Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/8/2020
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/8/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 4/8/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.
TP Hồ Chí Minh bổ sung 141 tỷ đồng hỗ trợ giá xe buýt
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý bổ sung thêm hơn 141 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.
Theo đó, số tiền mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt thì có tới 117 tỷ đồng bù chênh lệch đơn giá và 24 tỷ đồng tăng tiền lương. Hiện tại cơ quan này đang lên phụ lục để thanh toán số tiền trợ giá cho các doanh nghiệp vận tải theo số lượng xe.
Cũng theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, việc thanh toán thanh toán tiền trợ giá nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào việc cung cấp hồ sơ và làm việc giữa hai bên.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản kiến nghị UBND TP và Sở Tài chính tính toán lại trợ giá xe buýt. Bởi trợ giá ban đầu UBND TP duyệt là hơn 1.150 tỷ đồng, số tiền này không đủ để xe buýt hoạt động. Do đó, Sở GTVT đã đề xuất tăng 161 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt trong năm 2020.
Đồng thời, trong nhiều năm qua trợ giá xe buýt của TP Hồ Chí Minh trung bình là 1.000 tỷ/năm, trong đó, các năm gần đây đều tăng. Cụ thể, năm 2018 là 1.123 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 1.247 tỷ đồng và năm 2020 là 1.311 tỷ đồng nhưng không đủ kinh phí để xe buýt hoạt động.
UBND TP đã đồng ý bổ sung thêm hơn 141 tỉ đồng tiền trợ giá xe buýt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Ảnh: Huy Chương |
Trong khi đó, lượng hành khách đi xe buýt thì giảm đều qua các năm, năm 2020 dự kiến lượng hành khách còn giảm sâu hơn so với những năm trước.
Các HTX vận tải cho rằng nhiều năm nay doanh nghiệp, HTX bị ảnh hưởng bởi trợ giá xe buýt bổ sung thanh toán chậm. Nhiều doanh nghiệp không có tiền để hoạt động, không đủ tiền trả lương nhiên liệu.
Theo thông tin từ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, những năm qua việc bố trí kinh phí trợ giá xe buýt ngày càng giảm và tỉ lệ trợ giá cũng có xu hướng giảm dần. Trợ giá không đủ cho hoạt động xe buýt do quan điểm xe buýt phải tận dụng tối đa sức chứa (tối thiểu 45 hành khách/chuyến khi thẩm định giao dự toán kéo dài trong nhiều năm) nhưng khối lượng vận chuyển bình quân có xu hướng giảm.
Cụ thể, đến cuối năm 2019, lượng hành khách chỉ đạt 29,7 hành khách/chuyến. Doanh thu khoán còn bất cập, hàng năm áp khoán cho đơn vị hơn 50% so với thực tế thực hiện nhiều năm liền kề. Vì vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát huy vai trò vận chuyển phục vụ người dân đi lại.
Trường hợp buộc phải phân bổ theo dự toán trên thì sẽ xảy ra tình trạng tương tự giống các năm trước đây, các doanh nghiệp bức xúc kiến nghị như vừa qua. Do đó, Sở GTVT sẽ rà soát, lập dự toán bổ sung chi ngân sách trợ giá trong năm 2020 với số chuyến là hơn 6 triệu chuyến xe/năm.
Trước thực trạng năm nào cũng phải xin bổ sung trợ giá, gây ì ạch, các HTX và doanh nghiệp gặp khó. Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự toán hiện nay không còn phù hợp, theo đó, Sở GTVT sẽ tích cực đề xuất với TP để tính toán lại, để bù cho phần thiếu hụt đó.
Bình Định: Một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu năng lực tại dự án hơn 4.300 tỷ đồng
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Định vừa công bố kết quả đánh giá hồ sơ năng lực, kinh nghiệm đối với Dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo đó, Liên danh Công ty CP Đô thị FPT Đà Nẵng - Công ty TNHH Đầu tư FPT - Công ty TNHH Phần mềm FPT là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.
Dự án được thực hiện tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn trên diện tích 94 ha (không bao gồm diện tích hồ Bàu Lát). Tổng mức đầu tư Dự án là 4.362,3 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Định giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ của bên mời thầu để triển khai các bước thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư (bao gồm đàm phán sơ bộ hợp đồng), chuyển hồ sơ sang Sở Xây dựng để đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng và quản lý, theo dõi việc thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư.
Đến 31/7, giải ngân hơn 216,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công
Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn kế hoạch các năm trước được kéo dài chuyển sang năm 2020) từ đầu năm đến 31/7 là hơn 216.538 tỷ đồng, đạt 35,6% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước 7 tháng so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm. Ảnh: Lê Tiên |
Trong đó, vốn trong nước là hơn 191.898 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch), vốn nước ngoài là hơn 13.025 tỷ đồng (đạt 19,5% kế hoạch), vốn chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 11.614 tỷ đồng (đạt 39,8% kế hoạch).
Theo Bộ Tài chính, mặc dù dịch Covid-19 có tác động nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân ước 7 tháng so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm.
Có 12 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân đến 31/7/2020 đạt trên 35%. Trong số này có 6 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 55% gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội vụ (62,85%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Hội Nhà báo Việt Nam (59,51%); các tỉnh: Tiền Giang (73,98%), Nghệ An (69,23%), Lạng Sơn (63,44%), Hưng Yên (58,19%), Ninh Bình (56,85%), Phú Thọ (56,33%), Hà Nam (55,5%), Thái Bình (55,18%).
Tuy nhiên, có 24 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%. Trong đó, có 10 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Đáng chú ý có đơn vị chưa giải ngân đồng vốn nào, như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
P.V (tổng hợp)