Thứ hai, 29/04/2024 09:45 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/9/2023

MTĐT -  Thứ năm, 21/09/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 21/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bộ TN&MT phát động Cuộc thi "Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa"

tm-img-alt
Cuộc thi do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức. Thời gian nhận bài đến hết ngày 10/10/2023.

Theo Bí thư Đoàn TNCS HCM Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, các vấn đề về rác thải, túi nilon, pin, đồ dùng nhựa, chất lượng không khí, ô nhiễm môi trường… đang là vấn đề cấp bách, nhận được nhiều sự quan tâm của rất nhiều các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cuộc thi "Sáng kiến về tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa" được phát động với các mục tiêu tìm kiếm, tôn vinh, nhân rộng những sáng kiến tiêu dùng xanh tiêu biểu, có thể áp dụng rộng rãi, hiệu quả vào thực tiễn; Khuyến khích và thúc đẩy các ý tưởng tốt, mô hình hay về tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Bên cạnh đó, cuộc thi còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về tiêu dùng xanh bền vững và bảo vệ môi trường trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, tuyên truyền, vận động mọi cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa nói riêng; đa dạng hóa và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảm thiểu rác thải nhựa thông các các hoạt động tiêu dùng thông minh.

Nói về cuộc thi này, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đoàn TNCS HCM Bộ TN&MT cho biết:“Các ý tưởng sáng tạo và mô hình hay về tiêu dùng xanh thông minh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các sản phẩm nhựa dùng một lần, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và khám phá những giải pháp thân thiện với môi trường; tạo thành tựu có giá trị và là nguồn cảm hứng cho các cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia; góp phần xây dựng một tương lai bền vững, môi trường trong lành và cơ hội phát triển tốt đẹp cho đất nước”

Giải bài toán quản lý chất thải rắn: Biến rác thành tài nguyên

Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Song song với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam)...

Để giải quyết tình trạng áp dụng công nghệ chôn lấp trong xử lý CTRSH là chủ yếu như hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã đưa ra quy định về nguyên tắc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý CTRSH ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp CTR do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ phát triển.

nhamaydienrac001-16590615723051652364603.jpg
Nhà máy điện rác Sóc Sơn - nhà máy phát điện đốt rác lớn nhất Việt Nam

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định không khuyến khích xây dựng cơ sở xử lý CTRSH chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, Bộ TN&MT đã tham mưu nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy việc xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng để phát điện. Trong đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, cần tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị và CTR.

Ngoài ra, Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%; đồng thời giao Bộ Công Thương tăng cường phát triển các nguồn điện từ chất thải rắn và sinh khối; nghiên cứu, xây dựng cơ chế; chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm các thủ tục đấu nối và bán điện lưới đối với các nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn, sinh khối.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; với các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; thúc đẩy và triển khai có hiệu quả Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa.

Trong đó, Bộ TN&MT đãban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nội dung quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Đồng thời, Bộ TN&MT đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định của pháp luật khác có liên quan và dự kiến ban hành vào Quý I năm 2024. Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trong đó có thu gom và vận chuyển CTRSH sau phân loại tại nguồn, CTRSH đặc thù (trên sông, kênh, rạch, mặt biển, bãi biển; CTRSH cồng kềnh…); xử lý bằng công nghệ đốt, đốt có thu hồi năng lượng là nội dung mới do đó, cần phải đánh giá cẩn trọng, khách quan để đảm bảo tính đại diện cao và phù hợp với điều kiện thực tế.

Ở cấp địa phương, đến nay đã có 26/28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã có quy hoạch CTR, gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ.

Hà Giang: Trao giải cuộc thi “Sáng tạo sản phẩm từ rác tái chế”

Ngày 20/9 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quang Bình phối hợp với Phòng Tài nguyên môi trường huyện tổ chức trao giải cuộc thi “Sáng tạo sản phẩm từ rác tái chế”. Đây là cuộc thi hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng Nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp.

Cuộc thi “Sáng tạo sản phẩm từ rác tái chế” được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quang Bình phát động từ tháng 4.2023, thu hút 15 đội và 67 thí sinh của 15 xã, thị trấn tham gia. Các sản phẩm dự thi rất đa dạng, phong phú, qua đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ, những vỏ chai nhựa, túi nilon, vải bạt đã sử dụng được tái chế để tạo thành những đồ dùng hữu ích trong cuộc sống như: Túi xách, giỏ, rổ, rá, mẹt, quẩy tấu.

Lãnh đạo huyện Quang Bình trao giải Nhất cho đội thi của Hội Phụ nữ xã Bản Rịa
Lãnh đạo huyện Quang Bình trao giải Nhất cho đội thi của Hội Phụ nữ xã Bản Rịa

Bên cạnh việc sáng tạo ra các sản phẩm từ rác tái chế, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện còn duy trì nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực trong hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường như: Tổ phụ nữ thu gom rác thải; tổ phụ nữ xách làn, quẩy tấu đi chợ; tổ phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Từ đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và người dân thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức trao 1 giải nhất cho đội thi của Hội Phụ nữ xã Bản Rịa, trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 9 giải Khuyến khích và giải cho các sản phẩm có thiết kế đẹp, ấn tượng.

Lục Nam(Bắc Giang): Tái diễn tình trạng đổ rác thải gây ô nhiễm môi trường

Rac thải, môi trường, ô nhiễm, xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang, thôn Dùm
Mặc dù có biển thông báo đóng cửa nhưng nhiều người vẫn đổ rác tại bãi rác thôn Dùm.

Theo phản ánh của người dân, dù xã Nghĩa Phương đã có biển cấm từ tháng 8/2022 nhưng hiện hằng ngày nhiều người vẫn đổ chất thải sinh hoạt ra bãi rác thải của xã này, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân gần đó.

Ông Vũ Ngọc Thị, chủ cơ sở chế biến gỗ Ngọc Thị, thôn Dùm cho biết, do rác thải đổ tràn lan, lại không được chính quyền và đơn vị chức năng xử lý nên mùi xú uế bốc lên gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất của gia đình. Cứ mỗi tuần 2 lần ông Thị lại phải cho máy múc và nhân công ra đốt, chôn lấp rác thải tại đây.

Tuy nhiên, một mình gia đình ông không thể tự xử lý được, trong khi mỗi ngày có hàng tấn rác thải được người dân mang đến đây vứt bừa bãi, tràn ra cả lối vào xưởng chế biến gỗ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết, xã đã “đóng cửa” bãi rác thôn Dùm từ tháng 8/2022. Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý thôn Dùm hợp đồng với đơn vị thu gom để vận chuyển rác thải của thôn Dùm đi xử lý. Việc vẫn còn một số hộ đổ trộm rác tại thôn Dùm chính quyền địa phương sẽ cử lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường Lục Nam thông tin, quan điểm của huyện là xóa bỏ bãi rác thải của xã Nghĩa Phương tại thôn Dùm. Huyện đã chỉ đạo xã Nghĩa Phương hợp đồng với đơn vị thu gom để vận chuyển rác thải sinh hoạt của xã này đến các điểm xử lý rác thải tập trung của Lục Nam để tiêu hủy.

Rac thải, môi trường, ô nhiễm, xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang, thôn Dùm
Bãi rác thải thôn Dùm nằm cạnh đường tỉnh 293.

Tháng 7/2022, Báo Bắc Giang phản ánh tình trạng bãi rác thải sinh hoạt thôn Dùm gây ô nhiễm nặng, rác tràn ra sát đường tỉnh 293 nguy cơ gây mất an toàn giao thông và làm xấu cảnh quan môi trường.

Sau khi Báo nêu, chính quyền địa phương đã cử cán bộ kiểm tra và cho lực lượng chức năng dọn dẹp. Đồng thời “đóng cửa” bãi rác này. Tuy nhiên, đến nay tình trạng xả rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan lại tiếp tục diễn ra khiến các hộ sống xung quanh bức xúc.

Bắc Ninh: Ngăn chặn ô nhiễm môi trường không khí tại làng giấy Phong Khê

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận phản ánh tình trạng xả khói ra môi trường lại tái diễn, đòi hỏi tiếp tục siết chặt các biện pháp xử lý nghiêm minh hơn nữa để môi trường làng nghề giấy Phong Khê không còn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.

Ngăn chặn ô nhiễm môi trường không khí tại làng giấy Phong Khê
Nguyên liệu gỗ vụn dùng đốt hơi thương phẩm tại một cơ sở sản xuất giấy Phong Khê.

Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 3-11-2022 về việc thành lập 2 Đoàn kiểm tra đột xuất để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn điện và quản lý, vận hành lò hơi của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường.

Kết quả kiểm tra cho thấy, 48 cơ sở còn nồi hơi, trong đó, 28 cơ sở bán hơi thương phẩm; 4 cơ sở sản xuất giấy và bán hơi thương phẩm; 16 cơ sở chỉ phục vụ hơi cho sản xuất của mình. Các cơ sở sử dụng vỏ cây, gỗ vụn, sinh khối làm nhiên liệu đốt nồi hơi. Quá trình kiểm tra không phát hiện việc sử dụng các loại chất thải sinh hoạt hoặc công nghiệp thông thường, nguy hại để làm nhiên liệu đốt. Tất cả các cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý bụi, khí thải và tuần hoàn nước thải trong quá trình hoạt động của nồi hơi. Có 6/48 cơ sở có đầy đủ hồ sơ pháp lý về môi trường và đầu tư công trình xử lý khí thải, còn lại 42/48 cơ sở chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về môi trường như không có giấy phép môi trường, không lập, không gửi báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm theo quy định. Quá trình vận hành lò hơi, các cơ sở không thực hiện khai báo với cơ quan quản lý nhà nước để theo dõi và quản lý theo quy định; một số cơ sở không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn nồi hơi, hoặc đã quá hạn giấy chứng nhận kiểm định an toàn nồi hơi chưa thực hiện kiểm định lại.

Trước thực tế đó, các Đoàn kiểm tra lập biên bản các trường hợp không đủ điều kiện hoạt động, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng. Một thực tế đang tồn tại ở làng giấy Phong Khê chính là hầu hết các cơ sở bán hơi thương phẩm không có hồ sơ, thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường, cũng do các các cơ sở nằm trong khu dân cư, sản xuất trên diện tích đất ở, đất nông nghiệp phải dừng sản xuất trước ngày 31-12-2024 theo đúng cam kết với tỉnh nên không thể hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính theo đúng quy định. Đối với hành vi vi phạm hiện nay của các cơ sở, ngoài xử phạt hành chính về tiền còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải từ 3 tháng đến 6 tháng, ngừng cấp điện đối với các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động...

Việc đình hoạt động của các cơ sở sản xuất hơi cũng đồng nghĩa với dừng hoạt động sản xuất của hầu hết các cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn phường Phong Khê (do các cơ sở đang mua hơi thương phẩm). Đây là biện pháp tiên quyết để các cơ sở sản xuất, bán hơi thương phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm không khí tại đây.

Hiện trạng hoạt động sản xuất của các cơ sở trên địa bàn phường Phong Khê còn rất nhiều tồn tại trong công tác quản lý nhà nước. Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030” với lộ trình dừng hoạt động sản xuất đối với các cơ sở sử dụng đất sai mục đích, buộc phải di dời đến hết năm 2029 và dừng hoạt động sản xuất đối với các cơ sở trong CCN Phong Khê I, Phong Khê II đến hết năm 2029, sẽ giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải hiện nay.

Trước mắt, TP Bắc Ninh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan siết chặt công tác quản lý, cấp giấy phép môi trường đối với các cơ sở sản xuất hơi thương phẩm; tăng cường công tác trinh sát, phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở xả nước thải, khí thải ra ngoài môi trường; rà soát, kiên quyết xử lý các cơ sở không có hợp đồng mua bán điện, tự ý đấu nối, sử dụng nguồn điện sai quy định để sản xuất kinh doanh… bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững song hành cùng sản xuất.

Hội LHPN Thừa Thiên Huế nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa

Sáng 21/9, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Dự án Huế - đô thị giảm nhựa ở miền Trung (TVA/WWF ) Việt Nam tổ chức hội thảo vận động, xây dựng phố đi bộ Hai Bà Trưng là tuyến phố du lịch giảm thiểu rác thải nhựa.

tm-img-alt
Hội LHPN phường Vĩnh Ninh trình bày tiểu phẩm về hạn chế sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu xây dựng được kế hoạch quản lý chất thải rắn tổng hợp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và huy động sự tham gia của các bên liên quan; giảm lượng rác thải nhựa phát sinh; giảm thất thoát rác thải nhựa từ quá trình thu gom và vận chuyển; tăng tỷ lệ thu hồi rác thải nhựa; cải thiện việc xử lý và thải bỏ chất thải rắn.

Hội thảo cũng nêu ra các lợi ích để người dân, những hộ kinh doanh, người tiêu dùng biết được những mặt lợi của việc quản lý rác thải tại nguồn và giảm sử dụng đồ nhựa dung một lần như: Tiết kiệm chi phí, không phải mua những sản phẩm không cần thiết (rồi vứt bỏ sau một lần sử dụng); vận hành hiệu quả hơn, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xây dựng văn hóa doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh do đón đầu xu hướng; tạo dựng thương hiệu bền vững trong lòng khách hàng; tạo nên hình ảnh, thương hiệu riêng của địa phương nói chung và tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hồng Thanh khẳng định: Công tác bảo vệ môi trường đã trở thành chương trình hành động của toàn cầu. Hội phụ nữ các cấp đã xây dựng, thực hiện nhiều mô hình để bảo vệ môi trường như: Phân loại rác tại nguồn, ngôi nhà xanh, 5 không 3 sạch, một hố rác một cây xanh … Từ những mô hình đó, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi hội viên đã dần thay đổi. Mỗi phụ nữ là một tuyên truyền viên, kêu goi mọi người nhất là thành viên trong gia đình chung tay bảo vệ môi trường, giảm thải rác thải nhựa.

Khánh Hoà: Kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại TP. Nha Trang

Ngày 21/9, Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) tỉnh đã kiểm tra, hướng dẫn công tác chống khai thác IUU tại TP Nha Trang.

Quanh cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra với UBND TP. Nha Trang
Quanh cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra với UBND TP. Nha Trang

TP. Nha Trang là địa bàn trọng điểm về nghề cá của tỉnh, với 1.443 tàu cá, trong đó có 521 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác hải sản ở vùng biển xa. Thời gian qua, địa phương đã tích cực triển khai các chỉ đạo của cấp trên về chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hiện địa phương vẫn còn 2 tàu cá có chiều dài 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 3 tàu chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản; 11 tàu có chiều dài từ 15m trở lên chưa chưa thực hiện thủ tục cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có 201 tàu cá ngừng kết nối dịch vụ giám sát hành tình tàu cá, có 62 tàu chưa xác định nơi thường cập cảng, đầu năm nay có 1 trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ…

Đoàn kiểm tra và UBND TP. Nha Trang đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề khó khăn vướng mắc của địa phương trong công tác quản lý, giám sát đội tàu cá. Đoàn cũng đã đề nghị địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU, địa phương cần phối hợp tốt với các cơ quan chức năng như: lực lượng Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về triển khai các biện pháp mạnh chống khai thác IUU, nhất là giám sát đội tàu của địa phương. Bên cạnh đó cần chuẩn bị tốt các nội dung đón và làm việc với đoàn thanh tra châu Âu lần thứ 4, dự kiến vào tháng 10 tới.

Công an tỉnh Bình Phước tập huấn về bảo vệ môi trường

Sáng 21/9, Công an tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa trong công tác bảo vệ môi trường năm 2023.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Báo Bình Phước

Tại hội nghị, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các phòng, trại, cơ quan và công an các huyện, thị xã, thành phố đã được truyền đạt quy định cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Trong đó nhấn mạnh và trao đổi sâu về hai chuyên đề “Tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lon” và “An toàn vệ sinh thực phẩm”.

Việc tập huấn, tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa trong công tác bảo vệ môi trường năm 2023 nằm trong kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2022-2026 của Công an tỉnh Bình Phước nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an trong công tác tham mưu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng công an trong tỉnh.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 21/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.