Thứ bảy, 27/04/2024 10:06 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/5/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 19/05/2023 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Khi nào có mưa, kết thúc nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (19/5), ở Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h có nơi trên 39 độ như: Hồi Xuân (Thanh Hóa) 40.0 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 40.2 độ,...; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-55%.

Dự báo ở Bắc Bộ ngày 20-21/5 có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-60%.

Khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 35-50%. Cơ quan khí tượng lưu ý nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, cường độ đợt nắng nóng này có thể yếu hơn đợt nắng nóng sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, khi ghi nhận kỷ lục ở Tương Dương (Nghệ An) là 44.2 độ. Tuy nhiên, đợt nắng này lại kéo dài nhiều ngày và không có mưa nên có sự tích lũy nhiệt độ, khiến những ngày sau trời nắng nóng lên rất nhanh và giảm chậm.

Theo ông Mai Văn Khiêm, nền nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5-1 độ. Theo ông Khiêm, thông thường một đợt nắng nóng sẽ diễn ra khoảng 3-5 ngày, thì năm nay có thể dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn. Khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.

"Mỗi đợt nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc khoảng 37-38 độ; miền Trung khoảng 37-39 độ, có nơi cao hơn từ 40-42 độ", ông Khiêm nhận định.cao điểm của nắng nóng dự báo khoảng tháng 6-7 ở Bắc Bộ, tháng 6-8 ở Trung Bộ.

Mực nước sông Lô xuống mức thấp kỷ lục chưa từng có

Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Tuyên Quang cho biết mực nước sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang trong những ngày vừa qua xuống thấp kỷ lục, với mức 11,43m. Đây là mức nước thấp chưa từng có trong nhiều năm qua.

Mực nước sông Lô xuống thấp ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các hộ dân nuôi cá lồng bè dọc theo 2 bờ sông.

tm-img-alt
Mực nước sông Lô xuống thấp chưa từng có trong nhiều năm qua. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Theo chuyên gia khí tượng thủy văn, do tác động của hiện tượng El Nino, thời tiết ít mưa, các đợt nắng nóng xuất hiện khốc liệt và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến mực nước tại hệ thống sông, suối trên địa bàn.

Để ứng phó với hiện tượng thời tiết bất thường, Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân theo dõi bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo nắng nóng để chủ động thực hiện giải pháp trong sản xuất, sinh hoạt, hạn chế thấp nhất tổn thất do nắng nóng gây ra./.

Bộ TN-MT kêu gọi làm sạch môi trường, chống ô nhiễm rác thải nhựa

Ngày 19/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).

tm-img-alt
Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. (Ảnh Wired)

Đánh giá của UNEP cho thấy ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.

Những năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế.

Vì vậy, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban ngành, đoàn thể và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg, Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.”

Cùng với đó, các bộ, ban, ngành và các địa phương xây dựng ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Mộc Châu thiệt hại hơn 6 ha rừng do cháy

Thông tin từ Hạt kiểm lâm huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết, mặc dù việc “canh rừng” rất được chú trọng, song thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều nhiều cánh rừng bị cháy.

Tổng cộng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 6 ha rừng. Rất may số này chỉ là rừng hỗn giao tre nứa – gỗ, rừng phục hồi và diện tích có cây tái sinh và chủ yếu cháy thảm thực vật dưới tán, không ảnh hưởng đến cây gỗ sinh trưởng, phát triển.

tm-img-alt
Phát dọn thực bì để hạn chế các vụ cháy rừng

Ông Lê Văn Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mộc Châu cho biết, với gần 60 nghìn héc ta, Mộc Châu hiện là một trong những huyện có diện tích rừng nhiều nhất tỉnh. Trước dự báo nắng nóng sẽ còn kéo dài trong những ngày tới, ngành đã bổ sung thêm các biển báo, bảng tuyên truyền tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng. Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp xã cũng được yêu cầu thường trực 24/24 giờ; phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn phân tích, đánh giá mức độ nguy cơ cháy rừng cho từng địa bàn; chủ động sẵn sàng lực lượng cứu chữa khi có cháy rừng xảy ra.

Học sinh Tuyên Quang vẽ tranh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường

Mới đây, Huyện đoàn Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã  phối hợp với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tổ chức Hội thi vẽ tranh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023 với chủ đề “Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường vì chất lượng cuộc sống”.

tm-img-alt
Hội thi với nhiều nội dung phong phú thu hút hơn 150 thí sinh là học sinh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang tham gia. Ảnh: ITN

Hội thi thu hút hơn 150 thí sinh là học sinh, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện Hàm Yên tham gia. Hội thi với nhiều nội dung phong phú như: Ước mơ bảo vệ môi trường sống, phân loại rác thải tại nguồn, trồng thêm nhiều cây xanh, nhiều người được sử dụng nước sạch hơn, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ sức khỏe con người; phản ánh những hành vi phá hoại cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, đe dọa sức khỏe cộng đồng…

Hội thi đã tạo sân chơi lành mạnh, không khí vui tươi và cơ hội cho học sinh được giao lưu học hỏi, đồng thời phát hiện những ý tưởng sáng tạo của các em học sinh trong bảo vệ môi trường. Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức trao 5 giải A, 10 giải B, 15 giải C và 25 giải D cho các tác phẩm có thành tích xuất sắc.

Thừa Thiên Huế hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày môi trường thế giới

Tại buổi Mít tinh, chuỗi hoạt động của chương trình diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. Những hoạt động như đồng diễn dân vũ với sự tham gia của 1.000 hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh, đạp xe cổ động bảo vệ môi trường, chèo thuyền SUP vớt rác trên sông Hương, chương trình "Đổi rác lấy quà"... đã có sức lan tỏa lớn, tạo hình ảnh đẹp của người phụ nữ xứ Huế.

tm-img-alt
Các đại biểu nhấn nút cam kết bảo vệ môi trường

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, môi trường có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp nhanh, đô thị hóa, gia tăng dân số, thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu khiến môi trường ở nước ta đứng trước nhiều áp lực về ô nhiễm. Trước thực trạng đó, bà kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hội viên và chị em phụ nữ nâng cao ý thức, hành động chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Thừa Thiên - Huế được chọn là nơi tổ chức chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" nhằm chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023); đồng thời, phát huy sức mạnh đoàn kết của các cấp Hội phụ nữ Cố đô, lan tỏa đến phụ nữ cả nước về tinh thần sống xanh, thân thiện với môi trường.

Sau lễ mít tinh, trên 1.000 hội viên, phụ nữ Cố đô Huế đã mang lại không khí sôi nổi bên dòng sông Hương thơ mộng với màn đồng diễn áo dài, những điệu múa dân vũ vui nhộn. Trên đường phố, hàng trăm chiếc xe đạp diễu hành cổ động thông điệp lối sống văn minh, chống rác thải nhựa đến người dân thành phố Huế. Đây là hai trong số các hoạt động nổi bật của chương trình hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới năm 2023.

Thành phố Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ

Tham dự lễ trồng cây có các đồng chí: Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và Thành phố.

Phát biểu tại lễ phát động, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng: "Phong trào trồng cây xanh, trồng rừng và bảo vệ rừng không chỉ bảo vệ cảnh quan môi trường và đa dạng sinh học đã mang lại lợi ích to lớn cho nước ta ở hiện tại và tương lai. Việc trồng cây đã trở thành một nét truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam ta".

Theo UBND TP.HCM, thông qua sự kiện này nhằm triển khai phát động bình quân mỗi người dân TP.HCM trồng một cây xanh chung sức "Vì một Việt Nam xanh" hưởng ứng "Đề án 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ".

tm-img-alt
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trồng cây tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc

Ngay sau lễ phát động đã có 225 cây xanh được trồng trong khuôn viên cơ sở 2 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Đây là các loại cây gỗ quý: gõ đỏ, sưa, trắc, hoàng nam.

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2023 nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác.

Theo đó, yêu cầu các địa phương phải lựa chọn loại cây trồng có giá trị nhiều mặt, ưu tiên nhóm các loại cây đa mục đích, nhóm cây gỗ lớn, gỗ quý, cây bóng mát, cây cảnh quan… và thích ứng với điều kiện đất đai trên địa bàn. Chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ cây sau trồng đạt hiệu quả cao.

Italy: Lũ lụt khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán

Theo thông báo chiều 18/5 của Bộ Bảo vệ Dân sự Italy, phần lớn vùng Emilia-Romagna vẫn là khu vực "báo động đỏ”, với một phần của nhiều khu vực khác - từ Lombardy ở miền Bắc đến Basilicata ở miền Nam - nằm trong khu vực cảnh báo "màu cam" hoặc "màu vàng" (hai cấp độ khẩn cấp thấp hơn). Có 280 vụ lở đất được ghi nhận, 23 con sông nước tràn bờ, 400 con đường bị hư hỏng hoặc phá hủy và 42 thành phố bị ngập lụt.

Theo Hiệp hội Nông nghiệp Coldiretti, hơn 5.000 trang trại bị ngập nước trong khu vực, bao gồm "Thung lũng trái cây", cũng như các cánh đồng ngô và ngũ cốc.

"Chúng tôi ước tính, thiệt hại lên tới gần 1 tỷ Euro (do những trận lũ lụt trước đó), vì vậy hãy tưởng tượng con số này sẽ tăng lên bao nhiêu" với thảm họa mới này, Thống đốc Bonaccini nói và nhận định, còn quá sớm để đưa ra con số thiệt hại chính xác.

tm-img-alt
Cảnh ngập lụt do mưa lớn kéo dài tại Cesena, Italy ngày 18/5/2023. Ảnh: AFP

Theo truyền thông địa phương, hơn 10.000 người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa và hàng chục nghìn người không có điện. Trong một tuyên bố, công ty điện lực Enel cho biết khoảng 700 kỹ thuật viên đã được cử đến vùng này để giúp khôi phục nguồn điện.

Cùng ngày, ông Stefano Bonaccini, Chủ tịch vùng Emilia-Romagna, ước tính thiệt hại của vùng này lên tới "vài tỷ euro". Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường và An ninh năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết chính phủ nước này sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cấp quyền tiếp cận Quỹ Đoàn kết Liên minh châu Âu để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ và tái thiết trong vùng.

Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni cũng triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp vào ngày 23/5 tới và dự kiến sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở vùng Emilia-Romagna để cho phép chính phủ sử dụng các khoản ngân sách và trao thêm thẩm quyền cho các quan chức địa phương trong việc thực hiện biện pháp khẩn cấp.

Chính phủ Italy cam kết sẽ viện trợ khẩn cấp thêm 20 triệu Euro (22 triệu USD), ngoài khoản 10 triệu Euro được phân bổ để ứng phó với trận lũ lụt vào hai tuần trước đó, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.

Nhà sản xuất xe thể thao hạng sang Ferrari có trụ sở tại vùng Emilia-Romagna đã công bố khoản quyên góp trị giá 1 triệu Euro.

Lũ lụt là sự kiện mới nhất trong một loạt các thảm họa thời tiết khắc nghiệt đã tàn phá Italy trong năm qua.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 19/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề