Thứ năm, 14/11/2024 13:52 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/9/2023

MTĐT -  Thứ hai, 25/09/2023 17:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 25/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Áp thấp nhiệt đới áp sát đất liền, vùng ảnh hưởng rất rộng

Vào 13 giờ chiều nay (25/9), áp thấp nhiệt đới chỉ còn cách Đà Nẵng khoảng 150km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ngãi khoảng 80km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8-9. Những giờ qua, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15km/h.

Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ hôm nay đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Lượng mưa tính từ 00h-13h ngày 25/9 phổ biến 50 - 80mm, cục bộ một số nơi trên 150mm như Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 283mm, Đà Nẵng 197mm, Triệu Ái (Quảng Trị) 187mm, Hương Thủy (Hà Tĩnh) 186mm, Hội An (Quảng Nam) 171mm.

tm-img-alt
Áp thấp nhiệt đới đang áp sát đất liền các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam.

Dự báo trong 12 giờ tới (tính từ 13 giờ chiều 25/9), áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Khoảng 1 giờ sáng mai (26/9), tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi trong rạng sáng mai (26/9), sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 13 giờ chiều mai (26/9), tâm vùng áp thấp nằm trên biên giới Việt – Lào với cường độ dưới cấp 6.

Cứu 3 ngư dân lật thuyền, ôm can nhựa lênh đênh trên biển nhiều giờ

Trưa 25/9, lãnh đạo UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, ba ngư dân gặp nạn phải bơi lênh đênh trên biển bốn giờ đồng hồ đã được cứu sống.

Đó là ba ngư dân Nguyễn Văn Tùng (38 tuổi) và ông Nguyễn Văn Thuấn (42 tuổi, cùng trú xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) và ông Võ Đức Hùng (48 tuổi, trú Quảng Bình).

tm-img-alt
Nỗ lực cứu các ngư dân gặp nạn trên biển.

Sáng sớm nay, anh Tùng cùng ông Thuấn và ông Hùng đi trên một con thuyền, ra khơi khai thác sò ở khu vực biển hòn Én. Lúc đang khai thác ở vị trí cách đất liền Hà Tĩnh, Quảng Bình, khoảng 3 hải lý thì không may gặp sóng to, gió lớn, thuyền bị lật. Ông Hùng cùng anh Tùng và ông Thuấn phải ôm can nhựa bơi lênh đênh trên biển.

Nhận được thông tin, lực lượng chức năng xã Kỳ Xuân cùng người dân thôn Lê Lợi, thôn Xuân Thắng (xã Kỳ Xuân) cùng bộ đội biên phòng đã kịp thời, nỗ lực, hỗ trợ ứng cứu. Sau hơn 4 giờ tìm kiếm, các lực lượng đã cứu được ông Hùng cùng anh Tùng và ông Thuấn. Cả ba ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn.

Quảng Nam yêu cầu vận hành các hồ thủy điện ứng phó mưa lớn

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, lúc 13 giờ chiều nay 25/9, mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2 là 573,97m; Sông Bung 4: 205,45m; A Vương: 345,65m; Đak Mi 4: 246,25m; Sông Tranh 2: 142,75m.

Mực nước tại trạm thủy văn Hội Khách, Ái Nghĩa, Nông Sơn, Câu Lâu đang ở mức dưới báo động 1.

Để chủ động ứng phó mưa lớn, dự báo lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty CP Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước các hồ thủy điện không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành theo quy định tại Quy trình 1865.

Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Đồng thời thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các đơn vị trên thường xuyên cung cấp bản tin dự báo lũ về hồ và số liệu mưa các trạm đo trên lưu vực hồ về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để theo dõi, tham mưu chỉ đạo.

tm-img-alt
Quảng Nam yêu cầu vận hành các hồ thủy điện để chủ động ứng phó mưa lớn. Ảnh minh họa

Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 60 - 150mm, có nơi lớn hơn như: Trạm Thủy văn Câu Lâu (huyện Duy Xuyên) 176mm, Trạm Khí tượng Cù Lao Chàm (thành phố Hội An) 179mm, Trạm Thủy văn Hội An 203mm.

Dự báo từ chiều nay đến 16 giờ ngày 27/9, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc tỉnh phổ biến từ 50-150mm, có nơi trên 150mm; các địa phương vùng đồng bằng và vùng núi phía Nam tỉnh phổ biến từ 70 - 190mm, có nơi trên 200mm.

Trước đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ký công điện đề nghị Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Lốc xoáy mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại Thừa Thiên- Huế

Ngày 25/9, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, lốc xoáy khiến hàng chục ngôi nhà của người dân trên địa bàn bị tốc mái.

Theo đó, vào khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, tại các thôn Thạch Điền, Thành Trung và Tây Thành (thuộc xã Quảng Thành) đã xảy ra một trận lốc xoáy khiến khoảng 39 ngôi nhà của người dân bị tốc mái. Qua rà soát, thống kê ban đầu, có khoảng 15 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương cử cán bộ xuống địa bàn để tiến hành kiểm kê cũng như phối hợp người dân khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do thời tiết đang có mưa lớn nên việc này cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Chiều 25/9, theo tin từ UBND phường Thuận An, TP.Huế, trận lốc xoáy xảy ra vào sáng cùng ngày đã khiến hàng chục nhà dân trên địa bàn thị trấn bị thiệt hại.

Trận lốc xoáy cường độ mạnh quét qua địa phận tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An vào khoảng 9 giờ ngày 25-9. Trận lốc xoáy đã khiến 35 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có nhiều nhà bị tốc mái hoàn toàn, 3 người dân bị thương.

Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế đã điều động 22 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương giúp người dân lợp lại nhà cửa. Những người dân bị thương đang điều trị tại Trạm y tế phường Thuận An.

tm-img-alt
Cán bộ chiến sĩ cùng người dân tham gia khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra.

Từ 1 giờ ngày 25-9, khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa đo được từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 25-9 tại xã Hương Phú (huyện Nam Đông) 134,6mm, thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) 112mm, xã Lộc An (huyện Phú Lộc) 93,4mm, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) 85,2mm, TP.Huế 51,2mm.

Mưa lớn kéo dài đã gây ngập cục bộ tại các vùng thấp trũng và khu đô thị ở tỉnh, gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại, tài sản của người dân. Tại TP.Huế, vào khoảng 9 giờ ngày 25-9 đã có rất nhiều tuyến đường bị ngập do mưa lớn, nước mưa không thoát kịp. Tại khu đô thị mới An Vân Dương, nhiều đoạn đường bị ngập khá nặng khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều xe mô tô bị chết máy.

Lâm Đồng phát động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023

Tham dự lễ phát động có lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng; lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành đoàn thể của tỉnh và huyện cùng gần 500 cán bộ, công chức, viên chức, người dân các xã, học sinh các trường học trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được khởi xướng từ năm 1993. Chiến dịch là dịp quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động và chương trình cải thiện và bảo vệ môi trường…Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lựa chọn chủ đề của chiến dịch là “Cùng hành động cho thế giới sạch hơn. Trong đó sẽ tập trung vào các nội dung chính như: Thu gom xử lý chất thải đúng quy định; giảm sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần; Tích cực thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay từ hộ gia đình.

Tăng cường các hoạt động tái chế, tái sử dụng nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Sử dụng tiết kiệm hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên; Tham gia các hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường cảnh quan.v.v...Để khẳng định quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng đối với công tác bảo vệ môi trường và hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường nhấn mạnh: "Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, hạn chế các nguồn thải, thu gom xử lý và thực hiện các biện pháp nhằm giữ gìncảnh quan, môi trường ngày một tốt hơn".

tm-img-alt
Ban tổ chức tặng giỏ nhựa đi chợ nhằm giảm sử dụng bao bì túi ni lông cho đại diện phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn Đức Trọng.

Sau lời kêu gọi hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn của Sở Tài nguyên và môi trường, đại diện chính quyền huyện Đức Trọng cam kết hưởng ứng mạnh mẽ đối với chiến dịch. Ngành chức năng địa phương cũng đã tổ chức 10 gian hàng cùng các trò chơi tương tác nhằm tuyên truyền các kiến thức về thu gom, xử lý rác thải; Tổ chức chương trình đổi chất thải lấy quà tặng nhằm thay đổi thói quen bỏ rác đúng nơi quy định góp phần kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cùng các đoàn viên thanh niên và học sinh trên địa bàn huyện Đức Trọng cũng đã ra quân dọn dẹp vệ sinh, làm sạch môi trường dọc các tuyến đường và trong các khu dân cư.

Việc hưởng ứng chủ đề của chiến dịch là “Cùng hành động cho thế giới sạch hơn” do Bộ Tài Nguyên và môi trường đưa ra trong năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực góp phần giữ gìn môi trường tự nhiên và môi trường sống ngày một tốt hơn; hành động này sẽ góp phần bảo vệ trái đất, bảo vệ sự sống an toàn của con người./.

'Bước nhảy lượng tử' trong tham vọng khí hậu

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đây là phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra trước thềm Hội nghị tham vọng khí hậu 2023 được tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ. Khái niệm “bước nhảy lượng tử”- chỉ sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng, không qua trung gian - phần nào thể hiện mong muốn của LHQ về những thay đổi cấp thiết mà mỗi quốc gia cần thực hiện trong lộ trình triển khai Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris 2015 vốn đang bị đánh giá là chậm hơn rất nhiều so với yêu cầu.

Hội nghị tham vọng khí hậu được LHQ tổ chức trong bối cảnh ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy 2023 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử. Đây cũng là năm kỷ lục về số thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại hàng tỷ USD, trong đó có 8 trận lũ lụt nghiêm trọng. Dù chính phủ các nước đã đưa ra những cam kết giảm phát thải, loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch nhưng trên thực tế, khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tăng, các công ty dầu mỏ và khí đốt vẫn sinh lời tốt, tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo còn quá chậm. Quỹ Tổn thất và Thiệt hại nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tác động nhất và đã chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu vẫn chưa đi vào hoạt động. Nhóm các nước giàu vẫn chưa thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho các khoản tài chính khí hậu hỗ trợ các nước đang phát triển từ năm 2020.

Vì vậy, ông Guterres kỳ vọng hội nghị lần này giúp đảo ngược “những bước trượt dài” trong việc thực hiện các mục tiêu khí hậu và khuyến khích các chính phủ thực hiện những biện pháp mới, nghiêm túc trong giảm phát thải và chuyển đổi sang năng lượng xanh. Bên cạnh đó, LHQ mong muốn các nước giàu tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển vốn phải đương đầu với vô vàn khó khăn trong thiết kế và triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy năng lượng sạch và thích ứng với những điều kiện thời tiết cực đoan, nước biển dâng do Trái Đất nóng lên. Theo ông Selwin Hart, cố vấn đặc biệt về khí hậu của Tổng thư ký Guterres, trong bối cảnh gia tăng tâm lý hoài nghi về khả năng thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu, LHQ thực sự mong muốn hội nghị khí hậu này truyền cảm hứng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo hơn 30 nước được mời phát biểu tại hội nghị, theo tiêu chí mà ông Guterres đã nêu rằng chỉ có những chính phủ và doanh nghiệp mang đến những bản kế hoạch ý nghĩa mới được tham dự hội nghị năm 2023, để không có “những người thất hứa, những nhân vật‘tẩy xanh’, những trường hợp đổ lỗi và những bản kế hoạch cũ được bọc lại”. Chuyên gia Catherine Abreu, giám đốc tổ chức Destination Zero, đánh giá việc LHQ không mời đại diện một số nước lớn phát biểu tham luận cho thấy những nước không hiện thực hóa cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đưa ra trong các hội nghị trước sẽ phải nhường chỗ cho những nước khác có cơ hội lên tiếng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đại diện cho Việt Nam đã đưa ra những đề xuất bám sát tinh thần “bước nhảy lượng tử” nhà lãnh đạo LHQ đề cập. Theo đó, Thủ tướng đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng “0”; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…

Hội nghị lần này cũng là một trong những sự kiện cấp cao cuối cùng về khí hậu của năm 2023, diễn ra chỉ 10 tuần trước Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Cố vấn Hart gọi đây là “thời khắc chính trị quan trọng” trước thềm COP28 với nỗ lực tìm ra “những người đi trước, đón đầu” hành động trong số các chính phủ và doanh nghiệp.

Tổng thư ký Guterres tin rằng tương lai thế giới là tốt đẹp hay u ám tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo. Bức tranh chống biến đổi khí hậu chung dù còn tồn tại điểm tối nhưng vẫn có những điểm sáng. Brazil đã nâng mục tiêu giảm khí thải, cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 50-53% khí thải so với mức độ năm 2005. Thái Lan đã thành lập một bộ riêng chuyên về biến đổi khí hậu và nâng mục tiêu cắt giảm khí thải từ 20% lên 40% so với mức dự báo phát thải thông thường vào năm 2030. Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là một trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực để công bố tại COP28 với mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu.

Như lời Tổng thư ký LHQ, "sức nóng khủng khiếp" và "các đám cháy lịch sử" của năm 2023 tiếp tục là điềm báo của một "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu" với những hậu quả to lớn. Cộng đồng quốc tế cần những hành động khẩn trương, quyết liệt, mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa, những “bước nhảy lượng tử” thực sự trong tham vọng khí hậu để tránh thảm họa trong dài hạn.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 25/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới