Thứ hai, 29/04/2024 07:24 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/5/2023

MTĐT -  Thứ năm, 18/05/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Cục đường sắt siết chặt an toàn sau 2 vụ tàu trật bánh đường ray

Cụ thể, tại văn bản gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu VNR chỉ đạo các đơn vị chạy tàu tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt sau 2 vụ tai nạn tàu trật bánh gần đây.

Vụ thứ nhất, tàu khách số hiệu SE1 bị trật bánh hai toa xe chở khách lúc 11h ngày 4/5 tại phía Nam ga Huế (km688+500, tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh thuộc phường Phương Đức, thành phố Huế). Vụ tai nạn đã gây tắc đường sắt chính tuyến 303 phút.

Vụ thứ hai, tàu khách số hiệu SE8 bị trật bánh một toa xe chở khách lúc 11h55 ngày 7/5 tại km358+396 đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh đoạn giữa hai ga Thanh Luyện - Hòa Duyệt thuộc xã Hương Liên, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Vụ tai nạn đã gây tắc đường sắt chính tuyến 218 phút.

Nguyên nhân 2 vụ tàu trật bánh đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

tm-img-alt

Cục đường sắt siết chặt an toàn sau 2 vụ tàu trật bánh đường ray (Ảnh: Internet)

Các vụ tai nạn giao thông đường sắt tuy không thiệt hại về người, nhưng Cục Đường sắt Việt Nam nhận định đã gây ách tắc giao thông nhiều giờ, thiệt hại tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và chất lượng phục vụ hành khách, chủ hàng.

Do vậy, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu VNR chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải trong triển khai Công điện số 281/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2023.

Bộ GTVT hoàn thiện 2 phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông báo số 155/TB - BGTVT nội dung kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp về triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô lớn, công nghệ - kỹ thuật phức tạp, cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn và các đơn vị liên quan trong quá trình lập, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án phải quán triệt định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 và ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ; kết luận của Hội đồng thẩm định nhà nước.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cụ thể, trên cơ sở các kịch bản đầu tư đã nghiên cứu, kịch bản theo ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban quản lý dự án đường sắt và tư vấn nghiên cứu bổ sung: Đối với kịch bản đường sắt mới chỉ vận tải hành khách, bổ sung đường sắt hiện hữu cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa phù hợp với lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26) để vận tải hàng hóa; phương án xây dựng mới đường sắt trên trục Bắc - Nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa làm cơ sở để so sánh, lựa chọn.

Về hướng tuyến cơ bản giữ nguyên hướng tuyến đã thống nhất với các địa phương trước đây. Đối với một số địa phương có ý kiến điều chỉnh, yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn triển khai ngay công tác rà soát và làm việc để thống nhất với các địa phương. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường sắt và tư vấn khẩn trương nghiên cứu, làm việc với các địa phương về phạm vi, vị trí bổ sung các ga hàng hóa đối với kịch bản vận tải chung hành khách và hàng hóa.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng giao Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải cập nhật, bổ sung số liệu, kết quả dự báo nhu cần vận tải cho các kịch bản đầu tư đường sắt trên trục Bắc - Nam (khai thác khách và khai thác hỗn hợp khách, hàng hóa), hoàn thành trước ngày 10/6/2023. Cục Đường sắt Việt Nam, Ban quản lý dự án đường sắt và tư vấn phối hợp xây dựng, cung cấp thông tin chi tiết các kịch bản.

Mới đây, Hội đồng thẩm định Nhà nước có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đường đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200-250km/giờ, tốc độ khai thác khoảng 200km/giờ.

Về tiến độ thực hiện, dự án hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành dự án trước năm 2045.

Quảng Nam: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án bất động sản

Ngày 17/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng về việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 4624/BTC-QLCS ngày 10/5/2023 về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Đồng thời,  UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong việc điều kiện duy trì tỷ lệ góp vốn không thấp hơn 26% khi di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, về việc doanh nghiệp Nhà nước có chuyển mục đích sử dụng đất.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Cùng với đó là phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; Khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư bất động sản. Công tác xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu phức tạp, gặp nhiều trở ngại; công tác thoả thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất khó khăn, kéo dài.

Trước đó, thực hiện Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.

Chính thức khai thác cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết vào ngày 19/5

Sáng ngày 18/5, Bộ Giao thông vận tải cho biết hai đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49km và Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ chính thức đưa vào khai thác, vận hành từ 10h ngày 19-5.

Mặt cắt ngang hai đoạn cao tốc trên gồm 4 làn xe lưu thông 2 chiều. Trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/điểm. Kích thước mỗi vị trí dài 270m (gồm 170m đoạn dừng xe, phạm vi ra vào mỗi phía 50m), rộng mặt 2,5m, bề rộng lề 0,75m.

Đối với đoạn Nha Trang - Cam Lâm, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu đến cuối dự án.

Tuy nhiên, trong điều kiện các đoạn cao tốc kế tiếp 2 đầu dự án là Vân Phong - Nha Trang và Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa thông xe nên phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau:

Theo hướng Bắc - Nam, các phương tiện nêu trên được lưu thông từ quốc lộ 1 vào quốc lộ 27C, nhập vào cao tốc tại nút giao quốc lộ 27C (đầu tuyến tại Km5+783) đến nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với quốc lộ 1 thông qua quốc lộ 27B.

Dự án đưa vào khai thác có điều kiện tuyến chính và 2/4 nút giao, bao gồm nút giao đầu tuyến tại Km5+783 kết nối với quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và nút giao cuối tuyến tại Km52+892 kết nối với quốc lộ 27B thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

tm-img-alt

Từ 10h ngày 19/5, hai đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sẽ chính thức đưa vào khai thác, vận hành. (Ảnh: Internet)

Đối với dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đi TP.HCM.

Dự án đưa vào khai thác hoàn thiện 5/5 nút giao, gồm: nút giao Vĩnh Hảo tại Km134+700, nút giao Chợ Lầu tại Km162+777,78, nút giao Đại Ninh tại Km178+655,22, nút giao Ma Lâm tại Km208+701,74, nút giao Phan Thiết tại Km234+617,56.

Khi lưu thông trên tuyến Nha Trang - Cam Lâm, trước mắt các phương tiện chưa phải trả phí.

Được biết, để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình khai thác, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị chức năng và các đơn vị khác có liên quan tại địa phương tăng cường lực lượng triển khai điều phối, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện theo phương án tổ chức giao thông; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm gây mất an toàn giao thông trên tuyến.

Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản Khánh Hòa

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong Quý 1 vừa qua, tỉnh này ghi nhận gần 4.000 giao dịch bất động sản với tổng giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, gần 2.500 giao dịch đất nền, 875 giao dịch nhà mặt đất và 68 giao dịch căn hộ chung cư.

So với số lượng giao dịch trong Quý 3 và 4 của năm ngoái, lượng giao dịch chỉ đạt 1.200 tỷ đồng và gần 250 tỷ đồng. Cùng với đó, so với quý trước, số lượng giao dịch đất nền trong Quý 1/2023 đã tăng 7% so với 2.735 mức giao dịch.

Theo đó, 10 dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang được triển khai gồm 1.564 căn chung cư và 4.067 căn nhà ở riêng lẻ; 26 dự án du lịch nghỉ dưỡng gồm 12.149 căn hộ du lịch cùng 2.588 căn biệt thự du lịch,..

Vào ngày 7/4, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Tờ trình số 140/TTr-BCS báo cáo tiến độ thực hiện quy hoạch các phân khu và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Tờ trình số 140/TTr-BCS báo cáo tiến độ thực hiện quy hoạch các phân khu và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khánh Hòa cũng đang khẩn trương thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3 vừa qua, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, trên địa bàn còn nhiều đồ án lớn như Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đang được thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Dựa trên dự đoán tình hình bất động sản của Sở Xây dựng, trong thời gian tới tỉnh sẽ có những hiệu ứng tích cực hơn và ghi nhận nhiều tín hiệu đáng mừng từ việc Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Phan Việt Hoàng - Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Khánh Hòa chia sẻ, cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt hai quy hoạch lớn của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Hoàng, buổi hội nghị công bố quy hoạch chung vừa rồi đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn trên khắp cả nước, bởi đây là một bước tiến lớn của tỉnh cũng như xuất hiện nhiều hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư trong tương lai. Trong đó, với mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Hoàng cho biết 3 dự án nhà ở vừa qua được phê duyệt chủ trương đầu tư và duy nhất 1 dự án án được cấp phép tại Khánh Hòa là “điểm sáng” trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn yếu kém
3 dự án nhà ở vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư và duy nhất 1 dự án án được cấp phép tại Khánh Hòa là “điểm sáng” trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn yếu kém

Trong năm nay, 12 quy hoạch phân khu sẽ được phê duyệt là: Khu du lịch Núi Khải Lương (2.180 ha), Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn (4.929 ha), Khu đô thị du lịch Cổ Mã – Tu Bông (5.508ha); Khu đô thị và công nghiệp tập trung Bắc Hòn Hèo (3.679ha); Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong (6.987ha).

Ngoài ra, còn có quy hoạch Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Môn (4.127 ha), Khu đô thị, dịch vụ du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang (1.725ha)…

Cùng với đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo Ban quản lý rà soát, điều chỉnh lại thời hạn thu hút các dự án, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong theo giai đoạn phù hợp.

TP. Hồ Chí Minh: Từ ngày 20/5, cấm xe qua hầm sông Sài Gòn

Sở GTVT TP.HCM vừa ra thông báo về việc cấm các xe qua hầm sông Sài Gòn để phục vụ diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp thành phố tại đường hầm sông Sài Gòn năm 2023.

Theo đó, kể từ 19h45 đến 23h ngày 20/5 đến ngày 26/5 và từ 7h45 đến 11h ngày 27/5 và ngày 28/5, cấm các phương tiện lưu thông qua đường hầm sông Sài Gòn.

Như vậy, TP sẽ tổ chức cấm xe qua hầm trong 7 đêm liên tiếp và 2 buổi sáng để phục vụ công tác diễn tập trong hầm.

tm-img-alt

Từ 19h45-23h các ngày 20 đến 26/5, toàn bộ xe bị cấm qua hầm sông Sài Gòn để diễn tập chữa cháy và cứu nạn. (Ảnh: Internet)

Sở GTVT cũng gợi ý các lộ trình thay thế để người dân đi lại khi đường hầm sông Sài Gòn bị cấm.

Hướng từ quận 1 đến TP Thủ Đức: đường Võ Văn Kiệt → đường song hành Võ Văn Kiệt → đường Võ Văn Kiệt → đường Tôn Đức Thắng → cầu Thủ Thiêm 2 → đường Tố Hữu → đường Mai Chí Thọ.

Hướng từ TP Thủ Đức đến quận 1: đường Mai Chí Thọ → đường Tố Hữu → đường R12 → cầu Thủ Thiêm 2 →đường Lê Duẩn → đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa → đường Võ Văn Kiệt.

Việc diễn tập chữa cháy và cứu nạn là công tác thường niên tại hầm vượt sông Sài Gòn, nhằm nâng cao tính chủ động, hạn chế thấp nhất các thiệt hại khi xảy ra cháy nổ. Ngoài diễn tập xử lý các tình huống, trong đường hầm đã được lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động để kịp thời xử lý các sự cố phát sinh.

Hầm vượt sông Sài Gòn được đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, đưa vào khai thác cách đây 12 năm, là hạng mục quan trọng nhất của đại lộ Đông Tây. Đường hầm dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn cho ôtô và xe máy); tốc độ đạt 60 km/h. Hiện, mỗi ngày có khoảng 55.000 ôtô, 300.000 lượt xe máy qua hầm.

Hàng loạt giải pháp đưa ra nhằm giảm thiểu bụi ở sân bay Long Thành

Ngày 18/5, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc giám sát thực hiện các giải pháp giảm thiểu bụi tại dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, trên cơ sở phương án giảm thiểu ô nhiễm của ACV, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Long Thành và đơn vị liên quan giám sát việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi tại dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tần suất 2 tuần/lần.

Sau khi bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường phạt vì gây ô nhiễm môi trường, ACV đã triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng bụi phát tán ra môi trường như: xây hệ thống đường công vụ, triển khai ngay các hồ lắng, mương thoát nước tại khu vực 722 ha và các hồ điều tiết theo hồ sơ đã được duyệt.

tm-img-alt

Hàng loạt giải pháp đưa ra nhằm giảm thiểu bụi ở sân bay Long Thành (Ảnh: Internet)

Thành lập đội xe tưới nước chuyên biệt tại công trường; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, công nhân, lái xe, lái máy chấp hành quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường. Các xe vận chuyển đất phải chạy đúng tuyến đường quy định đã được tưới nước, tốc độ lưu thông không vượt quá quy định. Giảm cường độ thi công vào thời điểm khô bụi mạnh từ 10-12 giờ và 13-16 giờ hàng ngày.

Việc trồng cỏ sẽ được triển khai khi hoàn thiện xong đắp bãi trữ khu vực 722 ha nhằm khôi phục lớp thực vật, hạn chế tình trạng gió thổi bụi đất trở lại không khí.

Đối với những khu vực đã san lấp, khu vực lưu giữ bãi đất thừa, các đường vận chuyển, khu vực thi công đào… ACV đều thực hiện các giải pháp giảm bụi: tăng cường tưới nước; dừng thi công vào các giờ cao điểm khô nóng, gió mạnh; lu lèn, đầm chặt, trồng cỏ…

ACV cũng kết hợp với chính quyền hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do bụi; động viên, tuyên truyền những hạn chế khách quan trong quá trình thi công cho cư dân xung quanh khu vực.

Trước đó, Đoàn kiểm tra ghi nhận ACV đã sử dụng biện pháp phun dập bụi bằng nước, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí. Một trong những nguyên nhân là ACV triển khai thi công, san lấp mặt bằng đồng thời trên diện tích rộng (toàn bộ diện tích 2.532 ha), dẫn đến làm tăng khả năng phát sinh bụi trên diện rộng. Lượng nước dùng để phun, tưới bụi không đáp ứng được yêu cầu tưới nước thường xuyên. Số lượng phương tiện di chuyển lớn, hoạt động liên tục 3 ca, tốc độ di chuyển nhanh dẫn đến lượng bụi cuốn theo phát tán ra xung quanh. Ngoài ra, do yếu tố thời tiết bất lợi, trong mùa khô thường xuyên hình thành các cơn gió lốc xoáy, cuốn nhiều bụi lên cao, gây phát tán bụi ra xung quanh.

Căn cứ vào các vi phạm, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-XPHC ngày 24/4/2023 xử phạt vi phạm hành chính đối với ACV theo đúng quy định của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

Minh Thư (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.