Thứ hai, 29/04/2024 04:14 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/8/2023

MTĐT -  Thứ hai, 14/08/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 14/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

tm-img-alt
Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội (UBTVQH) khai mạc sáng nay (14/8) với nhiều nội dung quan trọng.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); đã có 98 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt ĐBQH phát biểu tại Hội trường với 112 ý kiến góp ý và 03 ý kiến góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến đều tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Thị xã Sa Pa thiệt hại gần 1 tỷ đồng trong đợt mưa lũ vừa qua

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, từ đêm ngày 12/8 đến ngày 13/8/2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to. Mưa lũ đã gây ảnh hưởng, thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, tính đến 16h ngày 13/8, có 3 căn nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại do bị sạt lở taluy dương vào nhà. Ngoài ra, 1 hộ dân tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa bị cuốn trôi vật liệu xây dựng.

Theo thống kê, thị xã Sa Pa có 1,14 ha lúa bị thiệt hại (0,1 ha lúa bị thiệt hại từ 30%; 0,93 ha lúa bị thiệt hại từ 50 - 70%; 0,11 ha ruộng lúa bị thiệt hại > 70%).

Ngoài ra, mưa lớn gây tắc cống làm nước, đất, đá tràn ra đường khu vực Km115+600, Quốc Lộ 4D đoạn qua UBND xã Trung Chải gây tắc giao thông cục bộ khoảng 30 phút; làm sạt taluy âm 1 tuyến đường tại thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, độ sâu 9 m, dài 7 m; gây sạt lở đất, đá taluy dương 3 điểm với khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3.100m3 (đá 1.000m3, đất 2.100m3) tại tuyến đường Séo Trung Hồ Mông, xã Bản Hồ; làm trôi, hư hỏng khoảng 25 m kênh bê tông mương thủy lợi tại thôn Séo Trung Hồ Dao, xã Bản Hồ; làm cống rãnh bị lấp, nước tràn lên làm mặt đường bị xói, tạo thành rãnh sâu nhiều điểm với chiều dài khoảng 200 m gây ách tắc giao thông cục bộ, xe ô tô không lưu thông được trong khoảng 2 giờ đồng hồ tại xã Tả Phìn; làm xói chân bờ kè bê tông tuyến đường Giàng Tra - Can Ngài - Suối Thầu - Sả Xéng với chiều dài khoảng 10 m; làm sạt taluy dương tại khu vực cổng chào tuyến đường Giàng Tra - Can Ngài - xã Tả Phìn - thị xã Sa Pa, khối lượng đất sạt ước tính khoảng 40 m3.

tm-img-alt
Vừa qua, trên địa bàn Thị xã Sa Pa có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to đã gây ra nhiều thiệt hại. (Ảnh: báo Lào Cai)

Mưa lũ cũng làm 1 hộ tại thôn Hòa Sử Pán 2, xã Mường Hoa bị thiệt hại do đất, đá vùi lấp đầu đập tuyến kênh mương thủy lợi, ước lượng khối đất vùi lấp khoảng 40 m3. Tổng giá trị thiệt hại ước tính ban đầu gần 1 tỷ đồng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Sa Pa đã chỉ đạo UBND các xã, phường kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại; huy động lực lượng tại chỗ, Nhân dân trong khu vực giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về sản xuất nông - lâm nghiệp, nhà ở.

Đồng thời, tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND thị xã hướng khắc phục; khẩn trương kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ở các vị trí nguy cơ thiên tai (khu vực sườn dốc, ven sông, suối, khu vực bờ đập hồ chứa thủy lợi, thủy điện... có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập úng) để có phương án di chuyển gấp khi cần thiết.

Tuyên Quang được đề xuất thí điểm dự án Giảm phát thải trong lâm nghiệp

Dự án do Công ty Lâm nghiệp SK Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp ở khu vực châu Á thực hiện.

Tuyên Quang được đề xuất thí điểm dự án Giảm phát thải trong lâm nghiệp
Diện tích rừng tự nhiên tại Na Hang được bảo vệ chặt chẽ

Đầu tháng 8 vừa qua, Công ty Lâm nghiệp SK Hàn Quốc đã có chuyến khảo sát và đánh giá rất cao nỗ lực bảo vệ rừng của các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Tuyên Quang với diện tích rừng trồng hàng năm đạt trên 10.000 ha, trên 48.000ha đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt... Đây chính là điều kiện hàng đầu để triển khai dự án. Theo kế hoạch, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính, quản lý rừng bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Mục tiêu của dự án là góp phần bảo tồn, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng và đa dạng sinh học ở trung du và miền núi phía Bắc ở Việt Nam. Đồng thời đóng góp giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng cho giai đoạn 2022 - 2030 theo Tiêu chuẩn các bon được xác minh (VCS). Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Lâm nghiệp phối hợp với Công ty Lâm nghiệp SK Hàn Quốc đẩy nhanh tiến độ ký kết ý định thư để dự án sớm đi vào thực hiện.

Đi qua dòng suối chảy xiết, hai mẹ con ở Sơn La bị lũ cuốn trôi

Khoảng 9h ngày 13/8, chính quyền huyện Bắc Yên nhận được tin báo tại bản Lừm Thượng A, xã Pắc Ngà, mẹ con chị Lò Thị Phiêng (SN 1970) và con trai là Tòng Văn Biên (SN 2013) trên đường đi đào sắn về qua suối Lừm bị lũ cuốn trôi. Hiện nay vẫn chưa tìm thấy 2 nạn nhân.

tm-img-alt
Các lực lượng tìm kiếm 2 người mất tích do lũ cuốn ở xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Ngay khi nhận được thông tin, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên đã phối hợp với các xã dọc sông: Song Pe, Tạ Khoa, Mường Khoa, Chim Vàn, Chiềng Sại huy động lực lượng tìm kiếm trên sông, hồ thuộc địa bàn quản lý.

Đồng thời, xã thông báo cho các chủ phương tiện giao thông vận tải thủy và các tàu cá của nhân dân đang hoạt động trên sông Đà phối hợp tìm kiếm mẹ con chị Phiêng.

Huyện Bắc Yên đã thành lập đoàn công tác thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn và phòng chống bão lũ tại xã Pắc Ngà; huy động 20 thuyền, 350 người tham gia tìm kiếm.

Công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do từ đầu giờ chiều 14/8 tại xã tiếp tục xảy ra mưa to.

Người dân Yên Bái với xu hướng "sống xanh” bảo vệ môi trường

Để giảm thiểu tác động tiêu cực đến tự nhiên, cải thiện môi trường sống, người dân Yên Bái đã và đang bắt nhịp xu hướng sống “xanh” bằng cách lựa chọn các vật liệu thân thiện với môi trường như cốc, ống hút, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, vật liệu xây dựng…

Người dân tham khảo, lựa chọn vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường tại nhà phân phối cấp 1 vật liệu xây dựng Ewin tại thành phố Yên Bái.
Người dân tham khảo, lựa chọn vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường tại nhà phân phối cấp 1 vật liệu xây dựng Ewin tại thành phố Yên Bái.

Dưới tác động của truyền thông, nhận thức của người dân Yên Bái về việc bảo vệ môi trường được nâng cao rõ rệt. Minh chứng rõ nét cho vấn đề này chính là việc đông đảo bộ phận người dân hướng ứng lối sống "xanh” - lối sống giảm thiểu tác động xấu lên "mẹ trái đất”, sử dụng các vật liệu tái chế…

Tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh rác thải nhựa từ chai, lọ, lốp xe ô tô được tái chế sử dụng làm vật liệu trang trí, đồ chơi hay trồng hoa, cây cảnh. Dạo quanh các khu chợ, hình ảnh chị em phụ nữ sử dụng túi vải đem sẵn từ nhà để đựng đồ thay bằng túi nilon không còn quá xa lạ.

Đã áp dụng lối sống "xanh” nhiều năm, chị Trần Thùy Dương ở tổ dân phố 11, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình chia sẻ: "Tôi bắt đầu thực hành lối sống "xanh” cách đây 5 năm khi thường xuyên đọc, nghe các thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Nghiên cứu kỹ tôi thấy việc bảo vệ môi trường không phải vấn đề gì quá nặng nề, chỉ cần mỗi cá nhân thay đổi từ những hành động nhỏ là có thể chung tay làm nên phong trào lớn. Tôi chú ý hơn đến việc giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng túi vải khi đi chợ, đồ ăn ở nhà để tủ lạnh sẽ không dùng túi nilon mà dùng hộp để có thể tái sử dụng nhiều lần. Ban đầu, khi thấy tôi dùng túi vải, mọi người xung quanh có phần lạ lẫm nhưng dần dần khi hiểu một số bạn bè xung quanh cũng đã ủng hộ rồi làm theo”.

Không chỉ sử dụng các vật liệu tái chế, hạn chế rác thải nhựa, nhiều người dân Yên Bái còn tìm đến sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhất là trong vấn đề xây dựng. Nhà phân phối cấp 1 vật liệu xây dựng Ewin - Nhung Võ có địa chỉ tại số 47 đường Lê Lai, thành phố Yên Bái là một trong những địa chỉ được đông đảo người dân tìm đến khi muốn tham khảo, mua vật liệu xây dựng.

Anh Nguyễn Phan Võ - đại diện nhà phân phối Nhung Võ cho biết: "Những năm gần đây, nhận thấy người dân Yên Bái bắt đầu dành sự quan tâm đến vật liệu xây dựng "xanh”. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu và đăng ký làm nhà phân phối vật liệu xây dựng của Công ty Ewin. Vật liệu xây dựng mà chúng tôi cung cấp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế mà còn mang lại kết cấu xây dựng bền vững hơn, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng”.

Anh Trần Duy Thanh ở tổ dân phố số 5, thị trấn Cổ Phúc - khách hàng tìm đến vật liệu xây dựng Ewin để hoàn thiện cho căn nhà đang xây dở của gia đình cho biết: "Qua tìm hiểu tôi thấy tấm ốp trần của Ewin vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa thân thiện với môi trường khi được làm từ bột gỗ và nhựa nguyên sinh nên đã quyết định lựa chọn sử dụng. Hy vọng hành động nhỏ của tôi có thể góp phần chung tay gìn giữ trái đất xanh cho thế hệ tương lai”.

Có thể thấy, nhân dân Yên Bái đang dần dần thay đổi từ nhận thức đến hành động để bảo vệ môi trường. Những thói quen "sống xanh” đang ngày càng lan tỏa tạo nên những giá trị tươi đẹp cho cuộc sống. Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn, hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của chính chúng ta.

Ngành Tài nguyên môi trường Bắc Ninh: Bảo vệ môi trường thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế

Thực hiện quyết liệt Đề án bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và người đứng đầu trong bảo vệ môi trường; lựa chọn công nghệ tiên tiến cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường; đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả các nhà máy xử lý rác thải, nước thải… là những đòi hỏi cấp thiết trong công tác bảo vệ môi trường chung của tỉnh.

Hiện nay, ngành Tài nguyên và Môi trường cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về môi trường như: 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 97% chất thải rắn sinh hoạt các khu đô thị, 90% chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý; 100% cánh đồng được làm sạch, thu gom, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và chất thải đồng ruộng; 100% thôn, làng, khu phố phát động phong trào làm sạch đường làng ngõ xóm, gắn bảo vệ môi trường với các phong trào thi đua tại địa phương…

Điều này cho thấy, công tác bảo vệ môi trường huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ý thức, trách nhiệm của toàn dân được nâng lên rõ rệt. Quyết tâm làm sạch môi trường của tỉnh đã, đang thành hiện thực.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường; quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép môi trường; quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết; triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về ô nhiễm môi trường, nhất là đối với khu vực làng nghề, CCN làng nghề.

Sở tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai mạnh mẽ các hoạt động kiểm tra, giải quyết các kiến nghị về môi trường; tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, CCN làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như: làng nghề Phong Khê, Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), CCN Phú Lâm (Tiên Du), xã nghề Văn Môn (Yên Phong)…; xử lý, ngăn chặn kịp thời, bước đầu có hiệu quả việc xả thải từ các làng nghề sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu.

Tăng cường quản lý chất thải tại các địa phương nằm giáp ranh các khu, CCN có lượng công nhân sinh sống, làm việc lớn; xây dựng phương án di chuyển lượng rác thải tồn đọng tại các địa phương đến khu xử lý chung của tỉnh để giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc.

Bảo vệ môi trường thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm chất thải tồn đọng tại xã nghề Văn Môn (Yên Phong).

Điểm mấu chốt trong xử lý ô nhiễm môi trường chính là yêu cầu các Nhà máy đốt rác đang vận hành hết công suất; đôn đốc tiến độ xây dựng 4 khu xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại thị xã Quế Võ, huyện Lương Tài và thị xã Thuận Thành, đưa vào vận hành trong năm 2023 theo đúng cam kết với tỉnh, sẽ giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường hiện nay.

Đến nay, 11/12 KCN triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng đều xây dựng Đề án xử lý tổng thể và đang tiến hành thực hiện nghiêm theo lộ trình; việc xử lý nước thải tại các đô thị, CCN, làng nghề được chú trọng thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh; các địa phương chưa có khu xử lý thất thải tập trung đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng 10 lò đốt rác công suất nhỏ để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt.

Từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ, kết luận của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, nhằm tập trung quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; giảm thiểu tác động tiêu cực của các hoạt động khai thác tài nguyên đối với môi trường; kiểm soát, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ấn Độ: Mưa lớn tại miền Bắc làm ít nhất 24 người thiệt mạng

Ngày 14/8, giới chức Ấn Độ cho biết ít nhất 24 người đã thiệt mạng và hàng chục người mắc kẹt hoặc mất tích do mưa lớn gây lũ lụt và lở đất ở vùng núi Himalaya cuối tuần qua.

Mưa lớn những ngày qua đã cuốn trôi nhiều phương tiện, phá hủy nhiều công trình và cầu đường tại các bang Uttarakhand và Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Bang Himachal Pradesh là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Thủ hiến bang Himachal Pradesh, ông Sukhvinder Singh Sukhu, cho biết ít nhất 16 người đã thiệt mạng tại bang này trong 24 giờ qua, trong đó có 9 người là nạn nhân vụ sập một đền thờ tại thủ phủ Shimla. Chính quyền địa phương đang nỗ lực dọn dẹp đống đổ nát để cứu những người vẫn còn mắc kẹt. Ông khuyến cáo người dân ở trong nhà và tránh đến gần các con sông.

tm-img-alt
Đường ở một số khu vực của Himachal Pradesh bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước. (Nguồn AFP)

Giới chức bang đã chỉ thị đóng cửa nhiều trường học và cơ sở giáo dục. Những người dân ở khu vực nguy hiểm được sơ tán đến nơi tránh trú an toàn.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, nhiều khu vực của bang Himachal Pradesh ghi nhận lượng mưa tới 273mm trong 24 giờ.

Tại bang lân cận Uttarakhand, các đội cứu nạn đang gấp rút đào bới đống bùn đất khi nhiều người được cho là mắt kẹt sau trận mưa lớn gây lở đất. Ít nhất 8 người đã thiệt mạng tại bang này kể từ ngày 11/8 vừa qua.

Mùa mưa đem lại 80% lượng mưa hằng năm cho Ấn Độ và hỗ trợ nguồn nước cho nông nghiệp cũng như sinh kế của hàng triệu người. Tuy nhiên, các trận mưa lớn gây lở đất và lũ lụt cũng gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản và vụ mùa.

Giới chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan này.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 14/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.