Thứ sáu, 26/04/2024 12:32 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 30/3/2023

MTĐT -  Thứ năm, 30/03/2023 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/3/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 30/3/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Bộ Xây dựng kiến nghị loạt ưu đãi làm dự án nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa đưa ra tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Theo đó, phần đất xây nhà ở xã hội được chủ đầu tư quan tâm nhất được Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp.

Cụ thể, khi lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Đối với khu vực nông thôn, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội phải được bố trí theo đúng nhu cầu được xác định trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, phải bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực nơi có dự án và phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Căn cứ vào nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở được xác định trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không bắt buộc phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sử dụng bảng giá đất tại thời điểm giao đất theo pháp luật đất đai.

Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội.

Ngoài ra, doanh nghiệp được ưu đãi phần diện tích làm kinh doanh dịch vụ, thương mại. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có nhiều khối nhà thì chủ đầu tư được lựa chọn gộp chung toàn bộ phần diện tích sàn để kinh doanh dịch vụ, thương mại của từng khối nhà.

Chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, doanh nghiệp được UBND cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án từ nguồn kinh phí thu được theo quy định của Luật Nhà ở.

Hà Nam: Kêu gọi đầu tư dự án Khu nhà ở đô thị tại phường Hoàng Đông

Tổng vốn đầu tư khoảng 1.454,3 tỷ đồng, diện tích 51,5 ha. Địa điểm thực hiện tại phường Hoàng Đông, phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên. Tiến độ đầu tư từ năm 2022 - 2028, thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm.

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm xây dựng khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm kết nối với các dự án đã và đang triển khai trong khu vực. Đồng thời, tạo quỹ đất ở mới đáp ứng nhu cầu cho người dân, chỉnh trang đô thị khu dân cư hiện trạng…

Nộp hồ sơ hết hạn ngày 28/4/2023.

Hải Phòng: Một liên danh đăng ký thực hiện dự án 3.438 tỷ đồng

Theo đó, Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản An Phúc - Công ty CP Bất động sản Mỹ là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ.

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng chi phí thực hiện khoảng 3.262,32 tỷ đồng, chi phí bồi thường, tái định cư 175,794 tỷ đồng; tổng diện tích sử dụng đất khoảng 34,86 ha. Các hạng mục đầu tư bao gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; xây dựng 900 căn nhà liền kề và 62 căn biệt thự; trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn với diện tích xây dựng 11.082,16 m2…

Dự án có thời hạn hoạt động là 50 năm, tiến độ đầu tư là 60 tháng.

Kiểm điểm tiến độ đặc biệt 3 nhà thầu thi công cao tốc QL45 - Nghi Sơn

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, sản lượng thi công Dự án đến nay đạt 61,15% giá trị các hợp đồng, tăng 2,35% giá trị các hợp đồng so với thời điểm kiểm tra hiện trường ngày 6/2/2023.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các đơn vị tham gia thực hiện Dự án đã có những nỗ lực nhất định. Tuy nhiên, tiến độ thi công các gói thầu xây lắp thuộc Dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu để hoàn thành Dự án trong tháng 8/2023.

tm-img-alt
Tiến độ thi công cao tốc quốc lộ 45- Nghi Sơn vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Internet.

Để đảm bảo chất lượng thực hiện Dự án và đẩy nhanh tiến độ thi công, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 2 khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu căn cứ tiến độ thi công điều chỉnh đã được chủ đầu tư chấp thuận theo quy định, khẩn trương xây dựng kế hoạch và huy động bổ sung nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị, tăng ca, tăng kíp thi công... đẩy nhanh tiến độ thi công đào, đắp nền đường, phấn đấu hoàn thành công tác đắp nền đường K98 trong tháng 4/2023.

Cùng đó, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát khẩn trương hoàn thiện công tác thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật điều chỉnh và dự toán chi phí bù trượt giá hợp đồng đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân.

Dự án trung tâm thương mại gần 4.000 tỷ chưa có nơi đổ thải phù hợp

Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 6/5/2021, mức đầu tư 169,67 triệu USD (3.916 tỷ đồng); do Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam làm chủ đầu tư. Vào ngày 25/1/2021, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án nhưng không có đổ thải và phải huy động vật liệu thêm từ ngoài vào để thi công.

Tuy nhiên, ngày 6/3 vừa rồi, nhà thầu chính thi công dự án này là Công ty Obay Obayashi Việt Nam có đơn xin xử lý đất thải từ dự án do thay đổi thiết kế nên phát sinh khối lượng cần đổ thải khoảng 80.000 m3.

Liên quan đến vấn đề trên, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh này đang tiến hành tìm vị trí đổ thải.

Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện và các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất quy mô, phạm vi diện tích trên toàn tỉnh để phục vụ nhu cầu đổ thải dự án trên.

tm-img-alt
Phối cảnh Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế.

UBND cấp huyện là đơn vị chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan lựa chọn, bố trí các địa điểm phù hợp để tiếp nhận đổ thải. Sau khi chấp thuận, UBND cấp huyện có trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện đổ chất thải cũng như nghiệm thu, xác nhận khối lượng, san gạt vị trí đổ phải đảm bảo môi trường, thoát nước khu vực xung quanh. Đối với các vị trí đổ thải nằm trong địa bàn khu đô thị mới An Vân Dương, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát quá trình đổ thải.

Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế được khởi công xây dựng vào tháng 2/2023 tại khu đô thị mới An Vân Dương (phường An Đông, TP Huế). Dự án có tổng diện tích mặt bằng hơn 86.000 m2, trong đó có 138.000 m2 tổng diện tích mặt sàn, 51.000 m2 diện tích cho thuê, 2.500 m2 diện tích bãi đỗ xe với hơn 135 gian hàng ẩm thực, thời trang, giải trí, siêu thị. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tiêu chuẩn mua sắm và giải trí của tỉnh, bên cạnh đó tạo ra các cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Dự kiến Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm tài chính 2024.

Cần Thơ bố trí gần 1.500 tỷ đồng cho 5 dự án trọng điểm

Trong đó, UBND thành phố giao hơn 1.361 tỷ đồng cho 4 dự án do thành phố quản lý, bao gồm: Dự án thành phần 2 của dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 được giao 1.000 tỷ đồng.

Dự án Đường vành đai phía Tây được giao 100 tỷ đồng. Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được giao hơn 198 tỷ đồng. Dự án Kè sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu được giao 62,5 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.

Đối với 120 tỷ đồng còn lại được giao cho UBND huyện Vĩnh Thạnh quản lý để thực hiện dự án đường nối từ đường dẫn cầu Vàm Cống đến khu công nghiệp Vĩnh Thạnh.

Dự án thành phần 2 (đoạn qua Cần Thơ) thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một trong hai dự án trọng điểm của trung ương trên địa bàn TP Cần Thơ. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư thành phố làm chủ đầu tư, có chiều dài hơn 37 km, đi qua 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai; tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 9.721 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

Hiện nay các huyện đang khẩn trương thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng, dự kiến đến 30/6/2023 sẽ bàn giao mặt bằng đạt 70% để phục vụ thi công tuyến cao tốc, 30% mặt bằng còn lại sẽ bàn giao vào cuối năm 2023.

Còn dự án Đường Vành đai phía Tây (nối QL91 và QL61C): Dự án do Sở GTVT Cần Thơ làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 3.837 tỷ đồng, là dự án thuộc nhóm A, loại dự án công trình đô thị. Kế hoạch vốn năm 2023 được giao cho dự án là hơn 475 tỷ đồng.

Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến trên 19km, trong đó điểm đầu giao với QL91 và đường tỉnh 922, điểm cuối giao với QL61C, trên tuyến có 49 cây cầu. Tỷ lệ giải phóng mặt bằng đã thực hiện được khoảng 30%...

TP HCM: Từ 15/4, hàng loạt tuyến đường cho ôtô chạy 2 chiều

Sở GTVT TP.HCM vừa có thông báo về việc điều chỉnh lưu thông 2 chiều xe ô tô trong khoảng thời gian từ 22h - 6h ngày hôm sau trên 15 tuyến đường thuộc địa bàn quận 1, 3, 4, 5, 10, Bình Tân, Tân Bình thay vì cho chạy một chiều như hiện nay.

Theo đó, kể từ ngày 15/4, việc điều chỉnh sẽ được tổ chức trên 15 tuyến đường.

Cụ thể, quận 1 gồm 6 tuyến đường sẽ điều chỉnh tổ chức giao thông, gồm: Lương Hữu Khánh (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Bùi Thị Xuân), Mai Thị Lựu (đoạn từ Nguyễn Văn Giai đến Nguyễn Đình Chiểu), Ngô Văn Năm (đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng), Nguyễn Văn Nguyễn (đoạn từ Số nhà 23 đến Trần Quang Khải), Nguyễn Văn Thủ (đoạn từ Hoàng Sa đến Đinh Tiên Hoàng), Phan Kế Bính (đoạn từ Nguyễn Văn Thủ đến Điện Biên Phủ), Thạch Thị Thanh (đoạn từ Nguyễn Hữu Cầu đến Võ Thị Sáu).

tm-img-alt
Ảnh minh họa: Zing

Quận 3 là đường Huỳnh Tịnh Của (đoạn từ Lý Chính Thắng đến Trần Quốc Toản). Quận 4 là đường Vĩnh Khánh (đoạn từ Hoàng Diệu đến Tôn Đản). Quận 5 là đường An Bình (đoạn từ Nguyễn Trãi đến Trần Hưng Đạo). Quận 10 là đường Hòa Hảo (đoạn từ Ngô Gia Tự đến Nguyễn Tri Phương). Quận Bình Tân gồm đường Hương lộ 2 (đoạn từ Mã Lò đến quốc lộ 1), Hồ Học Lãm (đoạn từ Kinh Dương Vương đến quốc lộ 1).

Quận Tân Bình gồm đường Yên Thế (đoạn từ Phạm Văn Đồng - nhánh Hồng Hà đến Phạm Văn Đồng - nhánh Bạch Đằng), Hồng Hà (đoạn từ Phạm Văn Đồng - nhánh Bạch Đằng đến Phạm Văn Đồng - nhánh Hồng Hà).

Theo Sở GTVT, 15 đoạn, tuyến đường trên hiện ôtô chỉ được chạy một chiều 24/24h. Tuy nhiên, buổi tối lượng xe đã vắng, bề rộng các nhánh rẽ xung quanh đủ cho ôtô chạy nên việc điều chỉnh thành hai chiều giúp thuận tiện hơn cho người dân đi lại.

Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với UBND các quận, lực lượng CSGT, Thanh tra Sở GTVT thông tin đến với người dân cũng như các lực lượng chức năng xử lý vi phạm tại khu vực.

Đồng thời theo dõi thường xuyên tình hình trật tự, ATGT trên các tuyến đường được điều chỉnh nêu trên để kịp thời đề xuất phương án, giải pháp phù hợp; tổ chức đánh giá hiệu quả 15 tuyến đường trên sau 3 tháng thực hiện.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 30/3/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.