thân đập, bị xói lở thành rãnh sâu hoặc tràn xả lũ bị hư hỏng.

Theo ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông, do khó khăn về ngân sách, tỉnh vừa có văn bản gửi các bộ ngành, cơ quan trung ương xem xét bố trí khoảng 141 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa khẩn cấp. Cùng với đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã tiến hành rà soát, đánh giá và phê duyệt danh mục các công trình cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 1.273 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này cũng cần trung ương xem xét hỗ trợ.

tm-img-alt
Tỉnh Đắk Nông đang tổ chức ứng trực 24/24 tại các hồ chứa mất an toàn, có nguy cơ vỡ đập

Trong thời điểm chưa có kinh phí để sửa chữa, tỉnh Đắk Nông cũng đang triển khai một số giải pháp theo dõi, kiểm tra, đánh giá và ứng trực để đề phòng các tình huống bất thường xảy ra.

“Hiện tại chưa có nguồn kinh phí thì UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị quản lý trực tiếp quản lý, khai thác công trình thường xuyên tổ chức trực 24/24 tại công trình, theo dõi diễn biến báo cáo kịp thời về Sở nông nghiệp cũng như UBND tỉnh. Trường hợp các công trình có nguy cơ mất an toàn cao thì các đơn vị quản lý cũng đã tổ chức công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt là chuẩn bị vật tư, thiết bị, chuẩn bị sẵn sàng phương án khi có tình huống xấu xảy ra”.

Thanh tra Bộ TNMT sẽ thanh tra nhiều DN khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng

Hồ sơ, tài liệu mà Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu cung cấp gồm Giấy phép khai thác khoáng sản; văn bản thẩm định thiết kế mỏ; việc cắm móc giới khu vực được phép khai thác; tiền đóng thuế tài nguyên, phí môi trường; việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hoàn trả chi phó điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản; bản đồ hiện trạng mỏ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác; báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, sản lượng khoáng sản đã khai thác, khối lượng còn lại (nguyên khối) từ khi cấp phép đến thời điểm báo cáo…

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại các kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; việc tuân thủ các quy định của giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước được cấp…

Ngày 22/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 3216/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có nội dung thanh tra việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá và việc tính tiền khai thác khoáng sản; việc chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ khoáng sản tại tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 29/5/2023, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để phục vụ công tác thanh tra. Đến ngày 26/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp hồ sơ, tài liệu. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hồ sơ, tài liệu Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp chưa đầy đủ theo yêu cầu. Vì thế, cơ quan này đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp lại hồ sơ, tài liệu.

Đắk Nông: Thả 5 cá thể vượn đen má hung về môi trường tự nhiên

tm-img-alt
Cả 5 cá thể vượn đen má hung được chuyển ra thả trên đảo nổi thuộc 1 trong số hơn 37 đảo trong lòng Hồ Tà Đùng

5 cá thể vượn đen má hung có tổng trọng lượng 21,5 kg, được xác định đủ điều kiện thả về môi trương tự nhiên. Vườn Quốc gia Tà Đùng tiếp tục theo dõi, bảo vệ để bảo đảm an toàn cho 5 cá thể vượn này.

Vườn Quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên được quy hoạch rừng đặc dụng là 20.937,7 ha, với tỷ lệ che phủ rừng tới 85% diện tích vùng lõi.

Đây là nơi giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gen đặc hữu, phòng hộ môi trường sinh thái.

Vườn Quốc gia Tà Đùng hiện có hơn 1.400 loại thực vật với 89 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, 59 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; khoảng 650 loài động vật với 70 loài nguy cấp quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.