Thứ bảy, 27/04/2024 22:56 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/7/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 07/07/2023 17:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/7/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 7/7/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Thủy điện vừa thoát mực nước chết, đã lo xả lũ vì nước về quá nhiều

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết đến thời điểm đầu tháng 7/2023, khu vực miền Bắc đã bước vào giai đoạn bắt đầu có mưa lũ, mức nước của hầu hết các hồ thủy điện lớn đều đã đủ nước để phát điện, thậm chí phải xả bớt để đón lũ mới.

Theo A0, trong thời gian tới, khu vực miền Bắc được dự báo sẽ bước vào giai đoạn lũ chính vụ, lưu lượng nước về các hồ thủy điện dự kiến sẽ tăng cao hơn so với thời gian qua.

Vì vậy, A0 khẳng định các nhà máy thủy điện miền Bắc cần phải được điều chỉnh huy động cao, vừa để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc, đồng thời hạ dần mực nước hồ để tạo dung tích đón lũ, phòng lũ theo quy định. 

Bên cạnh đó, khu vực miền Nam cũng đã chuyển hẳn sang mùa mưa, thời tiết không nắng nóng gay gắt kéo dài làm tiêu thụ điện ở miền Nam không còn tăng cao, đồng thời mức nước các hồ thủy điện ở miền Nam đã có nhiều cải thiện.

tm-img-alt
Hai hồ thủy điện Hòa Bình và Lai Châu phát tối đa để đủ phụ tải điện cho miền Bắc (Ảnh: EVN)

Và khi thủy điện được huy động cao ở thời điểm lũ chính vụ, các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí trong hệ thống điện Quốc gia cần điều chỉnh công suất phát ở mức phù hợp diễn biến thủy văn thực tế các hồ thủy điện. Thực tế là sẽ giảm huy động nhiệt điện sau thời gian chạy tối đa công suất. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian tới, đồng thời dự phòng cho tình huống nắng nóng cực đoan bất thường, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đề nghị các đơn vị vận hành nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí vẫn phải đảm bảo khả dụng tổ máy và sẵn sàng nhiên liệu để đảm bảo đáp ứng khi hệ thống có nhu cầu huy động.

Sau thời kỳ khô hạn cực điểm khiến nhiều hồ thủy điện xuống dưới mực nước chết, nhiều nhà máy thủy điện treo máy không thể vận hành thì từ cuối tháng 6, tình hình nước về hồ thủy điện đã được cải thiện. Cho đến 23/6. EVN chính thức tuyên hệ thống điện miền Bắc sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, chấm dứt cắt điện diện rộng. Tuy nhiên, EVN vẫn lo ngại, do hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện.

Trong thời gian khô hạn, thủy điện không thể phát huy hiệu quả nên đa số nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc phải vận hành liên tục với công suất cao, trong thời gian dài. Do đó, một số nhà máy gặp sự cố dài ngày hoặc thường xuyên vận hành suy giảm công suất... Chính vì thế, khi thủy điện dồi dào là lúc nhiệt điện được tam ngơi để bảo dưỡng.

Hà Giang: Yêu cầu chấm dứt hoạt động khai thác mỏ khoáng sản mangan Bản Sáp

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Yêu cầu Công ty TNHH đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản:

Chấm dứt mọi hoạt động khai thác, tuyển quặng tại mỏ mangan Bản Sáp, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê theo quy định của pháp luật về khoáng sản, Giấy phép số 374/GP-UBND ngày 05/03/2015 của UBND tỉnh Hà Giang; Công ty không còn các quyền liên quan theo quy định của Luật khoáng sản.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực (kể từ thời điểm giấy phép hết hạn ngày 01/7/2023) thì các công trình, thiết bị đảm bảo an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, không được tháo dỡ, phá hủy. Trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, Công ty phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời gian này, tài sản còn lại thuộc sở hữu nhà nước.

UBND tỉnh yêu cầu Công ty lập thủ tục, hồ sơ Đóng cửa mỏ mangan Bản Sáp, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê theo quy định tại Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản, mẫu văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản; trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản.

Hồ sơ đóng cửa mỏ mangan Bản Sáp, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê,  Công ty nộp đến Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Hà Giang trước ngày 30/9/2023 để được tiếp nhận, tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt theo quy định.

Hòa Bình ban hành công điện về chủ động phòng, chống sạt lở

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh; đồng thời, rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt, trượt để bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân; bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập và các khu dân cư năm 2023.

tm-img-alt
Một ô tô mắc lại bụi tre sau khi bị lũ cuốn tại Hòa Bình trong trận mưa lũ tháng 9 năm 2022. Ảnh: ITN

Trong đó cần tập trung các phương án sẵn sàng ứng phó đối với các khu vực, công trình trọng điểm về thiên tai có nguy cơ sạt lở cao. Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê cụ thể các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, rạch, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đồng thời có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép, khai thác cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch để hạn chế xảy ra sạt lở, đồng thời bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cho các dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án hạ tầng giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, tập kết cát, sỏi, vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, kênh rạch, sườn dốc; Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, đào xẻ đồi, núi xây dựng công trình nhằm khắc phục tình trạng nhà cửa, công trình lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở; Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, để người dân chủ động sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra.

Nông dân Thuận Thành chung tay bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; triển khai xây dựng các mô hình điểm, huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết của cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường... đang là những việc làm thường xuyên, cụ thể, thiết thực của các cấp Hội Nông dân (HND) thị xã Thuận Thành chung tay bảo vệ môi trường, góp phần tạo dựng nét văn minh cho mỗi những vùng quê.

Tháng 5 vừa qua, Hội Nông dân thị xã Thuận Thành huy động cán bộ, hội viên, nông dân đồng loạt ra quân thu gom 3,2 tấn rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng và kênh mương nội đồng tại địa phương. Ngay sau khi đưa rác thải về nơi tập kết, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã vận chuyển, xử lý toàn bộ khối lượng rác thải thu gom được theo đúng quy định. Đây là hoạt động hiệu quả nhằm tuyên truyền, xóa bỏ thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thải trực tiếp bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ra kênh mương, đồng ruộng... Qua đó góp phần hạn chế nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường và an toàn cho người dân khi sản xuất nông nghiệp.

Trong những năm qua, xác định rõ công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của thị xã, vì vậy các cấp HND tập trung triển khai phong trào nông dân làm sạch đồng ruộng; đưa nội dung tuyên truyền, bảo vệ, giữ gìn môi trường vào chương trình công tác; xác định những việc làm cụ thể, thiết thực, để mọi người dân đều có ý thức giữ gìn môi trường sống; không đổ, vứt rác thải, xác gia súc, gia cầm xuống hệ thống ao hồ, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều chi hội nông dân nhận đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác thải về nơi tập kết; đăng ký các tuyến đường tự quản của nông dân; định kỳ tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, mương máng, hệ thống thoát nước xung quanh thôn, xóm; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi xây dựng bể bioga và chuyển dần ra ngoài khu dân cư, tham gia phát động và tích cực hưởng ứng phong trào “Hàng cây nông dân”; vận động hội viên tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường.

Nông dân Thuận Thành chung tay bảo vệ môi trường

Hội Nông dân thị xã Thuận Thành tặng thùng đựng rác cho Hội nông dân xã Nguyệt Đức nhằm nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi.

Hội các cấp phát động xây dựng 220m rãnh thoát nước thải có nắp đậy trị giá trên 100 triệu đồng tại Chi hội thôn Chương Xá (thị trấn Hồ); lắp đặt gần 400 thùng đựng rác thải sinh hoạt tại Chi hội thôn Ngọ Xá (Hoài Thượng); Chi hội Tứ Cờ (Ngũ Thải), Chi hội thôn Điện Tiền (Nguyệt Đức) theo Đề án “Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường”. Hiện nay 100% cơ sở Hội đã phát động và triển khai mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; vận động cán bộ, hội viên nông dân thành lập 11 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, tiêu biểu như: Mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các cánh đồng; phân loại và thu gom rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; di chuyển các khu chăn nuôi ra khỏi khu dân cư... Trong 2 năm 2021 và 2022, Hội Nông dân thị xã tổ chức thu gom xử lý gần 20 tấn rác các loại, tuyên truyền vận động các hộ nông dân cam kết thực hiện nghiêm quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, giữ gìn môi trường.

Bắc Ninh: Hơn 71% hộ gia đình huyện Gia Bình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ

Thực hiện Nghị quyết số 01- NQ/HU ngày 08/9/2020 của Đảng bộ huyện Gia Bình về việc triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Đến nay toàn huyện có khoảng 23.283 hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ, đạt 71,2% tổng số hộ. (chỉ tiêu Nghị quyết từ 50- 70% hộ thực hiện).

Gia Bình: Hơn 71% số hộ thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình
Hội viên phụ nữ Gia Bình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng công nghệ vi sinh IMO.

Trong 6 tháng đầu năm, huyện Gia Bình thu gom, vận chuyển và xử lý khoảng 7.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được cán bộ và nhân dân đồng tình thực hiện; khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh cơ bản được thu gom, tập kết và xử lý theo quy định; các thôn phối hợp duy trì hiệu quả công tác thu gom vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, làm tốt việc dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Phòng Tài nguyên Môi trường tích cực phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, cách phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình và tuyên truyền về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hơn 5 nghìn lượt người.

Hội LHPN huyện hướng dẫn các hội viên và cơ sở hội làm được 2.845 lít vi sinh, 4.080kg IMO; tập huấn, hướng dẫn 255 hộ tham gia phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; phối hợp với UBND các xã, thị trấn xử lý được 21 lượt bãi rác thải tập trung bằng công nghệ vi sinh IMO với lượng rác thải xử lý là 1.069m3; nông dân các địa phương tổ chức thu gom gần 4 tấn rác thải và bao bì thuốc BVTV trên cánh đồng.

"Xanh Thanh Hóa" - Lan tỏa tình yêu môi trường, cảm hứng sống xanh

Trong chiến dịch Clean up lần thứ 4, Thanh Hóa thu hút hơn 300 tình nguyện viên, với 176 bao rác được thu gom. Sức lan tỏa của những hành động đẹp, những bãi rác biến mất đã giúp ngày càng nhiều bạn trẻ trở thành tình nguyện viên của “Xanh Thanh Hóa”.

Sau thành công của 4 chiến dịch trước, với khoảng 600 bao rác được thu gom, chiến dịch Clean up lần thứ 5 tiếp tục thu hút hàng trăm tình nguyện viên đến từ các địa phương, với hơn 80 bao tải rác được thu gom.

Mỗi lần thực hiện chiến dịch, thủ lĩnh của từng điểm cầu cùng các tình nguyện viên có sự chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Trong đó, để chiến dịch lan tỏa hiệu ứng tích cực, tất cả khẩu hiệu, pano, tuyên truyền của chiến dịch đều được làm từ rác tái chế.

Đó là những pano đã bị vứt bỏ được giặt sạch sau đó kẻ vẽ lại, hoặc là những bìa cát tông cắt thành những hình thù ngộ nghĩnh rồi nhờ những bàn tay tình nguyện viên biến thành biển tuyên truyền bắt mắt... Trong thời gian diễn ra chiến dịch, tất cả tình nguyện viên đều không dùng đồ nhựa dùng một lần. Vật dụng cá nhân như cốc nước, túi đựng... đều là sản phẩm tái chế hoặc có thể dùng lại nhiều lần.

tm-img-alt
Những bạn trẻ xứ Thanh thuộc cộng đồng "Xanh Thanh Hóa" (trực thuộc cộng đồng "Xanh Việt Nam") cùng nhau đi nhặt rác, lan tỏa tình yêu môi trường và truyền cảm hứng sống xanh.

Và điều quan trọng mà cộng đồng “Xanh Việt Nam” nói chung và “Xanh Thanh Hóa” nói riêng đã làm được là coi việc nhặt rác không những là trách nhiệm mà còn là niềm vui. Niềm vui vì chính mình được làm việc có ích cho cộng đồng, vui vì không gian sống xung quanh có thêm màu xanh, vui vì có nhiều người cùng chí hướng sẵn sàng góp sức... Làm được điều này, “Xanh Việt Nam” nhất là những trưởng nhóm Xanh biết cách truyền cảm hứng cho các tình nguyện viên. Tại Thanh Hóa, cộng đồng Xanh ban đầu chỉ có vài chục tình nguyện viên nhưng nay mỗi chiến dịch đều thu hút hàng trăm người. 

Khởi xướng từ năm 2020, Clean up Việt Nam là chiến dịch nhặt rác bảo vệ môi trường do “Xanh Việt Nam” tổ chức thường niên mỗi năm 2 lần. Đây là chiến dịch chủ chốt nhằm nâng cao nhận thức giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và lan tỏa cảm hứng sống xanh trong cộng đồng.

Thông qua chiến dịch, tuổi trẻ Thanh Hoá lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường thông qua hành động thiết thực, mọi người cùng nhau cúi xuống nhặt rác, ai cũng có thể làm sạch nơi mình đi qua.

Đây là mục tiêu lớn nhất mà cộng đồng “Xanh Việt Nam” hướng tới.

Từ sáng đến trưa 7/7 tỉnh Kon Tum xảy ra liên tiếp 10 trận động đất

tm-img-alt
Tâm chấn động đất xảy ra lúc 10g10

Trận động đất đầu tiên xảy ra vào lúc 1 giờ 17 phút 13 giây, có độ lớn 3.1 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.799 độ vĩ Bắc, 108.618 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Tiếp đó lúc 9 giờ 31 phút 31 giây, trận động đất có độ lớn 3.9 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.783 độ vĩ Bắc, 108.331 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Sau đó, tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra 9 trận động đất khác với các cường độ khác nhau.

Trận động đất gần nhất được ghi nhận vào vào hồi 11 giờ 09 phút 02 giây. Trận động đất này có độ lớn.

2.5 độ Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.889 độ vĩ Bắc, 108.269 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Hiện các trận động đất này đang được Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục theo dõi.

HLHPN huyện Tháp Mười tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường

Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tháp Mười tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường. 130 thí sinh là Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ; Chi hội trưởng, Chi hội phó; hội viên phụ nữ tiêu biểu của các khóm, ấp trong huyện tham gia 3 phần thi gồm: tự giới thiệu; thi trắc nghiệm kiến thức và phần thi hiểu ý đồng đội.

tm-img-alt
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN Đồng Tháp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Hội thi nhằm phát huy vai trò phụ nữ trong giữ gìn và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần chung tay hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Kết thúc hội thi, đội Trường Xuân xuất sắc giành giải Nhất, giải Nhì thuộc về đội Mỹ Quí, đội thị trấn Mỹ An và Đốc Binh Kiều đồng giải Ba.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 7/7/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề